Cám ơn chị, tôi sẽ thử cài phần mềm và dạy cháu điều chỉnh mức âm lượng xem sao.
Kết quả thế nào sẽ xin được trao đổi tiếp với chị.
Thu Anh
Chiều nay cuối tuần rồi mà lại có chuyện làm phiền chị nhờ chị tư vấn nữa, thật là ngại quá, sợ chị không có thời gian nghỉ ngơi cuối tuần sau một tuần làm việc vất vả. Nuôi dạy một đứa trẻ AS quả là hơi khó khăn chị ạ, nhiều lúc yên tĩnh được một thời gian, cứ mong lúc nào cũng thanh bình như vậy, nhưng khi con bắt đầu căng thẳng thì mẹ lại cũng căng thẳng theo. Cho nên sự có mặt và giúp đỡ ân cần của những chuyên viên như chị và nhóm CNVK quả là rất quý báu cho các phụ huynh chị ạ.
Có một bài chị trao đổi với anh My Lăng về con trai 10 tuổi của anh, chị có nói bé chuẩn bị bước vào giai đoạn dậy thì nên sẽ có nhiều thay đổi về tâm sinh lý. Tôi cũng rất quan tâm tìm hiểu vấn đề này chị ạ, vì Khoa cũng đã 12 tuổi rồi. Mình cũng muốn có những kiến thức căn bản về tâm sinh lý các bé khi bước vào tuổi dậy thì, đặc biệt là những bé có hội chứng TK hay AS, để bình tĩnh "chiến đấu" và cùng con vượt qua giai đoạn này một cách êm ái (hy vọng là êm ái, nhưng tôi hình dung là chẳng êm ái chút nào, nhưng có chuẩn bị truớc thì đỡ sốc hơn phải không chị). Nếu chị có tài liệu hay kinh nghiệm về vấn đề này thì chị chia sẻ với nhé.
Về vấn đề dậy thì của con thì hiện tại thì tôi cũng theo dõi Khoa hằng ngày, nhưng chưa thấy biểu hiện gì về thể chất, chỉ thấy vài tháng gần đây tính tình con đang thay đổi. Gần đây nó có tình trạng thích ngồi một mình trong phòng xem ti vi hay đọc sách, không thích đi chơi ra ngoài như đi công viên hay hồ bơi... Ngoài ra nó cũng bướng bỉnh hơn, hay lý sự, nhiều lúc lý sự cùn, hay phê phán người khác, thiếu sự cảm thông, nên nhiều lúc tỏ ra rất bảo thủ hay mù quáng, đã nghĩ cái gì thì rất khó thuyết phục để thay đổi, phát ngôn bừa bãi không quan tâm đến cảm xúc của người khác, đặc biệt là người thân. Tháng trước nó bắt đầu giở trò chọc phụ nữ bằng cách cố tình đụng vào những chỗ nhạy cảm như ngực, mông, vùng dưới bụng ... Nó không làm với mẹ nó, nhưng hay chọc em gái, cô giúp việc nhà, và các nhân viên làm việc tại công ty ở nhà (ba Khoa mở công ty và đặt văn phòng tại nhà) rồi chờ xem mọi người phản ứng thế nào, nếu ai la nó, thì nó giả lả "lỡ đụng thôi mà, làm dữ vậy!". Con gái em thì nó không chấp nhận hành vi khiếm nhã của anh nó, mỗi lần bị anh rờ, nó làm dữ, la khóc om sòm, thằng anh có vẻ sợ, nhưng hôm sau lại làm tiếp. Em lo lắng về tình trạng này của con lắm, cũng dặn dò giải thích con tuyệt đối không được làm như vậy, ra đường mà làm như vậy sẽ bị công an bắt ... Gần đây nghe mọi người nói K không làm nữa, nhưng cũng không hiểu động cơ tại sao nó làm vậy (tò mò?), và cũng không biết K sẽ chấm dứt trò này luôn chưa.
