Bộ Luật về Giáo Dục Đặc Biệt của Hoa Kỳ

Bộ Luật về Giáo Dục Đặc Biệt của Hoa Kỳ

Gửi bàigửi bởi admin » T.Ba Tháng 5 19, 2009 11:43 pm

Bộ Luật Giáo Dục Đặc Biệt của Hoa Kỳ

Tác giả: Nguyễn Tường Anh, Thạc sĩ Trị liệu Ngôn ngữ
Bản quyền: http://www.concuame.com

Mục lục:

1. Bộ Luật IDEA Là Gì? Ra Đời Khi Nào?
1.1 Tiêu Chuẩn Của GDĐB Là Gì?
1.2 Chương Trình 504 Là Chương Trình Gì?
1.3 NCLB Là Bộ Luật Gì?
2. Các Trường Học Thi Hành IDEA Như Thế Nào?
2.1 Soạn Thảo Chương Trình Giáo Dục Cá Nhân
2.2 Cung Cấp Dịch Vụ Hỗ Trợ
2.3 Can Thiệp Sớm
2.4 Đưa Ra Hình Thức Kỷ Luật Rõ Ràng
2.5 Tìm Kiếm Học Sinh
2.6 Bảo Đảm Quyền Lợi Của Phụ Huynh
3. NCLB Bị Chỉ Trích Thế Nào?
3.1 Chỉ Trích Từ Phía Trường Học
3.2 Chỉ Trích Từ Phía Phụ Huynh/Học Sinh
4. Các Vấn Đề Khác Của NCLB
4.1 Những Định Nghĩa Mới
4.2 Những Điều Khoản Mới Về Ngân Quỹ
4.3 Những Tiêu Chuẩn Mới Cho Giáo Viên
4.4 Những Tiêu Chuẩn Mới Cho Bài Thi
4.5 Những Hỗ Trợ Cụ Thể
4.6 Phân Loại Trình Độ Học Vấn


Lời nói đầu

Con Của Mẹ (http://www.concuame.com) nhận biết tầm quan trọng của bộ luật bảo vệ quyền lợi học vấn và xã hội của trẻ khuyết tật. Chúng tôi viết bài viết này bằng cách tổng hợp những chi tiết chính yếu của bộ luật No Child Left Behind – Không Bỏ Rơi Bất Kỳ Trẻ Em Nào - để hy vọng mỗi công dân tí hon của chúng ta, dù đang mang bất kỳ loại khuyết tật hay rối loạn nào, đều được chính quyền và cộng đồng hỗ trợ để sống và sinh hoạt ở mức tốt nhất có thể được.


Các bạn có thể tải nguyên bài này ở dạng PDF được đính kèm
Luat-Giao-duc-dac-biet-HoaKy.pdf
(503.98 KiB) Đã tải về 1230 lần.



Các chữ viết tắt trong bài

· IDEA: Bộ luật về người khuyết tật
· GDĐB: Giáo dục đặc biệt
· 504: Chương trình cho trẻ khuyết tật
· NCLB: No Child Left Behind, bộ luật bảo vệ trẻ em

1. Bộ Luật IDEA Là Gì? Ra Đời Khi Nào?

IDEA là bộ luật bảo vệ quyền học tập của các cá nhân có khuyết tật. Bộ luật này đòi hỏi các trường công lập phải cung cấp giáo dục, hỗ trợ và can thiệp miễn phí cho những học sinh khuyết tật hay có rối loạn. Chương trình này mang tên Chương trình Giáo Dục Đặc Biệt (GDĐB).

Trước năm 1975, các trường công lập Hoa Kỳ chỉ nhận khoảng 1/5 số trẻ em khuyết tật. Một số tiểu bang còn có những khoản luật buộc trẻ em khuyết tật không được đến trường, kể cả các em khiếm thị, khiếm thính, rối loạn tình cảm, hay chậm trí. Vào lúc ấy, khoảng trên dưới 1 triệu trẻ em khuyết tật không hề được đến lớp. Có 3 triệu rưỡi em khác được tiếng là “đi học” nhưng thực ra bị tách riêng trong trại tâm thần, trại nuôi trẻ, và không hề được dậy học, huấn luyện hay can thiệp.

