Nguyen,Anh đã viết:Phần trả lời từ chuyên viên Cùng Nhau Vượt Khó
Thu Anh ơi, phải chiến đấu với sóng dữ mà chỉ có một mình không phải là điều dễ thực hiện. Xin chia xẻ với Thu Anh. Bạn vững vàng lên, Trường An còn cần đến bạn trong nhiều năm tới.
Bạn cũng đừng lo lắng vì có cháu thứ 2 mà ít giờ chăm sóc Trường An. Bạn đã làm rất nhiều để đưa đến tiến bộ hôm nay của cháu đấy chứ! Và em bé cũng là người bạn chơi xuất sắc với anh, là kiểu mẫu để ông bà nội và bố hiểu anh hơn.
Riêng việc bạn bè bảo cháu "có bệnh" hay cháu đang ít nhiều có mặc cảm này, bạn nhất định phải dậy cháu phản ứng nhé. Chúng tôi hay nói là các em "hành xử khác người khác" (không phải "khác người") nhưng không bệnh tật, tâm thần gì hết. Đành rằng y khoa định danh là rối loạn, chúng tôi không giới thiệu danh từ này khi các em chưa ở tuổi trưởng thành. Mình không dậy cháu phủ nhận gì cả, nhưng dậy cháu phản ứng trước bất kỳ ai cho rằng cháu có bệnh, bất thường... bằng cách nói thẳng và nói ngay: "Bạn (hay bất kỳ ai) không nên nói thế vì câu nói ấy không lịch sự."
Hy vọng sẽ tiếp tục nghe về những tiến bộ của Trường An.
Nguyễn Tường Anh/Nhóm Chuyên Gia TK
Chào chị Tường Anh
Con trai của chị Thu Anh cũng giống Khoa của tôi lắm chị ạ. Tôi cũng đọc những lời tư vấn chị Tường Anh gởi cho Thu Anh, có nhiều điều rất bổ ích và có thể áp dụng cho con trai của tôi.
Ngoài ra cũng nhờ dự án này mà tôi hiểu rõ hơn về AS, và tôi thấy tự tin hơn về tương lai của con. Con có thể trở thành một người lớn tự lập, con có thể được một số người hiểu và yêu mến, con có thể theo đuổi con đường học tập đến đại học ... Đó là những khẳng định giúp nâng đỡ tinh thần của những người mẹ như tôi chị ạ, vì ở VN, nhiều BS và nhà tư vấn tâm lý nghĩ AS là một hội chứng có bà con với tự kỷ, và do vậy tới một lúc nào đó các cháu có thể không thể tiếp tục con đường học vấn, khi trưởng thành luôn cần có sự giám sát mà khó có khả năng tự lập...
Về mặc cảm "có bệnh", khi học cấp 1 con trai tôi có lần nói với mẹ : Mẹ ơi, con không giống các bạn, con thuộc chủng tộc khác, nên các bạn không thích chơi với con. Mẹ hỏi : vậy các bạn nói con thuộc chủng tộc gì? Con trả lời : chủng tộc đẹp trai và thông minh! Mẹ buồn cười quá, nhưng cũng phải hỏi tiếp : vậy các bạn cư xử với con thế nào? Các bạn hay chọc con. Nhưng hỏi chọc thế nào và con phản ứng thế nào thì con không trả lời. Chính vì vậy thỉnh thoảng mẹ phải cho con đi gặp chuyên gia tâm lý để con trút bầu tâm sự và được giải tỏa tâm lý, vì có nhiều điều mà con không muốn chia sẻ với mẹ. Để giảm stress, con thường vẽ tranh theo kiểu hoạt họa, những giai đoạn bị ức chế nhiều, tranh của con đầy hình ảnh bạo lực (giết, chém, bắn súng, tự tử...). Thường những giai đoạn này, chính con đề nghị mẹ cho con đi gặp chuyên viên tâm lý. Khoảng 2 năm gần đây, con có thể tâm sự tốt hơn với ba mẹ và không phải đi gặp cv tâm lý nữa.
Chị Tường Anh ơi, chị cũng làm công việc tư vấn cho học sinh AS ở trường học phải không? Chị có thể kể cho tôi biết các học sinh AS ở trường ứng xử như thế nào mà lại hay bị các bạn khác chọc không? Con trai tôi từ lúc nhỏ đi học đến giờ rất hay bị bạn bè để ý, chọc ghẹo, nói đùa, ... tôi nghĩ có khi do cháu nhạy cảm quá với những lời nói đùa của bạn và hay phản ứng lại như nổi giận, khóc lóc, ... nên bạn để ý. Khi mẹ hỏi tại sao những bạn khác không bị chọc mà con lại bị? Con cố gắng nhìn các bạn khác cư xử thế nào trong cùng tình huống và làm giống các bạn khác được không? Con không trả lời, nhưng tôi hiểu ý con nói là con không làm được. Nhiều lúc tôi rất tò mò, muốn mang camera vào lớp (nhưng chưa làm đuợc), để xem con và các bạn cư xử với nhau thế nào ở trường mà con ít khi có cảm giác hài lòng và vui vẻ.
