Con trai của chị Thu Anh cũng giống Khoa của tôi lắm chị ạ. Tôi cũng đọc những lời tư vấn chị Tường Anh gởi cho Thu Anh, có nhiều điều rất bổ ích và có thể áp dụng cho con trai của tôi.
Ngoài ra cũng nhờ dự án này mà tôi hiểu rõ hơn về AS, và tôi thấy tự tin hơn về tương lai của con. Con có thể trở thành một người lớn tự lập, con có thể được một số người hiểu và yêu mến, con có thể theo đuổi con đường học tập đến đại học ... Đó là những khẳng định giúp nâng đỡ tinh thần của những người mẹ như tôi chị ạ, vì ở VN, nhiều BS và nhà tư vấn tâm lý nghĩ AS là một hội chứng có bà con với tự kỷ, và do vậy tới một lúc nào đó các cháu có thể không thể tiếp tục con đường học vấn, khi trưởng thành luôn cần có sự giám sát mà khó có khả năng tự lập...
Chào chị, chúng tôi rất mừng đã có những thông tin giúp ích với chị và cháu. Là điều trị viên, chúng tôi yêu nghề nên yêu mến các em, nhưng làm việc với các em không phải lúc nào cũng là những giờ phút dễ dàng. Vì vậy, được phụ huynh cho biết về một tiến bộ nào đó nơi các em hoặc một lợi ích nào đó cho phụ huynh chính là niềm vui làm tan biến hết những mỏi mệt của một ngày lo điều trị. Cám ơn chị nhé.
Về Asperger thì đúng là họ hàng ruột thịt với TK, nhưng mức thông minh của các em về những kiến thức thuộc loại facts lại ngang bằng hay (phần nhiều là) hơn người khác. Tôi tin điều này vì đã chứng kiến bệnh nhân của mình vào đại học. Nếu các phụ huynh như chị có thể chia xẻ với các bác sĩ nhi khoa và chuyên viên tư vấn tâm lý về Asperger qua những nghiên cứu, bài viết, có lẽ họ cũng sẽ tin như tôi và chị.
Chị Tường Anh góp ý giúp tôi nên giải thích và dạy con thế nào về chuyện con không được cộc cằn và khống chế bạn bè khi bạn phê bình về nề nếp kỷ luật, học tập chưa tốt của con? Tôi đã nhiều lần phân tích cho con nghe như vậy là không tốt, cần phải biết nhận lỗi và biết phục thiện, nhưng con vẫn tiếp tục ứng xử rất bản năng khi gặp tình huống đó.
Tôi nghĩ chị có thể gặp giáo viên và xin giáo viên nói chuyện riêng với các bạn của cháu về phương cách góp ý, phê bình cháu. Đây không phải là điều các học sinh khác phải thực hiện chỉ vì con của chị, mà nói chung trong giao tế xã hội, các em cũng nên học để góp ý và phê bình một cách lịch sự và khéo léo. Tôi cũng biết rằng phải có một giáo viên biết cảm thông và hiểu về Asperger mới có thể hỗ trợ cháu thành công. Tôi hy vọng lương tâm nghề nghiệp ở đây sẽ giúp chúng ta nhiều.
Mặt khác, mình phải giúp chính cháu. Chị đã dậy và phân tích cho cháu hiểu, nhưng khi người lớn nổi giận còn khó kiềm chế, huống chi đây là cậu bé tuổi cấp 2, mang hội chứng AS. Chị thử làm cho cháu những bảng để cháu đem theo khi đi học, trên đó có tình huống và thái độ ứng xử thích hợp và không thích hợp, rồi bảo cháu đánh dấu vào. Mới đầu thì chị phải làm ngơ những gì khó, và tập trung trên những gì dễ cho cháu. Khó là những gì cháu phải làm khi cháu vô cùng tức giận, dễ là những gì cháu làm khi cháu còn có thể kiểm soát được mình. (Chị nhớ cho cô giáo biết để hỗ trợ thêm, và cũng vì một lý do mà tôi sẽ nói trong phần kế tiếp). Từ bảng này, chị bàn với cháu phương thức khen thưởng và huấn phạt để cháu hiểu rõ hơn kết quả hay hậu quả của lối hành xử mà cháu chọn lựa.