Bộ luật Individuals with Disabilities Education Act (IDEA) ra đời, giải cứu những mảnh đời không may mắn ấy ra khỏi những trại nuôi trẻ chỉ cho ăn mà không huấn luyện kỹ năng gì. Sau đó Tổng thống George W. Bush của Hoa Kỳ ban hành No Child Left Behind (NCLB). NCLB đi song hành với IDEA bằng những đòi hỏi đầy tính pháp luật về nhiệm vụ của trường công lập đối với học sinh giáo dục đặc biệt và giáo dục phổ thông. Nếu so sánh tổng quát, IDEA chú tâm riêng đến giáo dục đặc biệt, trong khi NCLB nói đến mọi học sinh.

1.1 Tiêu Chuẩn Của GDĐB Là Gì?

Không phải ai có khuyết tật là đương nhiên được phục vụ trong chương trình GDĐB. Thí dụ, em Bình lãng tai nhưng phát âm chuẩn và không có khó khăn khi nghe giáo viên giảng bài hay chơi đùa với bạn, em sẽ không đủ điều kiện nhận GDĐB; hoặc em Sinh có hội chứng thiếu chú ý hiếu động nhưng không có khó khăn với học tập và có điểm thi từ hơi yếu đến trung bình, em không cần đến GDĐB.

Điểm thi, điểm trung bình là yếu tố quan trọng trong quá trình xác định xem cá nhân một học sinh có cần đến giáo dục đặc biệt hay không. Khi điểm ở trình độ hơi yếu trở lên, giáo dục đặc biệt không cần thiết.

Để định thế nào là yếu, hơi yếu, rất yếu…, mỗi loại bài kiểm tra kỹ năng có tiêu chuẩn riêng. Nói chung, trên phần trăm, nếu 100 là giỏi nhất, và 1 là yếu nhất, những em từ thứ 1 đến thứ 20 được xem là cần đến GDĐB.

Hiện tại, luật liên bang xem là khuyết tật nếu trẻ chậm trí, lãng tai, điếc, rối loạn ngôn ngữ, khiếm thị, yếu thị lực, rối loạn tình cảm nghiêm trọng, khuyết tật tứ chi, tự kỷ, chấn thương não, khuyết tật học tập. Ngoài ra, nhóm các trẻ em có khó khăn về sức khỏe cũng có thể đủ điều kiện nhận GDĐB. Thí dụ, em Chi có khuyết tật tim và chịu nhiều ca mổ nên sức khỏe yếu, không đến trường thường xuyên; hoặc em Lâm với chứng ung thư máu nên thường phải nghỉ học vì hóa trị.

1.2 Chương Trình 504 Là Chương Trình Gì?

504 là chương trình dành cho trẻ em có khuyết tật hay rối loạn nhưng không cần đến GDĐB. 504 không cung cấp phần giảng dậy, kèm riêng, dịch vụ ngôn ngữ hay tâm vận động, nhưng có thể hỗ trợ học sinh với những điều chỉnh cần thiết để các em thành công tốt nhất như có thể. Thí dụ, như đã nói, em Bình lãng tai. Em nghe thầy cô rõ và chính em phát âm rõ. Em không cần GDĐB nhưng 504 đòi hỏi giáo viên xếp chỗ thuận tiện để em có thể nghe bài giảng dễ nhất (ngồi với tai thính hơn quay về phía giáo viên, ngồi trên). Với em Sinh, chứng hiếu động khiến em khó có thể ngồi yên. Dù không cần GDĐB, em Sinh vẫn cần 504 yêu cầu ban giám hiệu cho em làm bài thi riêng, với những khoảng nghỉ cần thiết, và với tổng thời lượng làm bài dài hơn bạn bè.

