Phần trả lời từ chuyên viên Cùng Nhau Vượt KhóHiện bây giờ Huy đang học ở lớp có 10 bạn Tự kỷ, nhưng 10 bạn không ai giống ai (2 bạn thì kém về vận động(đi đứng rất yếu)+khó khăn về ăn uống (không nhai thức ăn), có nhận biết và nói được bạn này tên gì vv..; 1 bạn thì điếc 1 bên, chưa nói được; 1 bạn gái thì nói được nhưng nói rất tục + chứng động kinh; 1 bạn gái nói được vài từ , nhận biết được đôi chút nhưng có bệnh hay tự cười một mình; 1 bạn trai thì chỉ chậm đôi chút thôi; còn lại chưa có ngôn ngữ và có những hành vi khác nhau; phần về cô giáo thì cô rất nhiệt tình giúp các cháu, nhưng chỉ có một cô thôi (1 ngày cao lắm thì chỉ can thiệp riêng mỗi cháu chưa được 45phut, mà ở môi trường không đầy đủ tiện nghi cho trẻ vui chơi, lại hay tiếp xúc với những trẻ bệnh dow, điếc); như vậy có đáng lo không chị. còn các cô kia chuyên về ngôn ngữ; trường rất hay thay đổi giáo viên nên cũng khó cho các cháu(mỗi lần thay đổi là Huy không chịu đi học, mặc áo quần vào là khóc; cô lại không hiểu trò nên nhiều khi cô đánh bầm cả người nữa chứ
Điều đầu tiên làm tôi áy náy trong những gì chị nói trên đây là chuyện cô đánh trò bầm cả người. Tôi hy vọng chị và mọi phụ huynh sẽ phản ứng đến cùng với lối dậy dỗ này của một số giáo viên. Đánh đập chẳng mang lại lợi ích gì trong mục đích giáo dục, mà lại là hành vi chà đạp nhân phẩm của người khác cho dù "người ấy" chỉ là đứa bé ngu ngơ, khuyết tật, rối loạn, v.v..
Về lớp học, lớp nào cũng thế chị ạ, mỗi học sinh là một thế giới với những ưu điểm và khuyết điểm rất khác biệt. Tôi vẫn không nghĩ rằng vì các bạn như thế mà Huy sẽ chậm theo. Đúng là các bạn Huy không nói, nhưng cô giáo vẫn nói liên tục đấy chứ! Đó đã là mô hình ngôn ngữ cho Huy bắt chước rồi. Dù Huy có hay gặp gỡ các bạn down hay điếc, cũng tốt, vì các bạn ấy nói được. (Bên này chúng tôi "mê" được có những em down chơi đùa với trẻ TK vì các em down nói được mà lại rất tình cảm, nhưng không có bao giờ. Nhóm học sinh down có lớp riêng, và thường là ở trường khác).
Cái làm chúng ta bối rối là giờ can thiệp chỉ 45 phút, và lớp chỉ có một cô giáo. Thế lớp có phụ giáo không, và các phụ giáo có phụ giảng dậy, kèm cặp gì không hả chị? Lớp còn lại cho cháu thì lại hay thay đổi thầy cô. Chị cũng biết đấy, thay đổi là điều khó khăn. Các em nhiều khi mất đến mấy tháng mới quen với sự thay đổi, mà chưa được vài ngày thì lại thay đổi nữa.
Chị biết không, mấy ngày nay ở nhà em luôn ở bên Huy chơi với Huy, nhưng củng có lúc Huy ngồi lại làm những động tác như trẻ khiếm thính vậy (giơ tay khèo khèo vậy đấy), nói tóm lại em có cảm giác bất an khi Huy học ở môi trường này, em biết Huy không thể như các bạn khác nhưng cô Hiệu trưởng trường mầm non lúc trước đây Huy học đến thăm(cô rất mến Huy) cô nói hè cứ cho cháu học cô sẽ cho cô giáo kèm thêm, cô thấy Huy tiến bộ nhiều.
chị à,hai cô giáo học một trường ra về dạy trẻ tự kỷ(hai cô là bạn của nhau), nhưng 1 cô thì nói nên cho cháu học ở trường hòa nhập rồi cô ấy sẽ kèm thêm vì để tạo mọi điều kiện cho cháu phát huy hết khả năng của mình (cô này hiện đang làm ở bệnh viện), 1 cô thì nói cho cháu học ở trường Khuyết tật vì ở đây cô giáo chuyên môn sẽ dạy tốt hơn(cô này hiện đang dạy ở trường Huy); như vậy đấy thì em biết làm sao(hai hướng đều có lý cả).
Tôi nghĩ chị có thể chọn cho Huy đi học hòa nhập, nhưng lớp + cô giáo cũng như giờ kèm thêm ở nhà phải được chuẩn bị kỹ chị nhé. Có bệnh thì vái tứ phương, chị cho Huy đi hòa nhập và kèm riêng, rồi đo độ tiến bộ một thời gian xem sao.
Về chi tiết Huy ra dấu tay, chị đừng lo gì hết. Thực sự thì khi trẻ chưa sẵn sàng để dùng lời nói, chúng tôi vẫn dậy dấu tay đây. Ít nhất là cám ơn, xin giúp con, con muốn đi vệ sinh, con đói, con khát, con đau, con bực mình, con muốn mẹ, con muốn cô ôm... Phụ huynh cũng hay sợ là trẻ ra dấu tay rồi sẽ không chịu nói. Hoàn toàn không phải thế. Khi một em sẵn sàng nói, tôi luôn thấy em bỏ đi những dấu tay hay hình ảnh mà em vẫn dùng và chưa bao giờ có trường hợp các em tiếp tục ra dấu dù đã có khả năng biểu tỏ bằng lời. (Nói được và biểu tỏ được bằng lời là hai khả năng khác nhau).
Nếu muốn chị cứ dậy cho Huy một vài dấu tay đơn giản như trên để làm chiếc cầu nối.
Chị sắp xếp cho Huy thế nào, cho tôi biết với nhé, rồi cập nhật tình hình để chúng ta cùng tìm hướng tốt nhất cho Huy.
Nguyễn Tường Anh/Nhóm Chuyên Gia TK