Phuong phap ABA ?

Phuong phap ABA ?

Gửi bàigửi bởi Truc Quynh » T.Tư Tháng 1 27, 2010 7:27 am

Xin chao tat ca cac anh chi , toi nghe noi rat nhieu ve su thanh cong va tien bo cua tre TK khi duoc day bang phuong phap ABA , vay phuong phap ABA la gi ? Quy phu huynh nao co thong tin ve van de nay xin vui long bo chut thi gio de chia se . Cam on
Truc Quynh
 
Bài viết: 8
Ngày tham gia: T.Ba Tháng 1 26, 2010 7:20 pm

Re: Phuong phap ABA ?

Gửi bàigửi bởi phi » T.Năm Tháng 1 28, 2010 12:19 am

Đây là bài viết của Cố vấn Tiến sĩ Đặng Hoàng Minh, Bộ môn Tâm lý-Giáo dục, Khoa sư phạm, ĐH QG HN.
Tôi đăng bài này để chị Quỳnh có thể tham khảo.
Tôi đăng bài này với tư cách cá nhân.
Bài này không thể hiện quan điểm của CCM về ABA.


Phương pháp ABA dành cho người mắc chứng tự kỷ

Vào những năm 60 của thế kỉ 20, Charles Ferster, Ivan Lovaas, Montrose Wolf và Todd Risley đã bắt đầu tìm hiểu nghiên cứu về tiếp cận phân tích hành vi. Tuy nhiên, chỉ đến những năm 80, ABA mới được coi là một phương pháp can thiệp cho tự kỉ.

Image
Ảnh: sưu tầm
Gần đây, Johnny Matson và các đồng nghiệp của mình đã công bố gần 550 các công trình nghiên cứu trên các tạp chí khoa học để chứng minh hiệu quả của phương pháp này khi áp dụng can thiệp cho những người mắc chứng tự kỉ.

Phân tích ứng dụng hành vi (ABA) là gì?
Phân tích hành vi là một phương pháp tiếp cận khoa học nhằm hiểu rõ hành vi của một chủ thể.
Phân tích ứng dụng hành vi (ABA) được xem như là việc sử dụng phương pháp phân tích hành vi và dựa trên các kết quả nghiên cứu để thay đổi tích cực các hành vi quan trọng có ý nghĩa xã hội. Tự kỉ chỉ là một trong số nhiều địa hạt có thể ứng dụng thành công phân tích hành vi.
Ứng dụng (Applied)- các nguyên tắc được ứng dụng cho những hành vi quan trọng mang tính xã hội.
Hành vi (Behavioral) – dựa trên các lý thuyết khoa học về hành vi.
Phân tích (Analysis) – sự tiến bộ được lượng hóa và từ đó có những thay đổi về can thiệp.

ABA và tự kỉ
TS Ivan Lovass, một nhà tâm lý học, đã lần đầu tiếp áp dụng tiếp cận ABA cho người mắc chứng tự kỉ, tại khoa Tâm lý học, Trường Đại học California, Los Angeles vào năm 1987.
Ý tưởng của Lovass là thông qua phương pháp ABA, các kỹ năng xã hội và hành vi có thể được dạy dỗ, luyện tập, thậm chí đối với những trẻ mắc chứng tự kỉ nặng. Thực tế cho thấy đến thời điểm hiện nay, đây là phương pháp can thiệp hiệu quả nhất đối với trẻ tự kỉ.

Các bước tiến hành
1. Đối với mỗi trẻ, ngay khi bắt đầu chương trình can thiệp, trẻ sẽ được đánh giá ban đầu để kiểm tra xem kỹ năng nào trẻ đã có, kỹ năng nào chưa có.
2. Sau đó, sự lựa chọn các mục tiêu trị liệu đối với từng cá nhân sẽ dựa trên kết quả đánh giá ban đầu.
3. Nội dung rèn luyện chung cũng như của từng buổi sẽ liệt kê từng kĩ năng trong mọi lĩnh vực (học các học, giao tiếp, xã hội, kiến thức, tự chăm sóc, vận động, chơi v.v). Các kỹ năng này thường được chia nhỏ thành các kỹ năng thành phần và được sắp xếp theo trình tự phát triển, từ đơn gian đến phức tạp.

