Phóng sự về Tự kỷ trên báo chí Hoa Kỳ

Phóng sự về Tự kỷ trên báo chí Hoa Kỳ

Gửi bàigửi bởi admin » T.Bảy Tháng 2 07, 2009 9:39 pm

Dưới đây là bài viết của cô Anh về bệnh Tự kỷ được đăng trên tờ Việt Mercury -- một tờ báo tiếng Việt lớn nhất phát hành tại miền Bắc bang California.

Con tôi là học sinh cá biệt?

May 18, 2007
Nguyễn Anh

Anh Dzũng Bùi dấu nước mắt, cúi đầu. Giọng anh như thì thầm, tay nắm chặt cây bút: “Con tôi là học sinh cá biệt.” Anh Dũng ký vào tập hồ sơ do nhà trường đưa ra bàn thảo với anh và chị Kimmy Bùi, vợ anh. Khi anh chuyền cây bút để chị cùng ký tên, chữ ký của chị Kimmy nhòa vì nước mắt của cả hai vợ chồng.
Anh Dzũng kể: “Đó là ngày 1 tháng 11 năm 2003. Cháu M. nhà tôi đang học lớp 2. Nhà trường mời chúng tôi đến họp nhiều lần để bàn phương cách giúp cháu đạt cùng trình độ với bạn bè. Cuối cùng, họ mời chúng tôi ký giấy để nhóm chuyên viên giáo dục đặc biệt (special education staff) gặp riêng cháu. Mục đích của họ là tìm xem việc cháu gặp khó khăn trong học vấn có phải vì một chứng rối loạn nào đó không.”

Cậu bé tên M. lúc ấy mở cửa vào nhà. Cậu chào hỏi lễ phép, và hỏi: “Are you talking about me, Dad? Ba nói về con phải không Ba?” Anh Dzũng xác nhận: “Đúng rồi. Nhà báo hỏi xem con của ba mẹ có điểm gì trội vượt so với các bạn,” rồi yêu cầu con trở lại gặp khách sau khi tắm rửa.
Anh Dzũng cho biết ở tuổi mẫu giáo, lớp một, bé M. cũng nghịch ngợm như bất kỳ cậu bé hiếu động nào: “Thấy con chạy nhảy, luôn chân luôn tay, chúng tôi nghĩ vì nó là con trai, và lớn lên sẽ bớt hiếu động. Vào đến lớp hai thì cháu càng lúc càng khác xa bạn bè.”

Theo anh Dzũng, nhóm giáo dục đặc biệt của nhà trường gồm một chuyên viên tâm lý, một chuyên viên về phát triển ngôn ngữ, và một chuyên viên phụ trách tất cả các môn khác trong độ tuổi tiểu học. Họ đã gặp riêng M. và có những bài khám định bệnh, định khả năng. Anh nói: “Trong thời gian nhà trường làm việc, chúng tôi sốt ruột vô cùng. Chúng tôi cũng đưa cháu đi bác sĩ riêng của cháu.”

Kết quả của nỗ lực từ hai phía – nhà trường và phụ huynh – cũng là kết quả tốt đẹp của một buổi họp bàn về phương cách giúp đỡ học sinh. Anh Dzũng nhớ lại: “Ba cô giáo về tâm lý, ngôn ngữ, và các môn khác, rồi cô giáo của M., rồi bà hiệu trưởng đã nói về những gì họ nhận xét và đưa ra kết luận: Cháu M. nhà tôi thiếu khả năng tập trung chú ý. Tôi và vợ tôi cũng cho họ xem kết quả khám nghiệm từ bác sĩ của cháu: hiếu động thái quá.”

Chị Kimmy xúc động: “Chúng tôi cảm động vì nhà trường biết về con tôi không kém gì chúng tôi biết con mình. Thế là cô chuyên viên tâm lý đã đại diện nhà trường nói: Con của ông bà có những biểu hiện của việc thiếu chú ý. Vì vậy, cháu có quyền gia nhập chương trình giáo dục đặc biệt, và được học riêng một số thời gian nhất định trong hình thức các nhóm nhỏ. Thay vì ngồi trong lớp đông đúc, một nhóm 5, 6 học sinh sẽ bớt làm cháu chia trí.”

Chị Kimmy và anh Dzũng vẫn còn giữ những giấy tờ của buổi họp đầu tiên ấy. Anh Dzũng chỉ vào nơi chữ ký nhòe nhoẹt nước mắt: “Đó, chữ ký nhòa hết trơn vì cả hai vợ chồng tôi đều khóc. M. là con trai duy nhất của chúng tôi, và tôi cũng là con trai duy nhất trong gia đình. Ai cũng mong muốn M. giỏi giang, mạnh khỏe. Kết quả khám nghiệm từ bác sĩ và nhà trường khiến chúng tôi nghĩ cháu không giỏi, cũng không bình thường như con người ta.”
Cảm giác của anh Dzũng và chị Kimmy không phải lối phản ứng gây ngạc nhiên. Phụ huynh Việt Nam thường dị ứng với cụm từ “giáo dục đặc biệt.”
Cô Jaycee Nguyễn, một giáo viên tại San Jose, cho biết: “Không chỉ phụ huynh Việt Nam, mà phụ huynh Á châu, và ngay cả da trắng, cũng dị ứng như thế. Có lẽ vì ai cũng muốn con mình bình thường. Khi nhà trường thông báo em học sinh nào đó có thể gia nhập chương trình giáo dục đặc biệt, phụ huynh bực dọc, giận dữ, hoặc xúc động và khóc.”

Theo cô Jaycee Nguyễn, đa số phụ huynh tìm lại bình tĩnh sau đó, và cùng nhà trường tích cực hỗ trợ con em thăng tiến trong học vấn. Bà Marilynne Hoàng, cư dân Milpitas, kể lại: “Lúc người ta báo với tôi là con tôi có rối loạn về trí suy đoán (processing disorder), tôi giận điên lên được. Rõ ràng, con tôi sinh hoạt, nói năng, chuyện trò, chơi đùa như bao đứa trẻ khác. Sao lại bảo rối loạn? Sao lại là thiếu khả năng phán đoán? Đã thế, ông bố ruột của cháu còn mỉa mai tôi vì tôi đã quyết định ly dị. Ông bảo rằng quyết định của tôi khiến cho cháu phát triển không quân bằng. Ba má tôi thì nói tại tôi du lịch bằng máy bay nhiều khi tôi mang thai cháu. Ông bà nội cháu lại đổ lỗi cho tôi không ôm ấp mà để cháu ngủ phòng riêng từ khi cháu mới sinh ra.”

Bà Marilynne nói: “Tôi như chìm vào trong cái giếng sâu có một ngàn lý do đổ tội cho mình. Tôi giận mình, giận từ giáo viên đến cha ruột của cháu, giận cha mẹ chồng và cả cha mẹ mình.”

