Nghệ thuật dạy trẻ Asperger

Attention: open in a new window. | Print | E-mail


Susan Moreno và Carol O’Neal

MAAP Services, Inc (More Able Autistic Persons)

P.O. Box 524

Crown Point, Indiana 46307

Courtesy of South Bay Autism Services, San Jose, California

___________________________________________________

  1. Những người mang hội chứng tự kỷ gặp khó khăn về khả năng sắp xếp, không kể đến trí thông minh hay tuổi tác. Ngay cả một học sinh tự kỷ học xuất sắc, có trí nhớ hình ảnh tuyệt vời, vẫn có thể không nhớ mang theo bút khi đi học, không nhớ thời hạn nộp bài. Trong những trường hợp ấy, các phương pháp hỗ trợ nên được thực hiện trong môi trường ít giới hạn nhất. Các giải pháp có thể có việc học sinh này dán hình cây bút trên bìa sách hoặc giữ danh sách bài làm phải nộp. Khi em nhớ những việc mà trước kia em thường xuyên quên, hãy khen em. Đừng coi thường hay rầy rà khi em thất bại. Thái độ lên lớp chẳng những không hiệu quả mà còn làm vấn đề tệ hơn. Em học sinh ấy có thể bắt đầu tin rằng em không thể nhớ nổi phải làm gì, mang gì.
  2. Những học sinh này có bàn học ngăn nắp nhất hoặc bề bộn nhất. Em nào bề bộn sẽ cần hỗ trợ để thường xuyên dọn dẹp hầu có thể tìm ra đồ đạc khi cần. Đơn giản, hãy nhớ rằng đối với em, bề bộn không phải là chọn lựa có ý thức. Em rất có thể không hề có khả năng sắp xếp gọn gàng nếu không được huấn luyện. Quá trình huấn luyện cho em khả năng sắp xếp nên có nhiều bước nhỏ.

  3. Những người mang hội chứng tự kỷ gặp khó khăn với lối nghĩ trừu tượng. Một số em có thể dần dà học được khả năng suy nghĩ trừu tượng, nhưng có những em chẳng bao giờ học được. Khi cần sử dụng ý niệm trừu tượng, hãy vận dụng hình ảnh như hình vẽ, chữ viết, để bổ sung cho ý niệm ấy. Tránh hỏi những câu mù mờ như “Tại sao em lại làm thế?” Thay vào đó, hãy hỏi “Cô không thích khi em dộng sách xuống bàn lúc cô nhắc em phải ra ngoài học thể dục. Lần sau, xin em để sách nhẹ nhàng và nói cho cô biết rằng em thấy bực bội. Có phải em làm thế để cô biết rằng em không muốn tập thể dục, hay em không muốn ngưng đọc sách?” Tránh hỏi những câu hỏi kiểu luận văn. Hãy thật rõ ràng khi giao tiếp với các em.

  4. Khi hành vi cư xử không thích hợp (hoặc hành vi lạ) có vẻ gia tăng, có thể mức áp lực cũng đã gia tăng. Đôi khi áp lực đến khi em học sinh ấy thấy mất kiểm soát. Rất nhiều khi áp lực chỉ giảm khi em tránh khỏi tình thế hay sự kiện gây áp lực. Nếu tình trạng này xảy ra, hãy sắp xếp để hỗ trợ em ở lại hay trở lại với tình thế gây áp lực. Một “nơi an toàn” hay “người an toàn” có thể rất tiện dụng.

  5. Đừng thấy những hành vi cư xử bất xứng của em như đụng chạm cá nhân bạn. Những em tự kỷ có khả năng cao không phải những kẻ mưu mô, biết áp đảo người khác - những kẻ vẫn làm cho đời sống thành khó khăn hơn. Rất ít khi, hoặc không bao giờ, các em có khả năng áp đảo người khác. Thường ra, những hành vi bất xứng là hậu quả khi các em cố gắng vượt qua chuyện gì đó thật lẫn lộn, mù mờ và đáng sợ. Các em chỉ chú ý đến chính mình, theo đúng tên tự kỷ của loại rối loạn nơi các em. Phần lớn các em chẳng đọc được phản ứng của người khác.

  6. Đa số những em tự kỷ có khả năng cao sử dụng và diễn dịch ngôn ngữ theo nghĩa đen. Trước khi biết rõ khả năng của các em, nên tránh:
    • dùng thành ngữ (“đừng đội đá vá trời,” “khôn như rận,”)
    • dùng lối nói nghĩa bóng (những câu truyện đùa đa nghĩa)
    • nói móc (“Rồi, Phát giỏi quá. Phát giúp cô đổ hết mực lên bàn rồi.”)
    • tên ở nhà, tên hiệu
    • tên gọi thân mật (bạn thân, học trò ngoan, người gương mẫu)

  7. Nhớ rằng những phản ứng trên mặt hay những dấu chỉ xã hội có thể không hiệu quả. Phần lớn các em không hiểu được phản ứng trên mặt người khác (nhíu mày, lườm, bĩu môi), cùng không diễn giải được những biểu hiện tay chân, cơ thể (nhún vai, quay mặt vì chán…)

  8. Nếu em có vẻ không học được một khả năng nào đó, hãy tách bài học ấy  làm nhiều bước nhỏ hoặc giải thích lại bằng nhiều cách khác (hình ảnh, lời nói, hành động)

  9. Tránh nói quá nhiều. Hãy nói rõ. Dùng câu ngắn nếu bạn thấy em học sinh ấy không hoàn toàn hiểu bạn. Dù em không hề có vấn đề với khả năng thính thị, dù em đang hoàn toàn chú ý nghe, em có thể khộng nắm bắt điểm chính trong phần trình bày của em, cũng như không thể đoán chi tiết nào là quan trọng.

