Tôi nghi ngờ cháu bị hội chứng Asperger

Re: Tôi nghi ngờ cháu bị hội chứng Asperger

Gửi bàigửi bởi Nguyen,Anh » T.Hai Tháng 3 02, 2009 12:15 am

Phần trả lời từ chuyên viên Cùng Nhau Vượt Khó

Con trai của chị Thu Anh cũng giống Khoa của tôi lắm chị ạ. Tôi cũng đọc những lời tư vấn chị Tường Anh gởi cho Thu Anh, có nhiều điều rất bổ ích và có thể áp dụng cho con trai của tôi.

Ngoài ra cũng nhờ dự án này mà tôi hiểu rõ hơn về AS, và tôi thấy tự tin hơn về tương lai của con. Con có thể trở thành một người lớn tự lập, con có thể được một số người hiểu và yêu mến, con có thể theo đuổi con đường học tập đến đại học ... Đó là những khẳng định giúp nâng đỡ tinh thần của những người mẹ như tôi chị ạ, vì ở VN, nhiều BS và nhà tư vấn tâm lý nghĩ AS là một hội chứng có bà con với tự kỷ, và do vậy tới một lúc nào đó các cháu có thể không thể tiếp tục con đường học vấn, khi trưởng thành luôn cần có sự giám sát mà khó có khả năng tự lập...


Chào chị, chúng tôi rất mừng đã có những thông tin giúp ích với chị và cháu. Là điều trị viên, chúng tôi yêu nghề nên yêu mến các em, nhưng làm việc với các em không phải lúc nào cũng là những giờ phút dễ dàng. Vì vậy, được phụ huynh cho biết về một tiến bộ nào đó nơi các em hoặc một lợi ích nào đó cho phụ huynh chính là niềm vui làm tan biến hết những mỏi mệt của một ngày lo điều trị. Cám ơn chị nhé.

Về Asperger thì đúng là họ hàng ruột thịt với TK, nhưng mức thông minh của các em về những kiến thức thuộc loại facts lại ngang bằng hay (phần nhiều là) hơn người khác. Tôi tin điều này vì đã chứng kiến bệnh nhân của mình vào đại học. Nếu các phụ huynh như chị có thể chia xẻ với các bác sĩ nhi khoa và chuyên viên tư vấn tâm lý về Asperger qua những nghiên cứu, bài viết, có lẽ họ cũng sẽ tin như tôi và chị.

Chị Tường Anh góp ý giúp tôi nên giải thích và dạy con thế nào về chuyện con không được cộc cằn và khống chế bạn bè khi bạn phê bình về nề nếp kỷ luật, học tập chưa tốt của con? Tôi đã nhiều lần phân tích cho con nghe như vậy là không tốt, cần phải biết nhận lỗi và biết phục thiện, nhưng con vẫn tiếp tục ứng xử rất bản năng khi gặp tình huống đó.


Tôi nghĩ chị có thể gặp giáo viên và xin giáo viên nói chuyện riêng với các bạn của cháu về phương cách góp ý, phê bình cháu. Đây không phải là điều các học sinh khác phải thực hiện chỉ vì con của chị, mà nói chung trong giao tế xã hội, các em cũng nên học để góp ý và phê bình một cách lịch sự và khéo léo. Tôi cũng biết rằng phải có một giáo viên biết cảm thông và hiểu về Asperger mới có thể hỗ trợ cháu thành công. Tôi hy vọng lương tâm nghề nghiệp ở đây sẽ giúp chúng ta nhiều.

Mặt khác, mình phải giúp chính cháu. Chị đã dậy và phân tích cho cháu hiểu, nhưng khi người lớn nổi giận còn khó kiềm chế, huống chi đây là cậu bé tuổi cấp 2, mang hội chứng AS. Chị thử làm cho cháu những bảng để cháu đem theo khi đi học, trên đó có tình huống và thái độ ứng xử thích hợp và không thích hợp, rồi bảo cháu đánh dấu vào. Mới đầu thì chị phải làm ngơ những gì khó, và tập trung trên những gì dễ cho cháu. Khó là những gì cháu phải làm khi cháu vô cùng tức giận, dễ là những gì cháu làm khi cháu còn có thể kiểm soát được mình. (Chị nhớ cho cô giáo biết để hỗ trợ thêm, và cũng vì một lý do mà tôi sẽ nói trong phần kế tiếp). Từ bảng này, chị bàn với cháu phương thức khen thưởng và huấn phạt để cháu hiểu rõ hơn kết quả hay hậu quả của lối hành xử mà cháu chọn lựa.

Ngòai ra tôi nên nói chuyện với cô giáo như thế nào, cô có nên áp dụng chính sách kỷ luật nghiêm khắc đối với con tương tự như với các học sinh khác hay không, hay cô nên nương nhẹ những trẻ như con để tránh xung đột và tránh kích thích thần kinh của con? Trong truờng hợp cư xử nương nhẹ, bạn bè của con sẽ nhận biết và cho là cô không công bằng, bạn bè sẽ càng không thích con hơn.