Bà Marilynne kể về người đã giúp bà thoát khỏi những ngày khó khăn đó: “Trong một lần đau khổ quá, tôi ra ngoài công viên ngồi. Một bà già người Việt ngồi cùng băng ghế đã an ủi và hỏi vì sao tôi khóc. Bà nghe chuyện của tôi, và nói bà có cô con gái cũng là chuyên viên giáo dục đặc biệt. Cô con gái của bà đã là người giải thích, phân tích, và thuyết phục tôi nhìn nhận vấn đề.”

Người chuyên viên giáo dục đặc biệt đó là cô Cheryl Nguyễn. Cô Cheryl nói: “Khi đứa trẻ trong gia đình gặp phải khó khăn trong học tập, chuyện ông bà cha mẹ đổ lỗi cho nhau là chuyện thường xảy ra. Việc cha mẹ ly dị, hay những điều kiện môi trường chung quanh rất quan trọng đối với sự phát triển của trẻ con. Tuy nhiên, còn nhiều lý do khác cũng không kém quan trọng. Trong trường hợp con của chị Marilynne chẳng hạn, cháu có rối loạn mà ông bà cha mẹ của cháu không phải là nguyên nhân.”

Bà Marilynne công nhận: “Khi biết con mình có một rối loạn về khả năng phán đoán, hoặc thiếu khả năng chú ý, hoặc có khó khăn khi sử dụng thính giác… cha mẹ nào cũng hoảng sợ. Chính tôi đã vô cùng lo sợ và tội nghiệp cho con, rồi đâm ra giận mình, giận người. Vì vậy, tôi đã không bình tĩnh để nhìn nhận vấn đề.”

Bà Marilynne kể nhà trường và thầy cô giáo đã mất nhiều công lao để trình bày và yêu cầu bà cho phép nhóm giáo dục đặc biệt được làm việc với con bà: “Tôi nhất định không chịu. Tôi nói: Con tôi không có điên. Mấy người không được phép mang nó ra khỏi lớp để đưa nó làm với những đứa tâm thần.”
Người mẹ giận dữ này đã rời khỏi văn phòng trường: “Tôi bỏ ngang cuộc họp, và dọa mang con đi trường khác. Khi tôi kể lại câu nói trên đây với cô Cheryl, cô ấy phân tích rõ ràng cho tôi hiểu về chương trình giáo dục đặc biệt.”

Cô Cheryl nói: “Tôi giải thích với bà Marilynne, cũng như với nhiều phụ huynh, rằng họ đã hiểu lầm về chương trình này. Chương trình giáo dục đặc biệt không phải là hình thức dậy dỗ rập khuôn được áp dụng cho mọi học sinh. Hơn ai hết, chúng tôi nhận biết mỗi học sinh là một thế giới hoàn toàn khác nhau. Mỗi em có ưu điểm và yếu điểm riêng. Vì vậy, mỗi em có một kế hoạch giáo dục cho riêng mình, và hoàn toàn không giống với bất kỳ em học sinh nào khác.”
Cô Cheryl phỏng đoán: “Có lẽ các phụ huynh Việt Nam mình dị ứng với những từ giáo dục đặc biệt vì nghĩ rằng các em ở trong chương trình này là điên khùng, bất bình thường. Điều đó hoàn toàn không đúng. Nền giáo dục tại Hoa Kỳ không phân biệt học sinh theo kiểu bình thường hay không bình thường. Thực sự, chuyện định bệnh một người nào đó là điên khùng, tâm thần… là chuyên khoa của các bác sĩ y khoa, tâm trí. Chúng tôi là chuyên viên giáo dục. Chúng tôi chỉ quan tâm đến việc tìm ra nguyên nhân khiến một em học sinh học yếu, và định phương cách để giúp em học ở mức tốt nhất mà em có thể.”

Định nghĩa học ở mức tốt nhất có thể mà cô Cheryl sử dụng là cụm từ không rõ đối với bà Minh Trang, một phụ huynh ở thành phố Los Gatos. Bà Minh Trang nói: “Tôi đồng ý cho con tôi tham gia chương trình giáo dục đặc biệt. Qua đó, các thầy cô chuyên môn sẽ dẫn cháu ra khỏi lớp vài tiếng đồng hồ một ngày, và dậy cháu trong nhóm chừng 5, 6 học sinh. Tôi tưởng rằng sau một thời gian thì chương trình học riêng này sẽ đưa cháu từ trình độ yếu lên bằng bạn bè.”

Theo bà Minh Trang, em Myra, con của bà, đã theo chương trình giáo dục đặc biệt từ năm lớp 1, và hiện em vẫn còn nhận sự giúp đỡ của chương trình dù năm nay đã là năm thứ 5. Bà giải thích: “Đến năm thứ ba sau khi cháu tham gia chương trình giáo dục đặc biệt, tôi được nhà trường cho biết là trình độ của cháu vẫn yếu hơn bạn bè, và họ muốn tiếp tục giúp đỡ cháu. Lúc đó tôi mới hiểu ra rằng trí thông minh của con tôi không bằng những em cùng tuổi. Tôi phải nhận rằng nhà trường đã nhẹ nhàng trình bày vấn đề, và tôi không tự ái khi phải hiểu như thế.”

Bà Minh Trang nhận xét: “Là người mang nặng đẻ đau, tôi rất buồn và rất nhậy cảm khi có ai đó chê bai con của tôi. Tuy nhiên, nhà trường của cháu Myra hết sức thông cảm. Họ không bao giờ dùng chữ hay ngầm ý là cháu bất bình thường, đần độn. Trước sau, họ vẫn nói là Myra khác với các bạn. Họ đã giúp tôi hiểu ra là con tôi đúng là khác với mọi người, và cháu cần có những giúp đỡ để gia nhập vào xã hội này dễ dàng hơn.”

Bà Minh Trang đề nghị: “Nếu quý vị nào thấy nhà trường nói đến chương trình giáo dục đặc biệt, tôi nghĩ quý vị cứ bình tĩnh xem họ trình bày những gì. Họ sẽ đưa ra bằng chứng như trình độ học trong lớp, hoặc điểm thi những bài thử nghiệm với các chuyên viên giáo dục đặc biệt. Họ sẽ giải thích lý do, và đề nghị những gì họ muốn giúp đứa bé đó. Họ là thầy cô giáo, dĩ nhiên họ muốn học trò học giỏi hơn, và hoàn toàn không có ý làm hại con em chúng ta.”