Mục đích của ABA
Mục tiêu chung và cuối cùng là để giúp mỗi trẻ hình thành các kỹ năng cơ bản, giúp trẻ, về lâu về dài, sống độc lập và thành công ở mức có thể.

Các kỹ thuật cần có:
Một loạt các kỹ thuật hỗ trợ được sử dụng để củng cố các hành vi đã có và hình thành những hành vi mới.
Điều này liên quan đến việc thiết kế có chủ ý và rõ ràng, các cơ hội lặp đi lặp lại để trẻ học và thực hành các kỹ năng hàng ngày, với cơ chế củng cố phong phú và tích cực.
Một trong những cách để thiết kế các cơ hội này là người lớn đặt ra cho trẻ hàng loạt các "tình huống thử". Mỗi tình huống có những gợi ý hoặc chỉ dẫn cụ thể và kết quả/đánh giá do người lớn đưa ra phụ thuộc vào trả lời của trẻ. Cách thức như vậy được gọi là "tình huống thử riêng biệt" (discrete trial).

Image

"Tình huống thử riêng biệt" gồm 3 thành tố:
1. Tiền hành vi (thường là kích thích bằng lời hoặc vật chất, thúc đẩy hành vi, ví dụ như một lời yêu cầu)
2. Hành vi (được gọi là sự đáp lại "tiền hành vi")
3. Kết quả cho hành vi.
Nếu hành vi diễn ra như mong đợi, kết quả sẽ mang tính tích cực, nhằm củng cố hành vi như khen thưởng, tặng quà, khích lệ…
Nếu hành vi không như mong đợi, người chỉ dẫn phải đưa ra trả lời đúng, sau đó lặp lại tình huống và trong trường hợp cần thiết phải đưa thêm nhiều chỉ dẫn.
Ví dụ như người lớn bảo đứa trẻ "con hãy đi tìm bóng!" Đứa trẻ sẽ nhìn xung quanh và cầm quả bóng lên. Nếu đứa trẻ tìm thấy quả bóng, người lớn khích lệ “hoan hô, đúng rồi, con giỏi lắm”. Nếu đứa trẻ nhặt một vật khác, không phải quả bóng, người lớn nói “đây chưa phải là quả bóng, con cố gắng lên” và nhắc lại chỉ dẫn "con đi tìm quả bóng". Tùy theo khả năng của trẻ, người lớn có thể gợi ý thêm "quả bóng tròn tròn"… hoăc có thể phải cùng đứa trẻ đi tìm quả bóng.
Nội dung cụ thể cho trị liệu theo "tình huống thử riêng biệt" được thiết kế dựa trên những đánh giá cá nhân đứa trẻ: nhu cầu, sở thích, khả năng. Ví dụ như với một trẻ đã có khả năng tự đi giày, người lớn không nên đặt mục tiêu huấn luyện trẻ tự đi giày và tất nhiên sẽ không thưởng, khen ngợi khi trẻ hoàn tất công việc. Thay vào đó, nên tập trung dạy trẻ các kỹ năng xã hội và các hành vi khác khó khăn hơn.

Đánh giá phương pháp ABA
Ưu điểm:
• ABA rất hiệu quả để dạy trẻ tự kỉ rất nhiều các kỹ năng, có thể áp dụng ở mọi tình huống, mọi nơi: ở nhà, ở trường học, ở chợ, ở cửa hàng, trên xe, vào giờ ăn cơm, giờ giải trí/giải lao, giờ chơi...
• Các nghiên cứu cũng chỉ ra rằng ABA sẽ hiệu quả hơn nếu như bệnh Tự kỷ được phát hiện và can thiệp sớm.

