Bé Bamsa, 2 tuổi 8 tháng

Mỗi chủ đề trong mục này như là một căn nhà phụ huynh dựng lên cho con mình. Mong mọi người cùng thăm hỏi hàng xóm, hỏi thăm tiến bộ của các bé và chia sẻ kinh nghiệm với nhau.

Bé Bamsa, 2 tuổi 8 tháng

Gửi bàigửi bởi conyeucuame3258 » CN Tháng 11 30, 2014 12:38 pm

Chào các anh chị và các bạn.
Suốt gần 2 tháng nay, mình là khách thường xuyên ghé thăm trang nhà. Hồi mới đầu mỗi khi đọc là nước mắt vòng quanh, nhưng sau khoảng một thời gian thì cũng bình tâm lại và hy vọng vào một tương lai tốt đẹp.

Mình mở chủ đề mới này về bé Bamsa nhà mình, rất mong được nhận những góp ý, cũng như quan tâm, chia sẻ của các anh chị, để mình thêm vững lòng hơn.

Bé nhà mình là bé lai, được 32 tháng tuổi rồi. Ở nhà mình nói tiếng Việt với bé, chồng nói tiếng Thụy Điển với bé, còn hai vợ chồng mình lại nói chuyện với nhau bằng tiếng Anh.
Mình ''cố tình'' giữ bé ở nhà không cho đi trẻ suốt 2 năm đầu tiên vì muốn bé ở nhà với mình để tập cho bé nói tiếng Việt với mình. Tuy nhiên, hàng ngày do công việc bận rộn, vất vả nên mình có rất ít thời gian dành cho bé. Chủ yếu là cô trông trẻ giúp đỡ. Cô ấy là người VN nên nói tiếng Việt với bé. Nhưng cô ấy cũng ko nói nhiều mà chủ yếu để bé ngồi chơi Iphone, nghe nhạc Việt. Bé lại ngủ rất nhiều trong hai năm đầu tiên nên thời gian mình tiếp xúc với bé hàng ngày phải nói là rất ít (huhu, mình thật tệ).

Ngay từ khi nhỏ xíu bé đã rất thích gặp gỡ người lạ, ai không quen mà bế cũng được. Khoảng 10 tháng trở đi thì phải làm quen một lúc bé mới chịu cho bế bồng.
Bé biết nói ''măm măm'' và một hai từ khác hoàn toàn không đúng ngữ cảnh. Nhưng hồi ấy mình thấy bé nói đáng yêu nên toàn động viên bé nói đi nói lại mấy từ đó hoài. Bé thấy mình thích nên cũng hay nói từ đó. Bé thích điện thoại nói chuyện với người thân, ai hỏi gì cũng chỉ trả lời bằng mấy từ ''măm măm'' mà bé biết thôi.
Bé thích bắt chước, lúc 3 tháng đã biết bắt chước chậc lưỡi liên tục, bắt chước ho, hắt xì hơi.

Bé vận động rất tốt, ăn uống rất tốt, trộm vía rất ít ốm, sốt (chỉ 1, 2 lần nhẹ thôi). Bé rất tình cảm, hồi ba ở nhà nhiều thì bé quấn ba. Khi mẹ ở nhà nhiều thì bé quấn mẹ. Bảo bé thơm, hôn thì bé hôn hoài (nhưng nhiều khi hôn mà mắt nhìn chỗ khác).
Bé biết tự xúc ăn giỏi, uống nước bằng cốc, bằng ống hút... từ khi còn rất bé. Bé biết tập tành dùng dao nĩa, dùng đũa mặc dù không giỏi từ khi khoảng 1.5 tuổi.


Bé biết tự cởi, mặc quần áo, xỏ giày, tháo giày, xỏ tất, đi tất. Bé đặc biệt mê giày, và thích được mua giày mới. Bé thích nói chuyện qua điện thoại với người thân. Không cho bé nói thì bé khóc, nhất là khi bé dưới 2 tuổi.

