Bé bỗng nhiên bùng nổ, không ăn được như trước.

Bé bỗng nhiên bùng nổ, không ăn được như trước.

Gửi bàigửi bởi MebeAnhQuan » T.Hai Tháng 2 16, 2009 12:01 am

Xin chào Ban tư vấn của Diễn đàn Con Của Mẹ,
Khi vào phần thông tin của Chị Tâm (tamsg) và được biết đến diễn đàn này, tôi thực sự rất vui mừng và xúc động, bởi trong cuộc sống này vẫn còn có nhiều những tấm lòng bác ái, đặc biệt những tấm lòng đó lại được trao về những người có nhiều kiến thức và hiểu biết thì thật đáng quý và giúp ích cho đời biết bao. Lời đầu tiên, tôi xin chân thành cám ơn những người đã có tâm thành lập nên diễn đàn này, và những chuyên gia tình nguyện tham gia vào diễn đàn. Mong rằng diễn đàn sẽ luôn là nơi sẽ chia những kiến thức và kinh nghiệm quý báu của mọi người-những ai muốn dành sự quan tâm cho những đứa trẻ không may chậm phát triển và những thiên thần Tự kỷ.

Tôi là phụ huỵnh của một bé trai 3,5 tuổi có “dấu hiệu” tự kỷ. Bé chưa có ngôn ngữ bằng lời, đang trong giai đoạn giao tiếp theo yêu cầu. Có 3 điều đang là mối quan tâm lo lắng của tôi hiện nay, rất mong được các chuyên gia tư vấn giúp:
1. Con tôi đang đi học rất ngoan (ở một trường chuyên dạy trẻ tự kỷ), giờ lại không thích đến lớp nữa (không phải đột ngột mà theo mức độ ngày càng tăng dần). Giáo viên tâm lý ở trường tư vấn rằng bé có thể đang chuyển sang một giai đoạn phát triển mới, nên sự bùng nổ này chỉ là tạm thời thôi. Liệu có phải mỗi khi bé sắp chuyển sang một giai đoạn phát triển mới, bé thường phải trãi qua 1 đợt bùng nổ như vậy không ạ? Vậy khi đó chúng ta phải can thiệp thế nào để giúp bé có thể trãi qua giai đoạn này một cách nhanh chóng và dễ dàng hơn? Về nhà, bé thường xuyên nỗi giận và bùng nổ hơn trước rất nhiều (lý do bùng nổ thường là do không đáp ứng yêu cầu của bé, hoặc do Mẹ không tuyệt đối quan tâm đến bé – vd: Mẹ đang chơi với bé, Ba hỏi gì đó, Mẹ quay sang trả lời; hoặc Mẹ vừa chơi với bé lại thỉnh thoảng quay sang bấm đồ chơi cho em; hoặc em hiếu động leo trèo nguy hiểm khiếm Mẹ phải la em; hoặc bé đang chơi mà có ai đó tự nhiên nói chuyện lớn tiếng (kể cả Ba), thế là bắt đầu một cơn bùng nổ). Những lần bùng nổ, bé thường hay tự làm mình đau (đập đầu, đập tay vào mặt, móc miệng có khi đến chảy máu, đập chân, gào khóc lăn lộn…) và làm đau bất cứ ai đang ngồi cạnh bé. Vì vậy, khi bé khóc, tôi không thể dùng phương pháp “bỏ đi đến khi bé hết khóc mới quay lại” được (tôi đã thử và thấy tình trạng chỉ trầm trọng thêm). Tôi thực sự không biết phải làm thế nào cho đúng, để có thể giúp bé được theo hướng tích cực nhất. Giờ những lúc bé khóc, tôi thường ngồi cạnh bé (cố tránh sang một bên để bé đừng đạp trúng), giữ tay bé lại để bé không thể tự làm đau mình, cố gắng dùng những lời dịu dàng nhất để giải thích cho bé (với hy vọng bé có thể hiểu được chút ít) và thể hiện sự cảm thông hết sức đối với sự bực bội của bé. Tôi thấy với cách này, bé mau bình tĩnh trở lại (sau khoảng 5-10 phút), nhưng lại lo bé sẽ dựa vào điều này để nằm vạ thường xuyên mỗi khi muốn lôi kéo sự chú ý của tôi điến bé.
2. Bé trước đây ăn rất tốt, có thể ăn được nhiều loại thức ăn khác nhau. Đối với các loại thức ăn cần phải nhai: dưa hấu, bánh snak, bimbim… bé thường nhai nhuyễn rồi mới nuốt. Nhưng từ khoảng 6 tháng trờ lại đây, chủng loại thức ăn của bé ngày càng giảm dần. Bé chẳng ăn được gì, ngoại trừ món cháo với các thức ăn đã được xay nhuyễn, mà cũng chỉ ăn được tối đa 1 chén lưng. Nếu thấy có lợn cợn gì trong miệng là bé sẽ nhả ra ngay, và không ăn nốt phần còn lại nữa. Cơm thì chỉ ăn được món cơm với trứng mà thôi. Bé tuyệt đối không ăn bánh trái gì, nên thiếu chất xơ trầm trọng, và thường hay bị táo bón, cứ vài ngày lại bị đi cầu ra máu một lần. Nước ép trái cây bé cũng từ chối (trước đây đường tiêu hóa của bé rất tốt). Điều gì khiến cho vị giác của bé trở nên nhạy cảm quá mức như vậy? Và tôi phải giúp bé như thế nào để cải thiện được nó?
3. Từ khi bé biết đi đến giờ (bé biết đi vững lúc được 15,5 tháng), tôi chưa từng bao giờ dắt được bé đi theo hướng của mình dù chỉ là một khoảng ngắn vài mét, trừ khi hướng bé muốn đi trùng với hướng tôi muốn dắt. Có thể nói, chỉ toàn là bé dắt tôi đi. Trước đây, bé rất sợ công viên. Mỗi lần đưa bé ra công viên là toàn tôi bồng bé đi tới đi lui (đứng lại hay ngồi xuống bé đều không chịu và giãy khóc). Dần dần đi học quen, bé dan dĩ hơn một chút, thì tôi có thể dụ bé đứng xuống một chút chổ có điều gì đó làm bé thích thú (như vòi nước phun chẳng hạn). Rồi một thời gian sau, tôi phát hiện bé thích những chiếc lá vàng rơi trước sân nhà, thế là tôi lại có thêm lý do để dụ bé ra công viên chơi. Bé đã chịu chạy chơi và nhặt lá vàng rơi ở công viên. Tuy nhiên tôi vẫn không thể dắt bé đi đâu được. Có nhiều chổ tôi muốn dắt bé đến để chỉ cho bé những điều thú vị ở đó (vd như đi sở thú chẳng hạn), nhưng tôi không thể làm được. Không lẽ muốn cho bé di chuyển từ chuồng thú này sang chuồng thú khác, tôi lại phải bồng bé, hay đẩy xe? Thậm chí, đi khám bệnh ở Nhi Đồng, từ bãi gởi xe đến chổ khám cũng khá xa, nhưng tôi vẫn phải bồng bé, mặc dù bé biêt đi tốt. Tôi đã đọc nhiều tài liệu, và tham khảo nhiều ý kiến của các phụ huynh khác, nhưng lại không thấy có đề cập đến vấn đề này. Rất mong ban tư vấn cho tôi vài lời khuyên. Hy vọng trường hợp con tôi không phải là hy hữu và khó giải quyết.

