Các Khó Khăn Khi Học Hòa Nhập

Các Khó Khăn Khi Học Hòa Nhập

Gửi bàigửi bởi admin » CN Tháng 11 07, 2021 1:29 pm

Ở Nhân Văn (http://www.ttnv.orghttps://www.facebook.com/TrungTamNhanVan) có nhóm 2 trẻ hòa nhập: Hòa nhập học đường và Hòa nhập xã hội. Hòa nhập học đường là nhóm trẻ có khó khăn, được can thiệp để quay lại trường phổ thông hoặc đang đi học ở các trường phổ thông, cần được giúp đỡ song song. Hòa nhập xã hội là những học sinh lớn tuổi hơn, vào tuổi trưởng thành, chú trọng vào sống tự lập.

difficulties.jpg
difficulties.jpg (9.69 KiB) Đã xem 821 lần.


Bài viết này nói về những khó khăn thường gặp ở nhóm Hòa nhập học đường. Qua đó, chúng ta sẽ thấy khó khăn của các em nằm ở nhiều mặt khác nhau. Các em cần được giúp đỡ với một chương trình giáo dục khoa học và toàn diện, chứ không chỉ đơn thuần là tìm giáo viên dạy kèm hay phụ làm bài tập.

Làm được nhưng không biết làm gì.

Khi giáo viên Mầm non nói "Tới giờ tô màu rồi", các bạn đều lấy tập vở, bút màu ra ngồi đợi cô ra bài. Lan thì ngồi yên bối rối, không biết phải làm gì. Cái câ "Tới giờ tô màu rồi" nếu chia theo đơn vị Thẩm Định Âm Thanh sẽ là một lệnh có nhiều công đoạn: Im lặng + Lấy bút màu ra + Lấy vở tô màu ra + Ngồi yên đợi cô nói tiếp phải làm gì.

Nếu ai đó "dịch ra" từng công đoạn như trên, Lan hoàn toàn có thể làm được tất cả các việc đó. Vấn đề là không ai nói như vậy cả (vì càng lớn lên, ngôn ngữ quanh Lan càng trừu tượng, có nét tổng thể hơn). Một vấn đề khác là cũng không nên "dịch ra" như vậy cho Lan mãi được.
Lan nằm trong nhóm có khó khăn về ngôn ngữ cảm nhận và thường đi chung với khó khăn hiểu các bước của một quy trình, không có khả năng infer / đoán.

Làm được nhưng không muốn làm.

Hải không cộng tác với giáo viên trong giờ học, không làm bài dù có thể làm được. Dù giáo viên cùng phụ huynh có dụ thưởng, dọa phạt thì Hải cũng không quan tâm. Hải không hiểu được tại sao phải làm như vậy dù Hải có nhận thức rất tốt. Khi giảng giải cho Hải hiểu tại sao nên làm, Hải đều hiểu hết. Nhưng khi bài giảng kết thúc, Hải quay lại với kết luận ban đầu: Hải không hiểu tại sao Hải hiểu rồi, mà vẫn bắt Hải làm?

Hải nằm trong nhóm không chấp nhận những "luật xã hội", những nội quy, luật lệ được soạn ra vì quyền lớn của đám đông. Hải nằm trong nhóm có khó khăn về perspective thinking.

Hoàng có hành vi nhìn rất giống Hải, nhưng Hoàng là nhóm ADHD. Những bài tập đưa về, nếu soạn khác đi, cách đặt câu hỏi khác đi thì xác xuất Hải làm được mà không cần ai ngồi cạnh thúc giục sẽ cao hơn. Việc có giáo viên kèm cho Hoàng làm bài thì tốt trong ngắn hạn nhưng lại là hại nếu kéo dài, làm cho kỹ năng tự học ngày càng mất đi, bị phụ thuộc vào người khác (tương tự như một trẻ mới học nói bị prompt dependent khi can thiệp ngôn ngữ không đúng cách). Vì phụ thuộc vào người khác (người lớn ngồi cạnh kèm), các kỹ năng phần "não bộ giám đốc" (CEO brain, frontal cortex) liên quan tới lên kế hoạch, tìm giải pháp, đánh giá giải pháp... mất đi cơ hội phát triển.