Nhược điểm:
• Không phải ai cũng thực hiện được: Ở nước ngoài (Anh, Mỹ), những người có thể áp dụng phương pháp này để giáo dục trẻ tự kỉ (giáo viên, cha mẹ) cần được học kĩ càng, cơ bản về ABA, đáp ứng những yêu cầu về kiến thức, kinh nghiệm, kỹ năng và có sự đánh giá của "Hội đồng chứng nhận nhà phân tích hành vi" (Behavior Analyst Certification Board).
• Không dễ gì thực hiện được: Để dạy trẻ theo phương pháp này, cần có sự tập trung công sức, thời gian và tài chính, và có thể kéo dài trong nhiều năm. Ví dụ như để dạy trẻ ngồi xuống khi được yêu cầu, một nhà trị liệu đã phải mất đến 5 tuần với 150 lần "tình huống thử"
• Không giúp chữa khỏi hoàn toàn: Đây cũng không phải là "phương thuốc thần tiên" giúp chữa khỏi chứng tự kỉ. Tuy nhiên, nếu thực hiện đúng phương pháp, tuân thủ nguyên tắc, sự tiến bộ ở trẻ là nhanh chóng và nhìn thấy được. Một số nghiên cứu chỉ ra rằng với một chương trình can thiệp tập trung, 1 nhà trị liệu-1 trẻ, với thời lượng trung bình 40 giờ/tuần, trẻ có thể khôi phục được một số kĩ năng đã mất và có khả năng tiếp tục học (tất nhiên không thể mong đợi tốt như một trẻ khỏe mạnh cùng độ tuổi).

Cố vấn Tiến sĩ Đặng Hoàng Minh
Bộ môn Tâm lý-Giáo dục, Khoa sư phạm, ĐH QG HN
Phi
Special Ed.
Hình đại diện của thành viên
phi
 
Bài viết: 5627
Ngày tham gia: CN Tháng 2 08, 2009 10:23 am

Re: Phuong phap ABA ?

Gửi bàigửi bởi phi » T.Năm Tháng 1 28, 2010 12:30 am

Và đây là bài viết của GS Nguyễn Văn Thành, tôi xin chỉ đăng tải 1 phần.
Đây cũng là bài đăng cá nhân, không phản ánh quan niệm của CCM về ABA.

ABA là một phương pháp hay là một chương trình nhằm giáo dục và dạy dỗ trẻ em tự bế, bằng cách đặt trong tâm vào 2 đường hướng chính yếu : Đường hướng thứ nhất là chuyển hóa những hành vi tiêu cực, đang tạo ra những trở ngại trầm trọng cho vấn đề học tập và xây dựng quan hệ tiếp xúc trong môi trường xã hội. Đường hướng thứ hai là khuyến khích và cổ võ, củng cố và tăng cường những hành vi tích cực, đang « đạt chỉ tiêu ».Nhờ vậy, trẻ em sẽ càng ngày càng có khả năng đáp ứng và thực hiện những mục đích và yêu cầu, do cuộc sống làm người đề xuất và ấn định, trong nhiều địa hạt khác nhau, như ngôn ngữ, vận động, tự lập và nhận thức…

Trong hiện tình của tâm lý học và khoa sư phạm, ABA được gắn liền với tên tuổi của 2 tác giả là Ivar LOVAAS và Catherine MAURICE. Tuy nhiên, nguồn gốc của ABA là chủ thuyết hành vi (Behaviorisme). Ba tác giả Ivan PAVLOV, John B. WATSON và B.F. SKINNER là những nhà tiên phong đã khám phá, đề xuất, nghiên cứu và ứng dụng những nguyên lý của chủ thuyết tâm lý nầy.

Trong khuôn khổ hạn hẹp của một chương sách, thay vì trình bày mọi chi tiết, tôi chỉ nhấn mạnh 3 điểm thiết yếu mà thôi :

* 1.- Điểm xuất phát của chủ thuyết hành vi là thí nghiệm quan trọng của Ivan PAVLOV về « phản ứng điều kiện hóa ».
* 2.- Phương pháp ABA là một hình thức ứng dụng của chủ thuyết hành vi, trong địa hạt giáo dục và dạy dỗ.
* 3.- Một trong những đồ đệ của PAVLOV là F. B. SKINNER đã áp dụng những nguyên lý « điều kiện hóa » vào trong địa hạt « dạy ngôn ngữ ».

1.-THÍ NGHIỆM CỦA I. PAVLOV

Ivan PAVLOV (1849-1936) là một nhà sinh lý học, người Nga.