Tuy nhiên, lời đề nghị của bà Minh Trang có thể không dễ thực hiện trong một số trường hợp. Anh Tuần Phạm, một cư dân San Jose, cho biết: “Con tôi là đứa bé thông minh vượt bực. Chỉ sáu tuổi, nó đã biết nhiều chi tiết về khoa học kỹ thuật mà chính cô giáo của nó phải ngạc nhiên. Nó nói chuyện và lý luận như một học sinh trung học. Vậy mà nhà trường của nó lại đề nghị đưa nó vào một lớp đặc biệt.

Anh Tuần nhấn mạnh: “Không phải chỉ chương trình giáo dục đặc biệt theo kiểu cháu được dẫn ra dậy riêng một vài tiếng đồng hồ đâu. Họ muốn con tôi vào một lớp chỉ có khoảng 8, 9 học sinh. Tôi vào xem thử lớp đó, và rất bất bình. Phần lớn các học sinh tại đó có thái độ cư xử bất bình thường, dị hợm. Con tôi có điên đâu!”

Theo anh Tuần, cậu con trai thông minh của anh có những khó khăn sau đây: thiếu khả năng chú ý, có thể nổi giận đánh bạn hoặc thầy cô. Anh Tuần kể: “Rất nhiều lần trong trường gọi tôi đến vì cháu cắn bạn, và đánh cô giáo. Tôi biết là thương tích của họ không nhẹ, nhưng tôi thắc mắc: nếu học sinh hư hỗn, nhà trường phải có cách dậy dỗ. Tại sao lại đẩy nó vào lớp của những em tâm thần?”
Chính anh Tuần là người tìm ra câu trả lời cho mình sau 2 tháng đưa con vào học thử nghiệm trong lớp học từng khiến anh bất bình. Anh kể: “Bác sĩ của con tôi nói cháu mắc rối loạn Asperger’s. Nhà trường nói lớp học ít người kia tốt hơn cho cháu. Tôi bấm bụng để con vào học. Hai tuần lễ đầu tiên, con tôi trở nên dữ dằn, quạu quọ hơn. Tôi lo xanh mặt. Sau đó, cháu về nhà kể huyên thuyên: nào là cô giáo dậy một mình cháu tập viết, nào là cháu được đi học lớp khoa học với các anh chị lớp 5…”

Người cha của cậu bé mắc chứng Asperger’s rơi nước mắt: “Đến cuối tháng thứ hai, tôi mang một bó hoa đến trường mới, và một bó hoa đến trường cũ để cám ơn những chuyên viên giáo dục đã kiên nhẫn thuyết phục tôi. Con tôi tiến bộ không thể ngờ được. Thằng bé không còn thái độ tấn công mọi người. Nó biết báo động với cô giáo và phụ giáo những khi nó sắp sửa bực mình. Nó biết lấy bút viết về nỗi bực dọc đó thay vì la hét hay đánh bạn, đánh cô. Điều mà tôi ngạc nhiên nhất là nó vẫn tiếp tục học ở trình độ của nó. Những môn khoa học thì cháu được đưa sang học chung với lớp 5. Còn tập viết tập đọc thì học riêng với cô của cháu.”

Anh Dzũng và chị Kimmy đồng ý: “Con của chúng tôi cũng thế. Dù cháu học yếu gần như tất cả mọi môn, cô giáo vẫn chú ý để dậy cháu vẽ. Cháu cũng rất giỏi về viết chính tả. Cô giáo sử dụng ngay khả năng này để khuyến khích, và còn đề nghị cho cháu tham dự cuộc thi viết chính tả của học khu.”

Cô giáo Cheryl kết luận: “Tôi nghĩ điều phải được thực hiện trước hết, và cũng là điều khó khăn nhất, chính là cha mẹ nhìn nhận yếu điểm của con mình. Từ xưa đến giờ, có rất nhiều rối loạn mà người Việt chúng ta không nhìn nhận, thí dụ không tập trung được lâu, không ghi nhận và nhớ được thông tin khi nghe, hoặc chứng hiếu động thái quá, v.v.. Thực sự, đó là những khuyết điểm mà các em học sinh cần được hỗ trợ để có thể học theo đúng khả năng của mình. Xin đừng ngộ nhận rằng các em điên khùng, bất bình thường. Khi nhà trường và phụ huynh cùng mong ước cho một học sinh nào đó học giỏi nhất ở khả năng của em, chúng ta sẽ nhìn thấy tiến bộ trong học vấn của học sinh ấy.”

San Jose, May 18, 2008
admin
Site Admin
 
Bài viết: 1411
Ngày tham gia: T.Bảy Tháng 12 13, 2008 11:22 am

Bước vào thế giới của các em tự kỷ tại Hoa Kỳ

Gửi bàigửi bởi admin » T.Bảy Tháng 2 07, 2009 9:43 pm

Dưới đây là bài viết của cô Anh về bệnh Tự kỷ và cô giáo Kimberly được đăng trên tờ Việt Mercury -- một tờ báo tiếng Việt lớn nhất phát hành tại miền Bắc bang California.

Bước vào thế giới của các em tự kỷ tại Hoa Kỳ

October 16, 2006
Nguyễn Anh

Buổi chiều thứ Tư 4 tháng Mười, 2006, cô có vẻ mệt mỏi. Cô xách trên vai một giỏ đầy những tờ giấy in hình, có tờ in các dòng chữ. Mỗi tờ giấy có trung bình 20 hình hoặc 40 chữ. Cô kiên nhẫn cắt tất cả, rồi dán vào loại nhựa ép (laminating pouches). Cô giải thích: “Mình ép nhựa cho chắc chắn. Các em học sinh của tôi thường mạnh chân mạnh tay nên không ép nhựa sẽ rách mất. Ép nhựa xong còn phải cắt rời tất cả ra. Công việc này mất thời gian rất nhiều. Có lẽ đến tối khuya mới xong.”

Cô giáo viên chăm chỉ đó tên Kimberly Casino, đứng lớp Giáo Dục Đặc Biệt tại trường Laneview Elementary School, San Jose. Kim đến từ Phi Luật Tân. Cô còn khá trẻ dù đã có 12 năm kinh nghiệm làm việc với các em tự kỷ (TK).

Cùng lúc, bà Diễm Thornton cũng bận rộn cắt dán những hình ảnh cần thiết để chuẩn bị cho con trai Dennis Thornton. Dennis là học sinh TK 10 tuổi. Bà nói: “Thế giới của các em TK khác với thế giới của chúng ta. Tôi đã phải bỏ lại tất cả những ước lệ mà chúng ta vẫn sử dụng để giao tế, liên hệ, trao đổi với nhau để bước vào thế giới của các em. Giao thiệp với các em bằng hình ảnh thế này là một trong những khác biệt giữa chúng ta và các em.”