Ở trường K cũng có tiến bộ hơn một chút, là không đánh bạn và cắn bạn nữa, hiểu các câu nói đùa của bạn tốt hơn, tập trung tốt hơn trong giờ học, bài về nhà tự giác làm đầy đủ, kết quả học các môn có điểm kiểm tra khá cao, từ 7/10 trở lên. Môn Văn thì có cô giáo kèm riêng ở nhà, nên cũng giúp K tiến bộ nhiều. Tuy nhiên K cũng vẫn còn rắc rối với các thầy cô. Đầu năm tôi đã giải thích với cô giáo chủ nhiệm về chứng của con, cô có vẻ hợp tác nhưng đến bây giờ vẫn rất mệt mỏi khi phải xử lý nó, từ học kỳ 2 đến giờ cô chán chẳng muốn liên hệ với phụ huynh nữa vì cho là cũng không thay đổi được gì. Tôi thân với cô dạy văn hơn, vì nhờ cô giáo môn văn đến nhà kèm cho con, cô là cầu nối thông tin với gia đình về ứng xử của con ở trường. Cô nói con học được, nhưng cư xử vô lễ với thầy cô, nhất là những thầy cô rầy la nó trong lớp học hay ghi tên nó trong sổ đầu bài (sổ đánh giá tiết học). Thầy cô biết là con có vấn đề về thần kinh, nên nhẹ nhàng khuyên bảo nó rồi cố bỏ qua, nhưng vẫn rất ấm ức vì có cảm giác bị xúc phạm và có cảm giác bị K "lừa", do trông mặt nó rất sáng láng, đẹp trai, học tốt, thông minh, để cho nó tự do thì không sao, còn phê bình nó là nó sẽ cư xử lại với thầy cô theo kiểu "đầu đường xó chợ"! Mỗi lần giận cô nào, nó có thể vẽ cô đó như là quái vật trong tập nháp của nó, hay có khi vẽ cô bị băng bó tùm lum hoặc tệ nữa thì đang trần truồng (!), lúc trước thì chỉ vẽ thôi, mấy tháng gần đây thì viết rất bậy kiểu như "Cô T ăn cứt", "Cô M coi phim sex", "Cô V là con điếm". (Xin lỗi chị, tôi thật sự xấu hổ vì con của mình, phải viết những từ này ra một cách rõ ràng cũng thật sự khó khăn). Điên một cái là khi bị cô phê bình tại lớp, nó nổi giận tức thì, và lấy giấy bút ra vẽ ngay lập tức chẳng màng đến cô, nên cô nào cũng nhìn thấy! Hết giờ học, cô kêu nó ra giảng giải nhẹ nhàng, thì nó chảy nước mắt, nghẹn ngào nói không ra tiếng, cô bảo xin lỗi cô thì con cũng xin lỗi, lần sau đến giờ cô đó không nghịch nữa, nhưng lại nghịch cô khác, rồi lại viết bậy... chắc nó phải làm hết 1 vòng tất cả thầy cô thì mới có đủ kinh nghiệm là không được vô lễ với thầy cô như vậy! Khi em hỏi con có biết "con điếm" là gì không thì con trả lời có nghĩa là "nói xạo", nhưng khi em nhìn tập vẽ bậy của nó, thì thấy K biết "điếm" có liên quan đến sexy và không bận quần áo. Tôi rất đau đầu với vụ này, giải thích hay căn dặn thì nó có vẻ hiểu là khong được nói như vậy, nói như vậy là xúc phạm danh dự của người khác, phải tôn trọng thầy cô, con làm như vậy là vô lễ, cô có thể đề nghị đưa con ra hội đồng kỷ luật, bị hạ hạnh kiểm, bị phạt nghỉ học vài ngày, thầy cô không thương, bạn bè ghét không chơi, ... con hiểu và nó nhắc lại y chang, nhưng khi đụng chuyện thì bổn cũ soạn lại.
Ông ngọai của K cũng thường sang nhà để chơi hay học với K khi ba mẹ đi làm. Ông nói K có nhiều lý sự rất đặc biệt ảnh huởng nhiều đến tình cảm của con với gia đình, tuy nhiên con lý sự trên quan điểm của con mà không hề quan tâm đến cảm xúc của người thân hay cô giáo ở trường, chẳng hạn như :
- con không thích làm con của ba mẹ vì ba mẹ hay bắt ép con chuyện này chuyện kia, không cho con vào internet khi không có ba mẹ ở nhà. Con ước gì được làm con của ông chủ tiệm internet!