Nhờ những công trình nghiên cứu và thí nghiệm khoa học về « hiện tượng điều kiện hóa », tên tuổi của ông đang còn được nhắc tới, trong địa hạt tâm lý ứng dụng ở Pháp và nhất là ở Mỹ.

Thí nghiệm nầy bao gồm 3 giai đoạn :

Trong giai đoạn thứ nhất, một con chó bị giam đói trong nhiều tiếng đồng hồ. Sau đó, vừa nhìn thấy miếng thịt tươi, nó đã chảy nước miếng và xông tới đòi ăn.

Theo cách giải thích và trình bày của PAVLOV, miếng thịt tươi là một « loại kích thích TỰ NHIÊN và TUYỆT ĐỐI », đối với con chó bị giam đói. Phản ứng « chảy nước miếng » là một hiện tượng tự nhiên, còn được gọi là « phản ứng vô điều kiện », do loại kích thích tự nhiên tạo nên.

Trong giai đoạn thứ hai, đồng thời với miếng thịt tươi được đưa ra trước mặt con chó đói, PAVLOV đã gõ thêm một tiếng chuông. Với cách làm nầy, nhà nghiên cứu đã cố ý kết hợp lại với nhau 2 yếu tố : hình ảnh miếng thịt tươi và âm thanh của tiếng chuông.

PAVLOV đã lặp đi lặp lại nhiều lần, trong nhiều ngày, giai đoạn thứ hai nầy.

Cuối cùng, trong giai đoạn thứ ba, nhà thí nghiệm chỉ gõ tiếng chuông và không còn trình bày miếng thịt tuơi. Mặc dù trong giai đoạn nầy, không thấy miếng thịt, con chó vẫn tiếp tục chảy nước miếng, mỗi khi nghe tiếng chuông.

Theo cách giải thích của PAVLOV, trong những điều kiện sinh hoạt do thí nghiện dàn dựng, âm thanh của tiếng chuông đã từ từ được đồng hóa với miếng thịt tươi. Nó trở thành một loại « kích thích có điều kiện », khả dĩ tạo nên « phản ứng chảy nước miếng » nơi con chó, đang « ở trong điều kiện » bị giam đói. Ngược lại, khi con chó không còn ở trong « điều kiện đặc biệt » nầy, tiếng chuông lúc bấy giờ không còn hữu hiệu, không thể trở nên một loại kích thích có khả năng tạo nên hành vi chảy nước miếng nơi con chó.

2.- PHƯƠNG PHÁP ABA

Phương pháp nầy do tác giả Ivar LOVAAS và các bạn đồng nghiệp đã nghiên cứu và phát triển, vào những năm chung quanh 1990, nhằm áp dụng chủ thuyết hành vi của I. PAVLOV vào lãnh vực giáo dục và sư phạm.

ABA là danh hiệu do 3 chữ hoa đầu tiên của 3 từ ngữ được ghép lại với nhau : Applied Behavior Analalysis (1).

* Từ thứ nhất là ANALYSIS, có nghĩa là phân tích, khảo sát, đo lường, quan sát và xác định điều nào cần làm, cần nói và cần dạy, để thành quả có thể đạt mức độ mong muốn tối đa.
* Từ thứ hai là BEHAVIOR có nghĩa là hành vi cụ thể và khách quan bên ngoài. Trong thí nghiệm của PAVLOV, hành vi là đưa ra một miếng thịt tươi, gõ tiếng chuông và sự kiện con chó đói đang chảy nước miếng. Nói khác đi, hành vi là tất cả những gì chúng ta có thể « đếm, đo, cân, lường », nghĩa là quan sát, ghi nhận một cách khoa học và khách quan từ bên ngoài.
* Từ thứ ba là APPLIED có nghĩa là được áp dụng, ứng dụng và sử dụng. Nhất cử nhất động, mỗi một lời nói, liếc nhìn, việc làm… đều phải được nghiên cứu, khảo sát và chuẩn bị một cách kỹ càng. Người giáo viên, khi tiếp xúc và trao đổi với trẻ em, không thể tùy tiện, hay là tùy cơ ứng biến. Mỗi sự việc, hiện tượng « đến trước » (Antecedent) hay là « đến sau » (Consequence), đối với một hành vi của trẻ em (Behavior), đều phải được sử dụng và biến thành những kích thích có hiệu năng đặc biệt (Discriminative Stimulus) hay là những yếu tố củng cố và tăng cường (Reinforcer), đối với việc học tập và tiến bộ của trẻ em (2).

