Bài viết trên vnexpress.net của Nhà báo Trần Anh Tú
http://vnexpress.net/tin-tuc/goc-nhin/y ... 39236.htmlYêu cho roi vọt
Khi vụ bạo hành trẻ mầm non ở trường Sen Vàng vừa diễn ra, một đồng nghiệp hỏi tôi: "Con anh đã bao giờ bị giáo viên đánh chưa?".
Tôi trả lời là chưa. Chưa lần nào tôi phải lấn cấn vì hành vi bạo lực của giáo viên. Có thể giáo viên các trường con tôi học được đào tạo bài bản hơn. Có thể gia đình có "mối quan hệ" tốt đẹp với nhà trường và giáo viên. Có thể là con tôi không quá nghịch ngợm. Có thể có nhiều nguyên nhân.
Nhưng câu hỏi ấy lại khiến tôi suy nghĩ về một khía cạnh khác. Tôi phải thú nhận rằng tôi từng đánh con, không chỉ một lần. Cậu con trai từng bị tôi đánh vì tội vứt điện thoại di động của bố từ tầng hai xuống. Còn cô con gái thì bị bố phát vào mông giữa trường mầm non vì tội không chịu ăn. Tôi không nhớ cụ thể những lần đánh con. Chỉ nhớ như in cảm giác sau những lần "thượng cẳng chân, hạ cẳng tay" này - giống với sự bàng hoàng. Đầu óc tôi trống rỗng, không làm nổi việc gì cả. Hơn hết là sự cắn rứt, hối hận.
Có lần đưa con vào lớp, nhìn con nước mắt rơm rớm mà tôi chỉ muốn chạy lại, ôm lấy con và nói lời xin lỗi. Nhưng tôi không làm thế. Lấy hết nghị lực, tôi làm ra vẻ giận dữ, đổ hết tội lỗi lên đầu con, để có thể quay đi ra chỗ để xe. Cả ngày đó, tôi chỉ nghĩ đến việc xin lỗi. Nhưng buổi tối, tôi chỉ hỏi con về tình hình học tập, ăn-chơi-ngủ-nghỉ, chứ không hề đả động đến việc tôi đã dùng bạo lực với cháu. Tôi vui vì hình như con cũng đã quên. Dường như sự vô tư của bọn trẻ là chỗ bám víu cho chính tôi.
Bạn bè tôi, những người là phụ huynh, cũng thừa nhận họ từng đánh con. "Đánh nhẹ ấy mà, cho nó chừa tội nghịch ngợm", một bà mẹ nói. Và họ đều thú nhận việc đánh con liên quan đến cảm xúc của bố mẹ nhiều hơn. Mất kiểm soát, không kìm chế được cơn tức giận, sự bực bội, chúng tôi trút lên con mình.
Tôi mới đọc một tài liệu về bố mẹ độc hại (toxic parents). Bố mẹ độc hại là những ông bố bà mẹ sở hữu những khuôn mẫu hành vi tiêu cực, nhất quán đối với cuộc sống của đứa con. Tức là những bố mẹ gây hại cho đưa con. "Bố mẹ độc hại" có thể là những người nghiện rượu, hay kiểm soát con cái, bạo hành con cái bằng lời nói hay bạo hành thân thể… Trong đó, bố mẹ bạo hành thân thể con (nói nôm na là đánh con) có vẻ là trạng thái phổ biến nhất trong xã hội chúng ta.
Tại sao chúng ta đánh con? Ngoài những lý do kể trên, phải chăng chúng ta đang thiếu kỹ năng làm bố, làm mẹ. Theo quan sát của tôi, nhiều cặp vợ chồng trẻ chưa từng nghe tới những lớp học kỹ năng làm bố mẹ. Chúng tôi học hỏi những kỹ năng này từ ông bà, thậm chí cụ kỵ...
Nếu ở nhiều nước, hành vi đánh con có thể dẫn đến một phiên tòa hình sự thì ở Việt Nam hiếm khi cơ quan chức năng can thiệp vào hành vi này dù trong rất nhiều tội danh thuộc nhóm tội xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự có tình tiết tăng nặng là "phạm tội đối với người dưới 16 tuổi". Cho nên các ông bố bà mẹ ở Việt Nam thường không run tay khi thực hiện "quyền làm cha mẹ" bằng bạo lực.
Đó có phải là một tập quán? Phương pháp giáo dục “Yêu cho roi cho vọt” này đã tồn tại từ đời ông cha chúng ta, và được vô thức truyền lại cho dù bối cảnh xã hội hôm nay, não trạng của chính chúng ta - những người sống ở một xã hội có nhiều chuẩn mực khác trước - không chấp nhận điều đó.
Qua những vụ như Sen Vàng, chúng ta nhận thức được rằng việc đánh một đứa trẻ là điều không thể chấp nhận được, bất kể nhân danh điều gì. Nhưng phải chăng là việc “đánh dã man” chỉ là một mức độ khác của “đánh cho chừa” mà các phụ huynh bình thường khác đang thực hiện hàng ngày. Từ “đánh cho chừa” hàng ngày đến “đánh dã man” chỉ là một phút trượt theo một quán tính tâm lý sai lạc có sẵn của những người lớn.
Không thể nói rằng “đánh nhẹ” khác với “đánh mạnh” hay là lập luận rằng tôi đánh con có kiểm soát còn những người khác đánh con tôi là tùy tiện, là không có quyền. Đó là ngụy biện.
Chúng ta có thể trở thành “cha mẹ độc hại” bất cứ lúc nào. Những đứa trẻ lớn lên sẽ lại trở thành cha mẹ, và sẽ lại làm theo những nguyên mẫu có sẵn. Ngay cả những kẻ đang có nguy cơ bị khởi tố hình sự trong môi trường giáo dục kia, có thể cũng đã vô thức hình thành từ một nguyên mẫu “người lớn” trong thế hệ của họ.
Thói quen không thể thay đổi ngay, nhưng mọi việc có thể bắt đầu từ một sự ăn năn mỗi lần chúng ta thiếu kiềm chế với con cái.
Source: Trần Anh Tú,
http://vnexpress.net/tin-tuc/goc-nhin/y ... 39236.html