1.3 NCLB Là Bộ Luật Gì?

NCLB được gọi nôm na là bạn song hành của bộ luật Individuals with Disabilities Education Act, IDEA. Tên tắt của No Child Left Behind là NCLB, đọc tắt là Nickle Bee. NCLB không chỉ chú ý đến các em khuyết tật hay rối loạn, mà còn bao gồm những quyền lợi của các em giáo dục phổ thông. Vì mục đích yểm trợ ngành giáo dục đặc biệt, bài viết này sẽ đặt trọng tâm ở những khoản liên quan đến GDĐB.

NCLB được nguyên tổng thống George Bush ký thành luật ngày 3 tháng 12 năm 2004, để có hiệu lực chính thức vào ngày 1 tháng 7 năm 2005. Mọi điều của NCLB phải được thi hành ở ngày 1 tháng 7, 2005 trừ một điều khoản trong mục đòi hỏi về “giáo viên đạt tiêu chuẩn cao.”

Nội dung chính của NCLB là: Đến năm 2014, tất cả mọi học sinh trong các trường công lập Hoa Kỳ phải đạt điểm trung bình trở lên trong những bài thi cuối năm.

Xin lưu ý: luật NCLB chỉ có hiệu lực với các trường công lập. Riêng những trường tư thục hay các cơ quan tư nhân vì không nhận ngân quỹ từ liên bang hay tiểu bang khi cung cấp dịch vụ giáo dục sẽ không bị ràng buộc bởi những đòi hỏi này.

2. Các Trường Học Thi Hành IDEA Như Thế Nào?

Trong phần này chúng ta cùng coi IDEA bắt các trường công lập phải phục vụ các trẻ khuyết tật như thế nào.

IDEA đưa ra các luật sau cho các trường công
· Soạn thảo chương trình giáo dục cá nhân.
· Cung cấp dịch vụ hỗ trợ.
· Can thiệp sớm
· Đưa ra hình thức kỷ luật rõ ràng
· Tìm kiếm và đưa các em tới trường học.
· Bảo đảm quyền lợi của phụ huynh.

2.1 Soạn Thảo Chương Trình Giáo Dục Cá Nhân

IDEA bắt các trường công lập soạn thảo chương trình giáo dục cá nhân cho mỗi học sinh nếu các em đủ điều kiện nhận GDĐB. Hiệu trưởng, giáo viên, chuyên viên, và phụ huynh là những thành viên của hội đồng giáo dục cá nhân.

Chương trình này được xem là hồ sơ được pháp luật bảo vệ, là bản khế ước giữa chính quyền qua đại diện là nhà trường và nhóm chuyên viên GDĐB với phụ huynh. Bộ hồ sơ này có những điểm chính yếu như thông tin cá nhân, trình độ hiện tại, kết quả đánh giá nếu có, ý kiến đánh giá của giáo viên và chuyên viên, mục tiêu giảng dậy, các dịch vụ sẽ cung cấp cùng thời lượng, nơi chốn. Bản khế ước này có giá trị ngay khi phụ huynh của học sinh bày tỏ đồng thuận qua việc ký tên chính thức.

Chương trình giáo dục cá nhân, với những dịch vụ hỗ trợ, can thiệp, dậy riêng… phải được cung cấp hoàn toàn miễn phí. Khi học sinh không có mặt tại trường vì lý do chính đáng (sức khỏe, hay ngay cả khi bị phạt cấm túc tại nhà trên 10 ngày), nhà trường phải gửi giáo viên và chuyên viên đến nhà (dù thời lượng sẽ ít hơn những gì đã định trong hồ sơ giáo dục cá nhân).