Trong tinh thần và ý hướng ấy, nếu trẻ em ù lì, bị động, thoái hóa… không phải vì các em mang nhãn hiệu tự bế hay là khuyết tật. Nhưng trái lại, vì chúng ta không biết sử dụng đúng cách, những kích thích có hiệu năng đặc biệt. Hay là chúng ta không biết chớp lấy thời cơ thuận tiện, để bồi đắp, vun tưới hay là chuyển hóa những gì có sẵn ở « thể hạt mầm », hay là đang có mặt trong những « chức năng của hành vi », nơi trẻ em.

Nói khác đi, khi các em đang thực hiện một hành vi có một bề mặt rối loạn, tiêu cực, chúng ta cần nêu lên câu hỏi, để khám phá chức năng của hành vi (3):

* Thứ nhất phải chăng vì các em muốn chúng ta chú ý và lưu tâm đến các em ?
* Thứ hai phải chăng vì các em muốn chạy trốn một công việc khó chịu, căng thẳng, mệt nhọc, nặng nề ?
* Thứ ba phải chăng vì các em tìm cách kích thích chính mình hay là tạo ra cho mình những thú vui nho nhỏ, nhất là khi các em có hành vi « nhai di nhai lại » ?
* Thứ tư phải chăng vì các em muốn dừng lại, chấm dứt một tình huống đã trở thành nhàm chán, không còn ý nghĩa, mất sức hấp dẫn hay là đang vượt quá mức chịu đựng, nhất là trong các trường hợp bùng nổ, tấn công, la thét ?

Người giáo viên có nhạy bén trước những ý nghĩa ấy hay không ?

Với cách làm nầy, thể theo lối nhìn của ABA, không một thành quả nào có thể vượt ra ngoài khả năng thực hiện của chúng ta. Không một trở ngại nào có thể làm chùn chân những công trình nghiên cứu, sáng tạo mang nặng chất liệu nhiệt tình và ánh sáng thông minh của chúng ta.

Do đó, trách nhiệm của người giáo viên là :

- sáng tạo những loại kích thích có hiệu năng đặc biệt,

- nhạy bén chớp lấy thời cơ của một hành vi tích cực đang chớm nở nơi trẻ em, để củng cố, tăng cường, làm cho vững mạnh,

- tìm cách chuyển hóa những hành vi đang trên đường biến chất và thoái hóa, nhưng vẫn cưu mang một chức năng tích cực, vô hình, ẩn núp ở bên dưới mặt ý thức.

- thái mỏng bài học tùy theo cấp độ tiếp thu của người học sinh,

- trình bày bài học dưới nhiều hình thức và trong nhiều cơ hội khác nhau.

Với những học sinh còn non dại, trong những giai đoạn làm quen ban đầu, dạy học còn có nghĩa là PROMPTING (4). Hành vi sư phạm nầy có nghĩa là khuyến khích, nâng đỡ, thúc đẩy, động viên, nhắc lui nhắc tới, góp gió thành bão. Chính vì lý do nầy, ABA còn được gọi là DTT ( Discrete Trial Teaching ) (5), có nghĩa là từng bước đi lên, vận dụng mọi thời cơ, nắm thế chủ động và sáng tạo, trong mọi tình huống đang xảy đến.

3.- Tác giả B.F. SKINNER (6), trước khi có phương pháp ABA, đã ứng dụng chủ thuyết hành vi, trong vấn đề dạy ngôn ngữ cho những trẻ em vừa bi bô, bặp bẹ một vài tiếng đầu tiên, khi bắt chước người mẹ sinh ra mình. Chúng ta cũng có thể áp dụng những cách chỉ dẫn của tác giả nầy trong vấn đề kích thích « Hành vi Ngôn Ngữ » (Verbal Behavior), cho trẻ em tự bế.