Huy không phải ADHD, cũng không hề có Rối loạn bất tuân, chống đối các luật xã hội như người ta chẩn đoán (lầm). Huy muốn làm, không bị kém chú ý, nhưng Huy muốn làm, muốn giải quyết các bài toán, viết các bài văn mà Huy thích, và làm theo cách của Huy.

Nhìn ở mặt giáo dục thì Huy không sai. Nếu nhìn toán, văn như những công cụ thì việc dùng toán để tính ra bao nhiêu giáo viên trong trường có Tự Kỷ đâu có khác gì dùng toán đếm số tiền còn dư khi mua 10 con gà, 3 con vịt. Chúng tôi có một học sinh đã từng làm như thế. Em tin rằng chính giáo viên tại Nhân Văn mới là người có khó khăn, cần can thiệp. Em soạn ra các mẫu đánh giá và yêu cầu giáo viên điền vào.

Nhìn từ hành vi, Hải, Hoàng và Huy đều có nét rất giống nhau. Thiếu những bộ test nhà nghề, những chẩn đoán nhà nghề, người ta đôi khi gom Hải, Hoàng và Huy vào chung một nhóm. Câu truyện can thiệp sai cho 3 học sinh này thường bắt đầu như vậy đó: chiến lược can thiệp sai ngay từ vòng gửi xe.

Cô lập trong Hòa nhập

Tuấn cũng như các bạn khác cùng lớp, đều có những chuyện muốn nói cho nhau nghe, muốn cùng chơi gì đó. Cách Tuấn giao tiếp thì khác, ví dụ như Tuấn sẽ nói về những đề tài mà các bạn trong lớp cho là kỳ lạ, hoặc Tuấn sẽ chỉ nói cái mình muốn nói, chẳng quan tâm bạn kia đang nói gì, thậm chí Tuấn không thể đợi tới lượt mình.

Trẻ thường tìm những bạn bè giống mình để chơi, đồng nghĩa với trẻ thường nhanh chóng nhận ra những bạn khác mình để không chơi (và một số sẽ quay sang trêu chọc). Dù nhìn Tuấn có thể ổn về mặt nhận thức: học hiểu bài, làm bài được, nhưng mang tiếng là đi học phổ thông để hòa nhập, Tuấn càng ngày càng mất hòa nhập, càng bị cô lập.

Càng lớn lên, nhận thức càng phát triển, nhu cầu giao tiếp càng cao, Tuấn càng bị cô lập. Tuấn là nhóm trẻ chúng tôi thường gặp. Đây là nhóm mà sẽ cần can thiệp cả ở mảng giáo dục đặc biệt và tâm lý. Chúng tôi có những học sinh chia sẻ lại với giáo viên rất nhiều điều mà các em không kể lại cho ai khác. Vì sao vậy? Câu trả lời đơn giản là chúng tôi và các em có "ngôn ngữ riêng". Từ "ngôn ngữ riêng" này nên được hiểu ở cả mặt ngôn ngữ trị liệu và tâm lý trẻ.

Những ca can thiệp thành công ở nhóm bị cô lập này đều có 2 nét chung: phụ huynh nhận ra có gì "sai sai" với con mình và đưa đi can thiệp sớm + phụ huynh đồng hành với Trường để hỗ trợ con.

Ba ví dụ trên chỉ là một phần của bức tranh Khó Khăn Khi Hòa Nhập. Khó khăn của các em thì thiên hình vạn trạng, đi từ giao tiếp xã hội, thiếu ngôn ngữ tầng xã hội... cho tới môi trường nhiều stimuli, các vấn đề về sensory... cho tới cách dạy, cách làm việc với các em mà giáo viên phổ thông không biết...

Trong giới hạn bài viết này, chúng tôi chỉ xin chia sẻ 3 nhóm khó khăn thường gặp ở trên. Nếu quý vị cảm thấy có gì đó không bình thường, nên đưa cho mình đi khám, đi hỏi ý kiến các chuyên gia về giáo dục và nếu cần, đi tìm một nơi hiểu con mình, có chương trình giáo dục toàn diện và khoa học.
admin
Site Admin
 
Bài viết: 1411
Ngày tham gia: T.Bảy Tháng 12 13, 2008 11:22 am

Quay về Những bài viết về Tự Kỷ

Đang trực tuyến

Đang xem chuyên mục này: Không có thành viên nào trực tuyến.90 khách.

cron