Cô Kim giải thích thêm về hàng ngàn tấm hình và các dòng chữ cô đang cắt dán: “Đây là những gì tôi và các học sinh TK của tôi sử dụng để trò chuyện với nhau. Tôi sử dụng bộ Mayer-Johnson để lấy hình cho những em nào ở trình độ sử dụng hình. Em nào đọc được chữ, chúng tôi xài chữ. Mớ hình và chữ này là tôi làm riêng cho thời khóa biểu của các em tại trường.” Kim cầm lên hình một người đang viết trên bàn: “Thí dụ tấm hình này, tôi sẽ dán lên thời khóa biểu của các em. Điều đó có nghĩa là các em sẽ làm bài tại bàn của mình. Em nào đọc chữ thì sẽ thấy trên thời khoá biểu dòng chữ work.”

Cô M. Benton là một giáo viên chuyên làm việc với các em tự kỷ khác tại quận hạt Santa Clara. Cô Benton cười khi được hỏi chẳng lẽ cô không nói tiếng nào trong lớp mà chỉ dùng hình và chữ: “Đâu có. Chúng tôi sử dụng hình và chữ vì khả năng nghe mệnh lệnh bằng lời nói là yếu điểm của các em TK. Nếu thấy hình hay chữ, các em dễ hiểu ý mình hơn. Các em TK không điếc hay lãng tai. Các em có thính giác bình thường, nhiều khi còn quá nhậy cảm với tiếng động lớn. Tuy nhiên âm thanh đi vào tai các em không được giải mã như phần lớn chúng ta.”

Bà Diễm Thornton cho biết: “Rất khó cho chúng tôi khi phải nhớ luôn luôn rằng con mình không quen nghe lời nói. Có lẽ con người sinh ra đã có khả năng nói và nghe, nên có chuyện gì là mở miệng nói liền.”

Bà Thornton so sánh: “Cũng giống như khi đi du lịch sang Pháp, Trung Quốc, Phi Luật Tân, ai cũng biết ngôn ngữ bất đồng. Mình phải ra dấu, nhưng miệng thì vẫn nói thứ tiếng mà mình biết người nghe không hiểu. Với các cháu TK cũng vậy. Cháu Dennis và chúng tôi cũng thế. Nhìn hình là cháu hiểu ngay, nhưng chúng tôi thì vẫn nói. Vừa nói vừa tìm hình hay bút để viết cho con đọc.”

Theo ông Thornton, hình ảnh hay chữ viết là phương tiện chính để biểu tỏ ý tưởng với các em TK: “Tôi tin là hình và chữ là phương tiện truyền thông của các cháu TK. Bắt đầu sử dụng phương cách này, chúng tôi rất buồn và không quen. Nhưng rồi chúng tôi thấy hiệu quả của nó quá rõ ràng.”
Cô Benton thêm vào: “Tôi luôn tự dặn mình rằng khả năng giải mã âm thanh của các em TK yếu, nhưng không phải không có. Dù chúng tôi sử dụng hình ảnh và chữ viết là chính, chúng tôi vẫn rèn khả năng giải mã âm thanh này cho các em bằng cách tiếp tục lên tiếng nói với các em.”

Bà Diễm đồng ý: “Đúng là các em còn khả năng nghe. Khi Dennis làm điều gì không nên, tôi nói no là cháu dừng lại ngay. Cháu có thể tiếp tục, nhưng ít nhất cháu dừng lại nghĩa là cháu có nghe thấy và hiểu cha mẹ muốn nói gì.”

Theo phân tích của giáo sư Nguyễn Văn Thành từ Laussane, Thụy Sĩ, thái độ “khư khư bám sát, bám chặt vào những chương trình, thứ tự, nghi thức, cách tổ chức trong các sinh hoạt hàng ngày” cũng là một biểu hiện của TK (http://www.dunglac.net).

Chị Nguyễn Bùi Thu Hương, mẹ của em Nguyễn Bình, cho biết: “Ép cháu Bình làm điều gì đó mới là chuyện gần như không thể xảy ra. Hồi đó, tôi đang để tóc dài. Một ngày, tôi trở về nhà với mái tóc tém. Bình hoàn toàn khủng hoảng. Các cô giáo trong trường đã giúp tôi hiểu rằng cháu không quen với những thay đổi bất ngờ. Từ đó trở đi, để mọi việc dễ dàng hơn, chúng tôi nói trước, rồi cho cháu xem hình trước nếu có thể về những thay đổi sắp xảy ra.”

Anh Nguyễn Lâm, bố của Bình, kể lại: “Có một lần chúng tôi đưa cháu đi Việt Nam chơi. Các cô giáo và chuyên viên ngôn ngữ trị liệu của trường đã giúp chúng tôi in ra nào là hình phi trường, hình máy bay, hình ghế trong máy bay, hình phòng vệ sinh, v.v.. Còn chúng tôi thì đem hình ông bà ngoại và các cô cậu, chú dì ở Việt Nam cho cháu xem trước.”

Anh Lâm trầm ngâm một lúc rồi tiếp: “Thầy cô giáo trong trường đã mất bao nhiêu thời gian để thuyết phục chúng tôi là phụ huynh rằng chúng tôi phải đồng ý bước vào thế giới riêng của Bình. Họ nói chỉ có như thế chúng tôi mới có thể giới thiệu với Bình thế giới của chúng ta.”

Chị H. Phạm, mẹ của hai em TK, đồng ý: “Tôi cũng nghe nói đại loại như vậy. Mới đầu tôi thấy kỳ quá, vì hoặc là hai con tôi dở khùng dở điên, hoặc là chúng nó hư hỗn một cách kỳ dị. Nhưng khi tôi học theo thầy cô trong trường để tìm ra cách giao thiệp với chúng, tôi mới thấy rằng đúng là chúng có thế giới khác với mình.”

Cô Benton chia xẻ: “Các phụ huynh Việt Nam gặp khó khăn rất nhiều trong việc chấp nhận rằng con em của họ có rối loạn TK. Các đồng nghiệp của tôi cho biết có lẽ vì rối loạn này hoàn toàn chưa được định bệnh ở Việt Nam, ít nhất cho đến thời gian gần đây. Trình bày và thuyết phục họ không phải dễ. Các phụ huynh sắc tộc khác, ngay cả Mỹ trắng, cũng thế thôi. Tuy nhiên, khi họ đồng ý sử dụng những phương cách đặc biệt mà chúng tôi đề nghị để giao tiếp và giáo dục các em, họ rất thành công. Dĩ nhiên! Đó là cha, là mẹ, những người yêu thương và kiên nhẫn với các em nhất trên thế giới này!”

Cô Benton nhấn mạnh: “Thế giới của các em TK đúng là khác với thế giới của chúng ta. Tuy nhiên, xin đừng nghĩ rằng các em hoàn toàn không thể phát triển, tiến bộ. Chúng tôi quan niệm rằng chúng ta cần tiếp tục giới thiệu những gì nên được thực hiện, tiếp tục giúp các em kiềm chế, tiếp tục dậy các em sử dụng ngôn ngữ để truyền thông, v.v..”