Rất mong sớm nhận được sự tư vấn của các chuyên gia Diễn đàn. Xin chân thành cám ơn.
MebeAnhQuan
 
Bài viết: 8
Ngày tham gia: CN Tháng 2 15, 2009 7:42 pm

Re: Bé bỗng nhiên bùng nổ, không ăn được như trước.

Gửi bàigửi bởi Nguyen,Anh » T.Hai Tháng 2 16, 2009 12:55 am

Phần trả lời của Chuyên viên Cùng Nhau Vượt Khó

Chúng tôi chào mừng chị đến với Cùng Nhau Vượt Khó. Cám ơn chị đã có lời khích lệ. Nỗ lực của chúng tôi cần có sự thông cảm và tin tưởng của phụ huynh.

Con tôi đang đi học rất ngoan (ở một trường chuyên dạy trẻ tự kỷ), giờ lại không thích đến lớp nữa (không phải đột ngột mà theo mức độ ngày càng tăng dần). Giáo viên tâm lý ở trường tư vấn rằng bé có thể đang chuyển sang một giai đoạn phát triển mới, nên sự bùng nổ này chỉ là tạm thời thôi. Liệu có phải mỗi khi bé sắp chuyển sang một giai đoạn phát triển mới, bé thường phải trãi qua 1 đợt bùng nổ như vậy không ạ?


Tôi tôn trọng chuyên môn của vị giáo viên tâm lý ở trường của bé Anh Quân. Nếu được, chị có thể hỏi thêm vị giáo viên này những phương cách mà vị này sử dụng để can thiệp, hầu mình có thể yểm trợ thêm tại nhà. Theo kinh nghiệm mà tôi có khi làm việc cùng các bé TK và hội đồng huấn trị, trong những trường hợp bé bỗng dưng không thích những gì bé vẫn thích, vẫn làm, chúng tôi đi tìm nguyên nhân. Nguyên nhân mà chúng tôi tìm thấy: có thể bé không thích lối sắp xếp mới của lớp, có thể bé không thích mái tóc mới của cô giáo hay bạn nào trong lớp, có thể bé sợ món đồ chơi mới nào đó trong lớp... Cũng có lúc, chúng tôi vò đầu bứt tai tìm mãi không ra lý do. Có lần chúng tôi nghe bà tiến sĩ Grandin (một người Asperger) nói: "Có ngày thì tôi sợ màu xanh dương. Có hôm tôi kinh hoàng vì màu đỏ. Có khi tôi lại hoảng vía vì con gấu mà cô thư ký mua chưng sau bàn làm việc. Đa số những ngày khác thì tôi chẳng sao cả." Chị thử đi tìm lý do xem nhé. Chị theo bé vào lớp, hoặc nhờ cô giáo quan sát xem cháu đang từ chối hay sợ hãi những sinh hoạt nào. Nếu may mắn tìm ra lý do, chị có thể sẽ tìm được cách trấn an cháu, điều chỉnh môi trường để cháu bớt lo âu sợ hãi.