Hẳn thực, theo lối nhìn của tác giả nầy, ngôn ngữ không phải là một khả năng bẩm sinh. Trái lại, đó là một HÀNH VI. Cho nên, để một trẻ em tự bế có thể nói, cha mẹ và người giáo viên phải làm nhiều điều, cơ hồ kho nấu một món ăn hợp tì vị của các em.

- Thứ nhất là sáng tạo những loại kích thích đặc biệt,

- Thứ hai là củng cố và tăng cường lập tức, khi trẻ em bắt chước, lặp lại một vài âm thanh của kẻ khác,

- Thứ ba là khuyến khích, nâng đỡ, tạo ra nhiều cơ hội, để trẻ em lắng nghe và bắt chước phát âm,

- Thứ bốn là phân chiết hành vi ngôn ngữ thành nhiều loại động tác cụ thể (Verbal Operants), tùy vào cấp độ và phát triển của trẻ em.

Để làm công việc phân chiết ấy, SKINNER đã liệt kê những động tác cơ bản sau đây :

- Động tác thứ nhất là gọi tên (Naming), gắn nhãn hiệu (Labeling), khi thấy một sự vật hay một động vật. Ví dụ : trẻ em phát âm « vâu vâu », khi thấy một con chó.

- Động tác thứ hai là bắt chước, lặp lại (Echoing), khi nghe một người khác phát âm. Ví dụ : mẹ nhìn con và phát ra âm thanh « ma, mơ… », đứa con 3-4 tháng lặp lại « mơ… mơ ».

- Động tác thứ ba là mô tả, nói về (Talking about) những tính chất, phần vụ và màu sắc có mặt trong các vật thể ở chung quanh.

- Động tác thứ bốn là XIN hay là yêu cầu một điều mà mình cần hay là thích (Asking),

- Động tác thứ năm là trả lời (Answering) những câu hỏi như : Ở đâu ? Khi nào ? Thế nào ?

- Động tác thứ sáu là đồng ý, chấp nhận, đón nhận (Saying YES),

- Động tác thứ bảy là từ chối (Refusing).

Để cụ thể hóa cách thức dạy một hành vi ngôn ngữ, theo phương pháp của SKINNER, tôi xin đan cử một vài kỹ thật :

Kỹ thuật I là « Hướng dẫn tối đa, để trẻ em không thể sai lầm » :

Giáo viên : Em tên gì ? DUNG.

Học sinh : Dung.

Giáo viên : Hoan hô em. Em đã biết trả lời cho thầy. Tên Em là DUNG. Phải rồi, tên em là DUNG. DUNG. DUNG. Em giỏi quá.

Lẽ đương nhiên, khi trẻ em tỏ ra nhiều tiến bộ, giáo viên sẽ từ từ giảm bớt những loại hướng dẫn của mình.

Kỹ thuật nầy được sử dụng khi trẻ em còn ở vào giai đọan lặp lại, bắt chước, phát âm và gọi tên các vật thể có mặt trong môi trường.

Kỹ thuật II là dạy trẻ em biết Xin, yêu cầu và gọi tên những vật thể mà mình ước muốn.

Khi trẻ em có những hành vi diễn tả ước muốn và nhu cầu của mình, người giáo viên tức khắc chớp lấy thời cơ thuận tiện, để dạy cho trẻ em hai điều : Thứ nhất là gọi tên sự vật mong muốn. Thứ hai là Xin, hay là làm cử chỉ yêu cầu (chấp hai tay đưa tới trước). Ví dụ: thấy trẻ em bỏ lớp đi ra ngoài, giáo viên dăng hai tay ra chận lại và hỏi :

- Cầu tuột?

- Sau khi trẻ em lặp lại được Cầu tuột, giáo viên chuyển qua câu hỏi về sở thích và nhu cầu: Em muốn gì? Cầu tuột.

- Trẻ em lặp lại : Cầu tuột.

- Giáo viên : Thầy hiểu rồi. Em muốn chơi cầu tuột. Em xin ra chơi cầu tuột. Hoan hô. Em đã biết nói ra em muốn gì, em xin gì. Vâng, em có thể ra chơi cầu tuột. Năm phút sau, thầy sẽ ra gọi em vào.