Bé biết nghe và làm theo nhiều mệnh lệnh như yêu cầu đóng, mở cửa, lau sàn (chẳng hạn khi bé làm đổ sữa), lau mũi, lấy sữa, bỏ rác vào thùng, ăn, uống, tắm, đứng lên, ngồi xuống, đi giày, thay bỉm, đi ngủ, lên giường... (bằng cả 2 ngôn ngữ).

Bé rất yêu động vật, chó, mèo, cừu, chim...

Bé thích chơi xếp hình, lego, chơi xỏ hạt. Bé cũng thích tất cả những trò vận động đặc biệt là cầu trượt và đi xe đạp ba bánh. Từ nhỏ đến khoảng 2 tuổi bé chỉ thích nghe đi nghe lại 4 - 5 bài hát quen thuộc. Nhưng bây giờ bé chán mở lên bé không muốn nghe nữa.

Mỗi giai đoạn bé lại thích một trò: lúc nhỏ thích thổi nến, rồi sau thích đóng mở cửa, bật công tắc điện, xả nước hay ném giấy vào bồn toilet. Nhưng giờ thì bé không nghịch mấy trò đó nữa.

Chừng giữa tháng 4.2014 mình cho bé đi trẻ nhưng được khoảng 3 tuần thì bé được nghỉ hè tới ba tháng liền. Vậy tổng cộng từ khi bắt đầu đến nay thì bé đi trẻ được khoảng 5 tháng.

Thỉnh thoảng cũng có người hỏi sao không thấy bé nói, nhưng rồi mình và tất cả mọi người đều nói do bé phải nghe đến cả 3 ngôn ngữ cùng lúc nên sẽ có chậm trễ. Thêm nữa, bé lại hiểu được cả hai ngôn ngữ của cả bố và mẹ nên càng khiến mình ung dung hơn.

Ngày 6 tháng 10 vừa rồi (mình nhớ chính xác bởi vì quá đau khổ, huhu) mình lên mạng đọc và giật mình thấy bé có mấy triệu chứng rất điển hình của trẻ tự kỷ (gọi không quay lại, nói chuyện không nhìn vào mắt, không biết chỉ tay, thiếu ngôn ngữ, không chơi với bạn, đi bằng đầu ngón chân. Cụ thể như sau:

- Khi gọi bé ở nhà thì hầu như không tỏ ra phản ứng gì. Nhưng nếu dẫn bé đi đâu đó (trung tâm mua sắm chẳng hạn, khi bé chạy chơi xung quanh mà mình gọi là bé quay lại hay chạy lại ngay.
- Có giai đoạn bé rất hay đi nhón chân, nhưng mình nhớ là do hồi đó bé còn nhỏ hay đi chân đất. Còn từ khi bé biết đi giày thì mình không thấy bé đi nhón chân nữa, kể cả đi chân đất hay đi giày.
- Nếu cần gì thì bé dắt tay hoặc dẫn người lớn đến lấy đồ vật đó chứ không biết chỉ.
- Đi học bé không chơi với bạn mà toàn chơi một mình. Nhưng nếu là người lớn thì bé rất thích chơi cùng. Bé chỉ chơi song song với các bạn cùng tuổi, chơi bên cạnh thôi.
- Bảo bé nhìn vào mắt rất khó, bé toàn ngó lơ.

Sau cả mấy ngày hoảng loạn không ngủ mà thức đọc hết trang này đến trang khác về tự kỷ, mình quyết định cho bé đi bác sĩ tâm lý. Bác sĩ nói là có thể có gì đó liên quan đến tự kỷ mà trong 1 giờ ko thể nói được. Nhưng nếu có thì cũng chỉ ở thể nhẹ.

Mình liên lạc với chuyên gia thì đầu tiên họ cho bé đi khám tai, mắt đều ko vấn đề gì.
Sau đó họ hỏi mình rất rất nhiều câu hỏi, và nói cần theo dõi kỹ, ko kết luận gì về tự kỷ mà giờ phải tập trung luyện nói cho bé, không loại trừ yếu tố đa ngôn ngữ trong gia đình khiến bé chậm nói (nhưng nhiều gia đình mình biết dù nói nhiều ngôn ngữ cũng ko ảnh hưởng gì đến tốc độ học nói của trẻ).