Về nhà, bé thường xuyên nỗi giận và bùng nổ hơn trước rất nhiều (lý do bùng nổ thường là do không đáp ứng yêu cầu của bé, hoặc do Mẹ không tuyệt đối quan tâm đến bé – vd: Mẹ đang chơi với bé, Ba hỏi gì đó, Mẹ quay sang trả lời; hoặc Mẹ vừa chơi với bé lại thỉnh thoảng quay sang bấm đồ chơi cho em; hoặc em hiếu động leo trèo nguy hiểm khiếm Mẹ phải la em; hoặc bé đang chơi mà có ai đó tự nhiên nói chuyện lớn tiếng (kể cả Ba), thế là bắt đầu một cơn bùng nổ). Những lần bùng nổ, bé thường hay tự làm mình đau (đập đầu, đập tay vào mặt, móc miệng có khi đến chảy máu, đập chân, gào khóc lăn lộn…) và làm đau bất cứ ai đang ngồi cạnh bé.


Trẻ TK hay trẻ cùng tuổi khác có thể qua giai đoạn "thử nghiệm". Các bé làm điều trái ý, và xem cha mẹ phản ứng ra sao. Hy vọng chị sẽ kiên trì và thống nhất khi phản ứng với những hành vi bất xứng của cháu. Chị cũng thử dậy cháu kỹ năng chờ đến phiên mình xem sao. (Ba ôm em và cầm hai tay em. Mẹ ôm bé và cầm hai tay bé. Tay bé chạm tay em, rồi tay em chạm tay bé. Tay bé sờ má em, rồi tay em sờ má bé. Tay bé vỗ, rồi tay em vỗ...)

Có vẻ bé sợ những âm thanh lớn như tiếng mẹ la em, tiếng ba nói lớn. Bùng nổ không chỉ vì giận dữ. Bé có TK bùng nổ còn vì không thích ứng được những âm thanh, cảm giác của môi trường gửi tới mình. Chị để ý thêm xem bé có thích nghe nhạc lớn, hay có vào những nơi ồn ào không, rồi cho tôi biết thêm.

Những lần bùng nổ, bé thường hay tự làm mình đau (đập đầu, đập tay vào mặt, móc miệng có khi đến chảy máu, đập chân, gào khóc lăn lộn…) và làm đau bất cứ ai đang ngồi cạnh bé. Vì vậy, khi bé khóc, tôi không thể dùng phương pháp “bỏ đi đến khi bé hết khóc mới quay lại” được (tôi đã thử và thấy tình trạng chỉ trầm trọng thêm).


Thường thì điều trị viên và thầy cô giáo không bỏ bé một mình những lúc bé bùng nổ, chị ạ. An toàn của bé là điều quan trọng, nên chúng tôi phải bảo đảm là cháu không đả thuơng mình và không làm đau ai chung quanh. Chúng tôi cũng di dời bàn ghế và vật cứng chung quanh để bảo vệ cháu. Điều mà chúng tôi không làm là: giao tiếp mắt với cháu. Ngay khi nói "không," "đừng đạp nữa," chúng tôi cũng không nhìn mắt bé. Mục đích là để bé không nghĩ rằng nếu dẫy đạp, tự đả thuơng, bé sẽ được chú ý.

Giờ những lúc bé khóc, tôi thường ngồi cạnh bé (cố tránh sang một bên để bé đừng đạp trúng), giữ tay bé lại để bé không thể tự làm đau mình, cố gắng dùng những lời dịu dàng nhất để giải thích cho bé (với hy vọng bé có thể hiểu được chút ít) và thể hiện sự cảm thông hết sức đối với sự bực bội của bé. Tôi thấy với cách này, bé mau bình tĩnh trở lại (sau khoảng 5-10 phút), nhưng lại lo bé sẽ dựa vào điều này để nằm vạ thường xuyên mỗi khi muốn lôi kéo sự chú ý của tôi điến bé.


Bé rất cần lời dịu dàng, những cái xoa nhẹ nhàng để bình tâm lại. Tuy nhiên, chỉ khi nào bé ngừng cơn bùng nổ, chúng tôi mới đáp ứng mà thôi. Ngay khi bé ngưng, chúng tôi đến gần, nhìn mặt, cầm tay, nói nhẹ nhàng để mời bé tham gia một sinh hoạt nào đó. Chúng tôi có thể không lý luận gì với bé vào lúc đó mà hoàn toàn hướng sự chú ý của bé đến điều gì khác. Chị lo là bé nằm vạ để đòi được chú ý. Chị không sai đâu. Có thể bây giờ thì bé không làm thế để mẹ chú ý, nhưng rồi bé sẽ học được rằng bé bùng nổ bé sẽ có mẹ đến bên.

Bé bùng nổ đến 5-10 phút mới bình tâm lại là thời gian cũng không mau đâu. Chị thử tìm lý do những lần bùng nổ, và tránh cho cháu phải đối diện với chúng xem sao.

