Bé Tuấn Kiệt, 32 tháng, đang theo dõi nguy cơ Tự kỷ

Mỗi chủ đề trong mục này như là một căn nhà phụ huynh dựng lên cho con mình. Mong mọi người cùng thăm hỏi hàng xóm, hỏi thăm tiến bộ của các bé và chia sẻ kinh nghiệm với nhau.

Bé Tuấn Kiệt, 32 tháng, đang theo dõi nguy cơ Tự kỷ

Gửi bàigửi bởi My Sun » CN Tháng 3 04, 2012 8:15 pm

Em xin chào chị Tường Anh, anh Phi, Ban Điều hành CCM, cùng các phụ huynh tham gia diễn đàn,
Em có một bé trai 32 tháng tuổi đang được theo dõi nguy cơ TK. Cách đây 4 tháng, em đưa con đi khám tại Bệnh viên Nhi TW (Hà Nội). Bác sĩ kết luận là “chậm phát triển ngôn ngữ, gia đình cho trẻ đi học mẫu giáo, 3 tháng sau khám lại.” Ngoài ra không kèm thuốc hoặc chỉ định, hướng dẫn đặc biệt nào. Điểm CARS trong phiếu test là 31-32 điểm, kèm theo nhận xét “Có suy giảm khả năng chú ý chung.”
Sau khi tham khảo một số tài liệu, học hỏi kinh nghiệm của các phụ huynh, cùng 4 tháng cho con đi học mẫu giáo, kết hợp can thiệp cá nhân 1h/ngày tại một trung tâm gần nhà, và mẹ dạy/chơi với con hàng ngày, em xin kể qua với các bác về tiến bộ cũng như vấn đề đáng lo ngại của con hiện nay để các bác giúp đỡ và cho gia đình lời khuyên.
I. THÔNG TIN CƠ BẢN VỀ CON VÀ NHỮNG ĐIỀU CON LÀM ĐƯỢC:
- Giới tính: Bé trai
- Tuổi: 32 tháng (tháng 7 năm 2009), là con một.
- Chiều cao: 95cm
- Cân nặng: 17kg
1. Đặc điểm vận động, sinh hoạt:
- Trộm vía con hầu như không có vấn đề gì về vận động thô; con đi lại, chạy, nhảy, leo cầu thang… ngay ngắn, vững vàng, hoàn toàn như trẻ bình thường. Con thích đi bộ, có thể đi bộ 1-2km từ nhà ra siêu thị hoặc từ trường về nhà mà không bắt mẹ hoặc bà bế cõng, trừ hôm nào con mệt thì con chủ động đề nghị “mẹ bế” hoặc “bà bế,” “bà cõng”…
Về vận động tinh, con biết xé giấy, biết nhặt tăm nhỏ trên nền nhà bằng hai ngón tay, biết xâu hạt cỡ nhỏ bằng đầu đũa, biết lấy các hình khối gai ra khỏi cọc… Biết dùng dĩa để ăn hoa quả, tự xiên và cho vào miệng rất chuẩn. Xúc cơm thì còn rất vụng, nhưng nếu mẹ xúc sẵn thì con biết tự cầm cho vào miệng khá gọn ghẽ. Biết lấy sữa, lắc hộp và tự cắm ống hút. Biết cầm cốc uống bằng 1 tay…
- Có vẻ như con cũng không bị rối loạn giấc ngủ mấy, buổi trưa ăn xong ở nhà hay ở lớp mầm non, con nằm chậm nhất cũng chỉ 15-20 phút là ngủ, từ 1-2 tiếng đồng hồ tùy từng hôm. Buổi tối thì lâu hơn, 9h30 tắt điện lên giường thì con phải nằm ê a đến hơn 10h mới ngủ, thậm chí có hôm đến 11h, nhưng đã ngủ thì thường ngủ khá sâu và một mạch đến sáng, nếu không bị ho hoặc ngạt mũi.
- Trộm vía khoản ăn uống và tiêu hóa của con khá tốt. Con biết nhai từ sớm và ăn được gần tất cả các loại thức ăn và hoa quả từng thử qua, 2 tuổi đã bắt đầu ăn cơm bình thường. Con cũng hầu như không bao giờ bị táo bón, chỉ lâu lâu mọc răng hàm thì có sốt nhẹ đi kèm với đi ngoài phân lỏng một chút thôi.
2. Nhận thức:
- Con có nhận thức khá tốt, đi kèm với trí nhớ không đến nỗi nào. Con biết và gọi được tên hầu hết đồ vật trong nhà, phân biệt và gọi rõ ông, bà, bố, mẹ, các cô các bác thân quen hay qua nhà chơi, tên các cô giáo ở trường, tên của hầu hết 10 bạn trong lớp mẫu giáo. …
- Từ 18 tháng con đã phân biệt và nói rõ được 7 màu cơ bản. Con đặc biệt thích các loại cờ - nhất là “cờ đỏ sao vàng”- bảng chữ cái và bảng chữ số, con nhận biết và nói được tất cả 24 chữ trong bảng chữ cái tiếng Anh, nhận biết và đếm được đến số 20. Con nhận biết và gọi tên được các hình cơ bản như tam giác, vuông, chữ nhật, tròn, elip, thoi…
- Con phân biệt và gọi tên được các phương tiện giao thông, loài vật và hoa, củ, quả…phổ biến, biết bắt chước tiếng kêu của một số con vật như bò, gà, chó, ếch, dê, hổ…
- Con biết chơi ghép hình rất khá, kiểu như trò thả hình khối và các con vật vào các lỗ có hình tương ứng, ghép hình trên bảng gỗ đơn giản.
- Con hiểu và hào hứng thực hiện được hầu hết các mệnh lệnh đơn giản và quen thuộc như vứt rác, cất đồ chơi, lấy đồ cho mẹ, đóng cửa, tắt điện… Một số mệnh lệnh kép (hai hành động) con cũng làm được.
- Bước đầu có ý thức chủ động về việc đi vệ sinh, thỉnh thoảng cũng đã biết gọi “Bi đi tè, Bi đi ị…” mặc dù chưa thường xuyên lắm.
- Có ý thức về sở hữu, biết cái gì của mình, cái gì của người khác.
3. Ngôn ngữ - Giao tiếp:
- Nói chung về ngôn ngữ dạng mệnh lệnh thức, thể hiện nhu cầu thì con tương đối khá. Con có thể chủ động dùng câu dài 4-5 từ hoặc hơn để thể hiện nhu cầu rất tốt, “Bà ơi (bố ơi, mẹ ơi) lấy…cho con.” Con biết dùng mẫu câu “Con muốn “..ăn (cơm, gà, xoài, lê, bún, mì tôm…thôi thì đủ cả)…uống (nước, sữa)…chơi (đĩa bay Toxy, Iphone)…xem (tivi, sóc nhí, máy tính…)…học (hoa, bảng chữ cái, lồng hình gai..)…”
- Con bắt đầu biết ghép từ, ví dụ con đứng nhìn mẹ rửa bát thì con nói “Mẹ rửa bát”, lát sau thấy mẹ rửa nồi thì con tự nói “Mẹ rửa nồi”. Ngôn ngữ của con từ lúc hoàn toàn máy móc thì bây giờ cũng đã có chút linh hoạt. Hỏi con là “Con khỉ ăn gì nhỉ?” thì con trả lời “Ăn chuối.” Sau đó hỏi ngược lại “Con gì ăn chuối?” con cũng biết trả lời là “Con khỉ”… đại loại thế, nhưng cũng còn ở dạng rất đơn giản thôi.
- Con trả lời được những câu hỏi xã hội đơn giản do được dạy nhiều lần như trả lời tên, tuổi, địa chỉ nhà, nhà có mấy người…
- Con biết chào hỏi khách đến nhà, tất nhiên là phải giục hoặc gợi ý. Đến nhà ai mà con không thích là con chủ động bye bye để được về nhà, hoặc không thì con đề nghị thẳng là “Đi về đi!”
- Biết nói “Bi bị đau (môi, bụng, răng…)”
- Con biết nói “Không” để thể hiện những gì mình không thích, như “Không ăn cháo, không lên nhà, không xịt mũi, không đi bác sĩ…” Ngược lại, con biết nói “có ạ” để thể hiện sự đồng tình với những gì con thích.
- Con thuộc hàng chục bài hát dài ngắn các loại, vài bài thơ, chuyện kể… con rất thích hát và đọc thơ nhưng nói chung là rất ngọng.
4. Thể hiện cảm xúc:
- Con rất tình cảm, gắn bó với mẹ, bố, ông bà. Biết thể hiện tình cảm với từng người trong gia đình theo mức độ và cách thức khác nhau. Biết chủ động ôm hôn bố, mẹ, hoặc bà để chia tay trước khi con vào lớp, chủ động bye bye mọi người. Thỉnh thoảng ở nhà con cũng chủ động vuốt má, ôm hoặc hôn bố, mẹ và bà rất âu yếm. Con thích chơi với bố, mẹ các trò như tung, bắt, kéo cưa lừa xẻ, trốn tìm, nu na nu nống.
- Từ bé con đã biết ghen mỗi khi bố, mẹ hoặc bà bế em bé khác. Bây giờ thì con biết nói, “Mẹ (bà, bố) vứt/cất bạn (em) đi!” mỗi khi bố, mẹ, bà giả vờ mang bạn khác về nuôi.