Thưa chị, cháu đang học với bạn bè ở lớp giáo dục phổ thông, vì vậy kỷ luật là chuyện không tránh khỏi. Cháu cũng cần học để tuân theo kỷ luật của nhà trường, bởi đây là xã hội thu nhỏ chuẩn bị cho đời sống tự lập mai này. Tuy nhiên, kỷ luật dành cho cháu không nên là những lời nói to, la mắng, trách móc vì đơn giản cháu có thể chỉ nhận ra âm thanh nghiêm khắc ấy, rồi xoay vòng trong trí để bực tức mà không nghe ra những giáo huấn của cô. Các cô giáo của chúng tôi bên này thì vẫn thưởng phạt theo hành động của trẻ, nhưng khi phạt thì lời nói êm ái. Mà với đứa trẻ (hay người lớn) nào cũng thế thôi, thuốc đắng bọc đường dễ uống hơn. Vì vậy, bỏ qua cho cháu những khi cháu sai lầm thì không, nhưng giáo huấn phải là những lời nói có âm giọng từ tốn. (Trừ khi cháu đang bùng nổ, dĩ nhiên cô sẽ lên giọng và nghiêm khắc để cháu ngừng cắn hay cào bạn).

Từ đầu HK 2 đến nay (2 tháng), lớp của con đã có 2 bạn bị đưa ra HĐKL và bị nghỉ học 3 ngày.


Về chuyện đưa cháu ra hội đồng kỷ luật và đuổi học, tôi sẽ trả lời ngay là KHÔNG! Điều này không công bằng nếu những hành xử ấy phát xuất từ rối loạn của cháu, và/hoặc nếu học đường không đáp ứng đầy đủ về can thiệp để giúp cháu tự kiềm chế.

Có thể nhà trường tại VN sẽ cho là tôi nuông chiều trẻ AS hay TK, và dĩ nhiên là tôi không đồng ý. Không phải chỉ tôi, mà cả hệ thống pháp luật Hoa Kỳ đòi hỏi dân chúng phải tôn trọng những cá nhân có khiếm khuyết, và không buộc tội họ bằng điều lệ thông thường nếu lối hành xử của họ phát xuất từ khiếm khuyết ấy. Khi một em AS hay TK (và cả những em có các rối loạn khác) hành xử bất xứng liên quan đến đánh đập, đả thương người khác, một hội đồng duyệt xét phải được hình thành, trong đó có giáo viên, phụ huynh, hiệu trưởng, chuyên viên tâm lý, và tất cả những điều trị viên liên hệ (thường là ngôn ngữ và tâm vận động). Hội đồng này có bổn phận giám định xem 1) hành động của trẻ có phải xuất phát từ rối loạn không, 2) nhà trường có đáp ứng đúng những biện pháp can thiệp cần có để hỗ trợ trẻ trong hành vi ứng xử không.

Nếu đó là do rối loạn, dù nhà trường đã can thiệp đúng đắn hay không, trẻ cũng không bị đình chỉ học tập. Có trẻ mang dao vào trường với ý định đả thương bạn (tối kỵ sau vụ bắn giết tại trường trung học ở Colorado), trẻ buộc phải thôi học từ 3 ngày đến 10 ngày, nhưng phải có giáo viên và điều trị viên đến nhà.

Tôi đề nghị chị cho cô giáo biết về những phương pháp chị thực hiện để giúp cháu hầu sau này chị có thể lý luận với ban giám hiệu rằng chị đã cố gắng, và nhà trường cũng cần cố gắng chứ không chỉ đuổi học cháu là xong.

Thưa chị, tôi biết vấn đề sẽ khó khăn vì AS còn mới quá. Người đi tiên phong cực lắm, nhưng chị hãy cố gắng vì cháu và vì nhiều trẻ khác trong hoàn cảnh như cháu. Mình cùng nhau vượt khó chị nhé.

Có gì chị cho chúng tôi biết kết quả của bảng hành xử và kết quả cuộc nói chuyện với cô giáo nhé.

Nguyễn Tường Anh/Nhóm chuyên gia TK
Nguyễn Tường Anh
Nhóm Chuyên Gia TK
Hình đại diện của thành viên
Nguyen,Anh
 
