Về việc Bác sỹ kê đơn thuốc maze B6 và Somazina thì chỉ nói là thuốc B6 là giảm tăng động, thuốc còn lại là thuốc bổ não. Em cho cháu uống nhưng thấy việc tăng động không giảm.
Với Somazina, chúng tôi biết các bệnh nhân do tai nạn hoặc tai biến mạch máu não có thể sử dụng. Tôi chưa thấy em học sinh nhóm giáo dục đặc biệt nào sử dụng Somazina.
Về B6, một số (ít) những cá nhân có các rối loạn như trầm cảm, lo sợ... dùng B6. B6 được cho là có khả năng làm thần kinh giãn xả. Tôi cũng không thấy em học sinh hiếu động hay tự kỷ nào tại Hoa Kỳ dùng B6.
Cháu đã từng có một khoảng thời gian thoái triển về ngôn ngữ, đó là lúc 18 tháng cháu nói ít hơn lúc 1 tuổi
Hiện nay nhận thức, ngôn ngữ của cháu phát triển theo thời gian nhưng so với trẻ cùng độ tuổi thì chậm rõ ràng ạ.Hình như chỉ những điều gì mình dạy thì cháu mới biết chứ không tự học hỏi như trẻ khác. Cháu nói rất ngọng vì bị phanh lưỡi. Những lúc cháu bắt chước người lớn gọi điện thoại cháu chỉ nói được một số câu có nghĩa, ngoài ra cháu nói xì xồ. Em so sánh về chuẩn phát triển của trẻ 3 tuổi thì những điều cháu làm được chiếm khoảng 50 đến 60 %. Trong 8 biểu hiện cần gặp BS thì con em có 1 biểu hiện.
Ai nói với bạn là cháu ngắn phanh lưỡi? Khi cháu thè lưỡi ra ngoài, hình dạng đầu lưỡi ra sao? Cháu nói ngọng những phụ âm nào? Không phải phụ âm nào ngọng cũng do ngắn phanh lưỡi. Cắt phanh lưỡi xong không hẳn đã hết ngọng.
Hiện tại em cho cháu đi học cả ngày ở một trung tâm. Tại đó cháu được học với các cháu tự kỷ, tăng động...các cháu được học hát, học múa như lớp mầm non, ngoài ra mỗi ngày có 1 giờ cá nhân khoảng 30 phút 1 cô 1 trò ngồi đối diện nhau, cô giáo dạy cháu nhận biết màu sắc, dạy về nhận thức theo từng độ tuổi của các cháu...
Sau 4 tháng cháu có tiến bộ về nhận thức một chút, VD biết đầu để suy nghĩ, chân để đi..., biết tình cảm với bố mẹ hơn, nhưng tăng động thì không giảm
Tăng động, hay hiếu động, không phải chỉ can thiệp mà hết. Nói đúng hơn, chứng hiếu động không bao giờ hết. Khi rối loạn tập trung này khiến một em học sinh không thể sử dụng trí thông minh của mình để tiến bộ, bác sĩ và phụ huynh có thể nghĩ đến việc dùng dược liệu. Các dược liệu hiện đang sử dụng tại Việt Nam là Risperdal, Deparkin. Các loại khác (Ritalin) thì thị trường VN không có.
Em đang băn khoăn, không biết chương trình can thiệp như ở trung tâm trên có thật sự tôt và có hiệu quả với con em không? Có lẽ em cũng sẽ khám tiếp một bác sỹ khác. Thực sự bây giờ em không biết con mình đang bị rối lọan phát triển ở dạng nào, tự kỷ, tăng động hay chậm phát triển?
Rất tiếc mình không trả lời được những câu hỏi này. Mình không biết về trung tâm ấy, cũng không biết về bé. Điều mình có thể nói là:
1. Trẻ tự kỷ 90% có thêm rối loạn hiếu động thiếu tập trung, và rối loạn ngôn ngữ/giao tế.
2. Có những em học sinh có rối loạn hiếu động thiếu tập trung, nhưng nhận thức tạm ổn định. Đó là dấu hiệu cho thấy em chỉ hiếu động mà thôi (dù hành vi vẫn có, chẳng hạn táy máy chân tay, không vâng lời...)
3. Có những em học sinh có rối loạn ngôn ngữ, có thiếu tập trung, nhưng nhận thức tạm ổn định. (Vẫn có hành vi như hay giận dữ, chân tay táy máy...). Các em không có những rối loạn điều hòa cảm giác, không rập khuôn với sinh hoạt hàng ngày... Các em cũng không có biểu hiện thoái triển ngôn ngữ. Những em này không thuộc nhóm trẻ tự kỷ.
4. Chậm phát triển dạng PDD là chẩn đoán dành cho những em có các biểu hiện như nhóm trẻ tự kỷ nhưng không nhiều.
Tôi biết nói như trên bạn cũng có thể không đoán ra con có rối loạn gì. Hy vọng bạn không thất vọng. Nói cho cùng, bạn không phải là chuyên viên ngành này, mà là chuyên viên một ngành khác.
Bằng kinh nghiệm và linh cảm nghề nghiệp của mình các anh tư vấn giúp em với ạ. Em sợ nhất là đến tuổi đi học mà cháu không tập trung, không học được ạ.
Bạn nên tìm cách soạn kế hoạch hành động: định ra những khó khăn của con, rồi soạn giáo án hỗ trợ. Đây cũng là việc bạn có thể làm không xuể, không chính xác... vì không phải chuyên môn của bạn. Rất tiếc phụ huynh tại VN chưa nhờ cậy được ngành giáo dục để hỗ trợ các con em có rối loạn mặt này mặt kia. Cố gắng vậy, bạn nhé.