Em khá khắt khe, hay chê người khác. Nhưng ác một nỗi là em gần như luôn nói đúng. Người bị em phê bình thường hận em bầm gan tím ruột mà chẳng thể cãi lại em. Em luôn nói thẳng mà không sợ ai phiền lòng, bất kể đó là ai, miễn là em nghĩ là em đang nói đúng.
Người đối diện thường không đủ lý lẽ để tranh cãi với em, và thường thì em thắng, vì em lập luận rất sắc sảo, cả về lý lẫn về tình.
P.S: Anh Phi ơi, anh Phi có lời nào khuyên em không? Vì những người bên cạnh em, đôi lúc thấy em re-act khá mạnh, và họ rất ngán.
Để anh giải thích kiểu vơ đũa cả nắm trước nhé, rồi H cho biết xem H nghĩ sao. Anh sẽ dùng chính bản thân anh làm ví dụ. Anh sẽ nói thẳng nhé, có sai hay đụng chạm thì anh xin lỗi trước.
Anh lớn lên với văn chương Á châu, với những câu chuyện ca ngợi Trương Phi thẳng tính, Quan Vũ bộc trực. Đó là những mẫu người mà mình hồi thò lò mũi xanh cho là rất "cool". Lớn lên tí nữa đi học thì bị nhồi toàn là toán lý hóa là các môn nặng về óc lô gíc phân tích đúng sai, cho nên khi nói chuyện với ai thì chỉ mải mê nghe để mà phản biện, vạch ra cái sai của người ta. Lớn hơn nữa mê luật, đọc nhiều law case, cho nên đầu óc lại càng đi theo hướng phân tích đúng sai, rất ư là confrontational / đối đầu. Luật Mỹ dựa trên Common law / Luật tiền lệ, cho nên ai nói gì thì trích case ra vanh vách

nào là case đó xử ra sao, ông toà lý luận ra sao.
Sau đó lớn lên tí nữa giật mình thấy mình là con dế mèn phiêu lưu ký, xưa giơ càng đá các chị châu chấu nhưng lại tưởng thế là hay, là anh hùng thiên hạ. Và dần dần anh nhận ra rằng cái anh cần không phải là dùng kiến thức áp đảo người khác mà là cần kiến thức + kỹ năng thuyết phục người đối diện. Ngẫm lại mỗi lần mình bắt bí ai, giống y như một ông bố ỷ lớn đánh con vậy, thay vì đỡ con dạy giúp con tập đi xe đạp.
Anh đã phải bỏ ra rất nhiều thời gian, phải đi học, đi tập huấn để undo / gỡ bỏ cái thói quen áp đảo đó vì anh nhận ra rằng nó sẽ cản trở mình trong công việc, trong xã hội và ngay cả trong cuộc sống gia đình. Bỏ đây là chuyển qua thuyết phục chứ không phải mackeno nhe. Rất may là anh tự nhận ra được mà không cần bác xiến tóc dạy cho 1 bài học. Giờ thì tàm tạm nhưng vẫn chưa tới được chỗ mình muốn.
Thỉnh thoảng nghĩ lại, thấy ngày xưa mình trẻ con quá . Bác Trương Phi thì cool gì, uống rượu vào đánh đập quân lính, hễ thuyết phục đại ca Lưu Bị không được thì cứ lôi cái chuyện Vườn Đào ra appeal to feeling. Bác Quan Công thì đốt đuốc đứng gác cửa nhà chị dâu để thiên hạ khỏi dị nghị . Cần gì phải làm vậy để chứng tỏ cái tâm của mình . Nhìn bác này anh nhớ mấy giáo viên tới xin việc, vừa gặp đã "anh ơi, em có tâm lắm đó nhe ..." Nghe nó sợ sợ sao đó
Thôi ngừng, nói nữa mai bị sếp dũa lạc đề thì mệt.
Đó là anh, H thì sao anh không rõ . H thử nhìn lại xem H đối kháng vì bản chất công việc nó cần mình phải tư duy như vậy, hay vì bị giống anh.
Chị yêu / ghét ai thì chị bày tỏ ra ngoài. Sao chị không giấu vào bên trong và cư xử vui vẻ để mọi người thoải mái?
Mục đích giống nhau nhưng phương tiện khác nhau. Nếu H thật sự thích làm cho người khác vui lòng, H sẽ làm mọi người thoải mái mà không cần phải giấu gì vào trong cả . Còn vì muốn làm người khác vui lòng mà phải sống không thật thì lâu ngày nó ức chế lắm đó . Người ta có thể sống không thật với bản thân vài ngày, vài năm, nhưng sống như vậy cả đời thì ...

Vậy thì anh khuyên rằng nếu H muốn, H nên đổi để tự H nhận ra cái hạnh phúc khi mình giúp người khác sửa sai và làm cho họ vui lòng, thay vì phải đóng vai như người kia khuyên.
Người bị em phê bình thường hận em bầm gan tím ruột mà chẳng thể cãi lại em.
Tức là H có óc phân tích đúng và rất khoa học. Tư duy này rất cần cho các công việc cần trắng đen rõ ràng khi mình đối diện với máy tính. Nhưng H có con, anh tin là sớm muộn gì H cũng phải có cái kỹ năng phân tích và thuyết phục đó khi bé Kh sau này bước vào tuổi vị thành niên (vì anh không tin H thuộc loại mẹ bắt con phải nghe mà không cho phản biện hay giải thích).
Và ngày mai đi làm H thử cái này cho anh: khi ăn trưa với ai, kéo ghế ngồi cạnh đừng ngồi đối diện . Khi đứng nói chuyện với ai, đừng đứng đối diện nữa mà đứng bên cạnh họ song song, quay đầu qua nói . Thử xem có khác không nhé .
Mỗi khi tranh luận sắp dí ai cho bí, nhìn kỹ mặt họ xem họ có phải là 1 bà mẹ đang có những nhức đầu giống mình không? 2 bà mẹ thì thông cảm nhau hơn, 2 nhân viên thì hay đối kháng đó. Và trước khi chào họ ra về, hãy nghĩ về bé Kh trong đầu . Lúc đó gương mặt mình sẽ thư giản lộ niềm vui trong tâm hồn .
my 2-cent