Mình lăn lộn tìm kiếm nhưng thật khó vô cùng để tìm được 1 chuyên viên trị liệu tại nhà cho trẻ ở đây. Dịch vụ đó ở bên này hầu như không có. Chỉ có tại một số trường chuyên biệt nhưng bắt buộc bé phải học ở đó toàn thời gian. Mình thì vẫn muốn bé học trường thường để có cơ hội giao lưu, hòa nhập cùng các bạn. Cuối cùng thì mình tìm được một cô đến nhà dạy bé 6 tiếng 1 tuần. Trong đó 3 tiếng chủ yếu là đi chơi để khám phá thiên nhiên, 3 tiếng còn lại là xem sách tranh, nặn đất, nói chuyện, hát hò, chơi đồ chơi.

Từ hôm đọc được thông tin về tự kỷ đến nay được gần 2 tháng, mình đã tăng cường chơi với bé, nói chuyện, dạy bé chỉ tay, giao tiếp mắt.

Kết quả:
- Chỉ sau vài ngày, bé đã biết nhìn theo hướng chỉ tay (thay vì trước giờ toàn nhìn vào bàn tay). Sau khoảng 6 tuần (thực ra mình dạy bé rất ít. Cũng vì thấy lúc dạy bé chỉ tay bé không hợp tác nên nản, hichic, ai ngờ lại có kết quả), giờ bé đã biết chỉ tay bằng ngón trỏ. Hơn nữa, lại cực kỳ thích chỉ. Đi qua hồ thấy vịt bơi bé chỉ. Thấy chim bay qua là bé chỉ. Muốn ăn, muốn uống, hay muốn đi hướng nào là bé cũng chỉ. Mình giả bộ đi sai đường là bé chỉ cho đi đúng đường.

- Giao tiếp mắt càng ngày càng tốt lên. Mỗi khi xem phim hoạt hình đến cảnh bé thích bé đều chạy ra, xoay mặt về hướng mình, nhìn thẳng mắt và cười, như có ý khoe. Nếu mình không ở trong phòng lúc đó thì bé cũng chạy đi tìm bằng được. Bé cũng nhìn thẳng vào mắt khi mình chơi ú òa, hay khi mình dán những thứ kỳ lạ trên mũi. Khi chơi các trò chơi mà bé nằm phía dưới, khi đánh răng... thì bé cũng nhìn thẳng vào mắt.

- Trước kia bé cũng thích mình chơi chung đồ chơi, bây giờ càng ngày càng gắn bó hơn, ra kéo tay mẹ vào chơi cùng liên tục.