Chị H. Phạm thêm vào: “Tôi thấy rằng các con tôi vì rối loạn TK nên không có ý niệm gì về thời gian hết. Một tiếng đồng hồ, hay hai phút cũng vậy thôi. Vì vậy, các em không thích chờ đợi. Các em cũng thường lo âu nếu không biết rõ điều gì sắp xảy ra.”

Bà Diễm Thornton đưa ra một tóm tắt: “Nói chung, các em TK như cháu Dennis nhà tôi có thể sống một ngày vui và không làm phiền gì đến người chung quanh nếu chúng ta biết lèo lái môi trường của các em. Hãy báo trước những gì sẽ xảy ra trong vòng nửa giờ, một giờ sắp tới. Hãy báo trước nếu có điều thay đổi trong sinh hoạt của các em. Hãy giới hạn số lượng lời nói, thay vào đó hãy dùng hình ảnh hoặc chữ viết để tỏ ý của mình.”

Về chi tiết “bùng nổ trong lãnh vực xúc động” mà giáo sư Nguyễn Văn Thành nhắc đến trong các bài viết về Tự Kỷ, anh Nguyễn Lâm nói: “Đó chính là thái độ dẫy dụa, gào thét, đập đầu vào tường, v.v.. mà cháu Bình nhà tôi vẫn làm khi có gì không vừa ý.”

Cô Kim Casino nói hầu hết các giáo viên làm việc với các em TK dạng nặng đều được huấn luyện một khóa để biết những phương pháp kiềm chế các em trong những cơn bùng nổ hầu ngăn cản các em làm hại mình hoặc người chung quanh.

Kim cho biết các em TK có khả năng hiểu được hành động nào là nên hay không nên nếu phụ huynh và nhà trường có biện pháp hiệu quả. Hiệu quả, theo Kim phân tích, là biện pháp được đưa ra tức thời. Chị Hương chứng minh: “Con lớn của tôi có tật thích nghe tiếng nước chảy, nên đi đâu cũng mở các khóa nước trong nhà vệ sinh hoặc bình nước uống của người ta. Ngược lại, cháu rất sợ khi chúng tôi lấy đi chiếc cặp màu nâu của cháu. Vì vậy, ngay khi cháu thò tay mở nước, chúng tôi đưa hình chiếc cặp này với dấu X đỏ bên trên. Cháu hiểu ngay hình phạt, và lập tức ngừng không mở nước nữa.”

Cô Kim Casino cũng nói đến việc các phụ huynh và giáo viên cần phạt các em bất kỳ khi nào các em hành xử sai trái. Bà Diễm Thornton nói bà hoàn toàn đồng ý với ý kiến này vì chỉ cần một lần bỏ lơ không xử phạt, các em sẽ quên mất tất cả những gì được huấn luyện. Bà kể: “Mỗi lần Dennis cào ba má hay anh chị em, Dennis bị phạt không được chơi bộ xe hơi mà cháu thích. Một thời gian dài cháu không cào ai. Tuy nhiên, có lần do nhà có khách, chúng tôi bỏ qua không phạt cháu. Ngay sau đó, cháu đã trở lại thái độ la khóc dữ dội khi chúng tôi quay lại áp dụng hình thức phạt cháu. Phải một thời gian lâu sau, chúng tôi mới thiết lập được thói quen cháu đã học: không cào người khác.”

Chị H. Phạm cho biết ngay cả những thói quen tốt cũng cần được giữ đều đặn: “Nếu không giữ đều đặn, các cháu quên ngay. Cô con gái 7 tuổi của tôi tập sử dụng bồn cầu thay vì mặc tã hoặc làm ướt quần. Tập mãi, cuối cùng cháu cũng biết sử dụng nhà vệ sinh. Sáu tuần sau, có một ngày tôi quá bận nên không nhắc cháu đi tiểu. Cháu làm ướt quần. Chỉ có vậy mà cô giáo và chúng tôi phải mất 4 tháng nữa mới luyện lại được thói quen sử dụng phòng vệ sinh cho cháu.”

Cô bé 7 tuổi xinh xắn con chị H. Phạm lúc đó đang ngồi bịt tai vì dị ứng với tiếng động của máy cắt cỏ người hàng xóm sử dụng. Chị H. đưa cho bé cuốn sách hình. Bé chọn tấm hình có một người đang che tai, và một người có nét mặt giận dữ. Chị H. giải thích: “Cháu muốn nói tiếng động làm cho cháu bực mình.” Chị kéo con đến gần, giúp bé bịt tai chặt hơn. Cô bé tự kỷ cười và ngồi yên trong lòng mẹ. Hai bàn tay không phải che tai đưa lên sát mắt, các ngón tay vẫy liên tục.

Thế giới của các em TK đúng là khác nhiều với thế giới của đa số chúng ta. Chị H., ông bà Thornton, anh Lâm – chị Thu Hương, cô Kim, cô Benton, và nhiều phụ huynh cũng như các chuyên viên khác đã và đang bước vào thế giới của các em để giới thiệu một xã hội ngay chung quanh mà các em trước giờ vẫn không liên hệ với, không để ý tới, và không hòa nhập vào. Nỗ lực của chính các em, của phụ huynh, của chuyên viên sẽ thành công hơn nếu cộng đồng hỗ trợ bằng cách thông cảm và chấp nhận nét khác biệt của các em tự kỷ.

Năm Dấu Hiệu Cổ Điển Của Hội Chứng Tự Kỷ
1. Đời sống bít kín: Trẻ em không có những quan hệ tác động qua lại với những người khác, cùng có mặt trong môi trường sinh sống, thậm chí với người mẹ đã sinh ra mình,
2. Dấu hiệu thứ hai nằm trong lãnh vực ngôn ngữ: ngôn ngữ thiếu vắng hoàn toàn, từ những giai đoạn bi bô, bập bẹ, hay là có những rối loạn trong thể thức sử dụng các loại đại danh từ khác nhau…
3. Dấu hiệu thứ ba là những phản ứng “bùng nổ”, trong lãnh vực xúc động, kèm theo những hành vi tự hủy hoại, làm hại chính mình, hay là những tác phong bạo động đối với kẻ khác,
4. Dấu hiệu thứ bốn là những hành vi “lặp đi lặp lại”, một cách tự động, cơ hồ một chiếc máy ghi và phát âm,
5. Dấu hiệu thứ năm là những sở thích kỳ dị, lạ thường như nhún nhảy, quay tròn, đưa 5 ngón tay ve vẫy trước mắt, say mê nhìn ngắm những hạt bụi, những tia nắng xuyên qua một kẽ hở, hay là sắp xếp đồ chơi thành hàng… Thêm vào đó, vài trẻ em có những cơn động kinh nhẹ hay nặng, với nhữnghiện tượng như sùi bọt mép, mất ý thức, tiểu tiện trong quần và cắn răng vào lưỡi.