- Biết nói sợ cái gì đó, “sợ bác sĩ, sợ bạn này, bạn kia…”
5. Khả năng bắt chước:
- Con cũng có khả năng bắt chước khá; con thích cầm micro giả vờ hát như ca sĩ, thích cầm chổi và hót rác rồi nói “quét nhà, quét sân,” biết giả vờ cho các bạn (thú bông trong nhà) ăn, biết bắt chước cầm điện thoại gọi taxi và đọc địa chỉ nhà vanh vách (như vẹt), buổi tối đi ngủ con rất thích giả vờ làm con hổ ăn thịt mọi người trong nhà…
5. Hành vi, cảm giác:
- Con không có dấu hiệu bị rối loạn cảm giác, không quá nhạy cảm với âm thanh lạ, hay phản ứng quá mức trong môi trường mới, con chấp nhận và thích nghi với sự thay đổi khá nhanh, con có thể phân biệt nóng, lạnh, cay, ngọt, đắng rõ ràng. Gần như không có hành vi nổi loạn, đập phá đồ đạc hoặc tự làm đau mình hay người khác. Hầu như không đi nhón chân, không còn xoay tròn người. Cáu lắm thì hét ăn vạ chứ không có hành vi bạo lực. Ở lớp thỉnh thoảng cũng có tranh đồ chơi với bạn khác, nhưng không cắn xé hay đánh nhau với bạn.
- Không còn sợ hay ghét chỗ đông người, phân biệt rõ người quen người lạ, nhưng ít cho người lạ động vào người hoặc bế.
- Ở lớp mẫu giáo hoặc trung tâm, hay học với mẹ tại bàn, con chịu ngồi ghế khá ngoan trong suốt giờ học hoặc giờ ăn, ít chạy lăng quăng.
II – NHỮNG VẤN ĐỀ CỦA CON:
Nếu có còn kiên nhẫn đọc đến đây thì chắc các bác đang tự nhủ bố mẹ cháu bị “tự kỷ ám thị” khi nghĩ rằng con mình “có vấn đề”. Tuy nhiên, trong thực tế con em có rất nhiều vấn đề, trong đó có những vấn đề “chí tử” nhất và đặc trưng ở trẻ tự kỷ như kém tập trung, rối loạn ngôn ngữ và giao tiếp kém.
1. Độ tập trung ngắn:
- Đây vẫn là vấn đề nan giải nhất của con, kể cả sau 4 tháng can thiệp vừa qua. Bình thường chỉ cần không có ai ngồi cạnh giám sát hoặc khích lệ, nói chuyện với con là con lại cũng nhìn ra chỗ khác. Ngay cả ở nhà bây giờ con vẫn thỉnh thoảng lại nhìn xa xăm vô định vào đâu đó. Khoản hồi đáp và phản xạ cũng nan giải lắm, bình thường gọi con giật giọng cũng phải 2-3 lần con mới quay đầu lại, họa hoằn hứng lên mới “Dạ” cho một câu.
- Giao tiếp mắt của con đã có cải thiện ít nhiều, nhưng vẫn chưa được tốt lắm. Với bố mẹ và các cô giáo can thiệp cá nhân thì có vẻ tạm ổn nếu như kiên trì bắt con phải chú ý, nhưng với người lạ hoặc những người con ít tiếp xúc thì hầu như con không chịu giao tiếp mắt mấy.
2. Rối loạn ngôn ngữ và Giao tiếp kém:
- Đọc phần trên thì chắc các bác thấy con đã nói được nhiều, nhưng tiếp xúc lâu thì thấy rõ ràng là ngôn ngữ của con có vấn đề, hay nói cách khác là rối loạn ngôn ngữ: ở nhà hay ở lớp mầm non con vẫn thường nói một mình mà chẳng nhìn vào ai cả, cú pháp nhiều lúc rất rập khuôn, máy móc.
- Con cũng rất ít chủ động trong ngôn ngữ và giao tiếp, ngoài chủ động đưa ra các yêu cầu sát sườn như ăn, uống, chơi ra thì con hầu như không biết cách bắt đầu và duy trì hội thoại.
- Con vẫn nhại lời, đặc biệt là các câu hỏi mà con không biết câu trả lời. Cùng với thời gian và vốn nhận thức tăng lên, hiện tượng nhại lời đã giảm đáng kể nhưng vẫn còn. Và đặc biệt, điều đáng ngại nữa là con chưa biết cách đặt câu hỏi, kể cả câu hỏi đơn giản nhất như “Ai đây?” “Cái gì đây?” “Mẹ đâu rồi?”
- Giọng nói của con cũng hơi khác lạ, nhiều lúc nghe như ngạt mũi, lúc thì lại the thé, hoặc eo éo như con mèo con, đã tập cho con thổi giấy, thổi nến, thổi còi, tập vận động, rồi đi bộ nhiều rồi nhưng hơi của con có vẻ vẫn yếu. Ngữ điệu thì ngân nga như hát.
- Con vẫn chưa hình thành nhu cầu thích chơi với các bạn. Ở lớp mầm non con ngồi giữa các bạn, cùng lắm là quay sang cười với bạn, hoặc hứng lên thì giành, cướp đồ chơi. Hầu như chưa bao giờ thấy con chơi “cùng” các bạn. Trong các hoạt động tập thể thì thường con không tập trung chú ý, nói gì đến tham gia cùng. Nếu bố, mẹ yêu cầu thì con cũng biết chạy lại vuốt má, ôm hôn, cười toe toét hoặc bắt tay các bạn, nhưng chơi cùng thì không.
3. Hành vi rập khuôn – Nhận thức và tư duy trừu tượng kém:
- Ở con vẫn có những hành vi và biểu hiện mà ai tinh ý là thấy ngay con không giống các bạn khác. Ngồi trong lớp thỉnh thoảng con lại nghẹo đầu nghẹo cổ, luôn tay đưa lên gãi đầu gãi tai, hoặc không thì lắc lư, đung đưa người trên ghế. Khi chơi xếp hình hoặc lego, con hay chọn ra những khối giống hệt nhau, những khối khác thì con bỏ ra một bên. Con chơi nhiều loại đồ chơi, không đặc biệt gắn bó với đồ gì, nhưng có những thứ dường như con chú ý nhiều hơn đến chi tiết thay vì chức năng chủ yếu của đồ vật.
- Những cái trước mắt con nhìn thấy, sờ mó được thì con học và nắm bắt rất nhanh, nhưng nói đến những khái niệm trừu tượng một chút là con không hiểu, bắt đầu hiểu khái niệm “xong rồi” hoặc “chưa xong”, nhưng còn rất mù mờ về những khái niệm thời gian như “tí nữa, lát nữa, mai, sau này”… Các trò chơi tưởng tượng và đóng vai của con cũng còn rất nghèo nàn, có lẽ vì con không hiểu nên cũng không hứng thú lắm.
- Con chưa biết gật đầu để tỏ vẻ đồng ý, hay lắc đầu để phản đối một cách tự nhiên, chủ động. Con chỉ biết lắc đầu một cách máy móc, như một vận động riêng biệt.
4. Chưa chủ động được vấn đề vệ sinh cá nhân:
- Đây cũng là vấn đề nan giải. Gần đây thỉnh thoảng con cũng biết gọi khi muốn đi tè, đi ị, nhưng cũng chập chờn lắm. Đa phần thời gian nếu không giục con đi tè là con ị hoặc tè ra quần, sau đó mới gọi “Bi bị tè dầm”!
5. Hệ miễn dịch suy yếu so với trước:
- Trước khi cai sữa mẹ ở thời điểm gần 2 tuổi, con hầu như rất ít ốm, trộm vía. Nhưng sau khi cai sữa đến giờ con ốm liên tục, chủ yếu vì các bệnh liên quan đến hô hấp, dường như hệ miễn dịch của con có dấu hiệu suy giảm, hoặc cũng có thể thời tiết năm vừa rồi khắc nghiệt quá. Con bị viêm VA mãn tính, VA thường xuyên sưng to làm con ngáy to, viêm họng, viêm phế quản kèm theo. Bệnh viện Tai Mũi họng TW đã chỉ định nạo, nhưng con vẫn chưa khỏi hẳn hoàn toàn để thực hiện.
Hôm trước mẹ cháu đi nghe một hội thảo với sự tham gia của bác sĩ người Australia, mẹ cháu nán lại hỏi thêm thì bà bác sĩ cũng khuyên là nếu đã có chỉ định của bác sĩ chuyên khoa thì nên nạo VA càng sớm càng tốt (với trường hợp của con thôi), vì để lâu con càng gặp khó khăn về hô hấp, bà bác sĩ nhấn mạnh viêm VA cũng là nguyên nhân con bị thiếu ô xy, dẫn đến giảm tập trung, và khả năng nói, phát âm của con cũng bị ảnh hưởng.

