Phần trả lời từ chuyên viên Cùng Nhau Vượt KhóChị à! Huy đã 4,5 tuổi rồi mà vẫn chưa nói gì cả. Em đang cố gắng dạy cháu về phần ngôn ngữ nhưng sao khó quá, em dạy tranh nhưng Huy không nhìn tranh mà tay cứ chỉ bừa vậy, thích làm gì thì tự ý làm và kéo tay ba mẹ bắt làm chứ không theo hướng dẫn của ba mẹ
Em nhận thấy hình như Huy không để ý gì tới xung quanh và lời mọi người nói (em quan sát khi chở Huy đi chơi ở ngoài)
Em đã đọc thư của những anh chị trên diễn đàn nên em càng lo lắng hơn, em mong Huy nói được đôi từ thì tốt biết bao phải không chị, em thèm được nghe giọng con nói quá chừng, Huy bắt chước rất nhanh nhưng sao lại không chịu học về tranh ảnh, nhận biết được thì mới nói đựoc phải không chị.
Chị ơi, vậy là Huy chưa có kỹ năng nhận biết hình ảnh. Thế giới chung quanh chưa gợi được chú ý của Huy trừ những gì Huy thích. Mình cứ phải cố gắng thôi, chị nhé. Chị chọn hình có những gì Huy thích: bánh xà phòng, cái chậu Huy hay cọc nước, cái áo cái quần Huy ưa mặc, hình Huy đi chỗ yêu thích... Mới đầu mình chọn hình của 5 vật thôi, không cần nhiều (khi Huy đã biết nhìn hình, mình tăng lên sau). Những hình này đừng nên có gì rối ở phía hậu cảnh. Khi đưa hình, chị nâng hình theo mắt Huy thay vì Huy phải dõi mắt xuống bàn để nhìn.
Mình có thể lợi dụng những gì Huy thích để khuyến khích Huy học. Chị làm cái bảng nhỏ, có gạch chia làm hai phần: một bên là Nếu Huy..., một bên là Thì Huy sẽ... Ở bên Nếu Huy, chị gắn hình một tấm hình (chọn tấm mà chị dùng để dậy Huy nhận biết hình ảnh). Ở bên Thì Huy Sẽ, chị gắn hình bánh xà phòng. Chị nên làm tấm bảng này với mầu sắc, kích cỡ, chữ viết giống nhau để còn sử dụng nhiều.
Có những bé cần nhiều thời gian hơn các bé khác, chị kiên nhẫn nhé.
Huy thích vọc nước và xà phòng, khi Huy ở nhà em không rời mắt khỏi Huy được giây phút nào cả, nếu sơ hở là Huy chạy xuống lấy xà phòng rồi cởi quần áo ngồi cọc nước liền, nếu em có thấy Huy xuống nhà dưới mà cố gọi thì Huy chạy thật nhanh rồi lấy xà phòng quậy.
Chị chụp tấm hình của Huy, rồi đánh dấu chéo (chữ X) màu đỏ, và tìm chỗ mà gắn ngay nơi Huy hay chạy vào lấy xà phòng. Khi Huy vào, chị đưa cháu ra và liên tục chỉ vào bảng ấy: "Huy không được cọc nước lúc này!" Những hình này cũng sẽ dùng nhiều lắm ở bất kỳ khi nào cháu cần ngưng lại hành động nào đó. (Nhưng chị nhớ dời tấm bảng này đi nếu chị cần đưa Huy vào tắm, rửa tay).
Đối với Huy bây giờ, chữ KHÔNG là quan trọng lắm. Chị nhớ thống nhất và kiên quyết những lúc phải nói KHÔNG. Về việc nghịch nước và xà phòng, Huy đang mê thích, nhưng khi nào không thích hợp, chị nhất định KHÔNG để Huy hiểu dù Huy có khóc lóc dẫy đạp. Nhiều lần qua, Huy sẽ tuân thủ luật lệ ấy dễ hơn.