2. Bé trước đây ăn rất tốt, có thể ăn được nhiều loại thức ăn khác nhau. Đối với các loại thức ăn cần phải nhai: dưa hấu, bánh snak, bimbim… bé thường nhai nhuyễn rồi mới nuốt. Nhưng từ khoảng 6 tháng trờ lại đây, chủng loại thức ăn của bé ngày càng giảm dần. Bé chẳng ăn được gì, ngoại trừ món cháo với các thức ăn đã được xay nhuyễn, mà cũng chỉ ăn được tối đa 1 chén lưng. Nếu thấy có lợn cợn gì trong miệng là bé sẽ nhả ra ngay, và không ăn nốt phần còn lại nữa. Cơm thì chỉ ăn được món cơm với trứng mà thôi. Bé tuyệt đối không ăn bánh trái gì, nên thiếu chất xơ trầm trọng, và thường hay bị táo bón, cứ vài ngày lại bị đi cầu ra máu một lần. Nước ép trái cây bé cũng từ chối (trước đây đường tiêu hóa của bé rất tốt). Điều gì khiến cho vị giác của bé trở nên nhạy cảm quá mức như vậy? Và tôi phải giúp bé như thế nào để cải thiện được nó?


Các bé TK thường hay gặp khó khăn trong ăn uống. Điều khiến cho vị giác nhậy cảm chính là rối loạn tâm vận động. Bây giờ chị đang cho cháu ăn cháo, và có lẽ chị đã xay đủ dinh dưỡng trong cháo cho cháu. Tuy nhiên, tập cho cháu bớt nhậy cảm với các thức ăn có mùi vị và bề mặt cảm xúc khác nhau vẫn là điều nên thực hiện. Chị coi phần Tâm Vận Động trong Nguồn Liệu xem có gì hữu dụng không nhé, rồi cho tôi biết thêm. Tôi thấy một số phụ huynh bên này sử dụng loại thuốc nhét hậu môn khi cháu bón quá. Chị hỏi xem bên ấy có không. Để cháu phải rặn quá không tốt.

Từ khi bé biết đi đến giờ (bé biết đi vững lúc được 15,5 tháng), tôi chưa từng bao giờ dắt được bé đi theo hướng của mình dù chỉ là một khoảng ngắn vài mét, trừ khi hướng bé muốn đi trùng với hướng tôi muốn dắt. Có thể nói, chỉ toàn là bé dắt tôi đi. Trước đây, bé rất sợ công viên. Mỗi lần đưa bé ra công viên là toàn tôi bồng bé đi tới đi lui (đứng lại hay ngồi xuống bé đều không chịu và giãy khóc). Dần dần đi học quen, bé dan dĩ hơn một chút, thì tôi có thể dụ bé đứng xuống một chút chổ có điều gì đó làm bé thích thú (như vòi nước phun chẳng hạn). Rồi một thời gian sau, tôi phát hiện bé thích những chiếc lá vàng rơi trước sân nhà, thế là tôi lại có thêm lý do để dụ bé ra công viên chơi. Bé đã chịu chạy chơi và nhặt lá vàng rơi ở công viên. Tuy nhiên tôi vẫn không thể dắt bé đi đâu được. Có nhiều chổ tôi muốn dắt bé đến để chỉ cho bé những điều thú vị ở đó (vd như đi sở thú chẳng hạn), nhưng tôi không thể làm được. Không lẽ muốn cho bé di chuyển từ chuồng thú này sang chuồng thú khác, tôi lại phải bồng bé, hay đẩy xe? Thậm chí, đi khám bệnh ở Nhi Đồng, từ bãi gởi xe đến chổ khám cũng khá xa, nhưng tôi vẫn phải bồng bé, mặc dù bé biêt đi tốt. Tôi đã đọc nhiều tài liệu, và tham khảo nhiều ý kiến của các phụ huynh khác, nhưng lại không thấy có đề cập đến vấn đề này.


Việc bé không cho chị dắt có thể vì bé đang quá tải với môi trường, dù đó là môi trường quen nhưng vẫn làm bé lo âu và choáng. Bé xăm xăm mà đi có thể không phải bé có nơi muốn đến, mà đang định né tránh nơi bé đang có mặt.

Bé sợ công viên có thể vì khung cảnh công viên rộng mở, không có tường chắn như lớp học hay ở nhà. Các bé yếu tâm vận động thường không thẩm thấu được những yếu tố của môi trừong như nơi quá chật, quá rộng, quá ồn, quá lộn xộn trong sắp xếp. Có bé thì sợ những kiến trúc cao, to. Các bé bệnh nhân của tôi thì có giờ tập điều hòa cảm giác để bớt nhậy cảm với môi trường. Đây cũng là lãnh vực tâm vận động mà tôi đề nghị chị đọc thử. Chị có thể cho cháu xem hình một số góc nhỏ của những nơi này: cái xích đu, chiếc cây có lá vàng, chiếc bàn trong phòng khám, cửa phòng khám... với mục đích giới hạn lại không gian rộng mở mà chị đưa cháu đến.