III – CHẾ ĐỘ CAN THIỆP CỦA CON HIỆN NAY
1. Đi học mầm non:
- Hiện tại, từ thứ Hai đến thứ 7 con đi học trường mầm non gần nhà từ 8h30 sáng đến 3h30 chiều. Lớp con có khoảng hơn 10 bạn với hai cô giáo. Vì chỉ là trường mẫu giáo hòa nhập thường, nên kết quả rõ rệt nhất của con sau gần 4 tháng đi mẫu giáo chỉ là vào nếp ăn ngủ, ngồi ngoan trên ghế, không chạy lăng quăng, chấp hành cơ bản nề nếp trong lớp, vui vẻ đến lớp… Được cái con mất tập trung nhưng vẫn thuộc khá nhiều bài hát các cô dạy trên lớp, biết tên và nhớ mặt hầu hết các bạn.
2. Can thiệp cá nhân tại trung tâm:
- Cũng từ thứ 2 đến thứ 7 hàng tuần, từ 4 đến 5 giờ chiều, con học cá nhân với cô giáo tại một trung tâm can thiệp ở gần nhà và cũng gần trường mầm non. Nói chung con học khá ngoan và hợp tác, mặc dù nhiều hôm vẫn không tập trung lắm.
- Qua 4 tháng học, các cô cũng nhận xét là về tổng thể con đã có tiến bộ đáng kể, nhưng không được như kỳ vọng của các cô (tất nhiên là bố mẹ cháu còn kỳ vọng nhiều hơn thế).
3. Can thiệp tại nhà:
- Hàng ngày mẹ và bà cố gắng tập vận động cho con (xà trẻ em, tập chéo, lăn thảm gai…) 3 lần vào buổi sáng, buổi chiều và buổi tối. Kết hợp với đi bộ từ lớp can thiệp về nhà hoặc đi bộ ra ngoài đường chơi sau bữa tối.
- Buổi tối con ngồi chơi và học tại bàn với mẹ (ôn các bài học tại lớp, kết hợp với những bài học mẹ tự tìm kiếm) trong vòng khoảng 1 tiếng đồng hồ. Con học vẫn không tập trung lắm, nhưng nhìn chung con cũng rất vui vẻ và hợp tác.
- Ngày nghỉ hoặc hôm nào rỗi rãi thì mẹ và bà đưa con đi chơi nhà bạn bè gần đó, đi siêu thị ra chợ mua đồ hoặc trung tâm vui chơi. Con rất thích và luôn chủ động đòi đi chơi. Những chuyến đi như vậy giúp con nghỉ ngơi thay vì học hành và con cũng mạnh dạn, nhanh nhẹn hơn.