Tuy nhiên, Huy thích xà phòng có thể vì Huy muốn tìm cảm giác sờ chạm xà phòng, bong bóng, hay những gì trơn trơn, nhờn nhờn, hoặc lành lạnh. Chúng ta không tước đi nhu cầu ấy của Huy, vì vậy mà tôi đề nghị chị đưa xà phòng thành một quà thưởng nếu Huy chịu học tranh ảnh. Và vì lúc đầu tranh ảnh là khó cho Huy, có thể có ngày Huy sẽ không được chơi xà phòng. Tôi đề nghị chị nên cho phép Huy chơi xà phòng, nhưng theo thời khóa biểu của chị. Thí dụ: đúng 8 giờ tối, hay 5g30 chiều... tùy chị và thời khóa biểu của gia đình. Chị vẽ một cái đồng hồ với vị trí kim theo giờ ấy, rồi gắn vào bên bảng Nếu Huy trong khi bên kia đã có hình xà phòng rồi. Chị cho Huy xem, dậy Huy tìm đồng hồ trong nhà, và so sánh cho giống vị trí kim, rồi cho Huy chơi xà phòng. Tuy nhiên, giờ chơi xà phòng cần có giới hạn, vì vậy chị phải tìm loại đồng hồ nấu ăn. Tôi nghe bạn bè bảo bên ấy có loại đồng hồ này trong siêu thị. Chị cài thời lượng mà chị thấy thích hợp cho Huy, và cương quyết đưa Huy ra khi đồng hồ điểm hết giờ. Chị nhớ cho thời lượng ít thôi, để Huy còn muốn chơi thêm, và lát nữa chịu học hình ảnh để được chơi thêm.
Huy thích leo lên bàn rồi nhảy xuống.
Nhảy từ trên xuống là biểu hiện của những bé tìm cảm giác. Chị đọc thêm bên nguồn liệu hay bài viết/dịch, có phần Điều Hòa Ngũ Giác nói về lãnh vực này, chị nhé. Theo tôi, cũng như việc nghịch xà phòng, thói quen nhảy trên bàn xuống đất có lý do của nó. Chẳng phải không đâu mà các bé làm như thế. Khi nhảy trên bàn xuống là nguy hiểm và không thích hợp, mình phải tạo môi trường cho cháu được nhảy. Chị thử tìm mua loại nệm bông hay nệm hơi cho cháu nhảy xem sao. Bên bài về Điều hòa ngũ giác có một số hình ảnh về các dụng cụ này đấy. Có một số phụ huynh phải sử dụng nệm giường, cũng tốt nếu chưa tìm ra dụng cụ thích hợp (trừ khi thói quen trong nhà là không bao giờ nhảy tưng tưng trên giường). Anh xã tôi thì rất kỵ lối chơi nhảy trên giường của thằng bé nhà tôi, nhưng tôi lại thấy cái nệm êm êm ấy nếu chỉ để ngủ thì uổng quá, tại sao lại không được nhảy trên đó, nhất là khi các bé cũng chỉ nhảy vài năm rồi không bao giờ làm thế nữa.
Em đã đọc thư của những anh chị trên diễn đàn nên em càng lo lắng hơn, em mong Huy nói được đôi từ thì tốt biết bao phải không chị, em thèm được nghe giọng con nói quá chừng, Huy bắt chước rất nhanh nhưng sao lại không chịu học về tranh ảnh, nhận biết được thì mới nói đựoc phải không chị. Em cũng đã cố gắng rất nhiều, em nên làm gì xin chị hãy hướng dẫn em với.
Tôi chia xẻ với chị nỗi lo con không nói, và nỗi thèm nghe tiếng con. Chị cố kiên nhẫn, chị nhé. Có điều là không phải nhận biết được hình ảnh rồi mới nói được đâu. Khi Huy đòi xà phòng, chị khuyến khích Huy nói "xà phòng" hay "con xin" hay "xin" rồi hãy đưa xà phòng cho Huy. Khi Huy muốn ăn món này món kia, muốn đồ chơi này nọ, chị cũng áp dụng phương pháp ấy: Huy phải nói gì đó mới được món Huy thích. Nói ngọng, nói một chữ, nói sao cũng được, miễn là có nói. Khi Huy đã quen nói để xin, mình chỉnh lại cách nói sau.
Huy thích một số bài hát, chị có thể lấy đấy làm cớ khuyến khích Huy nói: mua đĩa có những bài này để Huy phải xin mẹ mới bật cho nghe...
Huy cần nhiều thời gian hơn những bé khác, chúng ta cùng vượt khó với nhau, chị nhé.
Nguyễn Tường Anh/Nhóm Chuyên Gia TK