Kế hoạch giáo dục cá nhân phải được thực hiện trong môi trường ít giới hạn nhất. Điều này có nghĩa là học sinh dù có khuyết tật hay rối loạn nào cũng có quyền hòa chung vào cộng đồng nhỏ tại trường, và cộng đồng lớn là xã hội. Thí dụ, ngay khi khả năng của em Mai có thể, nhà trường phải điều chỉnh kế hoạch giáo dục cá nhân của Mai để em học hòa nhập. Đó có thể chỉ là giờ làm thủ công ở một lớp phổ thông, hay chỉ là giờ nghe đọc truyện, hoặc chuyến dã ngoại. Đó cũng có thể là môn toán, khoa học… Khi một học sinh đủ khả năng để có mặt toàn thời gian ở một lớp phổ thông, em sẽ tốt nghiệp phần GDĐB và chỉ nhận chương trình 504 mà thôi.

2.2 Cung Cấp Dịch Vụ Hỗ Trợ

IDEA đòi hỏi hệ trường học công lập phải cung cấp miễn phí dịch vụ di chuyển, ngôn ngữ, thính giác, tâm lý, thể dục, tâm vận động, hành vi, cố vấn… Dĩ nhiên không phải học sinh nào cũng đủ điều kiện cho mọi dịch vụ. Hội đồng giáo dục cá nhân sẽ hội thảo và giám định những dịch vụ cần thiết. Thí dụ, em Đức phải có xe đặc biệt đón đi và đưa về mỗi ngày học vì chứng teo cơ không cho phép em tự đi đứng. Đức cũng cần dịch vụ thể dục và tâm vận động. Đôi khi Đức xuống tinh thần, em được chuyên viên tâm lý và cố vấn giúp đỡ. Tuy nhiên, do não bộ hoạt động tốt, Đức không cần hỗ trợ về ngôn ngữ hay hành vi, giao tế. Tại Hoa Kỳ, có những em bé do phức tạp của phẫu thuật, đòi hỏi phải được hút đàm thường xuyên sâu trong cổ. Nhà trường do đó phải cung cấp một y tá có bằng cử nhân có mặt với em từ giây phút em rời khỏi cửa nhà để tới trường, đến khi em được đưa về tại đó. Dĩ nhiên, khi sức khỏe em trở lại bình thường, dịch vụ này sẽ chấm dứt.

2.3 Can Thiệp Sớm

IDEA chỉ đòi hỏi trường công lập cung cấp giáo dục đặc biệt miễn phí cho những trẻ em trên 3 tuổi nào đủ điều kiện. Trẻ em dưới 3 tuổi được nhận giáo dục đặc biệt miễn phí nếu đủ điều kiện qua những chương trình do chính phủ tài trợ.

2.4 Đưa Ra Hình Thức Kỷ Luật Rõ Ràng

Những học sinh GDĐB lắm khi có hành vi ứng xử không thích hợp. Một em tự kỷ có thể tấn công bạn hay cô giáo. Một em rối loạn tình cảm nghiêm trọng có thể mang theo dao trong cặp, hay dự định dùng ghế ném người chung quanh.

Hình thức kỷ luật có thể là 1 ngày đến 10 ngày, hay hơn thế, không được đến trường. Có những khi học sinh vi phạm sẽ phải sang trường khác học. Những vi phạm nghiêm trọng có thể phải được chuyển giao sang cảnh sát.

Trước khi áp dụng hình thức kỷ luật, ban giám hiệu gồm giáo viên, chuyên viên, tâm lý gia, hiệu trưởng (hay hiệu phó kỷ luật) phải giám định xem hành vi ấy có phải kết quả của khuyết tật hay không. (Buổi họp giám định này phải diễn ra trong vòng 10 ngày sau khi hành vi bất xứng ấy diễn ra). Thí dụ, khi em học sinh tự kỷ tấn công bạn và cô giáo, có thể vì em không chịu nổi mức ồn ào và rối loạn của lớp học. Trong trường hợp này, nếu muốn áp dụng hình thức đuổi học, giáo viên và chuyên viên phải chứng minh rằng họ đã có biện pháp hỗ trợ để giảm mức ồn ào và rối loạn trong lớp, và đang hỗ trợ trực tiếp với học sinh ấy một cách thích ứng, nhưng em vẫn không kiềm chế được mình. Một thí dụ khác: em Hải mang hội chứng Down, bị đem ra hội đồng kỷ luật vì đã sờ chỗ kín của bạn gái trong lớp. Hội đồng kỷ luật sẽ phải xem xét tầm phát triển trí não của Hải để biết rằng hành động của em liên quan đến tình dục, hay chỉ đơn thuần là những đụng chạm vô ý của bộ não 3 tuổi.