Chị Tường Anh ơi, theo kinh nghiệm của chị thì con em bị TK ở mức độ nào ạ? Làm thế nào để con tiến bộ nhanh chóng hơn trong những vấn đề vô cùng khó nhằn là tập trung, giao tiếp, và ngôn ngữ? Câu hỏi “Con có bị Tk hay không?” thực ra cũng không còn đeo đẳng và ám ảnh quá nhiều trong tâm trí bố mẹ như trước kia. Đã xác định bất kể là gì thì con cũng chậm phát triển hơn hẳn so với các bạn cùng lứa, cứ bắt tay vào khắc phục những vấn đề trước mắt đã. Nhưng có một trăn trở khôn nguôi là nếu không may con bị TK thật thì dường như chế độ can thiệp hiện nay có lẽ là chưa đủ tích cực để con có những tiến bộ vững chắc và nhanh chóng hơn chăng? Bố mẹ có nên cho con vào học bán trú cả ngày tại trung tâm chuyên biệt hay để tiếp tục con đi học hòa nhập như hiện nay kết hợp với can thiệp theo giờ? Bố mẹ cháu đang tính cả đến phương án tìm một cô giáo mầm non có kinh nghiệm và kiến thức về tự kỷ để đi kèm con tại trường mầm non. Các bác có thể cho lời khuyên và chia sẻ kinh nghiệm về vấn đề này được không?
Hiện tại hàng ngày ở nhà, con chỉ có bà nội và mẹ bên cạnh thôi. Bố cháu đang đi công tác dài hạn ở Campuchia phải tròn 2 năm nữa mới về. Một năm qua bố con cũng tranh thủ gặp nhau được 4 lần ngắn ngủi. Bình thường con trai rất quấn bố, và ở bên bố dường như nhu cầu và khả năng giao tiếp của con cũng tốt hơn hẳn. Hai mẹ con đang băn khoăn không biết có nên cho con sang Campuchia ở hẳn với bố không. Nếu hai mẹ con sang Campuchia với bố thì có nghĩa là con sẽ hoàn toàn không có môi trường can thiệp như trường mẫu giáo, trung tâm chuyên biệt để giúp con như ở Hà Nội, con chỉ ở nhà học với mẹ và bố thôi. Nếu con bị TK thật thì mà lại sang với bố thì lúc quay về Việt Nam, con đã 4,5 tuổi rồi, bố mẹ sợ lại đánh bạc với tương lai của con mất, liệu như thế có lỡ mất khoảng thời gian vàng để can thiệp tích cực cho con ở Việt Nam không? Liệu việc bố mẹ tự dạy và chơi với con có đủ không?
Bố mẹ cháu cảm ơn các bác rất nhiều và cầu mong tất cả các con đều tiến bộ!
My Sun
 