Cũng có thể bé không chịu đi vì không hiểu về nội dung và thời lượng của chuyến đi. Chị thử làm thời khóa biểu: 1. mẹ đưa bé đi sở thú (hình cổng sở thú), 2. mẹ và bé xem gấu (hình chuồng gấu), 3. mẹ và bé xem nai (hình chuồng nai), 4. mẹ và bé ăn trưa (hình gốc cây và ghế đá), 5. mẹ và bé về đến nhà (hình nhà bé). Mục đích của thời khóa biểu là cho bé biết chuyến đi gồm những gì, và đến bao giờ thì chấm dứt.

Chị thử một số điều này, và nếu tìm được gì bên Tâm Vận Động thì cũng nên thử. Chúng tôi mong nghe từ chị để có thể giúp bé. Chúc hai mẹ con đi công viên hay đi khám mà mẹ không phải bồng bé.

Nguyễn Tường Anh/Nhóm Chuyên Gia TK
Nguyễn Tường Anh
Nhóm Chuyên Gia TK
Hình đại diện của thành viên
Nguyen,Anh
 
Bài viết: 4505
Ngày tham gia: T.Bảy Tháng 1 10, 2009 12:05 pm

Re: Bé bỗng nhiên bùng nổ, không ăn được như trước.

Gửi bàigửi bởi MebeAnhQuan » T.Ba Tháng 2 17, 2009 12:28 am

Tôi thật sự bất ngờ vì không nghĩ rằng những điều tôi đang lo lắng nhất về bé mà không biết hỏi ai, nay bỗng nhiên chỉ trong 1 ngày đăng tin là tôi đã có được ngay những câu trả lời rất thấu đáo và chi tiết cho từng trường hợp của bé. Xin cám ơn Nguyễn Tường Anh và các Chuyên gia tư vấn TK của diễn đàn Con của Mẹ rất nhiều. Giờ thì tôi đã có thể hoàn toàn yên tâm rằng luôn có những chuyên gia tư vấn về TK cùng sát cánh bên tôi trong hành trình tôi giúp bé vượt qua căn bệnh này (ở mức độ tốt nhất mà tôi có thể làm được cho bé) mà không còn lo sợ bị “lạc đường” hay sai phương pháp nữa.
Về cơn bùng nổ của bé, xin phép cho tôi hỏi kỹ hơn 1 chút về phương pháp ứng xử với bé: Ngay khi cơn bùng nổ bắt đầu xuất hiện, bé sẽ ngay lập tức dùng hai tay đập vào mặt, cho tay vào miệng…, nghĩa là ngay lập tức làm đau mình, và bé chỉ hết làm khi cơn bùng nổ chấm dứt mà thôi. Vì vậy, tôi phải luôn túc trực bên cạnh bé để giữ tay bé lại. Và như Chị Tường Anh (không biết gọi vậy có đúng không) đã hướng dẫn, trong suốt quá trình bé bùng nổ, tôi không được giao tiếp mắt với bé (đây quả là điều hết sức quan trọng mà từ trước đến nay tôi … làm sai). Vậy, tôi có cần nói gì với bé trong lúc này không? Hay chỉ ngồi yên bên bé để giữ tay bé lại thôi? Làm thế nào để sau này khi bé bùng nổ, bé không còn hành động làm đau mình và người khác nữa? Có khi bé bùng nổ vì lý do chính đáng (như bị em giật đồ chơi chẳng hạn), có khi vì những lý do không đáng như tôi đã kể ở bài trước. Vậy cách của chúng ta ứng xử cho 2 trường hợp bùng nổ này có khác nhau gì không? Rất mong Chị Tường Anh có lời tư vấn cụ thể, điều này sẽ giúp tôi có thể áp dụng cho mọi cơn bùng nổ của bé một cách tự tin hơn, vì tin rằng điều mình đang làm là giúp cho con ngày càng tiến bộ hơn.
Về những gợi ý và hướng dẫn khác của Chị, tôi sẽ làm theo. Bé có những tiến bộ thế nào, và xuất hiện thêm những khó khăn gì, tôi cũng xin được chia sẽ với Chị và nhóm chuyên gia tư vấn ở đây. Rất mong vẫn luôn nhận được sự đón nhận và chia sẽ của quý vị.
Xin cảm ơn rất nhiều.
MebeAnhQuan
 
Bài viết: 8
Ngày tham gia: CN Tháng 2 15, 2009 7:42 pm

Re: Bé bỗng nhiên bùng nổ, không ăn được như trước.

Gửi bàigửi bởi Nguyen,Anh » T.Ba Tháng 2 17, 2009 11:14 am

Phần trả lời từ chuyên viên Cùng Nhau Vượt Khó

Tôi thật sự bất ngờ vì không nghĩ rằng những điều tôi đang lo lắng nhất về bé mà không biết hỏi ai, nay bỗng nhiên chỉ trong 1 ngày đăng tin là tôi đã có được ngay những câu trả lời rất thấu đáo và chi tiết cho từng trường hợp của bé. Xin cám ơn Nguyễn Tường Anh và các Chuyên gia tư vấn TK của diễn đàn Con của Mẹ rất nhiều. Giờ thì tôi đã có thể hoàn toàn yên tâm rằng luôn có những chuyên gia tư vấn về TK cùng sát cánh bên tôi trong hành trình tôi giúp bé vượt qua căn bệnh này (ở mức độ tốt nhất mà tôi có thể làm được cho bé) mà không còn lo sợ bị “lạc đường” hay sai phương pháp nữa.