- con không thích mẹ vì mẹ hay nói nhiều, có những chuyện con hiểu rồi mẹ vẫn nói hoài (mẹ nói nhiều vì con cứ mắc lỗi lặp đi lặp lại), mẹ hay bênh em gái, mẹ bắt học thêm môn văn mà con thì không thích môn này. Mẹ từ chối không cho con ngủ chung với mẹ mà mẹ lại ngủ chung với em gái (chị biết không, K đòi ngủ với mẹ tới năm 10 tuổi, còn em gái thì từ nhỏ phải ngủ với chị giữ em. Đến năm ngoái khi em gái K vào lớp 1, mẹ thấy em gái bị thiệt thòi nhiều và không khôn lanh bằng các bạn vì không được mẹ chăm sóc dạy bảo nhiều, mẹ dứt khóat giải thích là K đã lớn rồi phải ngủ riêng, còn mẹ thì ngủ với em một thời gian vì em bắt đầu vào lớp 1 cần mẹ giúp đỡ nhiều hơn. K đã đồng ý nhưng vẫn ấm ức vì mẹ ko cho ngủ với mẹ nữa).
- con không thích em gái vì em hay méc mẹ làm con bị rầy oan, em làm cho mẹ không thương con nhất nữa, em dành đồ ăn, em dành đồ chơi ...
- con không thích ba vì ba làm việc suốt ngày, chẳng quan tâm đến con, ba không dẫn con đi chơi .. về nhà ba ăn xong rồi chỉ ngủ, cho dù ba có siêng làm việc thì cũng không có ích lợi gì cho con cái!
- ba mẹ không giỏi như ba mẹ nói, cả hai người phải làm việc suốt ngày, bỏ bê con cái cho người giúp việc, mà cũng không giàu, không có nhiều tiền. Nếu ba mẹ giỏi thật thì ba mẹ chỉ cần làm ít thôi mà vẫn có tiền nhiều!
- bài tập làm văn nói về tình cảm của em với ba / mẹ, con bỏ giấy trắng và nói với cô giáo là con chẳng nghĩ ra điều gì hay về ba mẹ, điều không hay thì có nhiều nhưng con không muốn viết ra (Cô giáo kể cho mẹ nghe chuyện này, nghe xong mẹ bần thần suốt mấy ngày, cứ nghĩ đến là chỉ muốn khóc thôi!)
- con cũng phàn nàn con không thích cô giáo vì không tôn trọng quyền tự do cá nhân của học sinh, vì cô hay tịch thu nhật ký, thư tình các bạn viết cho nhau, hoặc thu tranh vẽ biếm họa của các bạn; cô cũng hay nghe lén hoặc rình các bạn trong toilet (chị biết ko, ở trường của K có 1 số học sinh hẹn hò nhau trong toilet, để bày tỏ tình cảm hay hút thuốc gì đó ... nên các GVCN giờ chơi nào cũng phải rà soát khu vực này). K thì chưa tỏ ra là thích bạn gái nào, chắc cũng chẳng có bạn gái nào thích nó, nhưng tình trạng học sinh lớp 6 bày tỏ tình cảm với nhau một cách tự nhiên cũng khá phổ biến ở truờng.
Trong bài trả lời lần trước của chị, chị có nhắc đến một ý "mẹ con cần có những giờ phút vui vẻ bên nhau", tôi cũng thấy băn khoăn nhiều chị à, đúng là đã từng có nhiều giờ phút vui vẻ bên nhau khi con còn nhỏ hơn và lúc con ngoan, nhưng khoảng 1 năm gần đây, từ khi con lên cấp 2, những giờ phút như vậy ít dần đi, vì con phải học nhiều hơn và cư xử không tốt ở trường nhiều hơn khiến gần nhau tối nào mẹ cũng phải nói chuyện nghiêm túc với con. Cả mẹ và con đều căng thẳng vì những giờ nói chuyện này.
Hiện giờ tôi cũng đang bối rối không biết chọn hình thức kỷ luật nào cho con là phù hợp. Mấy năm truớc khi con còn thích đi công viên, đi hồ bơi, đi nhà sách, đi câu cá, đi du lịch, ... tôi thuờng áp dụng thưởng cho con đi chơi, hay phạt là không được đi chơi. Một năm gần đây con tỏ ra không thích những hoạt động đó nữa, nếu cho con ở nhà con càng thích! Con chỉ còn thích chơi games trên máy tính, và tôi thưởng cho con mỗi ngày 15 phút nếu tích lũy đủ điểm, nếu không tốt sẽ bị trừ điểm, giảm giờ chơi, cuối tuần cộng điểm / giờ chơi lại và chơi trong 2 ngày cuối tuần. Ngoài cách chơi games, chị có thể giới thiệu cách thưởng nào mà trẻ ở tuổi này thích không, hoặc cách phạt nào phù hợp với tuổi của con?