Có sử dụng tư liệu của ông Nguyễn Văn Thành, Lausanne, Thụy Sĩ (http://www.dunglac.net)

October 16, 2006
Nguyễn Anh
admin
Site Admin
 
Bài viết: 1411
Ngày tham gia: T.Bảy Tháng 12 13, 2008 11:22 am

Trường học các bé TK tại Hoa Kỳ

Gửi bàigửi bởi phi » T.Tư Tháng 5 20, 2009 2:54 pm

Trẻ Tự Kỷ Học Gì Ở Trường

Phỏng dịch từ bài viết của Tạp chí Time về Tự Kỷ, nguồn http://www.time.com
Bài viết giới thiệu các hoạt động tại một trường dành cho các bé Tự Kỷ tại Hoa Kỳ.
Nguyễn Phi

Hình dưới: Vào giờ thể dục buổi sáng, các bé nhảy múa cùng thày cô để tăng tính tập trung, sự trao đổi cảm xúc và tập tham gia (vào các hoạt động).
h1.JPG
h1.JPG (38.02 KiB) Đã xem 9180 lần.


Hình dưới: Các bé đang tham gia trò chơi “Đèn xanh, Đèn đỏ” nhằm tăng tính điều chỉnh và kỹ năng cho giao thông sau này.
h2.JPG
h2.JPG (27.81 KiB) Đã xem 9189 lần.


Hình dưới: Một trò chơi nhằm kích thích giác quan các bé và tăng khả năng suy nghĩ, đáp ứng với môi trường mới.
h3.JPG
h3.JPG (40.71 KiB) Đã xem 9110 lần.


Hình dưới: Bé Ryan cùng nghịch dây với cô trong giờ thể dục buổi sáng. Trò chơi giúp các cô giáo cùng chia xẻ cảm xúc với các bé trong lúc đang phải giải quyết một vấn đề nào đó (Ryan bị rối, phải gỡ dây ra khỏi người mình).
h4.JPG
h4.JPG (31.61 KiB) Đã xem 9183 lần.


Hình dưới: Cô giáo lên thời khóa biểu bằng hình ảnh giúp bé thực hành/học kỹ năng sinh hoạt hàng ngày. Các sinh hoạt bao gồm “giờ nghỉ ngơi thoải mái” và “giờ học kỹ năng cuộc sống”, những kỹ năng được dạy tại các trường phổ thông.
h5.JPG
h5.JPG (30.02 KiB) Đã xem 9101 lần.


Hình dưới: Sau giờ ăn trưa, các bé đang nghỉ ngơi nghe cô giáo đọc truyện.
h6.JPG
h6.JPG (24.44 KiB) Đã xem 9176 lần.


Hình dưới: Christopher vừa đọc sách vừa bóp quả banh cao su, một kỹ thuật nhằm giúp em tập trung vào bài học lâu hơn. Các bạn nên cho bé “vân vê” các vật như vậy, sẽ có kết quả tốt cho việc học hành của các bé.
h7.JPG
h7.JPG (20.85 KiB) Đã xem 9121 lần.


Hình dưới: Trong giờ ra chơi thì Sam và Joshua thích giao đấu cờ vua. Đây là giờ các học sinh tự chọn trò chơi/sinh hoạt mình muốn. Các học sinh tập tôn trọng sự khác biệt và tự nhận ra các cần thiết về giác quan của mình (Sam và Joshua “cần” và “thích” suy nghĩ các thế cờ). Trong môi trường học phổ thông, việc ngồi riêng ra một góc đánh cờ thường bị các bạn khác cho là “có vấn đề”.
h8.JPG
h8.JPG (29.41 KiB) Đã xem 9153 lần.


Hình dưới: Bé Nicolas hôn chị Kelley (bạn học lớn tuổi hơn Nicolas). Các bé được khuyến khích giao tiếp và làm các hoạt động liên quan tới giác quan như cùng nắm tay nhau, hôn má các bạn trong lớp... tất nhiên với quan sát của chuyên gia (đội mũ trắng phía sau).
h9.JPG
h9.JPG (36.17 KiB) Đã xem 9095 lần.


Hình dưới: Tyler đang khoe đề án xây dựng của mình, được xây lên bở các sợi mì Ý spaghetti và bông gòn bằng đường marshmallow (2 món ăn phổ biến tại Hoa Kỳ). Các bé xây đủ thứ, từ Kim Tự Tháp cho tới các khối vuông trong phần học về phác hoạ và thăng bằng.
h10.JPG
h10.JPG (25.17 KiB) Đã xem 9185 lần.



Nguồn: Tạp chí Time time.com
Các hình ảnh thuộc bản quyền của Tạp chí Time
ConCủaMẹ.com
Phi
Special Ed.
Hình đại diện của thành viên
phi
 
Bài viết: 5627
Ngày tham gia: CN Tháng 2 08, 2009 10:23 am

Re: Bộ Luật về Giáo Dục Đặc Biệt của Hoa Kỳ

Gửi bàigửi bởi Khoaiyeu » T.Tư Tháng 5 20, 2009 6:55 pm

Hay quá đi thôi.
Anh Phi, anh có thể miêu tả vài trò chơi tập thể dễ thực hiện được không ạ. Chẳng hạn trò "đèn xanh đèn đỏ". Các bé sẽ chạy khi giáo viên giơ thẻ xanh và dừng khi giơ thẻ đỏ phải không?
Tôi cũng đang muốn tổ chức những trò chơi tập thể cho các bé vào ngày nghỉ cuối tuần.
Trò chơi "thơm nhau", "nắm tay nhau" bé nhà tôi rất hay thực hiện với các bạn trong sự khuyến khích của cô giáo (đây là may mắn tình cờ thôi).
Vì tương lai trẻ tự kỷ
www.tretuky.com
Khoaiyeu
 
Bài viết: 112
Ngày tham gia: T.Sáu Tháng 3 13, 2009 8:11 pm

Re: Bộ Luật về Giáo Dục Đặc Biệt của Hoa Kỳ

Gửi bàigửi bởi phi » T.Năm Tháng 5 21, 2009 7:03 pm

Khoaiyeu đã viết:Hay quá đi thôi.
Anh Phi, anh có thể miêu tả vài trò chơi tập thể dễ thực hiện được không ạ. Chẳng hạn trò "đèn xanh đèn đỏ". Các bé sẽ chạy khi giáo viên giơ thẻ xanh và dừng khi giơ thẻ đỏ phải không?
Tôi cũng đang muốn tổ chức những trò chơi tập thể cho các bé vào ngày nghỉ cuối tuần.
Trò chơi "thơm nhau", "nắm tay nhau" bé nhà tôi rất hay thực hiện với các bạn trong sự khuyến khích của cô giáo (đây là may mắn tình cờ thôi).