Chào bạn, cám ơn những lời khích lệ của bạn. Ban điều hành dự án đã chủ ý chọn tên Cùng Nhau Vượt Khó vì muốn có mặt với phụ huynh yểm trợ các cháu có TK hay những rối loạn liên quan. Khi đọc email này của bạn, chắc chắn họ lên tinh thần nhiều giữa giòng công việc đang bộn bề lắm. Cám ơn bạn nhé.

Về cơn bùng nổ của bé, xin phép cho tôi hỏi kỹ hơn 1 chút về phương pháp ứng xử với bé: Ngay khi cơn bùng nổ bắt đầu xuất hiện, bé sẽ ngay lập tức dùng hai tay đập vào mặt, cho tay vào miệng…, nghĩa là ngay lập tức làm đau mình, và bé chỉ hết làm khi cơn bùng nổ chấm dứt mà thôi. Vì vậy, tôi phải luôn túc trực bên cạnh bé để giữ tay bé lại. Và như Chị Tường Anh (không biết gọi vậy có đúng không) đã hướng dẫn, trong suốt quá trình bé bùng nổ, tôi không được giao tiếp mắt với bé (đây quả là điều hết sức quan trọng mà từ trước đến nay tôi … làm sai). Vậy, tôi có cần nói gì với bé trong lúc này không? Hay chỉ ngồi yên bên bé để giữ tay bé lại thôi?


Thương bé quá. Khi bé làm thế, chị giữ tay bé, nhưng không giao tiếp mắt với bé. Khi cần, chị chỉ nói những mệnh lệnh ngắn và thống nhất như "Không đánh mình," "Không cào miệng," "con ngưng ngay!". Những lời dịu ngọt chỉ nên đến với bé khi bé đã bình tâm. Những lời lý giải chỉ đến vào những lúc bé chú ý trong giờ chị tập huấn cho con.

Có khi bé bùng nổ vì lý do chính đáng (như bị em giật đồ chơi chẳng hạn), có khi vì những lý do không đáng như tôi đã kể ở bài trước. Vậy cách của chúng ta ứng xử cho 2 trường hợp bùng nổ này có khác nhau gì không?


Cách đáp trả của chúng ta không khác đối với những lần bùng nổ mà không kể đến lý do. Điều này cũng là nguyên lý của xã hội, phải không chị? Hành vi bạo lực không được chấp nhận dù để tự vệ hay tấn công. Dĩ nhiên, khi lý giải với bé về cơn bùng nổ kia, chị sẽ nói đến lý do, và công tâm bảo với bé rằng em của bé không nên giật đồ chơi của bé. Ở 3 tuổi rưỡi, có lẽ bé chưa sẵn sàng để nghe phần lý giải với nhiều ngôn từ. Chị thử nói bằng câu ngắn và sử dụng ngôn từ của trẻ thơ xem nhé.

Làm thế nào để sau này khi bé bùng nổ, bé không còn hành động làm đau mình và người khác nữa?


Đây là câu hỏi chính, phải không chị? Chị đã thấy khi bé không đồng ý (mẹ quay đi, em giật đồ chơi...) hay không thích nghi được với môi trường chung quanh (ồn quá, rộng lớn quá, lạ quá...), bé sẽ bùng nổ. Chúng ta nên giảm thiểu những gì quá tải cho bé: không đưa bé đến (vào thời điểm này) những nơi rộng rãi, lạ lẫm, ồn ào, đông người, và ngay cả những nơi đã quen nhưng có lối sắp xếp lộn xộn. Tuy nhiên, không phải nơi nào chúng ta cũng có thể vươn tay đến mà điều chỉnh. Nếu phải theo ba mẹ đi đám cưới, đi chợ, hay khi bé chủ trì sinh nhật của mình..., chị thử tìm hình ảnh giới thiệu trước những gì có trong môi trường ấy. Chị sẽ phải giới thiệu nhiều lần, trong nhiều ngày trước khi sự kiện ấy xảy ra.

Tôi được huấn luyện theo phương pháp thay thế hành vi thay vì loại trừ hành vi. Một giáo sư của tôi vẫn nói: "Nếu bạn bị muỗi cắn, ngứa quá mà không cho gãi thì không tự nhiên. Tôi thì tôi vẫn gãi, nhưng chỉ gãi ở những nơi thích hợp, vào thời điểm thích hợp." Với bé, chuyện bé giận dữ chúng ta hoàn toàn thông cảm, không phải chỉ vì chị là người rứt ruột đưa con vào đời, hay vì tôi là người đã làm việc nhiều năm với nhóm trẻ này nên sinh ra thương. Bé có lý do để mà giận dữ: quy lệ xã hội của chúng ta không được bé chấp nhận. Vì vậy, chúng ta không cấm bé giận dữ, mà chỉ gợi ý những cách bày tỏ nỗi bực bội của bé sao cho chính bé và người chung quanh không tổn thương.