Ngòai ra tôi nên nói chuyện với cô giáo như thế nào, cô có nên áp dụng chính sách kỷ luật nghiêm khắc đối với con tương tự như với các học sinh khác hay không, hay cô nên nương nhẹ những trẻ như con để tránh xung đột và tránh kích thích thần kinh của con? Trong truờng hợp cư xử nương nhẹ, bạn bè của con sẽ nhận biết và cho là cô không công bằng, bạn bè sẽ càng không thích con hơn.
Thưa chị, cháu đang học với bạn bè ở lớp giáo dục phổ thông, vì vậy kỷ luật là chuyện không tránh khỏi. Cháu cũng cần học để tuân theo kỷ luật của nhà trường, bởi đây là xã hội thu nhỏ chuẩn bị cho đời sống tự lập mai này. Tuy nhiên, kỷ luật dành cho cháu không nên là những lời nói to, la mắng, trách móc vì đơn giản cháu có thể chỉ nhận ra âm thanh nghiêm khắc ấy, rồi xoay vòng trong trí để bực tức mà không nghe ra những giáo huấn của cô. Các cô giáo của chúng tôi bên này thì vẫn thưởng phạt theo hành động của trẻ, nhưng khi phạt thì lời nói êm ái. Mà với đứa trẻ (hay người lớn) nào cũng thế thôi, thuốc đắng bọc đường dễ uống hơn. Vì vậy, bỏ qua cho cháu những khi cháu sai lầm thì không, nhưng giáo huấn phải là những lời nói có âm giọng từ tốn. (Trừ khi cháu đang bùng nổ, dĩ nhiên cô sẽ lên giọng và nghiêm khắc để cháu ngừng cắn hay cào bạn).
Từ đầu HK 2 đến nay (2 tháng), lớp của con đã có 2 bạn bị đưa ra HĐKL và bị nghỉ học 3 ngày.
Về chuyện đưa cháu ra hội đồng kỷ luật và đuổi học, tôi sẽ trả lời ngay là KHÔNG! Điều này không công bằng nếu những hành xử ấy phát xuất từ rối loạn của cháu, và/hoặc nếu học đường không đáp ứng đầy đủ về can thiệp để giúp cháu tự kiềm chế.
Có thể nhà trường tại VN sẽ cho là tôi nuông chiều trẻ AS hay TK, và dĩ nhiên là tôi không đồng ý. Không phải chỉ tôi, mà cả hệ thống pháp luật Hoa Kỳ đòi hỏi dân chúng phải tôn trọng những cá nhân có khiếm khuyết, và không buộc tội họ bằng điều lệ thông thường nếu lối hành xử của họ phát xuất từ khiếm khuyết ấy. Khi một em AS hay TK (và cả những em có các rối loạn khác) hành xử bất xứng liên quan đến đánh đập, đả thương người khác, một hội đồng duyệt xét phải được hình thành, trong đó có giáo viên, phụ huynh, hiệu trưởng, chuyên viên tâm lý, và tất cả những điều trị viên liên hệ (thường là ngôn ngữ và tâm vận động). Hội đồng này có bổn phận giám định xem 1) hành động của trẻ có phải xuất phát từ rối loạn không, 2) nhà trường có đáp ứng đúng những biện pháp can thiệp cần có để hỗ trợ trẻ trong hành vi ứng xử không.
Nếu đó là do rối loạn, dù nhà trường đã can thiệp đúng đắn hay không, trẻ cũng không bị đình chỉ học tập. Có trẻ mang dao vào trường với ý định đả thương bạn (tối kỵ sau vụ bắn giết tại trường trung học ở Colorado), trẻ buộc phải thôi học từ 3 ngày đến 10 ngày, nhưng phải có giáo viên và điều trị viên đến nhà.
Tôi đề nghị chị cho cô giáo biết về những phương pháp chị thực hiện để giúp cháu hầu sau này chị có thể lý luận với ban giám hiệu rằng chị đã cố gắng, và nhà trường cũng cần cố gắng chứ không chỉ đuổi học cháu là xong.
Thưa chị, tôi biết vấn đề sẽ khó khăn vì AS còn mới quá. Người đi tiên phong cực lắm, nhưng chị hãy cố gắng vì cháu và vì nhiều trẻ khác trong hoàn cảnh như cháu. Mình cùng nhau vượt khó chị nhé.
Có gì chị cho chúng tôi biết kết quả của bảng hành xử và kết quả cuộc nói chuyện với cô giáo nhé.
Nguyễn Tường Anh/Nhóm chuyên gia TK