Chị TA biết không, nói chuyện tình cảm với con thì thấy con cũng biết thương mẹ, cũng xúc động rơi nước mắt, rồi ôm hôn mẹ, vậy mà chỉ vài ngày sau, lại bị cô giáo phàn nàn. Mình phải làm sao bây giờ hả chị?
Chào chị, mới PM cho chị thì đã thấy chị trở lại diễn đàn.
Tuổi dậy thì của trẻ em, nam cũng như nữ, đến với trẻ em dù các em phát triển theo chuẩn hay tự kỷ, Asperger. Tôi so sánh thì thấy các em bệnh nhân của tôi, và con tôi ở nhà, vào tuổi dậy thì sớm hơn chúng tôi ngày xưa nhiều. Bệnh nhân nữ của tôi ở lớp 5 tất cả đã có kinh hết rồi. Các em nam thì khoảng cuối lớp 4, đầu lớp 5 hay chậm lắm sang lớp 6 đã thấy vai to ra, phần cổ lớn lên, giọng vỡ, có mụn... Và đặc biệt, tính tình các em khó chịu hẳn đi.
Tại Mỹ, các em cũng tò mò lắm, nhưng một trong những điều tích cực tại Mỹ là báo chí, hình ảnh quảng cáo, tivi... đầy dẫy những cô người mẫu chân dài, ngực mẩy... Trí tò mò giảm đi đôi chút. Xã hội Việt Nam, nhất là trong những gia đình bám sát con cái, các loại báo chí này không xuất hiện. Tôi không nghĩ là mình cần phải mua loại hình ảnh báo chí như thế cho Khoa xem, nhưng chị có thể tìm dịp nói với Khoa về sự phát triển thể lý của phái nữ. Tôi có một bệnh nhân cũng hay... sờ ngực cô bạn trong lớp. Mẹ của cô bé ấy làm dữ, đòi mang nhà trường ra tòa. Tôi đã nói chuyện với cậu bé này. Cậu bé bảo muốn sờ coi nó ra làm sao. Tôi bảo: "Thì cũng mềm mềm êm êm như một cục thịt bò thịt heo gì đó, hay như cái mông của mình vậy!" Ngày hôm sau, cậu bé chuyển sang... bóp mông. Chúng tôi cười ra nước mắt, và rồi tìm dịp đưa cả lớp ra chợ, coi tảng thịt bò thịt heo, tảng jambon, rồi sờ chạm chúng. Ngay ngày hôm sau thì cậu bé dứt hẳn hành vi kia.
Tôi biết chị đau đầu về chuyện này lắm, vì anh chị và gia đình không bao giờ chấp nhận loại ngôn từ như thế này trong khuôn khổ giáo dục lễ nghi. Dĩ nhiên là những từ ngữ và hình vẽ như vậy cho thấy Khoa rất giận dữ. Có cách nào mình thay thế loạt từ này bằng những từ khác không nhỉ? Tôi thấy có một behavior specialist tại nơi tôi làm việc đã cho một cô bé Asperger một dãy từ thay thế: một bên là những chữ không chấp nhận được, môt bên là những từ chấp nhận được. Điều đáng chú ý ở đây là cô thay đổi thói quen của bé này: từ "cô V. là con điếm" thành "giận dữ quá!" Cô dậy bé lấy bé làm chủ từ, và nói đến xúc cảm của bé thay vì mô tả người trong cuộc bằng những hình ảnh ghê sợ, dơ dáy.
Vậy chị chuẩn bị tinh thần để làm lơ đa số thời gian, và kiên quyết khi thật cần!
Dù muốn hay không, đứa bé xinh xắn mà chúng ta đem vào đời ngày xưa đang rời bỏ thế giới trẻ con để làm người lớn. Bản thân tôi, tôi biết tôi đã vĩnh viễn mất thằng bé này, và đang có trong nhà cậu thanh niên chuẩn bị thành đàn ông. Biết làm sao hơn hả chị?
Quay về Hỏi Đáp (xin đọc lại những bài cũ trước khi hỏi)
Đang xem chuyên mục này: Không có thành viên nào trực tuyến. và 11 khách.