Hành vi = Ngôn ngữ khởi đầu

Attention: open in a new window.  E-mail

 

Hành vi: Ngôn ngữ khởi đầu của một số trẻ Tự kỷ

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Tú năm nay 3 tuổi, ngôn ngữ phát triển chậm so với chuẩn. Tuy biết các từ đơn, bé không biết cách diễn tả cái mình muốn. Cha mẹ than phiền rằng bé sẽ nằm lăn ra đất ăn vạ mỗi lần gia đình đi siêu thị.

 

Bình năm nay 7 tuổi, không có  ngôn ngữ nói. Bé cũng nằm lăn ra đất ăn vạ mỗi khi gia đình ra ngoài chơi hay tới thăm ông bà, bạn bè.

 

Cha mẹ Tú và Bình không biết phải làm sao để kiểm soát hành vi của các em, vì vậy họ không thể dạy các em được gì cả. Họ than phiền hành vi đang là cản trở lớn cho việc học hành, hòa nhập của con mình. “Xin anh giúp sao cho con tôi có ngôn ngữ”.

 

Thật ra thì Tú và Bình đang có ngôn ngữ đấy chứ! Hành vi của các em chính là kênh ngôn ngữ. Vì cha mẹ thày cô giáo không hiểu được ngôn ngữ đó, các em mới bùng nổ. Vì chúng ta không hiểu được ngôn ngữ đó, hành vi các em ngày càng trầm trọng. Nó giống như chúng ta nói mà không ai nghe thì chúng ta phải nói to hơn, thậm chí phải hét lên. Đó chẳng phải là hành vi của chúng ta trong lúc gây lộn hay sao?

 

Trước khi bước vào chương trình can thiệp, bạn phải hiểu được cái “ngôn ngữ bằng hành vi” của con mình. Chỉ khi nào bạn hiểu rồi thì bạn mới có thể ra kế hoạch giảm hành vi tiêu cực và tăng các hành vi tích cực. Khi bé nằm lăn ra đất, bé đang muốn nói điều gì với chúng ta? Việc này không đơn giản là bé “hư”.

 

Giả sử ngày mai bạn đi công tác xa nhà 3 tháng, và hôm nay là ngày chót để bạn chơi với bé. Bạn sẽ làm gì? Bạn sẽ vất tất cả bài học qua một bên, vất các lời khuyên, các mẹo vặt can thiệp qua một bên, và bạn chỉ tập trung chơi với con. Không đòi hỏi con phải làm gì, thỏa mãn các yêu cầu, và luôn theo sát để coi xem bé muốn gì. Tôi tin rằng đó sẽ là 1 ngày hạnh phúc cho bé, vì bé nhìn ra mẹ mình là người đang cung cấp, thỏa mãn các nhu cầu của mình chứ không phải là người đưa ra các đòi hỏi bắt mình tuân theo.

 

Một chương trình can thiệp phải được bắt đầu như vậy, nhưng nó không nên kéo dài như thế. Vậy thì công thức đầu tiên chúng ta có được là gì?

 

Hiểu ngôn ngữ hành vi của trẻ + Thỏa mãn các nhu cầu = Cô giáo là bạn


Không hiểu ngôn ngữ hành vi + Không thỏa mãn nhu cầu = Cô giáo không phải là bạn


Không hiểu ngôn ngữ hành vi + Không thỏa mãn nhu cầu + Bắt bé hợp tác  = Cô giáo là địch

 

Không hiểu được ngôn ngữ hành vi của trẻ, các can thiệp sẽ không hiệu quả và thậm chí còn làm tình hình tệ đi. Ví dụ một bé đạp chân liên tục vào tường có thể do các lý do sau:

 

 

  1. Bé muốn gì đó mà không lấy được
  2. Bé muốn gì đó mà không diễn tả được
  3. Bé muốn trốn tránh một công việc, ngữ cảnh nào đó
  4. Bé muốn làm chậm lại, câu giờ … một công việc nào đó
  5. Có thể là sensory stimulation, chưa chắc là hành vi

 

Tùy vào lý do nào ở trên mà cách can thiệp sẽ khác đi. Nếu bé đạp chân để muốn tránh giờ học và bạn phạt bé quay mặt vào tường 3 phút thì đó là khuyến khích chứ không phải phạt. Lần tới bé sẽ làm tiếp để được giải lao 3 phút, không phải ngồi học bài tô màu của mẹ. Còn nếu bé đạp chân vào tường vì sensory stimulation thì đây không phải là hành vi, cho nên bạn có phạt đến đâu cũng vô tác dụng, chỉ làm cho bé hoang mang hơn.

 

Để phân tích một hành vi nào đó và để hiểu ý nghĩ truyền thông của hành vi đó, các chuyên gia hành vi dùng phân tích dạng SABCF như sau:

 

S là scenario, setting, tức là ngữ cảnh

A là antecedent, tức là cái gì xảy ra trước hành vi đó

B là behavior, tức là mô tả hành vi đó

C là consequence, tức là ai làm gì khi hành vi đó xảy ra

F là function, tức là hiểu mục đích truyền thông của hành vi đó

 

Mời các bạn coi một mẫu phân tích hành vi đang sử dụng tại Trường Ban Mai

 

Ngày giờ:  12 tháng 3, 2012, 11:30 am

Ngữ cảnh: Giờ ăn trưa

Antecedent: Bé K thấy hộp sữa, bé muốn uống sữa

Behavior: Bé K lăn ra nhà khóc

Consequence: Cô đưa sữa cho bé nhưng trì hoãn để trùng vào giờ cơm

Function: Muốn sự chú ý, mand, đòi vật cụ thể

 

 

Ngày giờ:  12 tháng 3, 2012, 12:30 pm

Ngữ cảnh: Giờ đi vệ sinh, chuẩn bị ngủ trưa

Antecedent: Cô gọi bé vào WC

Behavior: Bé K lăn ra nhà khóc

Consequence: Cô bế vào WC

Function: Muốn thoát khỏi công đoạn đi vệ sinh

 

 

Ngày giờ:  12 tháng 3, 2012, 12:40 am

Ngữ cảnh: Giờ ngủ trưa

Antecedent: Cô nằm cạnh đợi bé ngủ

Behavior: Bé K liên tục đạp chân vào tường

Consequence: Cô vờ bé, 5 phút sau bé ngủ

Function: Sensory stimulation, không phải hành vi

 

 

Trong các công đoạn phân tích trên, công đoạn C và F là quan trọng nhất. F giúp chúng ta hiểu tại sao để đưa ra C cho thích hợp. Áp dụng C một cách đúng đắn sẽ làm B giảm dần trong tương lai. Áp dụng C sai sẽ làm mất tác dụng can thiệp, làm bé stress thêm mà không có kết quả tích cực nào. Áp dụng C một cách cứng nhắc, không thay đổi cũng sẽ không mang lại kết quả tiến bộ. Nói nôm na là lúc nào cũng chiều bé thì không còn là chương trình can thiệp nữa. Một bài can thiệp bắt đầu với việc cô giáo, chuyên gia làm C, và kết thúc với việc bé tự làm công đoạn C đó.

 

Theo dõi các thảo luận tại đây.

 

Source:

Behavior intervention planning, www.truongbanmai.com

Introduction to Autism & Intervention, www.concuame.com

Verbal behavior, B.F. Skinner

 

ThS Nguyễn Phi

www.concuame.com