Tôi nghi ngờ cháu bị hội chứng Asperger

Tôi nghi ngờ cháu bị hội chứng Asperger

Gửi bàigửi bởi admin » CN Tháng 2 08, 2009 4:08 pm

Tôi rất quan tâm đến dự án này và mong được gặp anh để gởi vấn đề có liên quan đến con trai tôi, 12 tuổi. Tôi nghi ngờ cháu bị hội chứng Asperger, là một dạng rối loạn phát triển nằm trong phổ tự kỷ nhưng ở mức độ phát triển cao nhất vì trẻ có ngôn ngữ và trí thông minh cũng như có thể giao tiếp xã hội căn bản, nhưng bị khiếm khuyết về social sense và do đó khó có khả năng kết bạn, khó hiểu và làm theo các nguyên tắc xã hội, ... dẫn đến hành vi có một số điểm không phù hợp và gây khó khăn cho trẻ trong việc sống trong cộng đồng có liên quan đến trẻ. Ngoài ra, khi 8 tuổi con trai tôi đã có chẩn đoán về "khó khăn diễn đạt ngôn ngữ". Trường hợp của con tôi là một dạng chưa được nghiên cứu đầy đủ tại VN, vì các bác sĩ hiện tại chỉ có thể chẩn đoán các trường hợp tự kỷ dạng nặng hay trung bình, còn các trường hợp như Asperger thì có nhiều người thậm chí chưa từng đọc vể tài liệu này.

Duy Thảo


Phần trả lời của chuyên gia, Cùng Nhau Vượt Khó


Chào chị, Asperger là dạng có khả năng cao nhất trong phổ tự kỷ. Những gì chị phỏng đoán về cháu đều đúng. Cháu rất thông minh nhưng không giỏi về chơi đùa, giao tế. Ở Mỹ, các cháu Asperger đi học với bạn bè đồng tuổi, và học riêng về khả năng giao tế với chuyên viên ngôn ngữ trị liệu. Giáo trình trị liệu cho các cháu sử dụng những câu truyện kể, những lần đóng giả vai, những bản câu hỏi soạn sẵn... cho cháu tập trò chuyện. Giáo trình cũng còn dậy cháu đọc cảm xúc của người chung quanh, ghi nhớ những lối bày tỏ trên mặt, hay bằng tư thế ngồi, quay mặt, vân vân.

Trẻ Asperger có thể trở nên thiệt thòi ở trường lớp vì cháu bị bạn bè coi là kỳ quái, lập dị. Khả năng giao tế là những gì trẻ Asperger cần được huấn luỵện để có thể thành công trong xã hội, nhất là khi các cháu rất thông minh trong học vấn nên hoàn toàn có thể trở thành các nhà chuyên môn tốt nghiệp từ đại học, cao học...

Chị cho biết tại VN người ta chưa biết nhiều về Asperger, tôi thấy thông cảm nhiều với phụ huynh và nhóm trẻ Asperger. Chị cho tôi gửi một cái bắt tay đến cậu thanh niên trẻ nhà chị nhé. Tôi mong có dịp giúp đỡ cháu.

Nguyễn Tường Anh
admin
Site Admin
 
Bài viết: 1410
Ngày tham gia: T.Bảy Tháng 12 13, 2008 11:22 am

Re: Tôi nghi ngờ cháu bị hội chứng Asperger

Gửi bàigửi bởi luunguyen » T.Hai Tháng 2 09, 2009 9:42 pm

Con trai tôi 7 tuổi, hiện học lớp 1 với các trẻ bình thường. Cháu khá thông minh về học vấn, nhưng có khó khăn về giao tiếp, khó hoà đồng trong các trò chơi tập thể, hay phạm luật chơi...Trước đây, cháu được phát hiện có rối loạn ngôn ngữ lúc lên 4 tuổi. Với các cháu nghi ngờ thuộc hội chứng Asperger, xin chuyên gia giới thiệu một số tài liệu hữu ích dạy về giao tiếp cho trẻ ở lứa tuổi này.
Xin cảm ơn.
Lưu Nguyên
luunguyen
 
Bài viết: 42
Ngày tham gia: T.Hai Tháng 2 09, 2009 9:23 pm

Re: Tôi nghi ngờ cháu bị hội chứng Asperger

Gửi bàigửi bởi Nguyen,Anh » T.Hai Tháng 2 09, 2009 11:39 pm

Phần trả lời của chuyên gia Cùng Nhau Vượt Khó:

Chào anh/chị Lưu Nguyên,

1.
Với các cháu nghi ngờ thuộc hội chứng Asperger

Trước tiên xin anh/chị đưa cháu đển bác sĩ nhi khoa hay tâm lý để có chẩn đoán chính xác về Asperger. Các phương pháp can thiệp cần dựa trên chẩn đoán. Xin anh/chị email cho chị Xuyến nếu muốn biết thêm về dịch vụ chẩn đoán.

2.
xin chuyên gia giới thiệu một số tài liệu hữu ích dạy về giao tiếp cho trẻ ở lứa tuổi này

Xin anh/chị đọc bài chúng tôi đã post ở Nguồn Liệu về Asperger qua link http://www.concuame.com/DocAspergerLienQuanTK/AspergerHow2DayTre.html. Chúng tôi sẽ đăng tải thêm tài liệu trong thời gian gần sắp tới (xin anh/chị theo dõi mục Nguồn Liệu để tìm bài mới). Tuy nhiên, theo kinh nghiệm của chúng tôi, nếu thiếu chẩn đoán, anh/chị có thể chưa tìm ra điểm bắt đầu cho phương án can thiệp dù có thật nhiều tài liệu trong tay. Quan trọng hơn, người điều trị/chăm sóc nên biết ưu điểm và yếu điểm của cháu trong khả năng giao tế tương tác thì mới có thể hỗ trợ cháu một cách hiệu quả.