Khi hình thức kỷ luật trên 10 ngày đuổi học được thi hành, nhà trường phải gửi giáo viên và chuyên viên đến nhà để giúp học sinh tiếp tục giữ được những kỹ năng đang có, dù thời lượng sẽ ít hơn khi em có mặt tại trường.

2.5 Tìm Kiếm Học Sinh

IDEA còn đòi hỏi nhà trường thực thi nhiệm vụ tìm kiếm học sinh khuyết tật để đưa các em tới trường thay vì chỉ chờ phụ huynh của các em tìm đến với nhà trường. Các em học sinh này có thể đang học tại trường tư, hay không đến trường vì bất kỳ lý do gì.

2.6 Bảo Đảm Quyền Lợi Của Phụ Huynh

Dưới tuổi 18, hoặc trên 18 nhưng đã được tòa trao quyền giám hộ cho cha mẹ/người bảo hộ, các em khuyết tật được bảo vệ trước luật pháp bằng bộ Quyền Lợi Phụ Huynh. Bộ quyền lợi này có các điều khoản như quyền được đọc hồ sơ học bạ của con em, quyền được góp ý kiến và có quyết định cuối cùng khi soạn thảo hồ sơ giáo dục cá nhân, quyền được nộp đơn khiếu nại, quyền được thuê mướn luật sư riêng… Ngoài ra, bộ quyền lợi này còn liệt kê thời lượng mà IDEA cho phép nhà trường sử dụng: sau khi phụ huynh gửi thư yêu cầu nhà trường xét đến trường hợp con em của họ, nhà trường có 15 ngày (kể cả thứ Bảy và Chúa Nhật) để quan sát học sinh ấy và trả lời họ có sẽ thực hiện phần đánh giá hay không; sau khi giấy đồng ý đánh giá được phụ huynh ký, nhà trường có 60 ngày (kể cả thứ Bảy và Chúa Nhật, nhưng không kể những chuỗi nghỉ trên 6 ngày) để hoàn tất việc đánh giá, viết báo cáo và gặp phụ huynh; giấy mời họp phải đến tay phụ huynh ít nhất 10 ngày trước ngày họp, vân vân.

Quyền lợi phụ huynh cũng cho phép họ được nhà trường chi trả hoàn toàn phần khám thẩm định hay đánh giá bởi các bác sĩ và chuyên viên tại bệnh viện, phòng khám tư… nếu chứng minh được rằng phần đánh giá hay lề lối làm việc của trường học là bất xứng. Tương tự, nếu chứng minh được rằng phần chữa trị và can thiệp của trường học là không hiệu quả, phụ huynh có thể được nhà trường chi trả để đưa con đi can thiệp riêng.

Trên thực tế, việc chứng minh rằng một bài khám thẩm định hay một chương trình chữa trị là thiếu trình độ hay yếu kém không phải là việc có thể trắng đen. Chữa trị và can thiệp trở thành nghệ thuật giáo dục mà khó ai có thể định ra mức thang điểm. Theo kinh nghiệm, chúng tôi thấy ít quan tòa nào đưa ra kết luận cô A hay thầy B hay chuyên viên C kém khả năng. Chúng tôi cũng thấy rằng phụ huynh thắng kiện tại tòa nếu phía nhà trường lủng củng phần giấy tờ, nhất là bộ hồ sơ giáo dục cá nhân vốn được coi là bản khế ước có tính pháp luật. Một số phụ huynh dành cho con những mong đợi quá sức con, hoặc muốn con học dồn dập nhiều kỹ năng quá, cũng có thể đưa nhà trường ra tòa khi thấy độ tiến triển của con không vừa ý họ. Trong những trường hợp như thế, quan tòa thường bảo vệ nhà trường, và yêu cầu phụ huynh đồng ý với những điều chỉnh của nhà trường để hồ sơ giáo dục cá nhân thích ứng với tầm độ của trẻ.

