Nguyen,Anh đã viết:Khi mẹ thua cuộc, và con hỉ hả la làng là con thắng, mẹ mất bình tĩnh. Mẹ không hề sai đâu! Bây giờ có lẽ Thảo thấy rất rõ cái bản năng của một con người: tôi không muốn bị chế nhạo, tôi không thích bị hành hạ trấn áp! Khi làm việc với trẻ có rối loạn, bản năng này lắm khi sống dậy rất mạnh. Không có gì sai hết, mình là con người với hỉ nộ ái ố mà. Tuy nhiên, điều tối kỵ là phản ứng vì bản năng. Thảo sẽ phải tự đánh giá mình: ngay khi tôi thấy mặt hơi nóng, ngay khi lông mày tôi nhíu lại, ngay khi giọng tôi cao hơn bình thường... tôi lập tức phải rời khỏi hiện trường để không có hành động nào khiến tôi hối hận sau này.
Đúng là khi chơi với con, bản năng của con người lại bộc lộ ra không kiểm sóat được chị ạ. Mẹ luôn dặn con phải kiềm chế cảm xúc, thế mà mẹ lại không kiềm chế được. Mình có trải qua, thì mới thấy thông cảm với con. Có điều con khác mình là con có thể thể hiện cảm xúc mọi lúc mọi nơi và với mọi người mà con gặp, còn mẹ thì biết kiềm chế hơn. Chẳng hạn như nếu mẹ chơi trò chơi bị thua đồng nghiệp hay thua sếp ở công ty, thì có cho vàng mẹ cũng chẳng dám nổi loạn!!!
Khi mẹ nhận ra mình quá lời, mẹ xoa đầu vuốt tóc con nhưng không xin lỗi con. Mẹ cũng chẳng sai. Tự ái của một con người lớn lắm. Xin lỗi đâu phải dễ. Lời xin lỗi là lời khó nói nhất trên đời, đặc biệt là khi lời xin lỗi luôn đồng nghĩa với lời hứa "tôi sẽ không làm thế nữa". (Mà mẹ thì đang nhấp nhổm sợ bị con bắt chơi cờ nữa, và lại mất bình tĩnh). Thảo sẽ phải chân nhận điều này: đứa bé mà Thảo mang vào đời tên là K kia có nhân vị của nó, và nhân vị ấy đòi Thảo phải xin lỗi nó khi Thảo làm sai.
Nếu Thảo vô tình dẫm chân một cậu bé ngoài phố, chắc Thảo không ngại nói lời xin lỗi. Vậy nhân danh tình nghĩa mẹ con gắn bó cả đời, Thảo buộc phải xin lỗi con.
Việc Thảo xin lỗi con sẽ dậy cho con bài học lớn lắm: khi tôi có lỗi, dù tôi có là ai, tôi phải xin lỗi và thành tâm cố gắng không phạm nữa.
Cuối cùng, lời xin lỗi không thể có "nhưng", "tại vì"... kèm theo. Chỉ là "mẹ đã mất bình tĩnh với con, và lớn tiếng với con. Mẹ xin lỗi, và sẽ cố gắng không mất bình tĩnh. Con có thể giúp mẹ không? Khi mẹ lớn tiếng, con nhắc mẹ nhẹ nhàng rằng mẹ ơi, mẹ đang lớn tiếng kìa".
Cảm ơn chị Tường Anh nhiều lắm! Chị đã giúp em vượt qua được chính mình đó! Em cũng rất xúc động khi đọc lời phân tích của chị. Em biết là cha mẹ phải tôn trọng con, bất kỳ một đứa trẻ nào cũng cần được tôn trọng, nhất là những trẻ như Khoa, tính tự tôn của nó rất cao. Khoa cũng rất tình cảm chị ạ, trước đây mỗi lần mẹ xin lỗi Khoa, con đều rơm rớm nước mắt và nắm tay mẹ rất thân ái.