- MÌnh thử cho bé chơi giả bộ bằng cách giả bộ nhón tay ăn những món ăn trong thẻ tranh. Bé biết chơi theo ngay lập tức. Thế là từ đó bé cứ thấy tranh ảnh có hình món ăn là bé giả bộ nhón tay lấy để ăn hoặc cho mẹ ăn cùng. Lúc đầu bé thình thoảng... ăn cả những thẻ tranh hình đôi giày hay cái bàn, cái ghế nhưng được nhắc nên thôi rồi. Bé cũng giả ăn các hoa quả nhựa hoặc biết cho gấu bông uống nước.
- Bé biết chơi trốn tìm. Chơi ném bóng (chuyền qua chuyền lại). Chơi đẩy xe đồ chơi (mình đẩy cho bé, bé đẩy ngược lại).
- Nhà mình có cái đồng hồ phát ra tiếng chim cúc cu, cúc cu... Thế là mỗi khi bé nghe thấy đều cố bắt chước theo tiếng cúc cu đó dù không giống.
- Nếu có ai mở tủ lạnh quên không đóng khiến tủ kêu tít tít là bé biết chạy ra để đóng lại.
- Mình cho bé đi học lớp nhạc trẻ em. Buổi đầu bé không hợp tác. Nhưng từ buổi thứ hai là bé tự ngoan ngoãn ngồi học rồi bắt chước theo các động tác của cô.
- Khoảng vài tháng trước đây bé xuất hiện cử chỉ ăn vạ, hét to và lăn ra sàn rất lâu khi không được đáp ứng. Bây giờ hầu như không thấy lăn ra sàn, nhưng vẫn hét (nhỏ hơn trước nhiều)
- Khoảng 1.5 tháng nay mình chỉ nói với bé bằng tiếng Thụy Điển (Do mình muốn bé tập trung vào 1 ngôn ngữ). Mình cũng tích cực cho bé chơi các phần mềm học số, học tiếng kêu loài vật, nhận mặt chữ, phát âm... Bé rất mê và chơi rất giỏi. Thậm chí còn ghép được nhiều từ thành chữ có nghĩa (nhưng mình nghĩ chắc là chơi đi chơi lại nhiều nên nhớ vẹt thôi). Bé cũng chơi một số phần mềm như dùng ngón tay viết số. Lúc đầu bé tập mãi mới viết được số 1 nhưng giờ đã biết viết tất cả các số.
- Bé cũng mê tít các trò chơi như tìm hai bức tranh giống nhau, tìm âm thanh giống nhau, có thể chơi cả ngày không chán. Mỗi khi làm đúng gì là bé vỗ tay reo hò và nhìn thẳng vào mắt mình. Mình phải vỗ tay theo mới chịu.
- Khi xem video học tiếng cho trẻ em trên mạng, bé rất thích, xem cả tháng nay mà chưa chán. Đến đoạn nào có 1 - 2 từ bé biết thì bé rất thích thú, cũng lặp lại theo.
- Mình mới dạy bé phân loại màu sắc bằng cách cho bé mấy chục trái bóng nhựa 5 màu khác nhau. Bé biết cho từng màu ra từng thùng.

Điều mình lo lắng hiện nay là:
- Ngôn ngữ của bé, dù bé hiểu nhưng bé không nói được. Bé chỉ nói được khoảng
3 từ đúng ngữ cảnh.
- Gọi bé ít khi quay đầu
- Giao tiếp mắt chưa tốt (khi mình nói chuyện bé hầu như không nhìn)
- Bé uống rất nhiều sữa (nếu không hạn chế thì bé có thể uống 1.5 lít 1 ngày)
- Bé đã từng đi nhón chân (mình xem 1 video trên youtube của bác sĩ VN nào đó bên Mỹ nói là nếu đã đi nhón chân thì thuộc thể nặng)
- Bé không chơi với các bạn. Bé có em trai 2 tháng nhưng bé hầu như không để ý đến em. Bảo bé hôn em thì bé xoa đầu em thôi. Có lần thấy em khóc thì bé ra đu đưa nôi.
- Khi đi học bé khá yên lặng, không nghịch như khi ở nhà.
- Bé không mang đồ chơi khoe với mình bao giờ (Dù biết chia sẻ, ví dụ, ăn món gì cũng mang chia cho tất cả mọi người cùng ăn)

Bé nhà mình được 32 tháng rồi, giờ mình chỉ biết chơi với bé tích cực hơn, nói chuyện nhiều hơn để cầu mong bé mau tiến bộ. Thấy bé có nhiều triệu chứng tự kỷ quá mình lo vô cùng. Thật sự chỉ ước sao bé có thể đi học bình thường như các bạn.

Mình xin lỗi vì viết dài, nhưng lòng dạ ngổn ngang, có những điều không dám chia sẻ với ai chỉ có thể giãi bày với mọi người trên diễn đàn.

Rất mong một cái nắm tay để vững vàng bước tiếp cùng con yêu.
conyeucuame3258
 
Bài viết: 2
Ngày tham gia: CN Tháng 11 30, 2014 9:49 am

Re: Bé Bamsa, 2 tuổi 8 tháng

Gửi bàigửi bởi conyeucuame3258 » T.Hai Tháng 12 01, 2014 2:37 am

Xin lỗi mọi người vì hôm qua đã viết dài mà giờ mình vẫn muốn bổ sung thêm:
- Mình không thể tìm được giáo viên chuyên biệt để can thiệp riêng bên này, vậy mình phải làm thế nào để giúp con?
- Mình không thể ép con học bằng thẻ tranh được, nhưng học flashcards trên phần mềm, ipad, apps thì bé rất say mê. Có nên tiếp tục?