  10. Chuẩn bị cho học sinh khi có gì thay đổi trong môi trường hay thói lệ của lớp, thí dụ đi sinh hoạt toàn trường, có thầy cô dậy thế, thời khóa biểu thay đổi. Hãy dùng thời khóa biểu bằng chữ viết hay hình ảnh để chuẩn bị em trước khi những thay đổi đó xảy ra. 

  11. Điều chỉnh hành vi thường đem lại hiệu quả, nhưng nếu sử dụng không đúng cách, bạn có thể khiến em học sinh ấy trở thành hành xử máy móc, hoặc em chỉ thay đổi như thế trong một thời đoạn ngắn, và cũng có thể làm cho em thành tệ hơn trước. Hãy dùng các phương cách điều chỉnh hành vi thích hợp với tuổi của các em, và tích cực.

  12. Phương pháp chữa trị và những mong đợi nên được thống nhất bởi mọi người quanh em.

  13. Hãy nhớ rằng độ bình thường của những thông tin cung cấp bằng lời nói hay hình ảnh đều có thể trở nên ít quá hay nhiều quá đối với các em. Thí dụ, tiếng le xe của đèn nê ông có thể  làm các em vô cùng chia trí. Hãy nghĩ đến việc thay đổi môi trường của lớp như bỏ đi những tranh ảnh của phòng, hoặc đổi chỗ  ngồi nếu em học sinh ấy có vẻ chia trí hay bực bội vì khung cảnh lớp học.

  14. Nếu học sinh tự kỷ có khả năng cao hay lập lại liên tục những câu tranh luận hoặc câu hỏi, bạn cần can thiệp nếu thấy những câu hỏi, lời nói ấy có nguy cơ trở thành thói lập lại. Việc tiếp tục tranh cãi ít khi khiến các em bỏ đi thái độ lập lại này. Chủ đề của cuộc tranh cãi không hẳn đã là lý do vì sao em bực tức. Thường hơn, em đang cố gắng bày tỏ cảm giác mất kiểm soát hoặc không chắc chắn về một sự kiện hay nhân vật nào đó chung quanh em.

  15. Hãy yêu cầu em viết những câu tranh luận hay câu hỏi xuống giấy, rồi bạn viết câu trả lời của bạn. Việc này thường giúp em bình tâm lại và ngưng những thái độ lập lại kia. Nếu không thấy hiệu quả, yêu cầu chính em viết những lý giải cho lập luận của em. Việc làm này sẽ giúp thu hút tầm chú ý của em ra khỏi tình thế cãi cọ, và có thể dậy em phương cách thích hợp hơn để diễn tả sự giận dữ hay lo âu. Một cách khác là chơi đóng vai tranh luận hay chất vấn, trong đó bạn đóng vai của em, và em đóng vai của bạn.

  16. Vì những cá nhân này gặp nhiều khó khăn khác nhau trong giao tế, đừng chủ quan khi giao cho các em nhiệm vụ thông báo với phụ huynh những tin tức quan trọng của trường như hội hè, bài vở, quy luật, vân vân. Tuy nhiên,  bạn có thể làm thế vì muốn thử nghiệm: giao trách nhiệm ấy cho học  sinh nhưng vẫn liên lạc với phụ huynh để đo xem khả năng của các em thế nào. Việc gửi giấy để nói điều gì đó với phụ huynh lắm khi trở thành bất khả thi. Các em có thể không nhớ để đưa giấy cho cha mẹ, hoặc đã làm mất giấy trước khi về đến nhà. Gọi điện thoại thẳng cho phụ huynh có hiệu quả hơn cho đến khi các em thành thạo khả năng này. Việc giữ liên lạc thường xuyên và chính xác giữa phụ huynh và giáo viên là tối quan trọng.

  17. Nếu lớp của bạn có hoạt động như học sinh chọn nhóm để làm bài, hãy cho các em chọn nhau theo số hoặc cách nào đó mang tính bất kỳ. Bạn cũng có thể hỏi trước một học sinh tử tế xem em có vui long chọn một bạn tự kỷ có khả năng cao làm bạn nhóm không. Thường ra, em học sinh tự kỷ có khả năng cao hay bị bỏ rơi không ai chọn. Dĩ nhiên đây là điều đáng tiếc vì các em này rất thông minh và có thể đóng góp nhiều cho nhóm.

  18. Đừng giả sử bất kỳ điều gì khi khám thẩm định. Thí dụ, một cá nhân tự kỷ có thể là “thần đồng toán học” trong môn đại số, nhưng không thể biết mình sẽ nhận lại bao nhiêu tiền khi đi mua món hàng giá chẳng bao nhiêu. Hoặc, em có trí nhớ phi thường về cuốn sách đã đọc, về bài diễn văn đã nghe, về những thong tin thể thao, nhưng lại chẳng nhớ mang bút khi đi học. Các khả năng không đồng đều là một trong những dấu chỉ của tự kỷ.

 

*****************************HÃY TÍCH CỰC************************************

*****************************HÃY SÁNG TẠO************************************

*****************************HÃY UYỂN CHUYỂN********************************

 ConCuaMe.com