Bài viết: 4504
Ngày tham gia: T.Bảy Tháng 1 10, 2009 12:05 pm

Re: Tôi nghi ngờ cháu bị hội chứng Asperger

Gửi bàigửi bởi luunguyen » T.Hai Tháng 3 02, 2009 9:24 am

Chào chị Tường Anh,
Vừa rồi, tình cờ được biết gia đình chị có chuyện buồn, xin chia buồn cùng chị và gia đình. Tuy bận rộn việc nhà, song chị vẫn tận tình lắng nghe và tư vấn chu đáo. Công việc của các anh chị thật đáng quí.
Lâu nay tôi đã thử áp dụng các chỉ dẫn của chị trong việc dạy cháu giao tiếp. Sau gần 2 tuần, tôi có một số kết quả sau.
1. Việc cho cháu chơi đóng vai và quay phim lại, tôi nghĩ rất hay, nhưng khi áp dụng lại gặp rắc rối nhỏ. Các cháu nhỏ (con trai tôi 7 tuổi, em trai 4 tuổi và chị họ của chúng 8 tuổi) chỉ đóng vai tốt khi chưa quay phim. Thấy có máy quay, cháu nào cũng muốn giành làm quay phim, hay đùa giỡn trước ống kính, không đóng vai của mình nữa. Có lẽ phải quay trộm, hoặc dần dần các cháu sẽ quen. Tuy nhiên, ý tưởng quay phim của chị cũng giúp tôi nảy ra ý nghĩ cho cháu xem lại các phim quay của gia đình dịp lễ tết, đặc biệt là phim quay cháu thi đàn những khoá trước. Mỗi 3 tháng cháu học hết khoá lại có thi biễu diễn. Lớp chỉ có 6-8 em, nhưng được lên tự giới thiệu tên, lớp, bài thi... và biễu diễn. Xem lại, cháu biết cười và xấu hổ vì những động tác không đẹp, không hay (như vừa giới thiệu, vừa gãi tay; hay bộp chộp chạy từ đàn này sang đàn kia; hay vừa đàn vừa ngó quanh...) Lần thi cách đây 3 ngày, cháu đã biết chủ ý tránh những điều này. Tôi sẽ tiếp tục phương pháp này.
2. Với hệ thống cho điểm, tôi biết ở lớp cháu cô giáo có gắn 16 bông hoa mang tên 16 học sinh. Bạn nào ngoan, bông hoa sẽ lên từng bậc, cho đến đỉnh. Hôm nào cháu ngoan, tự động sẽ khoe "hôm nay bông hoa của con lên abc bậc" vì con ghi điểm cho đội, hay vì con ngoan... . Tuy nhiên hôm nào không nghe kể, mẹ hỏi bông hoa đến đâu rồi, thì lại trả lời "con không biết". Nếu mẹ bảo sẽ hỏi cô giáo thì mới thú thật bị xuống bậc. Và lý do xuống bậc thường là " không tập trung", làm việc riêng. Thật xót khi nghe cháu bảo tránh lỗi đó khó lắm mẹ ơi. Vậy nên tôi đang phân vân về bảng đánh dấu những cách hành xử tốt và không tốt của cháu ở lớp. Một phần là tạo cho cháu nhiều áp lực ở trường, mặt khác liệu điều này có thể khuyến khích cháu không thừa nhận đã làm những điều không tốt hay không? Tôi cũng lập bảng dạng checklist để giúp cháu bớt bỏ quên dụng cụ học tập ở trường vì cháu thường xuyên mất bút, gôm, thước kẽ...Mấy hôm đầu, cháu hớn hở về khoe "con không quên thứ gì cả mẹ ơi!" Nhưng có một lần, tôi phát hiện cháu có một cục gôm lạ. Phải giả vờ ngạc nhiên, và đùa với cháu thì cháu mới nhận là lấy của bạn để cho đủ checklist, sợ nếu thiếu mẹ sẽ la. Theo kinh nghiệm của chị, tôi có nên làm bảng đánh dấu cho các hoạt động ở lớp không? Và nên làm thế nào để cháu tránh tật xấu mà vẫn được khuyến khích, động viên. Cháu rất thích được khen. Nếu động viên, thường cháu sẽ làm rất tốt. Có thể làm bảng vừa có ưu điểm vừa có khuyết điểm của cháu ?
3. Trước đây chị có đề nghị tôi chia sẽ cách huấn luyện cháu. Tôi cũng không biết bắt đầu từ đâu, vì thật ra đây là một quá trình dài, tích luỹ dần dần và tôi làm điều này không bài bản mà theo cảm tính nhiều hơn. Trước đây tôi có học một số lớp dạy về tự kỷ, nhưng tôi thấy điều gì phù hợp, có thể áp dụng cho cháu thì chọn lọc ra. Tôi không có phòng dành riêng cho việc học, không có giờ cố định để dạy cháu. Tôi dạy cháu khi cùng chơi, khi cùng xem phim, cùng học đàn, cùng học bài, thậm chí khi tắm cho cháu, khi cả nhà cùng ăn cơm, vào giờ đọc truyện trước khi ngủ hay trên đường đi học.... Lúc nào tôi ở bên cháu, tôi đều cố gắng chỉ cho cháu một điều gì đó. Cháu hay thắc mắc, nên rất dễ cho mình dạy nhiều thứ. Và học rồi thì nhớ rất lâu. May quá!
Vì vậy, tôi vẫn luôn mong nhận được sự tư vấn của các anh chị, cũng như học qua kinh nghiệm của những phụ huynh có con lớn hơn.
Quí mến,
Lưu Nguyên.
luunguyen
 
Bài viết: 42
Ngày tham gia: T.Hai Tháng 2 09, 2009 9:23 pm

Re: Tôi nghi ngờ cháu bị hội chứng Asperger

Gửi bàigửi bởi Nguyen,Anh » T.Hai Tháng 3 02, 2009 10:27 am

Phần trả lời từ chuyên viên Cùng Nhau Vượt Khó

Cám ơn chị đã chia xẻ với gia đình tôi trong những ngày an táng thân phụ chồng tôi. Ở cõi vĩnh hằng, chắc chắn cụ biết có lời cầu nguyện của chị, và ở trần gian này chúng tôi tri ân chị.

Tuy nhiên, ý tưởng quay phim của chị cũng giúp tôi nảy ra ý nghĩ cho cháu xem lại các phim quay của gia đình dịp lễ tết, đặc biệt là phim quay cháu thi đàn những khoá trước.


Vậy là lại có thêm một sáng kiến xoay quanh việc sử dụng video để dậy ứng xử, giao tế. Tôi hy vọng những phụ huynh khác sẽ đọc mà áp dụng thử. Đôi khi tôi kẹt máy, không quay thật thì quay giả chị ạ. Mình cũng nói: "Chuẩn bị" rồi "bắt đầu quay". Chúc mừng Khoa đã học được vài điểm giao tế khi xem phim của chính mình.