Khi còn nhỏ, con hay khóc, bây giờ lớn hơn con không khóc nữa mà phản ứng khá bạo lực : cắn bạn, đánh vào người bạn, nhe răng ra như ác quỷ để dọa bạn.... Khoảng vài tháng sau khi con vào lớp 6, tôi nghe cô giáo chủ nhiệm báo lại tình hình của cháu như sau :
- phản ứng không tốt với thầy cô khi thầy cô nhắc nhở giữ trật tự trong lớp hoặc cho điểm thấp vì không học bài (đập bàn, đánh bạn kế bên, không trả lời thầy cô)
- nổi cộc với bạn, cắn bạn nhiều hơn là đánh bạn, đe dọa bạn, nếu bạn dọa mách cô, hoặc ghi tên vào sổ đầu bài (truờng cấp 2 ở VN luôn có sổ đầu bài ở bàn GV bộ môn, để GV nhận xét, đánh giá tiết học ở lớp. Nếu lớp ồn hay có nhiều bạn không học bài, không phát biểu, GV sẽ trừ điểm. Sau đó học sinh trực nhật phải ghi tên những học sinh có hành vi xấu làm cho lớp bị trừ điểm tiết học kẹp vào sổ đầu bài).
- khi bạn góp ý, nếu khen thì con rất thích, nhưng nếu chê thì con sẽ không chịu nhận lỗi mà nổi giận với bạn.
- mất tập trung nhiều hơn trong giờ học Văn, Lịch sử; hay phát biểu linh tinh, đôi khi ngủ gục, ... Các môn học khác học tốt và hợp tác tốt với giáo viên bộ môn.
Có 1 điều mà con luôn nói là "không thích bị cô rầy truớc mặt các bạn", chính vì vậy để bảo vệ chính mình, con tỏ thái độ rất hung hăng và trở nên rất kích động, nóng giận khi bạn nào có ý định ghi tên con vào sổ báo cáo, hay đứng lên nói với thầy cô về những hành vi chưa tốt của con.
Cô giáo cho biết, học kỳ 1 có nhiều học sinh nghịch phá, chưa quen với nề nếp truờng mới, nên nếu ai có vấn đề gì, cô chỉ nhắc nhở hoặc cho viết kiểm điểm, nhưng sang học kỳ 2, nếu vi phạm nội quy nhà trường, trong đó có lỗi "bạo lực" và "vô lễ với thầy cô", sẽ bị cho ra Hội đồng kỷ luật nhà trường và tùy theo mức độ vi phạm, bị cho nghỉ học từ 3 ngày đến 7 ngày.
Từ đầu HK 2 đến nay (2 tháng), lớp của con đã có 2 bạn bị đưa ra HĐKL và bị nghỉ học 3 ngày. Khoa rất ý thức chuyện này nên cô giáo nói con ngoan hơn hẳn. Tuy nhiên thỉnh thoảng mẹ vẫn nghe bạn bè phàn nàn là bạn bè sợ K nổi cơn kích động như hồi đầu năm nên con có làm chuyện gì chưa tốt bạn cũng không dám nói (ngoài ra cô giáo cũng nói với các bạn là con "bị bệnh" nên bạn bè cần phải đối xử nhẹ nhàng và thận trọng với con - một số bạn cũng bình luận thêm là K chỉ giả bộ bệnh thôi, để được đặc quyền đặc lợi ...)
Chị Tường Anh góp ý giúp tôi nên giải thích và dạy con thế nào về chuyện con không được cộc cằn và khống chế bạn bè khi bạn phê bình về nề nếp kỷ luật, học tập chưa tốt của con? Tôi đã nhiều lần phân tích cho con nghe như vậy là không tốt, cần phải biết nhận lỗi và biết phục thiện, nhưng con vẫn tiếp tục ứng xử rất bản năng khi gặp tình huống đó.
Ngòai ra tôi nên nói chuyện với cô giáo như thế nào, cô có nên áp dụng chính sách kỷ luật nghiêm khắc đối với con tương tự như với các học sinh khác hay không, hay cô nên nương nhẹ những trẻ như con để tránh xung đột và tránh kích thích thần kinh của con? Trong truờng hợp cư xử nương nhẹ, bạn bè của con sẽ nhận biết và cho là cô không công bằng, bạn bè sẽ càng không thích con hơn.
Mong lời khuyên của chị. Cảm ơn chị TA nhiều và chúc chị một tuần làm việc vui vẻ và thuận lợi.
H. Thảo