3.
Trước đây, cháu được phát hiện có rối loạn ngôn ngữ lúc lên 4 tuổi

Rối loạn ngôn ngữ cũng có thể khiến cháu ngại ngần giao tế, không biết cách bày tỏ ý tưởng, không biết thuyết phục bạn bè cùng chơi với mình. Chưa hẳn Asperger đã là lý do của thái độ khó hoà đồng mà anh/chị quan sát thấy ở cháu. Hy vọng anh/chị cho chúng tôi biết thêm về khả năng bày tỏ ngôn ngữ của cháu trong thời gian hiện tại, và những phần trị liệu ngôn ngữ mà cháu đã hay vẫn đang nhận được. Vì những lý do này, phần khám thẩm định về rối loạn ngôn ngữ nên được tái thực hiện để phân định nguyên nhân của khiếm khuyết trong giao tế (là do Asperger hay rối loạn khả năng bày tỏ ngôn ngữ).

Chúc anh/chị tìm ra phương án hữu hiệu để giúp cháu. Chúc cháu tiến bộ.

Nguyễn Tường Anh/Nhóm Chuyên Gia TK
Nguyễn Tường Anh
Nhóm Chuyên Gia TK
Hình đại diện của thành viên
Nguyen,Anh
 
Bài viết: 4504
Ngày tham gia: T.Bảy Tháng 1 10, 2009 12:05 pm

Re: Tôi nghi ngờ cháu bị hội chứng Asperger

Gửi bàigửi bởi luunguyen » T.Bảy Tháng 2 14, 2009 10:35 am

Xin cảm ơn sự trả lời rõ ràng và thiết thực của chị cho câu hỏi của chúng tôi. Tôi đã đọc các bài viết của chị và có được nhiều thông tin hữu ích, nhất là bài viết về cách đáp ứng với trẻ Asperger vị thành niên. Chúng tôi rất cần những thông tin như thế.
Trước đây, vào năm 2005, lúc cháu được 26 tháng, một chuyên gia tâm lý (Cô từ Pháp về, hợp tác với BV Nhi đồng ) đã cho biết cháu có rối loạn nghi tự kỷ và hướng dẫn cách dạy cháu. Đến 32 tháng, cháu bắt đầu nói được từ một, vì lý do gia đình, tôi ngưng trị liệu với chuyên gia, tự dạy cháu ở nhà. Từ 4 tuổi, cháu biết lập lại những câu ngắn, nhưng có khó khăn trong diễn đạt ngôn ngữ như hay nhầm đại từ, đảo thứ tự chủ từ (con ngựa cưỡi ba thay vì ba cưỡi ngựa). Cháu hay chạy khi ra đường, và hay đánh bạn. Đến 6 tuổi, cháu biết kiềm chế, không đánh bạn, biết qua đường phải để ý xe cộ. Về ngôn ngữ, cháu tự học tiếng Việt (qua DVD) và đọc trôi chảy tiếng Việt trước khi vào lớp 1, nói chuyện, trả lời bình thường. Hiện tại, 7 tuổi, cháu học lớp 1 với các bạn bình thường. Lớp có 16 em, nên cô giáo hiểu từng em khá rõ. Tôi đã rất đắn đo khi trình bày tình trạng của cháu cho cô giáo vào buổi gặp đầu tiên, và tôi quyết định chỉ mong cô lưu ý vì cháu thiếu tập trung, xin cô ghi vào sổ báo bài mọi việc khi cần liên lạc với phụ huynh. Cháu rất thích đi học và yêu cô giáo. Bài vở các môn đều ổn, các lời dặn dò của cô cháu đều báo lại đầy đủ. Tuy nhiên ở nhà, khi có chuyện phật ý, buồn phiền... cháu chỉ có một cách phản ứng là khóc. Trong xóm, cháu ít thích chơi với các bạn cùng tuổi vì hay phạm luật chơi, đặc biệt là không phân biệt được nói thật và nói đùa, hay hiểu mọi thứ theo nghĩa đen... giống như hội chứng A S đã mô tả. Sau một học kỳ, tại buổi họp phụ huynh (vì cô giáo họp riêng với từng phụ huynh), tôi nghĩ mình có cơ hội để nói rõ hơn về tình trạng của cháu, nhưng cô giáo lại cho rằng cháu bình thường như mọi bạn khác. Tôi đón cháu, thấy các bạn cùng lớp cũng gọi tên, chào hỏi rất vui vẻ. Tôi thấy bối rối không biết có nên đưa cháu đến học thêm với chuyên gia, vì ngoài những bất thường kể trên, cháu hoàn toàn là một trẻ ngoan và thông minh. Dù vậy, tôi vẫn luôn qua tập đóng vai để dạy cho cháu cách xử trí trong một số tình huống thường gặp. Tuy nhiên, tôi rất cần kinh nghiệm của các chuyên gia và các bạn đi trước, để học hỏi những tình huống đặc biệt và cách xử trí thích hợp, nhất là về cảm xúc, và sau này là cách xử sự với trẻ với những biến đổi ở tuổi dậy thì.
Một lần nữa xin cảm ơn các chuyên gia và các bạn.
Lưu Nguyên.
luunguyen
 
Bài viết: 42
Ngày tham gia: T.Hai Tháng 2 09, 2009 9:23 pm

Re: Tôi nghi ngờ cháu bị hội chứng Asperger

Gửi bàigửi bởi Nguyen,Anh » T.Bảy Tháng 2 14, 2009 11:35 am

Phần trả lời từ chuyên gia Cùng Nhau Vượt Khó

Xin cảm ơn sự trả lời rõ ràng và thiết thực của chị cho câu hỏi của chúng tôi. Tôi đã đọc các bài viết của chị và có được nhiều thông tin hữu ích, nhất là bài viết về cách đáp ứng với trẻ Asperger vị thành niên. Chúng tôi rất cần những thông tin như thế.


Cám ơn chị đã khích lệ. Tôi làm việc với các em trong phổ TK riết rồi thương, bỏ không được. Mà thế cũng không đặc biệt gì đâu. Nếu chị quen các thầy cô giáo hay điều trị viên của các em trong phổ TK, chị có thể thấy đó là những gì có trong tâm thức nghề nghiệp của họ.