Bài viết: 22
Ngày tham gia: T.Tư Tháng 2 29, 2012 6:51 pm

Re: Bé Tuấn Kiệt, 32 tháng, đang theo dõi nguy cơ Tự kỷ

Gửi bàigửi bởi phi » T.Hai Tháng 3 05, 2012 2:05 am

Hai mẹ con đang băn khoăn không biết có nên cho con sang Campuchia ở hẳn với bố không. Nếu hai mẹ con sang Campuchia với bố thì có nghĩa là con sẽ hoàn toàn không có môi trường can thiệp như trường mẫu giáo, trung tâm chuyên biệt để giúp con như ở Hà Nội, con chỉ ở nhà học với mẹ và bố thôi. Nếu con bị TK thật thì mà lại sang với bố thì lúc quay về Việt Nam, con đã 4,5 tuổi rồi, bố mẹ sợ lại đánh bạc với tương lai của con mất, liệu như thế có lỡ mất khoảng thời gian vàng để can thiệp tích cực cho con ở Việt Nam không?


Tôi nghĩ cái khó ở đây là môi trường song ngữ bên Campuchia. Nếu chị qua đó cho bé vào nhà trẻ thì chắc bé sẽ học tiếng Camphuchia phải không? Vì hiện tại chúng ta không biết chính xác tình trạng bé ra sao về mặt ngôn ngữ.

Chị tính đưa bé đi Campuchia vì tin rằng bé sẽ phát triển giao tiếp tốt hơn khi có bố hay để bố con có nhau? Nếu là để giao tiếp tốt hơn thì chị cần phải "đong đếm", tức là coi base line của bé ra sao, khi có bố vê` bé tiến bộ cái gì, trong thời gian bao lâu, và nếu ở luôn với bố thì dự trù tiến tới đâu . Lúc đó chị mới có thể so sánh 2 chuyện đi và ở . Còn như qua để bố con có nhau là chính thì không thể so sánh được, vì đang so sánh cam và táo.

Nhưng có một trăn trở khôn nguôi là nếu không may con bị TK thật thì dường như chế độ can thiệp hiện nay có lẽ là chưa đủ tích cực để con có những tiến bộ vững chắc và nhanh chóng hơn chăng?


Chị đã thấy và mô tả rất rõ điểm mạnh / yếu của con mình, cho nên việc bé TK hay không cũng không còn là chuyện quan trọng nữa đâu chị . Hơn nữa, CCM không thể xác định bé có TK hay không, và có thì ở độ nào khi chúng ta chỉ trò chuyện trên mạng được đâu.

Bố mẹ có nên cho con vào học bán trú cả ngày tại trung tâm chuyên biệt hay để tiếp tục con đi học hòa nhập như hiện nay kết hợp với can thiệp theo giờ? Bố mẹ cháu đang tính cả đến phương án tìm một cô giáo mầm non có kinh nghiệm và kiến thức về tự kỷ để đi kèm con tại trường mầm non.


Khi quyết định giữa A và B thì chúng ta đang nói về chất lượng 2 bên, cho nên CCM cũng khó mà trả lời A hay B tốt hơn.

- Giọng nói của con cũng hơi khác lạ, nhiều lúc nghe như ngạt mũi, lúc thì lại the thé, hoặc eo éo như con mèo con, đã tập cho con thổi giấy, thổi nến, thổi còi, tập vận động, rồi đi bộ nhiều rồi nhưng hơi của con có vẻ vẫn yếu. Ngữ điệu thì ngân nga như hát.


