Bé cà lăm? Giúp bé thế nào?

Attention: open in a new window. | Print | E-mail

Nguyễn Tường Anh, Thạc Sĩ Ngôn Ngữ Trị Liệu, ConCủaMẹ.com 

 

Bé Có Cà Lăm Không?

Ở độ mới biết nói đến khoảng 6 tuổi, có vẻ như rất nhiều bé cà lăm. Khoa Rối Loạn về TiếngNói và Ngôn Ngữ sử dụng hai cụm từ: cà lăm bình thường và cà lăm bất thường. Cà lăm bình thường là khi bé lập lại chữ hay sửa lại chữ để có một câu hoàn chỉnh vì tư tưởng của bé chạy nhanh hơn lời nói. Việc phân biệt hai loại cà lăm nói trên hoàn toàn không đơn giản, và chỉ các chuyên viên ngôn ngữ trị liệu có thể phân biệt. Điều quan trọng là bệnh cà lăm lại cần được chữa trị sớm.

 

Bình thường Bất thường
Lập lại động từ hay túc từ Lập lại chủ từ hay phần đầu câu nói
Lập lại cả chữ Lập lại âm đầu của chữ
Giọng nói bình thường Giọng nói có vẻ khó khăn như bé phải “rặn”
Mặt bình thường Mắt bé nháy, nhắm, đầu bé lắc những khi cà lăm
Chân tay bình thường Chân tay bé vẫy, lắc, dậm khi cà lăm
Bé vẫn thích nói Bé bắt đầu ngại nói khi nhận biết người khác để ý

 

 

Làm Gì Để Hỗ Trợ Bé Nếu Bé Cà Lăm Thật?

Cà lăm bất thường là rối loạn mà các chuyên viên ngôn ngữ trị liệu tin rằng không thể chữa khỏi. Những gì các chuyên viên trị liệu ngôn ngữ thực hiện là giúp người cà lăm đón bắt trước những thời điểm họ cà lăm, và sử dụng các kỹ năng để giảm bớt độ cà lăm.

Là cha mẹ, quý vị có thể:

  1. Nhắc chữ cho bé, nhưng không quá vội vàng.
  2. Giúp bé những kỹ năng để giảm cà lăm.
  3. Tỏ ra thông cảm và chấp nhận bé.
  4. Báo trước với người mà bé sẽ gặp gỡ về khó khăn của bé, và mời họ đừng tỏ ra sốt ruột, khó chịu.
  5. Nói chuyện với bé bằng âm giọng từ tốn, bình tĩnh.
  6. Không ngắt lời khi nói với bé hay chung quanh bé.
  7. Khuyến khích bé tập những kỹ năng để giảm cà lăm. Cùng lúc, tỏ lòng yêu thương và chấp nhận dù bé tiến bộ hay không.

 

Những Kỹ Năng Để Giảm Cà Lăm

  • Nếu bé lập lại âm đầu của chữ, hay lập lại chữ, hãy nhắc chữ cho bé. Đừng quá vội khi nhắc vì sẽ làm cho bé bối rối. Càng bối rối, bé càng cà lăm nhiều.
  • Dậy bé dừng lại, và bắt đầu từ đầu sau khi đã hít thở sâu, nghĩ kỹ để sắp xếp câu.
  • Dậy bé nối chữ. Hãy để ý xem bé thường lập lại những âm nào. Sau đó dậy bé nói từ âm đầu sang âm sau trong tốc độ chậm. Hãy tập cho bé ở cấp độ chữ. Đừng vội ghép vào câu dài.
  • Dậy bé để ý tay chân, mắt mũi, cử chỉ của bé. Cho bé soi gương và tập nói mà không nháy mắt, lắc đầu, vẫy tay, dậm chân.
  • Nếu bé quá cố gắng khi “rặn” ra chữ, hay bé phát âm thật mạnh chữ đầu trong câu, hãy dậy bé hít sâu rồi nói khi thở ra để chữ nhẹ hơn, bớt cố gắng hơn. Để làm mẫu, sử dụng những chữ bắt đầu bằng mẫu tự “h” vì đây là mẫu tự mà chúng ta thở ra khi nói.
  • Giúp bé bớt hồi hộp, lo âu, hay bối rối. Giúp bé tránh những tình huống ấy bằng cách giải thích, mô tả trước những tình huống cho bé. Tập cho bé những gì cần nói trước ở nhà.
ConCuaMe.com