Các câu hỏi Hè 2010

Các câu hỏi Hè 2010

Gửi bàigửi bởi admin » T.Hai Tháng 9 06, 2010 7:27 pm

Đây là loạt bài đăng các câu hỏi đưa ra cho anh Phi, chị Tường Anh, chị Xuyến ... trong chuyến đi Hè 2010. Các câu hỏi được hỏi tại hội thảo, tại các buổi thẩm định, hoặc tại các buổi giao lưu. Xin đăng lại để các bạn khác tham khảo.

Một số câu hỏi giờ mới được trả lời vì chúng tôi cần tham khảo với các chuyên gia lĩnh vực khác trong ban cố vấn. Cảm ơn quý vị đã đặt câu hỏi.


Hỏi: Con em dạng Asperger. Cháu học toán tốt nhưng không biết sử dụng tiền. Tôi có nên cho cháu học thêm môn toán hay tập trung dạy kỹ năng sống.

Trả lời: Khả năng tính toán các con số là khả năng thuộc vùng vỏ não, còn gọi là vùng xám. Một số trẻ TK có khả năng vùng xám cao, có thể tính toán các con số rất nhanh. Rút căn, nhân vài bao con số có nhớ không cần nháp, làm tính bình phương khi chưa được dạy tính nhân.

Các trẻ này có thể lại không biết đếm tiền. Do chưa được giáo dục về Toán theo đúng nghĩa của nó, trẻ không có khái niệm về số lượng. Hơn nữa, khả năng sử dụng tiền cần phối hợp các hệ thống cảm nhận như nhìn ra con số, biết loại tiền nào màu gì, kích thước ra sao. Tiền nhám hay trơn cũng ảnh hưởng việc trẻ tập trung vào vấn đề hiểu và sử dụng. Sau đó còn có các kỹ năng đưa tay ra cầm, đưa tiền ra đúng hướng cho người nhận. Lớn lên trẻ cần kỹ năng trình bày ý tưởng cho thông suốt, làm cho người nghe hiểu ý mình…

Anh/chị nên thẩm định lại tất cả các kỹ năng nói trên của trẻ, đừng vội cho rằng khả năng tính toán nhanh đồng nghĩa trẻ có khả năng sống tự lập.


Hỏi: Cháu nhà tôi nhiều khi nhìn đăm đăm vào góc phòng học. Tôi phải làm gì?

Trả lời: Một phòng học được thiết lập đúng cách sẽ giúp trẻ tập trung vào bài học, có nghĩa là trẻ sẽ thích nhìn về phía tập, vở. Lớp học dựng lên không đúng cách hay không thích hợp cho trẻ sẽ làm cho trẻ bị phân tán. Có thể trẻ sẽ chỉ thích nhìn vào tấm màn cửa hoặc bong đèn. Hai lý do chính là:

Chỗ trẻ đáng nhìn (chỗ để bài vở học) không “thích thú” bằng chỗ khác trong phòng.
Chỗ trẻ đáng nhìn (chỗ để bài vở học) làm cho trẻ khó chịu.

Khi chuyên gia thẩm định cho trẻ và rà soát lớp học, họ sẽ biết rõ lý do tại sao để điều chỉnh cho trẻ. Nếu không thì năng lực của trẻ trong ngày sẽ bị chuyển đi chỗ khác thay vì để dồn vào việc học. Đây là một lý do chính yếu tại sao trẻ TK học không có hiệu quả trong các lớp học không chuyên.

Hỏi: Cháu nhà tôi rất bướng. Khi yêu cầu lấy vật gì đó, có lúc cháu làm, có lúc cháu nhất định không làm. Những lúc như vậy tôi cố gắng bắt cháu làm theo mệnh lệnh nhưng thường là không có hiệu quả. Cháu kháng cự dữ dội.

Trả lời: Cần phân biệt việc trẻ bướng, trẻ không hiệu mệnh lệnh hay trẻ không thể/không dám thực hiện mệnh lệnh.Có trẻ biết cuốn sách là gì, nhưng khi cô giáo yêu cầu lấy cuốn sách thì không làm. Đừng vội đánh đồng việc trẻ không làm với việc trẻ bướng. Ví dụ sau sẽ cho thấy rõ điều đó hơn.

Trẻ biết cuốn sách là gì, nhưng để đi lấy cuốn sách đưa cho cô giáo, trẻ cần có khả năng nhận ra vị trí cuốn sách, tập trung vào mệnh lệnh, không để các yếu tố môi trường như âm thánh, ánh sáng, thăng bằng… ảnh hưởng việc đi lấy sách.

Nếu bạn nghĩ bé không làm là do lì, bạn sẽ mất cơ hội hiểu sâu các yếu tố ảnh hưởng bên ngoài, làm giảm khả năng giúp trẻ học và tiếp thu tốt hơn.

Vẫn có khả năng trẻ bướng không làm theo mệnh lệnh. Với sự điều hợp giữa chuyên gia và các cô giáo, chúng ta sẽ biết đích xác lý do để đưa phương án can thiệp thích hợp.

Hỏi: Cháu nhà tôi đang mất dần ngôn ngữ…

Trả lời: Việc trẻ thoái trào ngôn ngữ là việc tương đối phổ biết ở trẻ TK. Chị Tường Anh đã giải thích nhiều về vấn đề này.

Khi trẻ còn nhỏ, ngôn ngữ có thể chỉ đơn thuần là gọi ba má. Càng lớn đòi hỏi nhận thức càng cao, trẻ phải tập hợp các yếu tố khác nhau trong môi trường để tích hợp lại những thứ cần, loại bỏ những thứ không cân… Đề tài sẽ được trả lời kỹ qua nhiều loạt bài khác nhau sau.

Hỏi: Có người khuyên tôi cho cháu đi học võ...

Trả lời: "Cho con đi học võ" có lẽ là đề tài muôn thuở, và phụ huynh thường không để ý, và ngay cả người dạy võ cũng ít khi cho biết mình đang dạy cái gì.

Khi phụ huynh cho trẻ TK hay không TK học võ, họ thường nghĩ đơn giản là để trẻ tự vệ. Trong thế giới học đường ngày nay, tự vệ không chỉ là khả năng đánh trả hay đỡ đòn, mà quan trọng hơn là khả năng tránh các cuộc đụng độ bạo lực. Kỹ năng này được dạy tại học đường, ít khi học được tại võ đường.

Khái niệm "Học võ" bao gồm 3 lĩnh vực khác nhau như sau.

Anger management, kiềm chế sự tức giận, kiềm chế bản năng.
Fear management, kiềm chế sự sợ hãi.
Self defense, khả năng tự vệ

Các võ đường thường chỉ tập trung dạy self defense, khả năng tự vệ. Và nhiều khi người ta còn lầm lẫn khả năng tự vệ với kỹ năng tấn công. Dạy trẻ các thế đánh gây thương tích cho đối thủ chưa chắc đã là khả năng tự vệ.

Anger management và Fear management là 2 kỹ năng nằm trong phần giáo dục kỹ năng sống, kỹ năng mềm. Trẻ nên được học cả 3 loại kỹ năng. Nếu vì thì giờ có hạn, khả năng tự vệ có lẽ nên được học sau cùng.
admin
Site Admin
 
Bài viết: 1411
Ngày tham gia: T.Bảy Tháng 12 13, 2008 11:22 am

Quay về Những bài viết về Tự Kỷ

Đang trực tuyến

Đang xem chuyên mục này: Không có thành viên nào trực tuyến.18 khách.

cron