Vâng, trò chơi "đèn xanh đèn đỏ" chủ yếu tập cho bé các kỹ năng sau:

- Tuân theo mệnh lệnh
- Cùng làm chung với các bạn
- Học khái niệm về an toàn
- Học khái niệm về giao thông

Ví dụ, 2 mẹ con ngồi trên ghế giả như đang lái xe hơi. Lúc ngừng xe mẹ bảo "bé xuống đi", và dạy cho bé xuống bên tay phải.

Vì sao? Vì khi từ taxi bước ra, xuống bên phải tức là bước xuống lề đường. Còn bên trái là xuống lòng đường, lỡ xe nó đâm vào mình thì sao? Xe máy cũng thế, bước xuống sao cho chân không chạm vào ống pô.

Chị cũng nên để ý trò chơi quấn dây vào người. Bình thường nó là một việc bực mình, nhưng cô giáo biến thành một trò chơi để bé:

- Học cách bình tĩnh "gỡ rối"
- Cùng làm việc với người khác để "gỡ rối"

Chị biết không, khi tôi dạy các lớp huấn luyện lãnh đạo, tôi cũng có những trò chơi tương tự như vậy (nhưng ở mức độ khó, trừu tượng hơn). Thí dụ như bắt các học sinh phải hoàn thành một đề án nhỏ nào đó, nhưng không ai có đủ dụng cụ để làm (lúc họ nhận ra điều đó thì tôi đã bước ra khỏi lớp). Khi đó có nhóm thì vò đầu vò tai, có nhóm thì nghĩ là thầy quên, thôi khỏi phải làm, có nhóm thì đổ lỗi cho thầy...

Nhưng thỉnh thoảng cũng có nhóm tự đi gặp các nhóm khác trong lớp, cùng trao đổi những cái thưà/thiếu, để rồi mọi người ai cũng làm được việc.

Tóm lại, người ta nói "thật ra ở đời tất cả những cái cần học, mình đã được học ở cấp mẫu giáo" cũng có cái đúng của nó. Nhớ hồi nhỏ cô giáo bảo: "Qua đường phải nắm tay nhau cùng đi". Lớn lên rồi thiếu gì người thấy bạn mình khó khăn thì "qua đường trước một mình", có đợi ai đâu!

Phi
Phi
Special Ed.
Hình đại diện của thành viên
phi
 
Bài viết: 5627
Ngày tham gia: CN Tháng 2 08, 2009 10:23 am

Coi ti-vi nhiều gây ra Tự Kỷ?

Gửi bàigửi bởi admin » T.Bảy Tháng 5 30, 2009 11:03 pm

Coi ti-vi nhiều gây ra Tự Kỷ?

Cái gì gây ra Tự Kỷ và tại sao TK đang tăng mạnh là chuyện nhức nhối cho các nước phát triển. Vào năm 1970 tại Hoa Kỳ người ta nghĩ rằng khoảng 2500 bé thì có 1 bé bị, nhưng bây giờ thì khoảng 170 bé đã có 1 bé bị cho là TK. Việc gia tăng này có thể do việc khám phá bệnh tốt hơn, có thể do bệnh thực sự gia tăng... chưa ai quả quyết được.
Vậy cái gì gây ra TK? Nói gen thì cũng không đúng, vì các cặp sinh đôi thật (identical twin), khi 1 bé bị TK thì bé kia cũng chỉ có 70 tới 90 phần trăm bị TK.
Ông Michael nghiên cứu tại ĐH Cornell đặt câu hỏi mà các PH tại Việt Nam rất quan tâm: Phải chăng coi ti-vi quá nhiều là một lý do gây ra TK? Ông Michael cùng các nhà nghiên cứu khác bắt đầu lục lọi thống kê. Họ thấy rằng tại California và Pynnsylvania, cứ quận hạt nào mà dân chúng đặt dịch vụ ti-vi nhiều thì có số bé TK nhiều, và nơi nào đặt dịch vụ ti-vi cao nhất, nơi đó cũng có nhiều bé TK nhất.
[Lời người dịch: causation và correlation là 2 việc khác nhau. Causation, tạm dịch sự tạo thành, là khi một việc này gây ra một việc khác. Vd như đưa tay vào lửa thì nóng là causation. Correlation chỉ là sự tương quan. Vd con gà gáy buổi sáng thì mặt trời mọc, không có nghĩa là con gà “gây ra” mặt trời mọc]
Vậy có đúng là coi ti-vi quá nhiều là 1 nguyên nhân gây ra TK? Ti-vi là causation hay chỉ là correlation?

Michael Waldman, ĐH Cornell
Sean Nicholson, ĐH Cornel
Nordir Adilov, ĐH Purdue

ConCủaMẹ.com lược dịch

Nghiên cứu trên dữ liệu các trẻ sinh từ 1972 tới 1989. Giả thuyết đặt ra là có phải do coi tivi nhiều quá nên các bé đã bị TK. Nghiên cứu sơ khởi cho thấy ở các vùng trong tiểu bang California va Pennsylvania vào thập niên 70 và 80, nơi nào các gia đình đăng ký dịch vụ tivi nhiều, nơi có con số trẻ bị TK cũng lên cao.

Cách đân 30 năm cứ khoảng 2500 bé thì có 1 bé bị TK, và vào năm 2006 thì khoảng 166 bé đã có 1 bé bị TK (người dịch: đây có thể đơn thuần do việc chuẩn bịnh tốt hơn, không đủ để quyết định một cách tuyệt đối là căn bệnh đang gia tăng). Mặc dù TK tăng như vậy, chúng ta không biết rõ cái gì gây ra TK. Rimland khởi xướng nói TK liên quan tới gen nhưng nhiều nhà khoa học nói là do môi trường. Trong nghiên cứu này chúng tôi chú trọng tới việc có phải coi tivi nhiều lúc còn nhỏ là yếu tố quan trọng gây ra TK hay không (người dịch: chữ “coi tivi” ở đây được dùng cho cả coi truyền hình, coi phim ảnh, DVD trên màn hình, trong rạp hát, hay coi trên máy vi tính).

Trong quá trình nghiên cứu chúng tôi cũng thấy có liên quan (co-relation) tới việc trẻ ở trong nhà nhiều chứ không chỉ là coi tivi. Xem xét số liệu thống kê ở 2 tiểu bang nói trên, chúng tôi thấy có liên quan tương ứng giữa việc coi tivi nhiều và việc bệnh TK gia tăng. (người dịch: tác giả vẫn dùng chữ “liên quan/co-relation” chứ không dùng chữ nhân quả/causation. Có thể coi tivi và TK liên quan là do trẻ TK ít giao tế, thích coi tivi chứ chưa chắc là vì coi tivi gây ra TK).