Hiện tại, 7 tuổi, cháu học lớp 1 với các bạn bình thường. Lớp có 16 em, nên cô giáo hiểu từng em khá rõ. Tôi đã rất đắn đo khi trình bày tình trạng của cháu cho cô giáo vào buổi gặp đầu tiên, và tôi quyết định chỉ mong cô lưu ý vì cháu thiếu tập trung, xin cô ghi vào sổ báo bài mọi việc khi cần liên lạc với phụ huynh.


Nếu có thể duy trì hệ thống hỗ trợ này, cháu sẽ tiếp tục tiến bộ. Sĩ số trong lớp cũng tuyệt quá. Tôi nhớ ngày xưa đi học, tôi có 69 người bạn cùng ngồi trong phòng học. Hy vọng là các lớp trên cháu cũng được học trong lớp ít người như thế. Tôi thấy bên này, lớp lá đến lớp 2 thì 20 em. Lên lớp 3 đến lớp 5 thì 30 em. Cấp Hai cũng khoảng 30. Cấp Ba thì 40.

Sau một học kỳ, tại buổi họp phụ huynh (vì cô giáo họp riêng với từng phụ huynh), tôi nghĩ mình có cơ hội để nói rõ hơn về tình trạng của cháu, nhưng cô giáo lại cho rằng cháu bình thường như mọi bạn khác. Tôi đón cháu, thấy các bạn cùng lớp cũng gọi tên, chào hỏi rất vui vẻ.


Thưa chị, các thầy cô giáo bên giáo dục phổ thông cũng thường khi không chấp nhận là cậu học sinh thông minh, ít nói, hay mắc cỡ không dám bắt chuyện hay nhìn mắt, lại cần được gọi là "có rối loạn." Ngay ở Mỹ, nơi mà thông tin đầy dẫy đó đây, vẫn có những giáo viên như thế. Ở Việt Nam, chúng ta đụng vào vài bức tường: 1) thông tin về TK hay Asperger chưa rộng, 2) ý niệm về "phái nam" của người Việt mình là đàn ông thì phải ít nói, ít xí xoọng, 3) mắt nhìn mắt không hẳn là điều chúng ta dậy con trẻ Việt Nam (khi cha mẹ la mắng, con đừng nhìn chằm chằm vào cha mẹ. Đừng ngó người ta chăm chăm như thế con ạ...). Nếu cô giáo của bé thuộc tuýp người mở rộng, chị thử in một vài bài về Asperger cho cô xem. Tôi có lần nói với một giáo viên (và cả phụ huynh) của một bé Asperger: "Rối loạn mà bé đang mang là A hay B hay C hay Z, đó không phải là chú trọng trong phần chữa trị của tôi. Tên của cháu quan trọng hơn vì nó đại diện cho cá nhân đặc biệt là cháu. Điều quan trọng kế tiếp là những ưu điểm và trí thông minh của cháu đang bị một số yếu điểm ghì lại, ngăn cản cháu đạt điểm cao, khiến cháu thiếu tự tin. Trong phần chữa trị của tôi, chú tâm của tôi là thăng tiến ưu điểm và hỗ trợ khuyết điểm." Nói thế có nghĩa: bác sĩ bảo cháu Asperger, cô giáo bảo không. Chẳng hề gì. Xin cô cứ tiếp tục liên lạc hàng ngày với gia đình bằng cách duy trì sổ báo bài, và khuyến khích bạn bè chơi với cháu.

Tôi thấy bối rối không biết có nên đưa cháu đến học thêm với chuyên gia, vì ngoài những bất thường kể trên, cháu hoàn toàn là một trẻ ngoan và thông minh


Người ta vẫn gọi Aspeger là hội chứng thiên tài. Nếu để ý kỹ, bạn bè của chị, của tôi, của cha mẹ chúng ta... có nhiều những thiên tài này lắm đấy. Họ thông minh xuất chúng, học một hiểu mười, học vị hơn bạn bè xa. Họ chỉ hơi là lạ: đứng quá gần khi nói chuyện, nói mà không chờ người nghe chú ý, cắt ngang người khác, không để ý đến những gì người khác nói... Ngày xưa chẳng có trị liệu gì, họ cũng sống tốt, cũng được yêu mến, và vẫn thành công đấy thôi. Tuy nhiên, ở thời đại bây giờ, khả năng giao tế quan trọng hơn nhiều. Vì thế cha mẹ cố gắng giúp cho con (con có TK, hay Asperger, hay không có rắc rối gì) biết giao tế khôn khéo hơn. Nếu chị chẳng có quan ngại vì về những "bất thường" mà chị thấy ở cháu, dĩ nhiên chị chẳng cần theo đuổi chữa trị gì hết. Thế nhưng, trước khi quyết định, xin chị tìm câu trả lời cho những câu hỏi sau:

1. Nếu không có chữa trị hay hỗ trợ gì từ xưa đến nay, cháu có thể đạt khả năng như hôm nay không?
2. Nếu ngưng chữa trị hay hỗ trợ, cháu có sẽ gặp khó khăn nào không?
3. Mong đợi của chị dành cho cháu là gì? Chị muốn cháu trở thành chuyên gia trong lãnh vực nào, làm việc với người hay với máy móc/phòng thí nghiệm? Những ai làm việc với người (điều hành, tiếp thị, giảng dậy...) sẽ cần khả năng giao tế tốt.

Ngoài ra, tôi cũng xin lưu ý chị: có những khả năng chị phải giúp cháu ôn lại, luyện lại. Bỏ rơi, cháu sẽ quên. Còn những khả năng như hiểu nghĩa bóng, hiểu ý nghĩa của biểu lộ mắt, hiểu ý nghĩa của cử chỉ (ngôn ngữ không lời), cháu cần được dậy và học thuộc, rồi ôn lại. Bà Grandin cầm bằng tiến sĩ trong tay, là chủ nhân đang nuôi một nửa số gia súc lấy thịt trên toàn quốc Hoa Kỳ, vẫn cứ phải đọc lại để biết người ta muốn gì khi mắt người ta lườm mình, hay khi người ta tròn mắt lên.