Bệnh nhân của tôi thường sử dụng loại nệm bông người ta hay dùng để tập đánh box. Nếu bên đó không có, chị thử đặt may cho cháu cái bao êm, nhồi chặt bông. Đừng mua gấu bông, chó bông, hay gối đầu gối ôm, vì những chủ đích sử dụng của những vật này không phải để đánh đập. Vì phải đặt may, chị tìm vải đen vì gối trong nhà thường không sử dụng màu đen. Hình thù bao này cũng nên khác với hình thù gối. Chị cho cháu tập đấm hay đá vào bao, sau đó khi cháu bùng nổ, chị lấy tay cháu cố dí vào bao trong những lần đầu. Hy vọng dần dần cháu sẽ đi tìm bao mà trút cơn giận dữ. Một bệnh nhân của tôi có cái bao như thế, và mẹ bé dán hình khuôn mặt bé giận dữ ở góc. (Đừng dán ở giữa vì đó lại là bé đấm vào mặt mình). Bé theo hình này mà nhận ra khi giận dữ, có cái bao để đá.

Trong giờ tập huấn cho con, chị sử dụng hình ảnh mà dậy những bứoc giải quyết vấn đề. Thí dụ, hình một: em bé (em bé có thể giật đồ chơi), hình hai: bé khóc la (bé giận dữ), hình ba: bé đau đớn vì tự đánh mình. Hình ba sẽ có dấu X đỏ. Hình bốn có bé và bao đấm. Chị gỡ hình ba ra và thay thế hình bốn vào.

Chị cũng thử chuẩn bị những hình ảnh khác về lý do bùng nổ và đi cùng tiến trình như trên.

Ngoài ra, chị nên cầm tay bé vuốt nhẹ lên tay chị hay ai khác, và đặt tên cái vuốt ve nhẹ nhàng ấy là "tốt," "dễ thương"... Rồi làm ra vẻ đánh, cào (ra vẻ thôi nhé, đừng đánh thật! :) ) và nói "không nên," hay "xấu lắm."

Chúc chị thành công nhé. Có gì cho chúng tôi biết bé tiến triển ra sao. Không phải ngày một ngày hai mà xong, nhưng mấy tuần mấy tháng gì chúng ta cũng kiên trì giúp bé vượt qua.

Nguyễn Tường Anh/Nhóm Chuyên Gia TK
Nguyễn Tường Anh
Nhóm Chuyên Gia TK
Hình đại diện của thành viên
Nguyen,Anh
 
Bài viết: 4505
Ngày tham gia: T.Bảy Tháng 1 10, 2009 12:05 pm

Re: Bé bỗng nhiên bùng nổ, không ăn được như trước.

Gửi bàigửi bởi MebeAnhQuan » T.Sáu Tháng 3 06, 2009 12:14 am

Xin cám ơn Tường Anh/Nhóm chuyên gia TK nhiều. Bài của tôi đã được trả lời rất sớm, nhưng mãi đến hôm nay tôi mới được đọc. Bận rộn với nhiều công việc, nên mạng ở nhà bị hư đến nay vẫn chưa tìm được người sửa. Nay rảnh được một chút, tôi vội chạy ra thuê máy bên ngòai vì cứ nóng long muốn xem câu trả lời của các chuyên gia, để còn tìm cách áp dụng cho con. Phần trả lời tư vấn của Tường Anh và nhóm chuyên gia đã rất rõ ràng, giờ tôi chỉ còn mỗi một việc là thực hiện theo thôi.
Thời gian vừa qua, thực hiện theo cách hướng dẫn của Tường Anh: chỉ giữ tay bé lại thôi chứ không giao tiếp mắt với bé, lúc đầu tôi thấy bé phản ứng rất dữ và khóc rất lâu (có khi đến gần 1 tiếng), có lẽ vì bé thấy không còn nhận được sự quan tâm của mẹ như trước đây nữa. Tôi chưa có kinh nghiệm, nên chờ đến khi nào bé thật sự hết khóc mới đáp ứng với bé, và thế là bé chỉ hết khóc sau khi… khan đặc giọng và không còn có thể khóc được nữa. Tôi thấy nếu cứ như thế cũng không ổn, nên sau vài lần như thế, tôi thay đổi một chút: chờ cho đến khi cơn giận của bé nguôi đi một chút (lúc này bé vẫn còn khóc, nhưng đã bớt đạp chân làm dữ), tôi liền đưa cho bé cái gối ôm mà bé rất thích, rồi dịu dàng nói: con đã bớt giận chưa? Mẹ cho con cái gối để con ôm và thấy dễ chịu hơn nè. Đa phần những lần như vậy, bé sẽ ôm gối, khóc thút thít thêm một chút nữa rồi thôi, và thời gian bé khóc được rút ngắn đáng kể. Nay xin hỏi, cách của tôi làm như thế có đúng không? Rất mong tiếp tục nhận được lời tư vấn từ Tường Anh và các chuyên gia. Về cái gối đặc biệt để cho bé trút giận, tôi sẽ đặt làm. Hy vọng bé sẽ thích hợp với cách này. Còn về vấn đề sử dụng hình ảnh, tôi thấy với bé sợ hơi khó, vì bé rất ít khi chịu nhìn hình ảnh. Cứ đưa cho bé tấm hình là bé chỉ tìm cách gấp tấm hình lại chứ không chịu nhìn nội dung của tấm hình. Tôi thấy bé thường học nhanh hơn qua cách “cầm tay chỉ việc”. Tuy nhiên, tôi cũng vẫn thử xem sao.
Xin gởi đến quý vị lời chúc sức khỏe và thành công trong cuộc sống.
MebeAnhQuan
 
Bài viết: 8
Ngày tham gia: CN Tháng 2 15, 2009 7:42 pm

Re: Bé bỗng nhiên bùng nổ, không ăn được như trước.