Thực sự mình không biết phải làm thế nào. Rất mong các chuyên gia, các anh chị và các bạn tư vấn giùm mình. Nhìn con đẹp đẽ hồn nhiên, mà lòng buồn vô hạn. :cry:
conyeucuame3258
 
Bài viết: 2
Ngày tham gia: CN Tháng 11 30, 2014 9:49 am

Re: Bé Bamsa, 2 tuổi 8 tháng

Gửi bàigửi bởi admin » T.Hai Tháng 12 01, 2014 6:51 pm

conyeucuame3258 đã viết:Xin lỗi mọi người vì hôm qua đã viết dài mà giờ mình vẫn muốn bổ sung thêm:
- Mình không thể tìm được giáo viên chuyên biệt để can thiệp riêng bên này, vậy mình phải làm thế nào để giúp con?
- Mình không thể ép con học bằng thẻ tranh được, nhưng học flashcards trên phần mềm, ipad, apps thì bé rất say mê. Có nên tiếp tục?

Thực sự mình không biết phải làm thế nào. Rất mong các chuyên gia, các anh chị và các bạn tư vấn giùm mình. Nhìn con đẹp đẽ hồn nhiên, mà lòng buồn vô hạn. :cry:


Post dùm anh Phi

Hi,

Bạn đang ở Thụy Điển / Sweden. Theo Luật gddb (Hälso- och sjukvårdslagen). NN Trị liệu bên đó là dịch vụ của nhà nước, đc cung cấp miễn phí cho các em từ 0 tới 18 tuổi. Bạn ở vùng nào bên Thụy Điển?

Bạn nên liên lạc với các hội phụ huynh, hoặc giới chức giáo dục, cho họ biết Bộ luật Healthcare ở trên, và yêu cầu con bạn được can thiệp. Nếu bí quá, bạn email cho Ingrid.Kongslov@dik.se nhe. Người này lúc trước coi mảng NN trị liệu, đứng đầu Nhóm chuyên gia NNTL của Thụy Điển . Bạn trình bày truong hop con bạn (bằng tiếng Swedish hay tiếng Anh, of course), rồi hỏi xem có biết ai trong vùng bạn ở có thể giúp được bạn không.

Trở lại vụ dùng hình trong ipad. Các em học hình ảnh như một dụng cụ để truyền thông, phát triển ngôn ngữ nói (và dự phòng nếu sau này không có ngôn ngữ nói). Dần dần các em sẽ chuyển qua máy computer, laptop rồi ipad hay máy ngôn ngữ . Với các em nhảy ngay vào ipad, phần lớn là do thích thú với hình ảnh, màu sắc cho nên chỉ dùng để dạy được nhận ra sự vật (tact), hoặc cùng lắm là bắt chước âm thanh (echo). Khó mà dạy NN diễn đạt (manding) qua các máy móc đó ngay từ lúc đầu được .

Vậy nguy hiểm là gì ? Là con bạn sẽ "lên đô", không chịu học với các học cụ thấp hơn, và bạn không dạy con bạn NN diễn đạt được . Cái ipad sẽ nhanh chóng biết thành đồ chơi hơn là học cụ .

Nếu không ai bên đó có thể giúp bạn, bạn cần đưa bé đi để thẩm định, lên một chương trình can thiệp riêng và bạn đóng vai giáo viên . Việc này rất tốt kém cả về thời gian và tài chính . Tôi vẫn nghĩ bạn cần Nhà nước Thụy Điển giúp đỡ vì họ có Luật đàng hoàng mà .
admin
Site Admin
 
Bài viết: 1411
Ngày tham gia: T.Bảy Tháng 12 13, 2008 11:22 am


Quay về Giới thiệu Thành viên: bé được chữa trị thế nào...

Đang trực tuyến

Đang xem chuyên mục này: Không có thành viên nào trực tuyến.28 khách.

cron