3. NCLB Bị Chỉ Trích Thế Nào?

Bộ luật NCLB cũng không tránh khỏi tình trạng bị cả phía trường học và phụ huynh/học sinh chỉ trích. ConCủaMẹ tóm tắt lại các chỉ trích như sau

3.1 Chỉ Trích Từ Phía Trường Học

· NCLB là đòi hỏi hoàn toàn phi lý khi mong muốn MỌI học sinh ở năm 2014 đều đạt điểm trung bình ở bài thi cuối năm. Có những học sinh mới đến Hoa Kỳ, đang học thêm tiếng Anh, sẽ không cách nào làm được bài thi môn Văn tiếng Anh. Những học sinh khuyết tật hay rối loạn sẽ không đạt điểm trung bình trở lên trong bài thi soạn cho giáo dục phổ thông.
· IDEA bảo vệ phụ huynh và học sinh mà không chú ý đến những gì nhà trường có thể thực hiện được trong phạm vi giáo dục.
· Những dịch vụ GDĐB tốn kém đến mức nhà trường có thể trở thành thiếu xót trong việc giáo dục các học sinh trong giáo dục phổ thông.
· Thủ tục giấy tờ của NCLB quá nhiêu khê khiến giáo viên và chuyên viên có thể phải làm giấy tờ thay vì dùng thời gian ấy mà giảng dậy, can thiệp.
· NCLB đòi hỏi nhà trường hỗ trợ học sinh nhưng không giữ lời hứa gửi ngân quỹ để thực hiện chương trình GDĐB. Từ lời hứa sẽ phụ trợ 40% cho GDĐB, chính quyền liên bang chỉ hỗ trợ trên dưới 30%. Với tiểu bang California, khi đòi giảm sĩ số học sinh giáo dục phổ thông xuống 20 em (lớp mẫu giáo, 1, 2 và 3) một lớp, chính quyền tiểu bang bỏ rơi các trường học khi họ phải nỗ lực tìm ra tiền thuê mướn thêm giáo viên.

3.2 Chỉ Trích Từ Phía Phụ Huynh/Học Sinh

· Chính quyền không theo sát các trường học để buộc họ thực thi những đòi hỏi của NCLB.
· Nhà trường, thay vì theo kiện mất nhiều tốn phí, nên đồng thuận với phụ huynh từ đầu và sử dụng số tiền ấy mà can thiệp cho học sinh.
· Nhà trường phản ứng tiêu cực với những phụ huynh lên tiếng phản đối họ, và đôi khi tỏ vẻ ghét bỏ cả học sinh.
· Nhà trường gán cho học sinh nhãn hiệu “khuyết tật học tập” vì chính họ đã không dậy các em khiến các em mất căn bản.
· Nhà trường vơ đũa cả nắm khi cho rằng các em sinh ra trong gia đình thiểu số (Mễ, Việt, Tàu, Phi…) là có khuyết tật học tập, rối loạn tình cảm, và chậm trí.
· Nhà trường cung cấp can thiệp và hỗ trợ tốt, nhưng thiếu bước nối để đưa các em từ cửa lớp vào xã hội, nghĩa là các em không áp dụng được những gì học tại lớp hay trong phòng điều trị ở những môi trường khác.