Với hệ thống cho điểm, tôi biết ở lớp cháu cô giáo có gắn 16 bông hoa mang tên 16 học sinh. Bạn nào ngoan, bông hoa sẽ lên từng bậc, cho đến đỉnh. Hôm nào cháu ngoan, tự động sẽ khoe "hôm nay bông hoa của con lên abc bậc" vì con ghi điểm cho đội, hay vì con ngoan... . Tuy nhiên hôm nào không nghe kể, mẹ hỏi bông hoa đến đâu rồi, thì lại trả lời "con không biết". Nếu mẹ bảo sẽ hỏi cô giáo thì mới thú thật bị xuống bậc. Và lý do xuống bậc thường là " không tập trung", làm việc riêng. Thật xót khi nghe cháu bảo tránh lỗi đó khó lắm mẹ ơi.


Khoa đang phải nỗ lực gấp 10 lần so với bạn bè để làm việc và học tập trong giáo dục phổ thông. Chị có cách nào xin cô giáo cho phép cháu có những phút riêng không? Chúng ta phải nhận rằng trong bản chất của thằng bé Khoa có nỗi khó khăn tập trung, và nỗi khó này theo Khoa cả đời. Việc buộc cháu phải tập trung 100% là không tưởng. Thực sự thì các học sinh khác cũng không thể tập trung 100%, và ngay cả chị, tôi và cô giáo cũng không làm được điều này ở khung cảnh làm việc của mình.

Tôi có em học sinh khi nào biết mình chia trí thì cầm tấm bảng màu nhỏ khoảng bàn tay dựng lên trước mặt. Cô giáo biết cháu đang phải cố gắng với khó khăn này thì để ý và giảng chậm lại, hoặc gọi cháu để hỏi câu hỏi, hoặc cho cháu được phép dời trí não mình khỏi lớp trong vài phút (khi cô không giảng bài). Để cho phép, cô giáo đứng trên bảng mà dơ mấy ngón tay biểu hiện bao nhiêu phút.

Dĩ nhiên cháu vẫn cần tập trung khi cô đang giảng bài, đang dặn dò những điều quan trọng. Khi em học sinh của tôi để tấm bảng màu dựng lên mà cô giáo vòng ngón tay cái và ngón tay trỏ làm số 0 thì cháu sẽ ráng nghe rồi chờ vài phút sau lại xin nữa. Nếu Khoa biết chờ như thế, tôi nghĩ bông hoa của cháu nên được lên một bậc.

Tôi cũng lập bảng dạng checklist để giúp cháu bớt bỏ quên dụng cụ học tập ở trường vì cháu thường xuyên mất bút, gôm, thước kẽ...Mấy hôm đầu, cháu hớn hở về khoe "con không quên thứ gì cả mẹ ơi!" Nhưng có một lần, tôi phát hiện cháu có một cục gôm lạ. Phải giả vờ ngạc nhiên, và đùa với cháu thì cháu mới nhận là lấy của bạn để cho đủ checklist, sợ nếu thiếu mẹ sẽ la. Theo kinh nghiệm của chị, tôi có nên làm bảng đánh dấu cho các hoạt động ở lớp không? Và nên làm thế nào để cháu tránh tật xấu mà vẫn được khuyến khích, động viên. Cháu rất thích được khen. Nếu động viên, thường cháu sẽ làm rất tốt. Có thể làm bảng vừa có ưu điểm vừa có khuyết điểm của cháu ?


Trong phần trả lời trước, tôi có đề nghị chị làm checklist với hành vi thích hợp và không thích hợp. Vậy cả ưu và khuyết đều nằm trên bảng chị ạ. Việc cháu lấy cục gôm của bạn đã là một thái độ đáp ứng: con không muốn quên thứ gì. Mình sẽ khen: "con biết cố gắng tìm thứ để bù đắp khi con quên vật dụng là tốt" và vẫn phải sửa lưng: "Lần sau, con đừng lấy của bạn. Mình còn cơ hội để đánh dấu tất cả mọi thứ vào ngày hôm sau kia mà! Mẹ và con đành phải bỏ dấu x ở ô cục gôm lần này vì cục gôm ấy không phải của con."

Theo kinh nghiệm của tôi, nếu chúng ta bảo Khoa ngồi xuống mà thi phần ứng xử, cháu sẽ đạt điểm tối đa vì loại bài này gồm những tình huống và cháu được yêu cầu trả lời phải làm gì trong những tình huống ấy. Mọi em AS đều thế. Tuy nhiên, khi đem ra áp dụng thực tế thì các em loạng choạng. Chính vì vậy mà checklist được sử dụng để nhắc nhở các em những điều các em dư biết phải thực hiện. Checklist rất cần, chị ạ. Chị thử xem sao. Vì cháu thông minh, chị có thể cùng với cháu soạn ra checklist, định đoạt thưởng phạt để khi được khen cháu nhớ hơn và khi bị phạt cháu không phản ứng tiêu cực.

Tôi không có phòng dành riêng cho việc học, không có giờ cố định để dạy cháu. Tôi dạy cháu khi cùng chơi, khi cùng xem phim, cùng học đàn, cùng học bài, thậm chí khi tắm cho cháu, khi cả nhà cùng ăn cơm, vào giờ đọc truyện trước khi ngủ hay trên đường đi học.... Lúc nào tôi ở bên cháu, tôi đều cố gắng chỉ cho cháu một điều gì đó.


Khoa không có phòng học riêng, không học với mẹ trong giờ cố định mà tiến bộ thế là giỏi lắm chị ạ. Trừ khi cháu không thể học nếu không có phòng riêng, yên tĩnh, chị không cần tìm nơi riêng đâu. Trẻ AS đáp ứng với xã hội chung quanh đến đâu, mình bắt đi từ đó mà huấn luyện thêm.