Cái này thì tôi sẽ đi hỏi chị Tường Anh cho chị.
Phi
Special Ed.
Hình đại diện của thành viên
phi
 
Bài viết: 5627
Ngày tham gia: CN Tháng 2 08, 2009 10:23 am

Re: Bé Tuấn Kiệt, 32 tháng, đang theo dõi nguy cơ Tự kỷ

Gửi bàigửi bởi Nguyen,Anh » T.Hai Tháng 3 05, 2012 1:53 pm

Chị Tường Anh ơi, theo kinh nghiệm của chị thì con em bị TK ở mức độ nào ạ?


Tôi không phải là bác sĩ nhi khoa hay phân tâm, nên không có quyền đưa ra chẩn đoán về các hội chứng y khoa. 8-)

Làm thế nào để con tiến bộ nhanh chóng hơn trong những vấn đề vô cùng khó nhằn là tập trung, giao tiếp, và ngôn ngữ? Câu hỏi “Con có bị Tk hay không?” thực ra cũng không còn đeo đẳng và ám ảnh quá nhiều trong tâm trí bố mẹ như trước kia. Đã xác định bất kể là gì thì con cũng chậm phát triển hơn hẳn so với các bạn cùng lứa, cứ bắt tay vào khắc phục những vấn đề trước mắt đã. Nhưng có một trăn trở khôn nguôi là nếu không may con bị TK thật thì dường như chế độ can thiệp hiện nay có lẽ là chưa đủ tích cực để con có những tiến bộ vững chắc và nhanh chóng hơn chăng? Bố mẹ có nên cho con vào học bán trú cả ngày tại trung tâm chuyên biệt hay để tiếp tục con đi học hòa nhập như hiện nay kết hợp với can thiệp theo giờ? Bố mẹ cháu đang tính cả đến phương án tìm một cô giáo mầm non có kinh nghiệm và kiến thức về tự kỷ để đi kèm con tại trường mầm non. Các bác có thể cho lời khuyên và chia sẻ kinh nghiệm về vấn đề này được không?


Tôi thấy bạn đang đi đúng đường. Bạn nắm khá rõ những ưu khuyết điểm của con mình. Tôi không nghĩ là bạn lo quá hoặc tự kỷ ám thị. Bạn có lý do nhất định: đúng là bé có khó khăn đôi chút ở nhiều mặt. Việc cho đi học ở đâu, bao nhiêu thời gian, tôi khó có thể khuyên vì tôi k hông biết thầy cô tại đó có hướng giúp con ra sao. Những giáo trình và khả năng của các trung tâm tại VN hiện rất khác nhau nên tôi không thẩm định gì được độ thành công. Điều bạn cần làm là đến gặp gỡ, quan sát, trò chuyện với thầy cô giáo tại đó, hoặc cô giáo dậy tư xem họ có ý kiến gì, kế hoạch gì. Nếu đó là kế hoạch hợp cho con thì bạn đi theo.

Hiện tại hàng ngày ở nhà, con chỉ có bà nội và mẹ bên cạnh thôi. Bố cháu đang đi công tác dài hạn ở Campuchia phải tròn 2 năm nữa mới về. Một năm qua bố con cũng tranh thủ gặp nhau được 4 lần ngắn ngủi. Bình thường con trai rất quấn bố, và ở bên bố dường như nhu cầu và khả năng giao tiếp của con cũng tốt hơn hẳn. Hai mẹ con đang băn khoăn không biết có nên cho con sang Campuchia ở hẳn với bố không. Nếu hai mẹ con sang Campuchia với bố thì có nghĩa là con sẽ hoàn toàn không có môi trường can thiệp như trường mẫu giáo, trung tâm chuyên biệt để giúp con như ở Hà Nội, con chỉ ở nhà học với mẹ và bố thôi. Nếu con bị TK thật thì mà lại sang với bố thì lúc quay về Việt Nam, con đã 4,5 tuổi rồi, bố mẹ sợ lại đánh bạc với tương lai của con mất, liệu như thế có lỡ mất khoảng thời gian vàng để can thiệp tích cực cho con ở Việt Nam không? Liệu việc bố mẹ tự dạy và chơi với con có đủ không?


Đây cũng là những câu hỏi khó cho tôi trả lời. Thực sự, đã là gia đình thì chồng đâu vợ đấy, con cái quây quần ở đấy. Việc tách rời nhau không lợi gì cả. Tuy vậy, có những kế hoạch ngắn hạn mà vợ chồng, cha mẹ con cái đành chịu xa nhau vì tương lai xa hơn.

Với bé nhà bạn, đi Campuchia nghĩa là con phải học một thứ tiếng nữa. Điều này tốt nếu bé có khả năng học nhiều thứ tiếng. Rất có lợi đối với thế giới trên đà phát triển nếu người ta biết nhiều thứ tiếng. Điều này khó nếu bé đang có khó khăn ngôn ngữ.

Việc bạn sợ mất thời gian vàng thì không sai đâu. Thế ở Campuchia bạn có tìm ra trường giáo dục chuyên biệt hay trung tâm can thiệp hay giáo viên dạy tư không?

Giọng nói của con cũng hơi khác lạ, nhiều lúc nghe như ngạt mũi, lúc thì lại the thé, hoặc eo éo như con mèo con, đã tập cho con thổi giấy, thổi nến, thổi còi, tập vận động, rồi đi bộ nhiều rồi nhưng hơi của con có vẻ vẫn yếu. Ngữ điệu thì ngân nga như hát.