4. Các Vấn Đề Khác Của NCLB

NCLB đưa ra nhiều định nghĩa về giáo dục, điều khoản về ngân sách... Ở phần này chúng ta sẽ xem qua các điều mới này.
4.1 Những Định Nghĩa Mới

Có những định nghĩa mới được đưa vào NCLB để hỗ trợ IDEA. Thí dụ, cụm từ “những môn chính” phải được hiểu là gồm văn, đọc, toán, khoa học, ngoại ngữ, chính quyền, kinh tế, mỹ thuật, lịch sử và địa lý. Cụm từ “đạt tiêu chuẩn cao” đối với giáo viên được kèm theo những đòi hỏi dành cho giáo viên giáo dục đặc biệt dạy văn hóa, dạy các kỹ năng đã điều chỉnh, dạy nhiều môn, vân vân. (Ghi chú: giáo viên cấp một phải có bằng dạy nhiều môn, trong khi giáo viên cấp 2 và 3 phải theo chuyên ngành sư phạm dạy một môn). Một định nghĩa khác được viết trong NCLB chú trọng đến chương trình mà các trường học chọn sử dụng cho học sinh GDĐB: các chương trình ấy phải trải qua quá trình nghiên cứu khoa học để chứng minh mức hiệu quả. Các trường học không được phép tự tiện chọn bất kỳ phương pháp hay chương trình nào nếu chúng chưa được nghiên cứu chứng minh là có hiệu quả.

4.2 Những Điều Khoản Mới Về Ngân Quỹ

Có những khoản định mới dành riêng cho việc sử dụng ngân quỹ mà tiểu bang và liên bang cung cấp cho các trường công lập. Thí dụ, số tiền rút từ Phần B của ngân quỹ liên bang dành cho một trường học hay một cơ quan phục vụ trẻ khuyết tật chỉ được phép sử dụng để chi trả những chi phí phụ trội khi cung cấp phần dậy văn hóa hoặc các dịch vụ hỗ trợ (như ngôn ngữ trị liệu, tâm vận động, vật lý trị liệu, vân vân). Số tiền này không được phép dùng cho bất kỳ dịch vụ nào nếu trong bản Kế Hoạch Giáo Dục Cá Nhân của một học sinh không mô tả rõ loại dịch vụ, thời lượng và mục tiêu chi tiết.

4.3 Những Tiêu Chuẩn Mới Cho Giáo Viên

Khoản luật về tiêu chuẩn của giáo viên: giáo viên phải đạt tiêu chuẩn như đã mô tả ở trên. Trong ngày 1 tháng 7 năm 2005, rất nhiều giáo viên từ giáo dục phổ thông đến giáo dục đặc biệt đã phải lập tức ngưng làm việc trong ngày vì khoản luật này. Luật Hoa Kỳ đòi hỏi những sinh viên tốt nghiệp các ngành sư phạm, y tá, bác sĩ, chuyên viên ngôn ngữ trị liệu, vật lý trị liệu, tâm vận động trị liệu, (và cả luật sư, kiến trúc sư)… phải trải qua hai vũ môn khác. Thứ nhất là thi lấy bằng hành nghề. Khi đã lấy được bằng hành nghề, họ được phép đi làm năm đầu tiên – tạm gọi là năm nội trú - với điều kiện họ có một vị giám sát. Vị giám sát này phải có bằng hành nghề, đã thành công với năm nội trú của mình, và phải có thời gian để gặp mặt đối mặt với sinh viên nội trú theo đúng khoảng thời gian đòi hỏi. Các giáo viên mất việc ngày 1 tháng 7 năm 2005 hoặc chưa thi xong bằng hành nghề, hoặc chưa bắt đầu năm nội trú, hoặc không được chấm điểm cao sau năm nội trú.
4.4 Những Tiêu Chuẩn Mới Cho Bài Thi

NCLB cũng có thêm đòi hỏi về bộ bài thi được điều chỉnh dành riêng cho học sinh khuyết tật. NCLB cho rằng việc buộc các em học sinh khuyết tật phải thi bài thi giáo dục phổ thông là hành động bất công. Cạnh đó, NCLB cũng lo ngại rằng các trường học sẽ điều chỉnh bài để trở nên quá dễ, và không đáp ứng được nhu cầu thuần thạo các kỹ năng sống tự lập. Vì thế, NCLB viết rõ ràng để yêu cầu các tiểu bang điều chỉnh bộ bài thi nhưng không được phép bỏ qua những tiêu chuẩn chính mà bộ bài thi giáo dục phổ thông đã có.