Dậy trẻ, đặc biệt là AS hay TK, dễ thành công nếu lấy gia đình làm tâm, vì chỉ có ở gia đình các em mới có thể đụng chạm và kinh nghiệm nhiều tình huống cần thiết cho đời sống tự lập. Bất kỳ đứa trẻ nào cũng thế, có cha mẹ kể điều này dậy điều kia trong ngày, chúng thông minh và hiểu biết hơn. Chị cứ tiếp tục như thế: dậy trong mọi tình huống, mọi lúc, mọi nơi. Mai này Khoa sẽ phải có một triệu hoa hồng tặng cho mẹ đấy!

Chúc Khoa và mẹ thành công hơn nữa!

Nguyễn Tường Anh/Nhóm Chuyên Gia TK
Nguyễn Tường Anh
Nhóm Chuyên Gia TK
Hình đại diện của thành viên
Nguyen,Anh
 
Bài viết: 4504
Ngày tham gia: T.Bảy Tháng 1 10, 2009 12:05 pm

Re: Tôi nghi ngờ cháu bị hội chứng Asperger

Gửi bàigửi bởi conthattuyetvoi » T.Hai Tháng 3 02, 2009 6:41 pm

Chào chị Tường Anh,
Nhân đọc mấy bài trao đổi ở trên của các chị, tôi cũng rất muốn xin ý kiến của chị về phương pháp ứng xử trong trường hợp sau.
Cháu An nhà tôi rất thích các lĩnh vực là toán, địa lý và thiên văn. Gần như lúc nào cháu cũng nghĩ đến những vấn đề của mấy lĩnh vực đó và đặt ra các câu hỏi để hỏi mẹ hoặc ông bà. Khi tôi đang nấu cơm, phơi quần áo hay xem ti vi cháu cũng chạy ra hỏi ví dụ như "tại sao mặt trời lại chỉ chiếu ánh sáng đến được nửa trái đất trong một thời điểm", "nếu không có ánh sáng thì sao", "Thái dương hệ có các hành tính nào ?", "Đố mẹ từ Việt Nam sang đảo Băng đi máy bay hết mấy giờ, đi tàu thuỷ mất mấy giờ ?", "Đố mẹ nước .. nằm ở châu nào ?", rồi " mẹ có ...đồng, cho con và em đi công viên, mua ..vé, mỗi vé.. đồng, đu quay... lần, mỗi lần...đồng ......hỏi mẹ có đủ tiền không, nếu thừa thì còn mấy đồng ?".v.v..hàng trăm caâ hỏi ý chị ạ. Tôi thì không vấn đề gì sẵn sàng lấy bát ôtô làm mặt trời, bát ăn cơm làm hành tình để giảng cho cháu... nhưng tôi cứ đắn đo sợ cháu ngày càng tập trung quá vào những lĩnh vực đó và càng thiếu chú ý đến xung quanh, có cần thiết và có cách nào để tách bớt cháu ra khỏi những suy nghĩ đó không chị. Tất nhiên khi ăn uống, ngồi học các môn khác hoặc xem ti vi chương trình cháu thích thì cháu cũng không nghĩ đến những vấn đề kia nữa. Mà buồn cười chị ạ, cháu rất thích xem kênh Shopping TV và nghe quảng cáo thấy cái gì cũng hay nên xem xong là cháu bảo mẹ là "mẹ có tiền không ?, cái này hay lắm, rất bổ dưỡng (rất đẹp hoặc tiện lợi)) cho mẹ đấy, mẹ mua đi !"
Mong lời khuyên từ chị.

Thu Anh
conthattuyetvoi
 
Bài viết: 15
Ngày tham gia: CN Tháng 2 22, 2009 11:51 pm

Re: Tôi nghi ngờ cháu bị hội chứng Asperger

Gửi bàigửi bởi admin » T.Hai Tháng 3 02, 2009 8:12 pm

Bạn vào đọc loạt 4 bài về ngôn ngữ do chị Tường Anh dịch nằm trong phần Những Bài Về Tự Kỷ xem có giúp ích gì không nhé

... Một thiểu số những người có khiếm khuyết về giọng nói sử dụng những dụng cụ manng tên Augmentative and Alternative Communication (ACC) để chúng phát ra tiếng nói thay thế họ. Chúng tôi tạm dịch là dụng cụ truyền thông....