Về giao tế, tôi vừa dậy một lớp giao tế hôm thứ Sáu tuần rồi. Sáu em trong phổ TK từ dạng nặng đến Asperger ở tuổi 16 đến 18 thay phiên nhau lên đóng kịch, rồi cô giáo của các em giúp tôi quay phim. Chúng tôi xem lại phim, và phê bình: Jason quay đi khi bà Nguyễn đang nghe Jason nói, Mark cắt lời Jamie, Jamie bực bội nhưng đã dơ tay kiên nhẫn chờ đến phiên mình, Pablo nói nhanh quá, vân vân... Hôm nào chị thử quay phim lúc cháu đang đóng vai, rồi quay cả lúc cháu chơi với bạn, sau đó mang cho cháu xem và cho cháu nhận xét, phê bình...

Trong lời của chị, có vẻ chị biết những yếu điểm của cháu rất rõ. Chúc mừng cháu có bà mẹ yêu cháu đến hiểu cháu hơn cháu hiểu chính mình. Thế giới mai kia của cháu tùy thuộc vào chọn lựa của chị ở lúc này. Chúc chị thành công.

Nguyễn Tường Anh/Chuyên Gia Nhóm TK
Nguyễn Tường Anh
Nhóm Chuyên Gia TK
Hình đại diện của thành viên
Nguyen,Anh
 
Bài viết: 4504
Ngày tham gia: T.Bảy Tháng 1 10, 2009 12:05 pm

Re: Tôi nghi ngờ cháu bị hội chứng Asperger

Gửi bàigửi bởi luunguyen » CN Tháng 2 15, 2009 4:02 am

Chào chị,
Thật cảm ơn sự trả lời quá nhanh chóng của chị.
Những lời tư vấn của chị thật cụ thể và hữu ích lắm. Trước đây tôi cũng có tham gia học nhiều lớp dạy về rối loạn phổ tự kỷ, nhưng chưa tìm thấy giải pháp thích hợp. Ở Việt nam các trung tâm và cả bệnh viện chỉ quan tâm nhiều đến các trẻ rối loạn ở mức nặng. Nay chị đã giúp tôi vững tâm hơn trong quyết định của mình. Tôi không mong muốn cháu thành chuyên gia ở bất cứ lĩnh vực nào, nhưng tôi nghĩ cháu có năng khiếu về môn computer nên có thể sẽ làm việc với máy móc. Tuy nhiên điều đó không quan trọng bằng nỗi lo khi lớn lên cháu sẽ bị cô lập hay tẩy chay bởi chúng bạn vì "khác người".
Tôi sẽ tiếp tục dạy cháu thêm ở nhà. Tuy chỉ là bác sĩ ở chuyên khoa khác, nhưng tôi có thể đọc thêm tài liệu để hiểu về rối loạn này. Tôi cũng có thể học để dạy thêm cho cháu ở nhà. Không ai hiểu , hết lòng và gần gũi cháu hơn mẹ. Với sự tư vấn chu đáo và cụ thể từ các chuyên gia như các anh chị, tôi nghĩ mình sẽ không bị lạc lối. Tôi mong được chị tư vấn thêm tài liệu giúp cháu hiểu nghĩa bóng, hiểu ý nghĩa của biểu lộ mắt, hiểu ý nghĩa của cử chỉ (ngôn ngữ không lời).
Xin cảm ơn chị.
Lưu Nguyên.
luunguyen
 
Bài viết: 42
Ngày tham gia: T.Hai Tháng 2 09, 2009 9:23 pm

Re: Tôi nghi ngờ cháu bị hội chứng Asperger

Gửi bàigửi bởi Nguyen,Anh » CN Tháng 2 15, 2009 10:54 am

Phần trả lời từ Chuyên Gia Cùng Nhau Vượt Khó

Tôi không mong muốn cháu thành chuyên gia ở bất cứ lĩnh vực nào,


Xin chào chị, chị ơi tại sao mình lại không nghĩ cháu có thể là chuyên gia hả chị? Tôi làm việc với các em Asperger và thấy mình chẳng thông minh bằng các em, thế mà bây giờ tôi đang được gọi là chuyên gia!!! Về phía cháu, chị nghĩ đúng khi viết :
Cháu có năng khiếu về môn computer nên có thể sẽ làm việc với máy móc. Tuy nhiên điều đó không quan trọng bằng nỗi lo khi lớn lên cháu sẽ bị cô lập hay tẩy chay bởi chúng bạn vì "khác người".
Hôm qua tôi có nói với một phụ huynh rằng các cháu của chúng ta cần thích ứng với môi trường, nhưng môi trường cũng cần hiểu về các cháu để mà chào đón và chấp nhận. Vì vậy, chị thử tập cho cháu nói về những khác biệt của mình để bạn bè hiểu cháu hơn. Thí dụ: "Mình không nhìn bạn nhưng mình vẫn nghe bạn nói đấy," "Mình không biết nói chuyện giỏi đâu, nhưng mình rất thích khi bạn nói trước rồi mình trả lời." Với cô giáo hay những người lớn chung quanh, bé có thể nói: "Con nhìn mắt cô, con không hiểu cô muốn gì lúc cô thay đổi ánh mắt. Cô nhớ nói cho con nghe cô muốn gì nhé."

Tôi mong được chị tư vấn thêm tài liệu giúp cháu hiểu nghĩa bóng, hiểu ý nghĩa của biểu lộ mắt, hiểu ý nghĩa của cử chỉ (ngôn ngữ không lời).