Chị cũng biết văn hóa VN, cha mẹ xin lỗi con rất là khó, vợ chồng cũng vậy. Ra đường hay ở nơi làm việc thì nói lời xin lỗi dễ dàng hơn, việc to việc nhỏ gì cũng "xin lỗi nha", còn ở nhà thì chắc cái gì phải nghiêm trọng lắm mới "xin lỗi". Em thì cũng thường xin lỗi con những việc nho nhỏ, nhưng xung đột mạnh hơn thì lại e dè. Em nhớ hồi nhỏ, ở nhà ngoại em có mợ Hai đi du học ở Mỹ về, dạy con theo kiểu Mỹ, suốt ngày nói "Mẹ đề nghị con làm ..." thay vì "Con phải làm ...", "Mẹ rất tiếc, ...", "Mẹ xin lỗi con", "Cảm ơn con đã giúp mẹ", các dì ở nhà rất sửng sốt và phản đối phương pháp này vì ở VN không có kiểu cha mẹ nói với con như vậy. Ông bà ngoại Khoa cũng vậy, em nhớ từ nhỏ đến giờ chưa bao giờ nghe ông bà nói "xin lỗi con", nếu cảm thấy đã làm con buồn thì mua quà, mua sách cho con, ... Đến bây giờ ông bà nghe mình xin lỗi con thì vẫn cứ mắt tròn mắt dẹt, sợ thằng bé leo lên đầu mẹ nó ngồi.
Em vẫn đang học nói lời xin lỗi với các con của mình, với chồng của mình, nói một cách tự nhiên và chân thành, chứ không phải chỉ là những lời xã giao hay với thái độ miễn cưỡng. Khi mình xin lỗi xong, thì cả hai đều cố gắng điều chỉnh mình để ứng xử tốt hơn.
Về phía K., Thảo sẽ phải giúp con nhận ra rằng không hẳn mọi lúc con muốn, con đều có thể làm được. Ý muốn của con không phải là ý muốn của thượng đế, nên con không thể áp đặt. Con đã quen với điều này rồi, chỉ vì ham cờ quá mà áp đặt mẹ thôi. Những điều này Thảo có thể nói nhưng không ngay sau khi Thảo xin lỗi con. Hôm sau, hai ngày sau, ba ngày sau... gì đó.
Mẹ rất thích ý này của bác, vì mẹ không thích chơi cờ hihi, mà chẳng biết nói cách nào với con để con không rủ mẹ nữa. Mẹ chỉ sợ nói lung tung sẽ làm con chán chơi cờ, chuyển sang đòi chơi máy tính, lúc đó còn tệ hơn nữa. Em sẽ tìm CLB cờ tướng, cờ vua cho con tham gia.
Rồi bác học cẩn thận để "giám định" sự bình tĩnh của mình, và bác vẫn đang học. Cùng học nhé.
Em cũng hay bực bội cằng nhằn con lắm chị ạ, nhất là khi đi làm về mệt mà 2 đứa nhỏ cứ léo nhéo đủ thứ, hoặc mẹ nói mà không nghe lời hay hỏi mà không trả lời. Thành ra học giữ bình tĩnh chắc em còn phải học cả đời (mẹ thì vẫn hay mất bình tĩnh với con, trong khi vẫn cứ ra rả yêu cầu con phải luôn giữ bình tĩnh!). Từ lúc đi học lớp huấn luyện của chị vào tháng 8, em tập nói ít hơn đó chị ạ, không còn cái kiểu than vãn kể lể hàng tràng với con như trước nữa. Em thấy con dễ chịu hơn hẳn.
À, đợt tháng 12 này chị sẽ ở SG vào những ngày nào? Nhóm sẽ vẫn làm việc ở nhà đường TKX hả chị? Về bài làm của Khoa, em có gởi thư cho chị ở mục trao đổi với chuyên gia trường CCM đó, chị vào xem nhé.
Have a nice weekend! (So do I!)

H.Thao