Với những cách làm vừa được trình bày, chúng ta dạy trẻ em thực thi dần dần bảy động tác cụ thể có liên hệ đến khả năng ngôn ngữ, mà SKINNER đã liệt kê và trình bày trong tác phẩm "Verbal Behavior", xuất bản năm 1958.

***

Lẽ đương nhiên, sau khi trẻ em khởi phát một trong số 7 động tác ngôn ngữ ấy, chúng ta tìm mọi cách để củng cố và tăng cường thành quả của các em. Tôi không bao giờ phủ nhận giá trị của bánh kẹo và các loại lương thực khác, trong vai trò kích thích, khuyến khích và hướng dẫn. Tuy nhiên, thể theo kinh nghiệm dạy học trẻ em thiếu trí và tự bế, trong vòng 20 năm, tôi xác tín rằng : yếu tố có khả năng tăng cường công việc học tập và tiến phát của trẻ em không phải chỉ là kẹo bánh. Trước tất cả, tôi muốn nhấn mạnh vai trò và giá trị của những thái độ và hành vi như LẮNG NGHE, tìm hiểu và tôn trọng trẻ em, trong cuộc sống hằng ngày của chúng ta. Điều quan trọng là trẻ em thành người có bản sắc thực sự, tự lập, tự cường, hơn là mang một bộ mặt giả hiệu, hào nhoáng bên ngoài, nhưng rỗng tuếch bên trong, suốt ngày lặp đi lặp lại như keo vẹt. Một cách đặc biệt, khi trẻ em từ chối, nói không bằng ngôn ngữ có lời hay không lời, chúng ta tôn trọng. Chúng ta không cưỡng ép, áp đặt từ trên hay từ ngoài, cho dù đó là những phương pháp, những chủ thuyết rất hữu ích và có giá trị như ABA, hay là TEACCH...
Phi
Special Ed.
Hình đại diện của thành viên
phi
 
Bài viết: 5627
Ngày tham gia: CN Tháng 2 08, 2009 10:23 am

Re: Phuong phap ABA ?

Gửi bàigửi bởi Nguyen,Anh » T.Sáu Tháng 1 29, 2010 11:53 pm

Trúc Quỳnh ơi, hiểu nhau nhiều hơn rồi. Sẽ cố gắng hết sức giúp Quỳnh.

Tuy nhiên, Quỳnh đang ở Mỹ phải không? Quỳnh có biết là Quỳnh có quyền đòi hỏi một người thông dịch không? Đó là quyền lợi của mọi phụ huynh Quỳnh ạ. Đừng ngại gì hết, cứ nói với họ rằng Quỳnh cần một người thông dịch cho mọi cuộc họp. Quỳnh còn có quyền yêu cầu nhà trường gửi hồ sơ bằng tiếng Việt cho Quỳnh nữa. Quỳnh làm thế đi. Mình không đòi hỏi gì quá đáng vì việc thông dịch được cung cấp theo luật giáo dục đặc biệt.

Nếu tiện, Quỳnh cho mình biết Quỳnh đang ở tiểu bang nào,t hành phố nào. Mình sẽ lò mò tìm những đồng nghiệp xem sao.
Nguyễn Tường Anh
Nhóm Chuyên Gia TK
Hình đại diện của thành viên
Nguyen,Anh
 
Bài viết: 4505
Ngày tham gia: T.Bảy Tháng 1 10, 2009 12:05 pm

Re: Phuong phap ABA ?

Gửi bàigửi bởi Chi » T.Hai Tháng 2 01, 2010 8:55 am

Nguyen,Anh đã viết:
Nếu tiện, Quỳnh cho mình biết Quỳnh đang ở tiểu bang nào,t hành phố nào. Mình sẽ lò mò tìm những đồng nghiệp xem sao.


Dear chi TA. Em da co so dt cua chi Quynh roi. Let's see what we can do to help.
Chi
Chi
 
Bài viết: 5
Ngày tham gia: T.Ba Tháng 12 22, 2009 3:44 am
Đến từ: ConCủaMẹ


Quay về Hỏi Đáp (xin đọc lại những bài cũ trước khi hỏi)

Đang trực tuyến

Đang xem chuyên mục này: Không có thành viên nào trực tuyến.52 khách.

cron