Về tài liệu, chúng tôi sẽ tiếp tục đăng tải bài vở. Có một bài tôi đang dịch về Có Nên Ép Đặt Giao Tiếp Mắt Không, sẽ nhắn chị khi nào tôi đăng. Bên bài vở dịch thuật cũng có một bài bà tiến sĩ Grandin, chắc chị có biết về bà. Cầm bằng tiến sĩ, mang rối loạn Asperger, bà nói về khả năng hình ảnh của mình. Rất đặc biệt chị ạ. Chị xem thử nhé.

Tôi sẽ tiếp tục dạy cháu thêm ở nhà. Tuy chỉ là bác sĩ ở chuyên khoa khác, nhưng tôi có thể đọc thêm tài liệu để hiểu về rối loạn này. Tôi cũng có thể học để dạy thêm cho cháu ở nhà. Không ai hiểu , hết lòng và gần gũi cháu hơn mẹ. Với sự tư vấn chu đáo và cụ thể từ các chuyên gia như các anh chị, tôi nghĩ mình sẽ không bị lạc lối.


Tôi đã có cảm giác chị ở bên ngành y khoa mà không tiện hỏi từ đầu. Tôi có những phụ huynh là bác sĩ, và như chị, họ giỏi về chuyên môn của mình nên rất tự tin để tôn trọng chuyên môn của người khác. Một vị bác sĩ trưởng khoa Nhi, vợ là giám đốc điều hành của một chi nhánh Intel, đã từng ngồi chăm chú nghe cô phụ giáo chỉ có bằng hai năm nói về cách cô giúp con họ chơi xích đu. Tôi kính phục họ lắm. Và thế là cháu may mắn vì chị có thể dò trước những phản ứng phụ của thuốc men mà cháu có thể phải sử dụng. Chúc chị có nhiều giờ dậy thật hiệu ứng với cháu nhé chị. À, chị thử mời bạn cháu lại nhà chơi, khoảng 3 em (kể cả cháu), rồi cho 3 cháu chơi trò đóng vai + quay video.

Chúc chị thành công. Nếu được, chị chia xẻ những cách chị đã huấn luyện cháu với các phụ huynh khác được không chị?

Nguyễn Tường Anh/Nhóm Chuyên Gia TK
Nguyễn Tường Anh
Nhóm Chuyên Gia TK
Hình đại diện của thành viên
Nguyen,Anh
 
Bài viết: 4504
Ngày tham gia: T.Bảy Tháng 1 10, 2009 12:05 pm

Re: Tôi nghi ngờ cháu bị hội chứng Asperger

Gửi bàigửi bởi khoavn » T.Hai Tháng 2 16, 2009 1:03 am

khoavn đã viết:Chào chị Tường Anh

Ngòai ra, trường hợp của con trai tôi cũng phức tạp, vì cháu sẽ cần sự phối hợp. Có 1 vị chuyên viên tâm lý khác (thời gian cháu học lớp 4 có đi gặp chuyên gia tâm lý khoang 3 tháng vì cháu cảm thấy căng thẳng không muốn đến trường) đã nói con tôi có hiện tuợng tự kỷ nhẹ. Vị này cũng nói hơn 50% trường hợp tự kỷ có kèm theo ĐK và có thể con trai tôi thuộc vào dạng này.

Tôi nghĩ có thể con trai tôi mang hội chứng AS vì cháu có khả năng học tốt, ngoại trừ môn Văn (điểm bình quân học kỳ 1 các môn từ 8/10 - 9/10, riêng môn văn 6.4/10) nhưng giao tiếp kém, không thích các trò chơi tập thể, ngoài ra con cũng có một số nguyên tắc và hiểu biết theo ý của con, không thích nghe nói đùa về mình, khó chịu khi nghe những lời khen không đúng sự thật, hiểu sự việc cứng nhắc, rất khó tuân theo những quy tắc ứng xử thông thường đặc biệt là khi cháu không thích làm việc đó, dễ nổi giận với bạn bè, tự kiểm sóat thời gian chưa tốt, rất bồn chồn khi cảm thấy rảnh rỗi vì không nghĩ ra được cần phải làm gì trong khi có rất nhiều thứ phải làm ... Vì những cá tính đặc biệt này của cháu mà hiện tại tôi cảm thấy rất stress khi dạy con, nhất là bây giờ con lên 12 tuổi và lại càng muốn khẳng định suy nghĩ và ý kiến của riêng con.



Chi Tuong Anh than men

Về việc dạy cháu phải có hành vi tốt, rất mong chị Anh hướng dẫn thêm kinh nghiệm gì trong việc dạy bảo những đứa trẻ có tính tình đặc biệt như con tôi phải ứng xử tốt ở trường học, biết kiềm chế những sở thích riêng tư nhưng không phù hợp với người khác, biết kiểm sóat bản thân (không nổi nóng đánh bạn khi không hài lòng, không phản ứng xấu với thầy cô / cha mẹ khi bị la rầy, biết tự sắp xếp thời gian của mình ...).

Hiện tại, con tôi thường hay có một số hành vi chưa tốt như sau, mẹ đã giải thích và dạy phải thay đổi nhiều lần nhưng vẫn chưa thấy tiến bộ mấy.

* Không cãi người lớn khi không đồng ý, nhưng không nói ra là mình không đồng ý và sau đó không làm theo.

* Không tuân theo một số quy tắc nếu không thích (ví dụ con không thích học môn văn, vào giờ học đó, con rất mất tập trung và không màng tới việc cô có thể trừ điểm nề nếp cho cá nhân và tập thể; hoặc khi chia nhóm tham gia trò chơi, chơi được nửa chừng nếu con cảm thấy đội cháu sắp thua, là con sẽ bỏ ngay không chơi nữa vì con không thích cảm giác bị thua cuộc; thường hay gây hấn hay to tiếng với bạn khi chơi các trò chơi cần phải đọc kỹ quy tắc...)

* Thỉnh thoảng cố tình chọc tức người khác nếu không thích người đó.