Tại sao chúng tôi nghi ngờ tivi? Có 4 lý do:

(1) Lý do môi trường: Trong khi các nhà nghiên cứu khác tập trung vào vấn đề môi trường thiên nhiên, chúng tôi để ý tới môi trường sống. Con số tương quan ở California giữa việc coi tivi nhiều lúc còn quá bé và gia tăng TK đã làm chúng tôi để ý tới tivi.
(2) Lý do liên quan tới ADHD (Tăng động thiếu chú ý): Đã có các nghiên cứu khác nói tivi có liên quan tới ADHD, nên chúng tôi tập trung vào tivi.
(3) Hành vi của trẻ có nguy cơ TK cao: Có nghiên cứu cho thấy trẻ sơ sinh có nguy cơ TK cao thường khó dứt ra khỏi tivi, cho nên các nhà nghiên cứu cho rằng vì thế các bé này “hút” rất nhiều từ tivi so với các bé đồng tuổi, cho nên có nguy cơ nhiễm những phản ứng phụ không tốt từ tivi nhiều hơn.
(4) Lý do cuối liên quan tới nhóm người Amish tại Hoa Kỳ. Văn hoá của họ là sống giản dị không dùng điện, cho nên trẻ Amish không coi, hoặc coi tivi rất ít. Và có thể vì vậy tỷ lệ trẻ TK trong nhóm người Amish thấp hơn tỷ lệ của cả nước (Hoa Kỳ).

Người dịch: chúng tôi bỏ phần tác giả chứng minh cách thâu lượm dữ kiện là chính xác, cách họ trình bày lý luận... vì toàn bài rất dài (68 trang). Chúng tôi xin đi thẳng vào kết luận của họ.

Chúng tôi mở đầu với giả định rằng coi tivi nhiều lúc nhỏ có liên quan tới việc gây ra TK. Mặc dù số liệu cho thấy có sự liên quan (co-relation), chúng tôi không đủ cơ sở để chứng minh rằng coi tivi nhiều lúc nhỏ là nguyên nhân gây ra bệnh. Có nhiều nhà nghiên cứu y khoa tin rằng coi tivi nhiều, nhất là khi trẻ chưa được 24 tháng, sẽ gây ra nhiều ảnh hưởng không tốt. Đây cũng là một vấn đề nên xem xét nếu chúng tôi muốn mở rộng, nghiên cứu thêm về sau này.

Tk-graph-california.GIF
Tk-graph-california.GIF (9.58 KiB) Đã xem 9673 lần.

Đồ thị cho thấy căn bệnh TK gia tăng nhanh tại California, dựa trên năm sinh các trẻ từ 1970 tới 2000, dựa trên thống kê năm 2005.


ConCủaMẹ.com
admin
Site Admin
 
Bài viết: 1411
Ngày tham gia: T.Bảy Tháng 12 13, 2008 11:22 am

Re: Phóng sự về Tự kỷ trên báo chí Hoa Kỳ

Gửi bàigửi bởi phtran1302 » T.Hai Tháng 6 15, 2009 2:00 am

Đọc các bài này mới thấy thương cho các bé VN làm sao....Các bé làm gì có được sự quan tâm như thế từ nhà trường kia chứ !! Thậm chí bé nào có hành vi bất thường, không nói chuyện được thì cô giáo hay ban giám hiệu trường sẽ liên lạc với phụ huynh để....trả về !!! Làm gì khi mà một bé có vấn đề thì nào là cô chuyên môn, cô tâm lý, rồi ban giám hiệu cùng hết tâm, hết lòng giải thích với PH rồi giúp đỡ bé tận tình ??? Ôi, tội nghiệp bé VN, thương cho các bé làm sao ! :(
Phương
Phương
phtran1302
 
Bài viết: 3031
Ngày tham gia: T.Hai Tháng 3 16, 2009 12:45 am
Đến từ: Saigon, Viet Nam

Re: Phóng sự về Tự kỷ trên báo chí Hoa Kỳ

Gửi bàigửi bởi Nguyen,Anh » T.Hai Tháng 6 15, 2009 11:52 pm

Phương ơi, rồi ngành giáo dục cũng sẽ tiến tới chỗ hỗ trợ các bé. Hoa Kỳ họ đã qua 30 năm mày mò rồi cơ mà. Điều quan trọng là nếu tụi mình cố gắng hết sức có thể, thì ước mơ các bé được hỗ trợ trong khung cảnh học đường sẽ đến nhanh hơn.

tườnganh
Nguyễn Tường Anh
Nhóm Chuyên Gia TK
Hình đại diện của thành viên
Nguyen,Anh
 
Bài viết: 4505
Ngày tham gia: T.Bảy Tháng 1 10, 2009 12:05 pm

Re: Phóng sự về Tự kỷ trên báo chí Hoa Kỳ

Gửi bàigửi bởi phtran1302 » T.Ba Tháng 6 16, 2009 12:08 am

Phương ơi, rồi ngành giáo dục cũng sẽ tiến tới chỗ hỗ trợ các bé. Hoa Kỳ họ đã qua 30 năm mày mò rồi cơ mà. Điều quan trọng là nếu tụi mình cố gắng hết sức có thể, thì ước mơ các bé được hỗ trợ trong khung cảnh học đường sẽ đến nhanh hơn.

Hy vọng khiến cho người ta sống khá hơn phải không chị? P cũng hy vọng như chị nói, nhưng ngay thời điểm nầy đây đi tìm trường và tìm được giáo viên có lòng với bé TK là một điều ....vô cùng khó khăn cho PH chúng tôi đó chị Tường Anh ơi !
Phương
Phương
phtran1302
 
Bài viết: 3031
Ngày tham gia: T.Hai Tháng 3 16, 2009 12:45 am
Đến từ: Saigon, Viet Nam

Re: Phóng sự về Tự kỷ trên báo chí Hoa Kỳ

Gửi bàigửi bởi phi » T.Tư Tháng 6 17, 2009 12:10 am

Admin: Admin kô thích làm việc này, nhưng bài của anh Phi nói về trường tiểu học tư thục quốc tế, đi lệch ra ngoài đề tài TK rồi. Admin buộc phải bỏ ra. Trong bài lại nói tới các dự án của ConCủaMẹ chưa được chính thức công bố ...

Xin lỗi anh Phi & các bạn, Admin phải bỏ bài này ra
Phi
Special Ed.
Hình đại diện của thành viên
phi
 
Bài viết: 5627
Ngày tham gia: CN Tháng 2 08, 2009 10:23 am

Trang kế tiếp

Quay về Những bài viết về Tự Kỷ

Đang trực tuyến

Đang xem chuyên mục này: Không có thành viên nào trực tuyến.19 khách.

cron