Chủ đề này mỗi lần đọc lại làm em … thoát ly hiện tại một chút, ngồi nghĩ bần thần một lát chuyện không của riêng mình. Chuyện của em thì chỉ từ nhà đến nơi làm thế mà vẫn vội (đi làm đúng giờ là mừng lắm).
Hôm nay, em đi dự đám cưới của một đứa em cùng chỗ làm. Rất đông người đến dự. Em ấy sống rất vui vẻ, hòa đồng, luôn là một cây trong hoạt động phong trào. Đáng nói là em ấy mất bố từ khi còn trong bụng mẹ, rồi mẹ mất khi chuẩn bị vào đại học. Không hiểu sao em ấy vẫn sống vui và quan tâm tới mọi người như vậy, đã mua được một căn hộ nhỏ trước khi lấy vợ. Em ấy cũng có may mắn được họ hàng giúp đỡ rất nhiều. Vậy là những hoàn cảnh không may mắn nhưng giàu nghị lực vươn lên vẫn được tất cả mọi người trân trọng phải không các anh chị? Dù sự không may không giống nhau, người mất cái này cái kia, những nỗ lực hòa nhập vào cuộc sống và sống một cách tươi vui, lạc quan và có ích vẫn được ca ngợi trong bất cứ xã hội nào.
Em không có ý chê bai người khuyết tật chưa mạnh mẽ lên, chưa dẫm đạp được qua những tổn thương mà xã hội gây ra dù có thể chỉ là lời nói thiếu tôn trọng, để sống vui với những khó khăn, những khiếm khuyết của mình, và từ đó tìm kiếm sự chia sẻ, sự giúp đỡ của mọi người xung quanh. Vì mỗi loại khó khăn rất khác nhau, rồi những hoàn cảnh lại càng khác nhau, từ giàu nghèo, nhận thức ..., không thể quy chụp nói người KT chưa có sự mạnh mẽ cần thiết để vượt qua những rào cản do xã hội đặt ra. Nhưng em nghĩ một người KT đồng nghĩa người đó có một trái tim dũng cảm, một nghị lực hơn hẳn bình thường, một cái đầu và đôi bàn tay nghĩ khác, làm khác.
Cộng hưởng trong xã hội Việt Nam đối với những giá trị mang lại cho cộng đồng, dù đó có thể là những giá trị về mặt tinh thần của người KT là có thực anh Nam ạ. Anh biết chuyện “Hành trình xương thủy tinh” của bà mẹ Thu Hương và chú bé Hội đó, cuốn truyện được bán hết sạch, em không rõ có ra được triệu bản không, nhưng là “best seller” một thời. Rồi câu chuyện chị Hương người đầu tiên đã biên tập những cuốn sách nói cho người mù viết đều trên các bài báo một thời … Điều đáng nói là những cộng hưởng ấy có tiếp tục được nhân lên, lan rộng ra, hay chỉ thành một đợt sóng … Sau những ồn ào trên thông tin đại chúng, cuộc sống của chú bé Hội, của chị Hương có chuyển sang hướng dễ chịu, thoải mái hơn không, sách nói cho người mù có tăng lên không, người KT có nhận được thêm sự cảm thông hỗ trợ gì? Cái đó lại không được nói đến anh ạ. Nhưng đó là chuyện của báo chí.
Ngay cả một tờ báo của người khuyết tật, một diễn đàn để chia sẻ giữa những người KT hình như cũng chưa thành phổ biến ở nước mình (vì em chưa thấy thôi ạ) trong khi các tạp chí về người đẹp, chuyện hậu trường, vụ án, rồi xì căng đan, lộ hàng thì nhan nhản. Có tỷ thứ phải quan tâm phải không anh, chuyện của người KT, khó khăn của họ cũng vậy, nó có bức thiết như chuyện cơm áo gạo tiền chắc hẳn không rồi vì VN vẫn là một nước còn nghèo, phát triển kinh tế vẫn phải ưu tiên, rồi mới tới giúp được gì cho người KT. Bây giờ ưu tiên phát triển kinh tế mà đã sinh lắm vấn đề rồi: lạm phát, môi trường ô nhiễm, đô thị quá tải, pháp luật lỏng lẻo … Nhà nước hết tháo rồi lại gỡ.
Trong hoàn cảnh đó, em nghĩ chỉ có tự đứng lên mà thôi. Đứng chung chiêng, ngã lên ngã xuống, rồi lại dậy. Vẫn phải cười trong khi vẫn khóc đấy. Rồi ai có điều kiện thì giúp đỡ người ít điều kiện hơn. Rồi kêu gọi sự giúp đỡ. Ngay cả nhờ giúp đỡ cũng đã là tâm lý ngại ngùng ở VN anh chị ạ, phần vì mặc cảm, tự ti, phần vì cũng đã
từng bị từ chối, một lần không sao nhưng chục lần thì cũng chẳng nói nhờ làm gì nữa. Cái này cả người không có khó khăn gì cũng mắc ấy ạ.
Để hợp lực được cả cộng đồng người KT, thì chắc phải có policy “đối lập” và policy maker chuyên nghiệp, mà ở VN mình anh ạ policy maker thường là người không khuyết tật hay không sống/làm chung với người KT (làm sao họ hiểu được người KT muốn gì hả anh, nói gì đến hỗ trợ thì hỗ trợ như thế nào). Em nghĩ tiền ít không phải là cái để không làm được, mà chính là không biết tiêu tiền vào đâu, hay chỉ vào những hoạt động chủ yếu liên quan đến nhận thức của cộng đồng, những họp hành, giao lưu, ca nhạc gây quỹ năm nào cũng như năm nào… Em không phản đối hoạt động giao lưu, ca nhạc cho người KT, nhưng nếu tiền ấy để đưa vào trợ cấp cho người KT còn nghèo, đầu tư cơ sở, sách vở, đồ dùng giáo dục đặc biệt, thêm lương cho giáo viên giáo dục đặc biệt, … thì tốt hơn. Sách vở cho giáo dục đặc biệt ở VN rất ít anh ạ, có lẽ số cuốn sách chưa quá 5 đầu ngón tay. Tiếng Anh thì số người biết không nhiều, nên không đọc được gì anh ạ. Điều đó là do policy maker chưa làm được, và họ buông xuôi nhưng họ vẫn giữ ghế của mình không nhường/tìm người có năng lực. Người VN mình 40/80 triệu dân, nếu đóng góp 1.000 thôi cũng là 40 tỷ rồi, số tiền không lớn cũng không nhỏ chút nào. Còn policy “đối lập” (em không rõ TA nó nghĩa là gì) thì ở mình phải lì, và củ chuối một tí anh ạ. Anh đọc báo chắc biết vụ ông Vươn (Tiên Lãng, Hải Phòng), phải bám đất bám vườn mới thắng được, chứ cứ dùng lý lẽ thì chỉ mất nhà. Mà sự lì lợm, chưa nói là đầu gấu thì không phải ai cũng làm được phải không anh?
Em lại “khổ lắm nói mãi” đã cho em có một cơ hội được biết thêm cuộc sống của mọi người còn biết bao bề bộn, lo toan xung quanh mà vẫn sống, cống hiến, lại tận hưởng nữa, được viết ra những gì mình thấy, mình nghĩ ở đây, để xốc lại mình ... Mai sẽ làm gì, ăn gì, đi đâu …?
Chúc các anh chị, toàn thể phụ huynh và các em bé ngày nghỉ cuối tuần vui vẻ, hạnh phúc!