4.5 Những Hỗ Trợ Cụ Thể

Trong quá khứ khoảng 40 năm trước tại Hoa Kỳ, đã có những cá nhân khuyết tật tâm thần hay tự kỷ được cha mẹ gửi vào những trung tâm xa thành phố và bỏ rơi tại đó. Họ không được huấn luyện kỹ năng nào, không được học tập gì, mà chỉ được cho ăn uống hàng ngày. Tình trạng sống của họ khiến cha mẹ và những trung tâm này coi họ là vô nhân sống đời thực vật. IDEA sau đó đã buộc xã hội phải công nhận và hỗ trợ các trẻ em có khuyết tật hay rối loạn. Từ đó, người ta thấy trường học có chỗ đậu xe riêng cho những giáo viên hay sinh viên, học sinh khuyết tật. Lối từ bãi đậu xe vào trường, lối vào phòng ăn trưa, lối đi từ khán giả lên sân khấu trong Phòng Hội hay rạp hát của trường… xuất hiện những đường dốc dành cho xe lăn. Ngoài ra, những buổi họp hành, văn nghệ của trường có một chuyên viên sử dụng ngôn ngữ tay để thông dịch cho những giáo viên và học sinh khiếm thị. Có các công ty cũng mướn các người khuyết tật làm một số công việc nhất định.

Chính các hỗ trợ cụ thể và sự đồng cảm của xã hội đã thay đổi đời sống của các người khuyết tật.
4.6 Phân Loại Trình Độ Học Vấn

Khi làn sóng di dân đến Hoa Kỳ đã đưa tới trường học nhiều trẻ em có sức học yếu trong những năm đầu. Lý do là các em chưa đủ trình độ Anh Văn để theo với các bạn, dù trí thông minh và sức học của các em hoàn toàn thích hợp với giáo dục phổ thông. Luật NCLB đòi hỏi nhà trường và các chuyên viên phải phân biệt được “yếu trình độ Anh Văn” với “khuyết tật” hay “rối loạn.” Việc này nhằm tránh “định bệnh” nhầm cho các em.

Ngoài ra, việc thiếu kinh nghiệm hay thiếu hướng dẫn của phụ huynh cũng không thể bị coi là khuyết tật. Thí dụ, một em bé đến từ quốc gia chậm phát triển có thể chưa bao giờ sử dụng computer nên không thể bị coi là chậm trí khi không biết sử dụng computer tại trường học Hoa Kỳ; hoặc một học sinh cấp 3 không được cha mẹ dậy kèm vì chính họ không hề đi học sẽ không thể bị xem là chậm trí.

Tham khảo từ

· http://www.wrightslaw.com
· http://www.idea.ed.gov
· http://www.nclb.gov
· http://www.ed.gov
· http://www.cde.ca.gov
· http://www.esuhsd.org
· http://www.berryessa.k12.ca.us
· http://www.nea.org

Nguyễn Tường Anh
ConCủaMẹ.com

Luat-Giao-duc-dac-biet-HoaKy.pdf
(503.98 KiB) Đã tải về 1230 lần.
admin
Site Admin
 
Bài viết: 1411
Ngày tham gia: T.Bảy Tháng 12 13, 2008 11:22 am

Re: Bộ Luật về Giáo Dục Đặc Biệt của Hoa Kỳ

Gửi bàigửi bởi admin » T.Năm Tháng 5 21, 2009 9:15 pm

Admin chuyển bài về trường học của anh Phi qua mục "Phóng sự về TK trên báo chí Hoa Kỳ", để dành chỗ này cho những bài về luật
cảm ơn
admin
Site Admin
 
Bài viết: 1411
Ngày tham gia: T.Bảy Tháng 12 13, 2008 11:22 am


Quay về Những bài viết về Tự Kỷ

Đang trực tuyến

Đang xem chuyên mục này: Không có thành viên nào trực tuyến.27 khách.

cron