viewtopic.php?f=8&t=25&start=10

Cảm ơn
admin
Site Admin
 
Bài viết: 1410
Ngày tham gia: T.Bảy Tháng 12 13, 2008 11:22 am

Re: Tôi nghi ngờ cháu bị hội chứng Asperger

Gửi bàigửi bởi Nguyen,Anh » T.Hai Tháng 3 02, 2009 10:45 pm

Phần trả lời từ chuyên viên Cùng Nhau Vượt Khó

Chào chị Tường Anh,
Nhân đọc mấy bài trao đổi ở trên của các chị, tôi cũng rất muốn xin ý kiến của chị về phương pháp ứng xử trong trường hợp sau.
Cháu An nhà tôi rất thích các lĩnh vực là toán, địa lý và thiên văn. Gần như lúc nào cháu cũng nghĩ đến những vấn đề của mấy lĩnh vực đó và đặt ra các câu hỏi để hỏi mẹ hoặc ông bà. Khi tôi đang nấu cơm, phơi quần áo hay xem ti vi cháu cũng chạy ra hỏi ví dụ như "tại sao mặt trời lại chỉ chiếu ánh sáng đến được nửa trái đất trong một thời điểm", "nếu không có ánh sáng thì sao", "Thái dương hệ có các hành tính nào ?", "Đố mẹ từ Việt Nam sang đảo Băng đi máy bay hết mấy giờ, đi tàu thuỷ mất mấy giờ ?", "Đố mẹ nước .. nằm ở châu nào ?", rồi " mẹ có ...đồng, cho con và em đi công viên, mua ..vé, mỗi vé.. đồng, đu quay... lần, mỗi lần...đồng ......hỏi mẹ có đủ tiền không, nếu thừa thì còn mấy đồng ?".v.v..hàng trăm caâ hỏi ý chị ạ. Tôi thì không vấn đề gì sẵn sàng lấy bát ôtô làm mặt trời, bát ăn cơm làm hành tình để giảng cho cháu... nhưng tôi cứ đắn đo sợ cháu ngày càng tập trung quá vào những lĩnh vực đó và càng thiếu chú ý đến xung quanh, có cần thiết và có cách nào để tách bớt cháu ra khỏi những suy nghĩ đó không chị.


Tôi có thằng bé con 5 tuổi cũng suốt ngày nói chuyện sao hỏa với mặt trời, rồi xe lamborghini, mà mẹ nó thì mù tịt mấy chuyện này. Bé nhà chị vậy là may mắn rồi, có mẹ biết về khoa học để dậy cho con. Chị không cần giới hạn quan tâm của bé đâu. Các em Asperger thường là thông minh, và rất giỏi về những gì gọi là facts nhưng yếu văn chương. Chị cứ để cho cháu có bộ môn yêu thích. Điều chị quan tâm là khả năng chú ý đến xung quanh. Dù cháu yêu thiên văn hay không, thích địa lý hay không, khả năng chú ý cũng không vì thế mà ảnh hưởng. Nếu muốn, chị có thể để ý để mời cháu dẹp những sở thích của mình và lo làm bài tập vào giờ cháu cần làm bài tập. Nếu chị không nhiều thời gian để xoay vòng với hàng trăm câu hỏi (hay như tôi chẳng biết đủ để dậy cho con) thì mượn sách cho cháu đọc. Thói quen đọc sách sẽ giúp cháu tập trung hơn, bớt hiếu động.

Vậy là Cùng Nhau Vượt Khó có thể mai này sẽ là người quen của nhà thiên văn tương lai, chị có tin không? Tôi tin đấy! Không đùa đâu!

Nguyễn Tường Anh/Nhóm Chuyên Gia TK
Nguyễn Tường Anh
Nhóm Chuyên Gia TK
Hình đại diện của thành viên
Nguyen,Anh
 
Bài viết: 4504
Ngày tham gia: T.Bảy Tháng 1 10, 2009 12:05 pm

Re: Tôi nghi ngờ cháu bị hội chứng Asperger

Gửi bàigửi bởi conthattuyetvoi » T.Ba Tháng 3 03, 2009 1:02 am

Chào chị Tường Anh,
Cám ơn chị đã động viên tôi. Thật ra chuyên ngành của tôi là IT nhưng bố của tôi là giáo viên ĐH và Vật lý nên từ nhỏ tôi cũng rất thích đọc sách về vật lý và cũng rất thích học về hình không gian và địa lý (không biết có phải cháu mang gen tôi không :) ).
Nói vui chút thôi chị ạ, nhân chị khuyên cho cháu đọc sách, tôi cũng rất mong được chị giúp vì cháu không đọc sách được chị ạ. Trừ SGK của cháu còn cháu đọc sách một cách rất kỳ quoặc. Truyện tranh thì cứ cười rất to rồi nhắc đi nhắc lại 1 câu trong truyện với giọng điệu như hát. Truyện văn xuôi thì đọc hiểu rất ít. Sách thì chỉ thích xem đi xem lại một vài trang mà cháu thích nhất và cứ hỏi đi hỏi lại về trang đó. Tôi đã nhiều lần lấy những quyển truyện hoặc sách để đọc cho cháu nghe hoặc đọc cùng cháu nhưng chỉ được 1 trang là cháu mang sách đi chỗ khác hoặc bỏ sách chạy đi chỗ khác chơi. Tôi cũng không biết lên một hai lớp nữa cháu sẽ học những môn sử, địa... như thế nào chị ạ.

Thu Anh
conthattuyetvoi
 
Bài viết: 15
Ngày tham gia: CN Tháng 2 22, 2009 11:51 pm

Re: Tôi nghi ngờ cháu bị hội chứng Asperger

Gửi bàigửi bởi Nguyen,Anh » T.Ba Tháng 3 03, 2009 8:07 am

Phần trả lời của chuyên viên Cùng Nhau Vượt Khó

Chào chị, mình sẽ nhờ admin mang chủ đề về đọc thành một topic riêng.

tôi cũng rất mong được chị giúp vì cháu không đọc sách được chị ạ. Trừ SGK của cháu còn cháu đọc sách một cách rất kỳ quoặc. Truyện tranh thì cứ cười rất to rồi nhắc đi nhắc lại 1 câu trong truyện với giọng điệu như hát. Truyện văn xuôi thì đọc hiểu rất ít. Sách thì chỉ thích xem đi xem lại một vài trang mà cháu thích nhất và cứ hỏi đi hỏi lại về trang đó. Tôi đã nhiều lần lấy những quyển truyện hoặc sách để đọc cho cháu nghe hoặc đọc cùng cháu nhưng chỉ được 1 trang là cháu mang sách đi chỗ khác hoặc bỏ sách chạy đi chỗ khác chơi. Tôi cũng không biết lên một hai lớp nữa cháu sẽ học những môn sử, địa... như thế nào chị ạ.