Rối loạn về cao độ của giọng là loại rối loạn ngôn ngữ khác hẳn với ngọng, cà lăm. Muốn khám định giọng, cần vào bệnh viện với máy camera bé tí treo trên vòm họng để quay hình thanh quản. Nhiêu khê đấy. Vì thế, tôi khó trả lời nữa rồi.

Bạn quan sát kỹ thêm xem khi con "đổi giọng", trong môi trường đang có gì xảy ra. Có phải vì vui quá thì con eo éo hơn không. Có phải vì con đang cảm cúm nên nghẹt mũi không. Ngoài nghẹt mũi hay the thé, bạn có thấy con hay sặc hoặc có vẻ như lấy hơi một cách là lạ không?

Có thể khó khăn này không liên quan đến khả năng lấy hơi vào ngực để nói đâu. Bạn thấy con đã thổi giấy thổi nến ngon lành thì không cần "làm phiền" bé về mục ấy nữa.
Nguyễn Tường Anh
Nhóm Chuyên Gia TK
Hình đại diện của thành viên
Nguyen,Anh
 
Bài viết: 4505
Ngày tham gia: T.Bảy Tháng 1 10, 2009 12:05 pm

Re: Bé Tuấn Kiệt, 32 tháng, đang theo dõi nguy cơ Tự kỷ

Gửi bàigửi bởi My Sun » T.Hai Tháng 3 05, 2012 4:45 pm

Mẹ con cháu cám ơn bác Tường Anh và bác Phi rất nhiều vì đã đọc bài nhà cháu rất kỹ và đưa ra lời khuyên cũng rất chân thành. Thực sự những câu hỏi mà mẹ cháu nhờ các bác giải đáp mẹ cháu cũng tự biết là rất khó khăn và dường như đang "đánh đố" các bác, mẹ cháu đưa ra hỏi cũng là để tâm sự với các bác cho đỡ băn khoăn phần nào.
Những lúc một mình chăm con, những lúc thấy con nhớ bố, mẹ cháu lại nghĩ đến việc hay là cho con sang với bố. Nhưng các bác nói đúng, có lẽ gia đình cháu phải chấp nhận hy sinh xa nhau thêm một thời gian nữa để tập trung lo cho cháu được can thiệp trong điều kiện tốt nhất có thể ở Việt Nam. Ở Campuchia thì cháu không đến mức phải học một thứ tiếng khác vì cháu có thể nói tiếng Việt với bố mẹ và một số gia đình bạn bè người Việt xung quanh cũng đang làm việc tại đó. Nhưng với điều kiện y tế và giáo dục tại Campuchia thì không thể hy vọng gì về việc cho cháu có điều kiện can thiệp tốt. Có lẽ tại Campuchia này người ta còn chưa mấy có ý niệm gì về tự kỷ chứ đừng nói gì đến việc cho đội ngũ nhân sự và điều kiện cơ sở vật chất cho việc can thiệp cho trẻ tự kỷ.
Về ngữ điệu hơi lạ tai của cháu thì mẹ cháu nghĩ phần nhiều là do viêm VA mãn tính, dẫn đến việc cháu bị ngạt mũi thường xuyên - cháu ngủ ngáy to lắm, nhất là những hôm thời tiết thay đổi. Bình thường thì nếu cháu dùng ngôn ngữ chủ động của mình, nhất là những câu thể hiện nhu cầu thì cơ bản là ngữ điệu của cháu cũng bình thường. Cái ngữ điệu lạ tai đó thường xuất hiện khi cháu nói nhảm một mình kiểu ngân nga hoặc những hôm cháu bị mệt.
Mẹ cháu mong bác Tường Anh, bác Phi và các bậc phụ huynh khác thường xuyên vào thăm nhà cháu nhé. Trong thời gian tới, trong quá trình dạy và can thiệp cho cháu, có những vấn đề hoặc khó khăn gì, mẹ cháu sẽ chia sẻ lên đây để mong được các bác góp ý và giúp đỡ. Mong có ngày được gặp các bác tại Việt Nam.
My Sun
 
Bài viết: 22
Ngày tham gia: T.Tư Tháng 2 29, 2012 6:51 pm

Re: Bé Tuấn Kiệt, 32 tháng, đang theo dõi nguy cơ Tự kỷ

Gửi bàigửi bởi phi » T.Ba Tháng 3 06, 2012 1:25 pm

mẹ cháu sẽ chia sẻ lên đây để mong được các bác góp ý và giúp đỡ. Mong có ngày được gặp các bác tại Việt Nam.


Vâng, bạn nhớ vào cập nhật và chia sẻ với các phụ huynh mới nhé.

Bạn lấy nick "My Sun" làm tôi nhớ tới bài "You are my sunshine" / Con là mặt trời của mẹ
Tặng bạn và bé Kiệt bài You are my sunshine do ca sĩ Canada Anne Murray trình bày.

Phi
Special Ed.
Hình đại diện của thành viên
phi
 
Bài viết: 5627
Ngày tham gia: CN Tháng 2 08, 2009 10:23 am

Re: Bé Tuấn Kiệt, 32 tháng, đang theo dõi nguy cơ Tự kỷ

Gửi bàigửi bởi Nguyen,Anh » T.Ba Tháng 3 06, 2012 2:14 pm

Mẹ con cháu cám ơn bác Tường Anh và bác Phi rất nhiều


Cái này nói hoài, xin hoài mà phụ huynh không nghe: đừng cám ơn. Chúng tôi, những chuyên viên, cũng là cha là mẹ, cũng có những nỗi khó khăn với con cái đấy! Qua đó, chúng tôi được người khác hỗ trợ. Vậy việc chúng tôi hỗ trợ các phụ huynh khác là điều phải làm thôi. Ngoài ra, chúng tôi thông cảm hoàn cảnh của quí vị phụ huynh. Chúng tôi thương các cháu.