* Không biết nhận lỗi của mình (vd quẹt vào người em gái, em nói mẹ và mẹ rầy anh thì anh rất tức giận em vì nghĩ em là nguyên nhân làm cho mình bị la; khi bị thầy cô cho điểm thấp vì không làm bài đầy đủ thì phản ứng bất hợp tác với thầy cô đó; phản ứng với bạn rất bạo lực khi bạn báo cáo cô về những hoạt động con làm chưa tốt ở lớp ... )

* Dễ bực bội khi nghe người khác nói đùa về mình hay nghe những lời khen mà con cho là không đúng sự thật (vd con tên là Khoa, nhưng bạn nói con là "củ khoai" thì con rất giận, có lần đi học tiếng Anh thầy giáo nước ngòai phát âm tên con thành Hoa, bạn dịch thành Flower, con cho là chế nhạo con; hay cách đây mấy năm, con về nói mẹ ghét bạn A vì bạn A khen bạn X "thông minh và xinh đẹp", nhưng con lại thấy bạn X học dở và chẳng đẹp chút nào!!!)

* Khi ba mẹ hay thầy cô la rầy, lúc nhỏ hơn thì con nhìn chằm chằm vào mặt người lớn, ánh mắt rất kỳ lạ có vẻ như nghe mà không hiểu. Bây giờ lớn hơn thì con nhất định xoay lưng lại không nhìn vào mặt người đang rầy con, thậm chí lấy tay bịt tai lại hay lấy mền trùm đầu khi đang ở nhà. Khi bị rầy vì làm sai, con nhất định không trả lời mọi câu hỏi của người lớn, kể cả "có" hay "không"; rất dễ làm cho người lớn lâm vào cảnh mất bình tĩnh. Mặc dù xoay lưng lại nhưng mẹ biết là con có nghe, vì ngày hôm sau khi con đã bình tĩnh, khi hỏi lại con có thể nói đúng mẹ đã không hài lòng và dặn con điều gì.

* Ngày nào cũng than phiền là xã hội nhiều điều xấu vì báo chí ngày nào cũng đăng trên trang nhất những tin xấu.

* Thích cái gì là nói hòai mỗi ngày làm cho cả nhà rất khó chịu (ví dụ hiện tại con đang muốn có games boy để chơi và đang đấu tranh để có cái games boy suốt 8 tháng nay, nhưng cho đến bây giờ ba mẹ vẫn nhất định không mua, tết con đi chùa cũng cầu Phật cho con có cái games boy!)

* Không thích chờ đợi khi đi nhà hàng, khi xếp hàng, ... rất khó chịu và càm ràm liên tục, mặc dù đã đuợc nói trước để chuẩn bị tinh thần.

....

Mong nhận đuợc hướng dẫn của chị.

Cảm ơn chị rất nhiều.

H. Thao
khoavn
 
Bài viết: 48
Ngày tham gia: T.Hai Tháng 2 09, 2009 2:32 am

Re: Tôi nghi ngờ cháu bị hội chứng Asperger

Gửi bàigửi bởi Nguyen,Anh » T.Hai Tháng 2 16, 2009 1:46 am

Phần trả lời từ chuyên viên Cùng Nhau Vượt Khó

* Không cãi người lớn khi không đồng ý, nhưng không nói ra là mình không đồng ý và sau đó không làm theo.
* Không tuân theo một số quy tắc nếu không thích
* Thỉnh thoảng cố tình chọc tức người khác nếu không thích người đó.
* Không biết nhận lỗi của mình
* Dễ bực bội khi nghe người khác nói đùa về mình hay nghe những lời khen mà con cho là không đúng sự thật
* Khi ba mẹ hay thầy cô la rầy, lúc nhỏ hơn thì con nhìn chằm chằm vào mặt người lớn, ánh mắt rất kỳ lạ có vẻ như nghe mà không hiểu. Bây giờ lớn hơn thì con nhất định xoay lưng lại không nhìn vào mặt người đang rầy con, thậm chí lấy tay bịt tai lại hay lấy mền trùm đầu khi đang ở nhà. Khi bị rầy vì làm sai, con nhất định không trả lời mọi câu hỏi của người lớn, kể cả "có" hay "không"; rất dễ làm cho người lớn lâm vào cảnh mất bình tĩnh. Mặc dù xoay lưng lại nhưng mẹ biết là con có nghe, vì ngày hôm sau khi con đã bình tĩnh, khi hỏi lại con có thể nói đúng mẹ đã không hài lòng và dặn con điều gì.
* Ngày nào cũng than phiền là xã hội nhiều điều xấu vì báo chí ngày nào cũng đăng trên trang nhất những tin xấu.
* Thích cái gì là nói hòai mỗi ngày làm cho cả nhà rất khó chịu (ví dụ hiện tại con đang muốn có games boy để chơi và đang đấu tranh để có cái games boy suốt 8 tháng nay, nhưng cho đến bây giờ ba mẹ vẫn nhất định không mua, tết con đi chùa cũng cầu Phật cho con có cái games boy!)
* Không thích chờ đợi khi đi nhà hàng, khi xếp hàng, ... rất khó chịu và càm ràm liên tục, mặc dù đã đuợc nói trước để chuẩn bị tinh thần.


Tôi đọc lời mô tả của chị mà nghĩ đến cậu con của mình. Y hệt chị ạ. Có lẽ cũng chính vì nét tương đồng giữa các cậu bé vào tuổi trưởng thành này mà người ta ít chịu chấp nhận chẩn đoán AS. Tôi đoán - đoán thôi nhé - cháu có thể còn bướng bỉnh hơn nữa cho đến khi hết tuổi trưởng thành.

Tôi nghĩ chị nên định ra một vài hành vi bất xứng của cháu để "tấn công" trước. Nỗ lực cho nhiều mục tiêu vào cùng thời điểm có thể làm chị và cháu mỏi mệt. Ngoài ra, sợ rằng thời gian mẹ con cười đùa với nhau giảm đi.

