Khả năng suy luận

Attention: open in a new window. | Print | E-mail


Tác gi: Annetta Miller, familyfun.go.com
Dịch thuật: Nguyễn Tường Anh

Nguyễn Tường Anh, Thạc Sĩ Ngôn Ngữ Trị Liệu, ConCủaMẹ.com 

 

Khó khăn trong khả năng suy luận là hình thức thường thấy nhất trong phổ khuyết tật học tập. Các em học sinh có vấn đề về trí suy luận sẽ khó khăn trong bất kỳ một lãnh vực nào liệt kê sau đây, hoặc khó khăn trong hơn một lãnh vực: 

 

  • Thông hiểu. Trẻ có khuyết tật ngôn ngữ có khuynh hướng mang them khó khăn về hiểu những cuộc chuyện trò và mệnh lệnh, đặc biệt khi bị chia trí trong những căn phòng ồn ào.
  • Nghe chữ chính xác. Trẻ có thể gặp khó khăn trong khả năng nghe âm của chữ (khả năng ghép vần), và trong văn phạm cũng như trình tự chữ. Thí dụ, các em có thể không phân biệt được sự khác biệt trong mệnh đề “blocking the punch” hay “punching the block.” (1)
  • Nhớ những mệnh lệnh nghe bằng lời: Trong khi có thể thực hiện những mệnh lệnh đơn giản (“mang cho tôi quả banh xanh”), nỗi khó khăn xuất hiện khi mà ngôn ngữ của mệnh lệnh tăng độ phức tạp. (“Bỏ quả banh xanh vào lại phòng của con rồi đi rửa tay; vào bếp tìm chỗ mà ngồi”).
  • Diễn tả mình một cách thích đáng. Ngay cả những trẻ hiểu và có thể dùng chữ chính xác cũng có thể gặp khó khăn lớn để tìm ra chữ chúng muốn sử dụng. Rối loạn như thế được gọi là khả năng tìm chữ, có thể biểu hiện qua nhiều cách. Có thể trẻ sợ quá mà thành yên lặng vì không thể diễn tả mình, có thể trẻ lại dùng lượng chữ quá lớn để diễn tả. Một em có thể diễn tả chuyện mình thích con căng gu ru nhồi bông của chị khi nói: “Làm ơn, à… à… con có thể mượn cái con long xù màu nân mà nó nhẩy nhẩy, và à… à… có cái túi trước ngực không?”

 

Rối loạn trí suy luận không bỗng dưng mà xuất hiện ở những năm đầu tiểu học; chúng thường là sự tiếp nối của rối loạn ngôn ngữ của tuổi thơ. Trẻ em có khó khăn về khả năng phân biệt âm ngữ từ nhỏ có thể gặp khó khăn về đọc và chính tả khi vào tuổi đi học.

 

Lisa Strick và Corinne Smith, đồng tác giả cuốn Hướng Dẫn cho Phụ Huynh về Khuyết Tật Học Tập, đưa ra bảng dò để bậc cha mẹ có thể xác định xem con mình có khiếm khuyết ngôn ngữ không. Rất bình thường nều các em biểu tỏ một vài thái độ trong danh sách này, nhưng chuỗi biểu hiện bất biến có thể là dấu chỉ của khuyết tật ngôn ngữ.

  • chậm nói
  • không lên xuống giọng một cách thích hợp; giọng nói đều đều hay quá lớn
  • có khó khăn gọi tên đồ vật hay con người
  • dùng ngôn ngữ không chính xác, lờ mờ; vốn từ ít
  • tiếng nói chậm, ngắt quảng; dùng nhiều tiếng ậm ừ
  • văn phạm yếu
  • thường xuyên phát âm sai chữ
  • nhầm lẫn những chữ tương tự (như frustrate và fluctuate) (2)
  • hay dùng tay và cử điệu để phụ diễn tả những gì muốn nói
  • tránh nói chuyện (đặc biệt trước người lạ, người có uy, hay một nhóm người)
  • không nhậy cảm với vần điệu
  • rất ít thích sách, truyện
  • không trả lời một cách thích ứng (trả lời “thứ Hai” khi được hỏi “con đi học trường nào?”)
  • thường không hiểu và không nhớ những bài giảng hay hướng dẫn

 

Không có phương cách đơn thuần nào để thẩm định rối loạn trí suy luận, theo như bà Mona Thomas, phát ngôn viên Hiệp Hội Tiếng Nói – Ngôn Ngữ - Thính Giác Hoa Kỳ tại Rockville, Maryland. Phần thẩm định có thể là chính thức hay không chính thức, và có thể gồm nhiều loại bài khám đã được phổ thông hóa, trực tiếp quan sát trẻ chơi và giao tế với người chăm sóc; báo cáo của cha mẹ, giáo viên, y sĩ; và tổng hợp những phân tích chi tiết của mẫu ngôn ngữ. Có thể cần có nhiều lần khám cũng như tiếp tục khám để thu thập đầy đủ chi tiết hầu đưa ra chẩn bệnh chính xác.

 

Trẻ em đã được chẩn có khó khăn về trí suy luận thường là cần đến ngôn ngữ trị liệu. Ngày nay các chuyên viên tin rằng khi chậm phát triển ngôn ngữ được nghi vấn, trị liệu nên bắt đầu ngay khi có thể. Trong một số trường hợp, trẻ không bám đựơc chuẩn phát triển, phần trị liệu nên được bắt đầu từ khi trẻ học nói.

 

Hiệp Hội Tiếng Nói – Ngôn Ngữ - Thính Giác Hoa Kỳ đề nghị phụ huynh hỏi những câu sau đây khi tìm chuyên viên ngôn ngữ trị liệu cho con mình:

  • Họ có bằng hành nghề không?
  • Họ làm việc với nhóm tuổi nào?
  • Họ làm việc chủ yếu với nhóm trẻ có rối loạn nào?
  • Khi con tôi đã được khám thẩm định, con tôi có phải chờ đợi để được chữa trị không? Nếu có, chờ bao lâu?
  • Con tôi có cần được ai giới thiệu đến chữa không?
  • Lệ phí thế nào?
  • Bảo hiểm của tôi có chi trả cho phần thẩm định, hay một phần chữa trị không?

 

Chú thích của người dịch:

  1. Trẻ nghe nhập nhòa theo kiểu râu ông nọ cắm cằm bà kia: “Bé ngồi lòng bà” và “Bà ngồi lòng bé.”
  2.  Nhầm lẫn những chữ tương tự trong tiếng Việt có thể là nhầm giữa bột/cột, công chính/ông lính, chính tả/dịch tả…

ConCuaMe/Cùng Nhau Vượt Khó cũng đề nghị phụ huynh hỏi về những cách để cập nhật trình độ của trẻ (hầu có thể điều chỉnh phương cách chữa trị cho thích hợp), cách đo lường tiến bộ của trẻ (để bảo đảm là phương cách chữa trị đang sử dụng mang lại hiệu quả), cách hỗ trợ để các thành viên trong gia đình (ông bà cô chú…) hay cộng đồng (thầy cô, bạn bè…) hiểu và cùng hỗ trợ trẻ.

 

ConCuaMe.com