Gửi bàigửi bởi Nguyen,Anh » T.Sáu Tháng 3 06, 2009 12:40 am

Phần trả lời từ chuyên viên Cùng Nhau Vượt Khó

Tôi đọc post của chị lúc cả nhà đã ngủ say. Đầu tôi thì mệt, và mắt cứ muốn nhắm lại. Thế mà hình ảnh bé bớt khóc, bớt đạp mẹ làm tôi tỉnh và thấy vui quá. Vậy là chị và bé đã cho tôi một nghị lực làm việc cho cả ngày mai rồi đấy. Cám ơn chị và bé nhé.

Thời gian vừa qua, thực hiện theo cách hướng dẫn của Tường Anh: chỉ giữ tay bé lại thôi chứ không giao tiếp mắt với bé, lúc đầu tôi thấy bé phản ứng rất dữ và khóc rất lâu (có khi đến gần 1 tiếng), có lẽ vì bé thấy không còn nhận được sự quan tâm của mẹ như trước đây nữa. Tôi chưa có kinh nghiệm, nên chờ đến khi nào bé thật sự hết khóc mới đáp ứng với bé, và thế là bé chỉ hết khóc sau khi… khan đặc giọng và không còn có thể khóc được nữa. Tôi thấy nếu cứ như thế cũng không ổn, nên sau vài lần như thế, tôi thay đổi một chút: chờ cho đến khi cơn giận của bé nguôi đi một chút (lúc này bé vẫn còn khóc, nhưng đã bớt đạp chân làm dữ), tôi liền đưa cho bé cái gối ôm mà bé rất thích, rồi dịu dàng nói: con đã bớt giận chưa? Mẹ cho con cái gối để con ôm và thấy dễ chịu hơn nè. Đa phần những lần như vậy, bé sẽ ôm gối, khóc thút thít thêm một chút nữa rồi thôi, và thời gian bé khóc được rút ngắn đáng kể. Nay xin hỏi, cách của tôi làm như thế có đúng không?


Chào mebeanhquan, chị đã làm đúng chị ạ. Đúng là ngay khi chúng tôi thấy trẻ dịu đi là chụp ngay cơ hội đánh lạc hướng và vỗ về liền. Mà khi mình chụp đúng lúc thì trẻ học được: "à, mình im, thế là mẹ ôm mình!" Chúc mừng chị và bé đã thành công bước đầu. Cố gắng kiên trì nhé chị.

Về cái gối đặc biệt để cho bé trút giận, tôi sẽ đặt làm. Hy vọng bé sẽ thích hợp với cách này.


Chị làm gối đi, rồi ngay khi bé nổi giận thì đưa liền cái gối ra đỡ. Bé sẽ ngạc nhiên lắm đấy. Chị mà rình chụp được tấm hình lúc bé tròn xoe mắt thì đáng giá lắm. Mai này sẽ cho bé xem lại làm kỷ niệm.

òn về vấn đề sử dụng hình ảnh, tôi thấy với bé sợ hơi khó, vì bé rất ít khi chịu nhìn hình ảnh. Cứ đưa cho bé tấm hình là bé chỉ tìm cách gấp tấm hình lại chứ không chịu nhìn nội dung của tấm hình. Tôi thấy bé thường học nhanh hơn qua cách “cầm tay chỉ việc”. Tuy nhiên, tôi cũng vẫn thử xem sao.


Cái này thì phải thử, và phải kiên trì chị ạ. Vì phương pháp học truyền thống vẫn là nhìn hình, đọc chữ, nghĩa là lấy thông tin từ dấu hiệu/hình ảnh mà chuyển thành ý nghĩa, nên bé phải có khả năng naỳ để chuẩn bị cho những năm về sau. Mới đầu (một tháng, 3 tháng, có khi cả năm) chị sẽ thấy bé phớt lờ, nhưng rồi sẽ đến lúc bé để ý. Chị cứ nghĩ là chị đang đưa hình cho một em bé 3 tháng xem vậy đó, nhưng mình vẫn đưa, phải không?

Chúc chị và bé có thêm nhiều thành công nhé. Có gì cho chúng tôi biết để chia mừng nhé.

Nguyễn Tường Anh/Nhóm Chuyên Gia TK
Nguyễn Tường Anh
Nhóm Chuyên Gia TK
Hình đại diện của thành viên
Nguyen,Anh
 
Bài viết: 4505
Ngày tham gia: T.Bảy Tháng 1 10, 2009 12:05 pm


Quay về Hỏi Đáp (xin đọc lại những bài cũ trước khi hỏi)

Đang trực tuyến

Đang xem chuyên mục này: Không có thành viên nào trực tuyến.34 khách.

cron