Các bệnh nhân AS của tôi dư khả năng lấy điểm tối đa trong những bài khám thẩm định về khả năng giao tế. Các em nói vanh vách về những gì mình phải làm hay không nên làm. Thế nhưng áp dụng thực tế thì không xong. Vì vậy, khi chị dậy cháu, cháu có thể nắm được nguyên tắc trên sách vở. Chị thử làm ra những bảng theo kiểu checklist cho cháu sử dụng ở những tình thế xã hội thực tế. Thí dụ, bảng có ngày tháng và hành vi mà chị muốn huấn luyện. Rồi cháu sẽ đánh dấu những gì làm được, những gì thất bại, và cho lý do. Chị cũng treo giải cho những thành công nhỏ của cháu bằng cách cộng điểm và thưởng. Chiếc máy games boy có thể là phần thưởng rất hấp dẫn! Chắc tôi không nói thì chị cũng sẽ không mua ngay games boy cho mọt thành công bước nhỏ, phải không chị?

Tôi vẫn đang cười thích thú vì nghĩ đến hình ảnh cháu nói mãi về games boy, rồi còn xin games boy khi đi chùa. Tôi cũng khâm phục chị đã vững lòng theo kiểu "mẹ đã nói không, mẹ xin lỗi vì không đúng ý con, nhưng không vẫn là không, con ạ!" Chị kiên trì như thế là tốt cho cháu quá rồi. Tôi phải học lối kiên trì này mới được. Cậu con tôi lải nhải vài lần, tôi chào thua vì sợ phải nghe nhức đầu. Cứ thế, con nó... "lên bàn thờ", mẹ tôi vẫn trách tôi như vậy. :P

Chị thử duyệt lại hành vi của cháu và chọn một vài mục tiêu, rồi mình nói chuyện thêm, chị nhé.

Nguyễn Tường Anh/Nhóm Chuyên Gia TK
Nguyễn Tường Anh
Nhóm Chuyên Gia TK
Hình đại diện của thành viên
Nguyen,Anh
 
Bài viết: 4504
Ngày tham gia: T.Bảy Tháng 1 10, 2009 12:05 pm

Hội chứng Asperger - ứng xử ở trường học

Gửi bàigửi bởi khoavn » CN Tháng 3 01, 2009 10:45 pm

Nguyen,Anh đã viết:Phần trả lời từ chuyên viên Cùng Nhau Vượt Khó

Thu Anh ơi, phải chiến đấu với sóng dữ mà chỉ có một mình không phải là điều dễ thực hiện. Xin chia xẻ với Thu Anh. Bạn vững vàng lên, Trường An còn cần đến bạn trong nhiều năm tới.

Bạn cũng đừng lo lắng vì có cháu thứ 2 mà ít giờ chăm sóc Trường An. Bạn đã làm rất nhiều để đưa đến tiến bộ hôm nay của cháu đấy chứ! Và em bé cũng là người bạn chơi xuất sắc với anh, là kiểu mẫu để ông bà nội và bố hiểu anh hơn.

Riêng việc bạn bè bảo cháu "có bệnh" hay cháu đang ít nhiều có mặc cảm này, bạn nhất định phải dậy cháu phản ứng nhé. Chúng tôi hay nói là các em "hành xử khác người khác" (không phải "khác người") nhưng không bệnh tật, tâm thần gì hết. Đành rằng y khoa định danh là rối loạn, chúng tôi không giới thiệu danh từ này khi các em chưa ở tuổi trưởng thành. Mình không dậy cháu phủ nhận gì cả, nhưng dậy cháu phản ứng trước bất kỳ ai cho rằng cháu có bệnh, bất thường... bằng cách nói thẳng và nói ngay: "Bạn (hay bất kỳ ai) không nên nói thế vì câu nói ấy không lịch sự."

Hy vọng sẽ tiếp tục nghe về những tiến bộ của Trường An.

Nguyễn Tường Anh/Nhóm Chuyên Gia TK


Chào chị Tường Anh

Con trai của chị Thu Anh cũng giống Khoa của tôi lắm chị ạ. Tôi cũng đọc những lời tư vấn chị Tường Anh gởi cho Thu Anh, có nhiều điều rất bổ ích và có thể áp dụng cho con trai của tôi.

Ngoài ra cũng nhờ dự án này mà tôi hiểu rõ hơn về AS, và tôi thấy tự tin hơn về tương lai của con. Con có thể trở thành một người lớn tự lập, con có thể được một số người hiểu và yêu mến, con có thể theo đuổi con đường học tập đến đại học ... Đó là những khẳng định giúp nâng đỡ tinh thần của những người mẹ như tôi chị ạ, vì ở VN, nhiều BS và nhà tư vấn tâm lý nghĩ AS là một hội chứng có bà con với tự kỷ, và do vậy tới một lúc nào đó các cháu có thể không thể tiếp tục con đường học vấn, khi trưởng thành luôn cần có sự giám sát mà khó có khả năng tự lập...

Về mặc cảm "có bệnh", khi học cấp 1 con trai tôi có lần nói với mẹ : Mẹ ơi, con không giống các bạn, con thuộc chủng tộc khác, nên các bạn không thích chơi với con. Mẹ hỏi : vậy các bạn nói con thuộc chủng tộc gì? Con trả lời : chủng tộc đẹp trai và thông minh! Mẹ buồn cười quá, nhưng cũng phải hỏi tiếp : vậy các bạn cư xử với con thế nào? Các bạn hay chọc con. Nhưng hỏi chọc thế nào và con phản ứng thế nào thì con không trả lời. Chính vì vậy thỉnh thoảng mẹ phải cho con đi gặp chuyên gia tâm lý để con trút bầu tâm sự và được giải tỏa tâm lý, vì có nhiều điều mà con không muốn chia sẻ với mẹ. Để giảm stress, con thường vẽ tranh theo kiểu hoạt họa, những giai đoạn bị ức chế nhiều, tranh của con đầy hình ảnh bạo lực (giết, chém, bắn súng, tự tử...). Thường những giai đoạn này, chính con đề nghị mẹ cho con đi gặp chuyên viên tâm lý. Khoảng 2 năm gần đây, con có thể tâm sự tốt hơn với ba mẹ và không phải đi gặp cv tâm lý nữa.