Chị có thể cho mình biết thêm về khả năng đọc của cháu không? Có vẻ như cháu chưa đọc vì 1) thiếu tập trung, 2) chưa đánh vần được.

Khi cháu cầm sách đọc thì cầm ở tư thế bình thường không? Cháu có nâng sách lên hay sách để ở mặt bàn? Sách có quá nhiều chữ hay quá nhiều hình ảnh màu sắc không? Sách có tất cả bao nhiêu trang? Cháu đã nắm được ý niệm đọc từ trái sang phải, trên xuống dưới chưa? Cháu biết lật trang nào trước trang nào sau chưa? Có biết đâu là bìa sách và đâu là trang cuối không?

Về đọc lại mãi một câu chuyện, đây là yếu điểm của con em chúng ta. Các em đang thấy hình ảnh rất sống động diễn ra như khúc phim trong trí, chứ không như chúng mình chỉ tưởng tượng được sơ sơ, và phần lớn là không tưởng tượng gì cả khi đọc truyện. Khúc phim này in sâu trong trí các em.

Về đọc lại và giọng điệu như hát, đây cũng là yếu điểm về độ cao thấp chậm nhanh của giọng nói. Chị có thể giúp bé hiểu giọng nói bình thường mà bé nói chuyện so với giọng hát của cô ca sĩ này, chú ca sĩ kia...

Khả năng đọc hiểu rất cần như chị đang lo ngại cho môn sử, địa. Chị cho tôi biết thêm về cháu nhé.

Nguyễn Tường Anh/Nhóm Chuyên Gia TK
Nguyễn Tường Anh
Nhóm Chuyên Gia TK
Hình đại diện của thành viên
Nguyen,Anh
 
Bài viết: 4504
Ngày tham gia: T.Bảy Tháng 1 10, 2009 12:05 pm

Re: Tôi nghi ngờ cháu bị hội chứng Asperger

Gửi bàigửi bởi conthattuyetvoi » T.Ba Tháng 3 03, 2009 7:29 pm

Nguyen,Anh đã viết:
Chị có thể cho mình biết thêm về khả năng đọc của cháu không? Có vẻ như cháu chưa đọc vì 1) thiếu tập trung, 2) chưa đánh vần được.
Khi cháu cầm sách đọc thì cầm ở tư thế bình thường không? Cháu có nâng sách lên hay sách để ở mặt bàn? Sách có quá nhiều chữ hay quá nhiều hình ảnh màu sắc không? Sách có tất cả bao nhiêu trang? Cháu đã nắm được ý niệm đọc từ trái sang phải, trên xuống dưới chưa? Cháu biết lật trang nào trước trang nào sau chưa? Có biết đâu là bìa sách và đâu là trang cuối không?


Cháu cầm sách đúng chị ạ, thường cháu để sách ở mặt bàn, nhưng đôi khi cũng cầm lên để đọc. Cháu đọc đúng thứ tự, biết tìm , lật trang bình thường. Cháu đánh vần tốt chị ạ, sách giáo khoa Tiếng Việt cháu vẫn đọc tốt. Có lẽ là do khả năng tập trung của cháu kém nên việc học thuộc các đoạn thơ và đọc hiểu những bài văn dài một chút (1 trang SGK trở lên) gặp khó khăn. Cháu chỉ đọc những sách có (ít hoặc nhiều) hình vẽ ví dụ như sách giáo khoa về tự nhiên xã hội, sách giáo khoa về đạo đức, các sách học tiếng Anh hay các sách tìm hiểu khoa học của trẻ em. Các sách này khoảng 30-40 trang đổ lại. Những quyển nào cháu thích cháu cầm theo cả buổi tối, thậm chí cả đi ngủ.

Về đọc lại mãi một câu chuyện, đây là yếu điểm của con em chúng ta. Các em đang thấy hình ảnh rất sống động diễn ra như khúc phim trong trí, chứ không như chúng mình chỉ tưởng tượng được sơ sơ, và phần lớn là không tưởng tượng gì cả khi đọc truyện. Khúc phim này in sâu trong trí các em.


Đúng thế chị ạ, cháu An không những đọc đi đọc lại, cháu còn muốn đào sâu mãi về câu truyện đó, đặt các câu hỏi cho mẹ về câu truyện hoặc hình ảnh đó liên tục cho đến khi phải làm một việc khác. Hôm sau cháu lại lấy quyển đó ra và lại hỏi lại. Nếu có bức tranh buồn cười thì cứ mỗi lần giở đến đấy lại cười phá lên rất to.

Về đọc lại và giọng điệu như hát, đây cũng là yếu điểm về độ cao thấp chậm nhanh của giọng nói. Chị có thể giúp bé hiểu giọng nói bình thường mà bé nói chuyện so với giọng hát của cô ca sĩ này, chú ca sĩ kia...


Khi cháu không tập trung, cháu thường bị nói to và lặp đi lặp lại một số câu cháu thích trên chương trình với giọng điệu như hát. Tôi vẫn thường xuyên nhắc cháu. Những lúc đó cháu bảo : "Mẹ không thích nghe con nói to phải không ?" "Phải nói thế này mới khỏi điếc tai mẹ nhỉ" hoặc "Nói thế này nghe buồn cười mẹ nhỉ" và nói bình thường được vài câu sau đó lại đâu vào đấy. Tôi nghĩ chắc cái này đành phải kiên trì với cháu thôi phải không chị.