Chị Tường Anh ơi, chị cũng làm công việc tư vấn cho học sinh AS ở trường học phải không? Chị có thể kể cho tôi biết các học sinh AS ở trường ứng xử như thế nào mà lại hay bị các bạn khác chọc không? Con trai tôi từ lúc nhỏ đi học đến giờ rất hay bị bạn bè để ý, chọc ghẹo, nói đùa, ... tôi nghĩ có khi do cháu nhạy cảm quá với những lời nói đùa của bạn và hay phản ứng lại như nổi giận, khóc lóc, ... nên bạn để ý. Khi mẹ hỏi tại sao những bạn khác không bị chọc mà con lại bị? Con cố gắng nhìn các bạn khác cư xử thế nào trong cùng tình huống và làm giống các bạn khác được không? Con không trả lời, nhưng tôi hiểu ý con nói là con không làm được. Nhiều lúc tôi rất tò mò, muốn mang camera vào lớp (nhưng chưa làm đuợc), để xem con và các bạn cư xử với nhau thế nào ở trường mà con ít khi có cảm giác hài lòng và vui vẻ.

Khi còn nhỏ, con hay khóc, bây giờ lớn hơn con không khóc nữa mà phản ứng khá bạo lực : cắn bạn, đánh vào người bạn, nhe răng ra như ác quỷ để dọa bạn.... Khoảng vài tháng sau khi con vào lớp 6, tôi nghe cô giáo chủ nhiệm báo lại tình hình của cháu như sau :

- phản ứng không tốt với thầy cô khi thầy cô nhắc nhở giữ trật tự trong lớp hoặc cho điểm thấp vì không học bài (đập bàn, đánh bạn kế bên, không trả lời thầy cô)
- nổi cộc với bạn, cắn bạn nhiều hơn là đánh bạn, đe dọa bạn, nếu bạn dọa mách cô, hoặc ghi tên vào sổ đầu bài (truờng cấp 2 ở VN luôn có sổ đầu bài ở bàn GV bộ môn, để GV nhận xét, đánh giá tiết học ở lớp. Nếu lớp ồn hay có nhiều bạn không học bài, không phát biểu, GV sẽ trừ điểm. Sau đó học sinh trực nhật phải ghi tên những học sinh có hành vi xấu làm cho lớp bị trừ điểm tiết học kẹp vào sổ đầu bài).
- khi bạn góp ý, nếu khen thì con rất thích, nhưng nếu chê thì con sẽ không chịu nhận lỗi mà nổi giận với bạn.
- mất tập trung nhiều hơn trong giờ học Văn, Lịch sử; hay phát biểu linh tinh, đôi khi ngủ gục, ... Các môn học khác học tốt và hợp tác tốt với giáo viên bộ môn.

Có 1 điều mà con luôn nói là "không thích bị cô rầy truớc mặt các bạn", chính vì vậy để bảo vệ chính mình, con tỏ thái độ rất hung hăng và trở nên rất kích động, nóng giận khi bạn nào có ý định ghi tên con vào sổ báo cáo, hay đứng lên nói với thầy cô về những hành vi chưa tốt của con.

Cô giáo cho biết, học kỳ 1 có nhiều học sinh nghịch phá, chưa quen với nề nếp truờng mới, nên nếu ai có vấn đề gì, cô chỉ nhắc nhở hoặc cho viết kiểm điểm, nhưng sang học kỳ 2, nếu vi phạm nội quy nhà trường, trong đó có lỗi "bạo lực" và "vô lễ với thầy cô", sẽ bị cho ra Hội đồng kỷ luật nhà trường và tùy theo mức độ vi phạm, bị cho nghỉ học từ 3 ngày đến 7 ngày.

Từ đầu HK 2 đến nay (2 tháng), lớp của con đã có 2 bạn bị đưa ra HĐKL và bị nghỉ học 3 ngày. Khoa rất ý thức chuyện này nên cô giáo nói con ngoan hơn hẳn. Tuy nhiên thỉnh thoảng mẹ vẫn nghe bạn bè phàn nàn là bạn bè sợ K nổi cơn kích động như hồi đầu năm nên con có làm chuyện gì chưa tốt bạn cũng không dám nói (ngoài ra cô giáo cũng nói với các bạn là con "bị bệnh" nên bạn bè cần phải đối xử nhẹ nhàng và thận trọng với con - một số bạn cũng bình luận thêm là K chỉ giả bộ bệnh thôi, để được đặc quyền đặc lợi ...)

Chị Tường Anh góp ý giúp tôi nên giải thích và dạy con thế nào về chuyện con không được cộc cằn và khống chế bạn bè khi bạn phê bình về nề nếp kỷ luật, học tập chưa tốt của con? Tôi đã nhiều lần phân tích cho con nghe như vậy là không tốt, cần phải biết nhận lỗi và biết phục thiện, nhưng con vẫn tiếp tục ứng xử rất bản năng khi gặp tình huống đó.

Ngòai ra tôi nên nói chuyện với cô giáo như thế nào, cô có nên áp dụng chính sách kỷ luật nghiêm khắc đối với con tương tự như với các học sinh khác hay không, hay cô nên nương nhẹ những trẻ như con để tránh xung đột và tránh kích thích thần kinh của con? Trong truờng hợp cư xử nương nhẹ, bạn bè của con sẽ nhận biết và cho là cô không công bằng, bạn bè sẽ càng không thích con hơn.

Mong lời khuyên của chị. Cảm ơn chị TA nhiều và chúc chị một tuần làm việc vui vẻ và thuận lợi.

H. Thảo
khoavn
 
Bài viết: 48
Ngày tham gia: T.Hai Tháng 2 09, 2009 2:32 am

Trang kế tiếp

Quay về Hỏi Đáp (xin đọc lại những bài cũ trước khi hỏi)

Đang trực tuyến

Đang xem chuyên mục này: Không có thành viên nào trực tuyến.26 khách.

cron