Tình hình cháu như vậy chị ạ, mong lời khuyên của chị.


Thu Anh
conthattuyetvoi
 
Bài viết: 15
Ngày tham gia: CN Tháng 2 22, 2009 11:51 pm

Re: Tôi nghi ngờ cháu bị hội chứng Asperger

Gửi bàigửi bởi Nguyen,Anh » T.Ba Tháng 3 03, 2009 10:25 pm

Phần trả lời từ chuyên viên Cùng Nhau Vượt Khó

Cháu cầm sách đúng chị ạ, thường cháu để sách ở mặt bàn, nhưng đôi khi cũng cầm lên để đọc. Cháu đọc đúng thứ tự, biết tìm , lật trang bình thường. Cháu đánh vần tốt chị ạ, sách giáo khoa Tiếng Việt cháu vẫn đọc tốt. Có lẽ là do khả năng tập trung của cháu kém nên việc học thuộc các đoạn thơ và đọc hiểu những bài văn dài một chút (1 trang SGK trở lên) gặp khó khăn. Cháu chỉ đọc những sách có (ít hoặc nhiều) hình vẽ ví dụ như sách giáo khoa về tự nhiên xã hội, sách giáo khoa về đạo đức, các sách học tiếng Anh hay các sách tìm hiểu khoa học của trẻ em. Các sách này khoảng 30-40 trang đổ lại. Những quyển nào cháu thích cháu cầm theo cả buổi tối, thậm chí cả đi ngủ.


Vậy là ý niệm để đọc tốt, mình đỡ một mối lo lớn. Khả năng ghép vần tốt, đỡ một mối lo nữa. Nhưng chị nhớ nhé, đọc vanh vách và hiểu những gì mình đọc là hai khả năng hoàn toàn khác nhau. Khi cháu phải đọc và hiểu, chị tách đoạn rồi giúp cháu tóm đại ý của từng đoạn, viết xuống. Sau đó coi lại đại ý mỗi đoạn và làm một đại ý chung. Tôi đi học hồi đó cũng phải làm thế đấy chị ạ, không thì đầu một nơi, chữ một nẻo thôi! :P

Với những gì cháu thích, chị chịu khó soạn câu hỏi để cháu trả lời sau khi đọc cho cháu quen với yêu cầu đọc/hiểu chuẩn bị cho văn sử địa sau này.

Đúng thế chị ạ, cháu An không những đọc đi đọc lại, cháu còn muốn đào sâu mãi về câu truyện đó, đặt các câu hỏi cho mẹ về câu truyện hoặc hình ảnh đó liên tục cho đến khi phải làm một việc khác. Hôm sau cháu lại lấy quyển đó ra và lại hỏi lại. Nếu có bức tranh buồn cười thì cứ mỗi lần giở đến đấy lại cười phá lên rất to.


Mấy cậu mấy cô bệnh nhân của tôi đã 20, 22 tuổi mà vẫn cười thế đấy. Lúc ấy tôi lợi dụng ngay để hỏi: em đang nghĩ gì? con gấu chạy đi đâu? (về hiểu); lỡ con gấu lạc mẹ thì nó nên làm gì? (về giải quyết vấn nạn). Khi cần phải tiếp tục học gì đó, thì chúng tôi nhắc: "mình nói chuyện phim ấy sau nhé. All done, later please."

Khi cháu không tập trung, cháu thường bị nói to và lặp đi lặp lại một số câu cháu thích trên chương trình với giọng điệu như hát. Tôi vẫn thường xuyên nhắc cháu. Những lúc đó cháu bảo : "Mẹ không thích nghe con nói to phải không ?" "Phải nói thế này mới khỏi điếc tai mẹ nhỉ" hoặc "Nói thế này nghe buồn cười mẹ nhỉ" và nói bình thường được vài câu sau đó lại đâu vào đấy. Tôi nghĩ chắc cái này đành phải kiên trì với cháu thôi phải không chị.


Muốn dậy cháu nói vừa đủ nghe, chị tìm loại software mà các nhạc sĩ không chuyên nghiệp dùng để thâu âm (đồ chuyênnghiệp thì đắt và khó sử dụng). Đừng dùng dàn microphone của dàn karaoke vì bản chất âm lượng đã lớn. Chị cho cháu xem các phím mầu nhảy lên khi có giọng nói, và dậy cháu điều chỉnh âm lượng ở mức vừa phải.

Chị nói đúng là phải kiên trì, vì không phải ngày một ngày hai mà luyện được đâu. Ngoài ra, cháu có thể nói to hơn nếu chung quanh ồn ào để làm át âm thanh của môi trường.

Chị tìm thử loại software kia xem sao nhé. Có loại mang tên Voice Edit Pro dễ dùng lắm.

Nguyễn Tường Anh/Chuyên Gia Nhóm TK
Nguyễn Tường Anh
Nhóm Chuyên Gia TK
Hình đại diện của thành viên
Nguyen,Anh
 
Bài viết: 4504
Ngày tham gia: T.Bảy Tháng 1 10, 2009 12:05 pm

Trang vừa xemTrang kế tiếp

Quay về Hỏi Đáp (xin đọc lại những bài cũ trước khi hỏi)

Đang trực tuyến

Đang xem chuyên mục này: Không có thành viên nào trực tuyến.30 khách.

cron