Về ngữ điệu hơi lạ tai của cháu thì mẹ cháu nghĩ phần nhiều là do viêm VA mãn tính, dẫn đến việc cháu bị ngạt mũi thường xuyên - cháu ngủ ngáy to lắm, nhất là những hôm thời tiết thay đổi. Bình thường thì nếu cháu dùng ngôn ngữ chủ động của mình, nhất là những câu thể hiện nhu cầu thì cơ bản là ngữ điệu của cháu cũng bình thường. Cái ngữ điệu lạ tai đó thường xuất hiện khi cháu nói nhảm một mình kiểu ngân nga hoặc những hôm cháu bị mệt.


Viêm họng có thể làm viêm tai. Viêm tai thường xuyên có thể làm cho màng nhĩ bị cứng, và gây khiếm thính (dù ở độ nhẹ đến trung bình). Bạn nên tìm cách cho con tránh viêm tai. Tuy vậy, phải cẩn thận khi dùng kháng sinh vì kháng sinh chẳng làm gì được virus cả. Cảm cúm chẳng hạn, sẽ gây viêm tai viêm họng. Thực sự thì viêm họng là tên gọi quá chung chung. Khi người ta đau bệnh, bạch cầu về tụ ở hạch ngay cổ họng - hai cục amidan đó - để chuẩn bị mà chiến đấu. Vì thế người ta sẽ thấy đau họng. Nhưng khi viêm họng mà cần kháng sinh thì phải là strep throat, loại vi trùng tìm được qua thử nghiệm (lấy cái que quẹt nước miếng ở cổ rồi gửi sang phòng lab).

Mẹ cháu mong bác Tường Anh, bác Phi và các bậc phụ huynh khác thường xuyên vào thăm nhà cháu nhé. Trong thời gian tới, trong quá trình dạy và can thiệp cho cháu, có những vấn đề hoặc khó khăn gì, mẹ cháu sẽ chia sẻ lên đây để mong được các bác góp ý và giúp đỡ. Mong có ngày được gặp các bác tại Việt Nam.


Rồi, khỏi mong. Hễ bạn ở cửa nhà đăng câu hỏi thì chúng mình trả lời ngay. Mà đừng nhắc đến chuyến đi Việt Nam nhé, sợ lắm. Lịch làm việc 12 tiếng 1 ngày, liên tục nhiều ngày... Sợ chết đi đây này. :P
Nguyễn Tường Anh
Nhóm Chuyên Gia TK
Hình đại diện của thành viên
Nguyen,Anh
 
Bài viết: 4505
Ngày tham gia: T.Bảy Tháng 1 10, 2009 12:05 pm

Re: Bé Tuấn Kiệt, 32 tháng, đang theo dõi nguy cơ Tự kỷ

Gửi bàigửi bởi My Sun » T.Ba Tháng 3 06, 2012 11:32 pm

Mẹ cháu biết các bác ngại nhận lời cảm ơn, mẹ cháu chỉ cảm ơn bác Phi vì bài hát rất dễ thương mà bác đã tặng thôi ạ. :D Nick của mẹ cháu lấy là My Sun chính là với ý ấy. Con là tất cả đối với bố mẹ, là mặt trời bé con của bố mẹ mà. Cho dù vầng mặt trời ấy có chút khiếm khuyết thì con vẫn là điều tuyệt vời nhất từng đến với bố mẹ. Mong con và tất cả các bé đều tiến bộ cho bố mẹ và các bác đều vui.

Mẹ cháu xin nhờ bác Tường Anh và bác Phi, cùng các phụ huynh khác góp ý về hiệu quả cũng như tác dụng thực sự của một số vận động phụ trợ mà mẹ cháu đang áp dụng trong chương trình can thiệp cho con hiện nay.
Hàng ngày, ngoài các hoạt động vận động tự nhiên như đi bộ, leo cầu thang, đá bóng, đạp xe mà mẹ đang khuyến khích con thực hiện, mẹ và bà cháu còn áp dụng cho con các bài tập vận động theo hướng dẫn của một trung tâm can thiệp mà con đang theo học các giờ học cá nhân. Những bài tập này được các cô ở trung tâm cho rằng có tác dụng "công não trực tiếp", góp phần cải thiện "sự lưu thông của ô xy lên não"?
1. Tập chéo (tập bơi cạn):
- Với bài tập này, con nằm trên một tấm đệm hoặc sàn nhà có trải thảm mềm, hai người lớn nắm hai cổ tay và cổ chân của con, rồi thay nhau luôn phiên di chuyển chân và tay con, chụm vào rồi lại kéo duỗi ra, di chuyển luân phiên nên nhìn như con đang tập bơi trườn, bơi sải trên cạn. Ngày con tập 3 lần bài tập này vào sáng, chiều và tối. Mỗi lần khoảng hơn 100 nhịp.
2. Tập xà trẻ em:
- Con đứng trên sàn nhà trải đệm mềm hoặc trên một tấm đệm. Mẹ và bà mỗi người nắm một tay con giơ cao lên quá đầu, rồi nhấc cho con đu cao người lên, rồi hạ con xuống thật thấp cho con nhún người xuống, trước khi con bật thẳng chân để mẹ và bà lại nhấc con lên. Bài tập này mẹ cháu cũng áp dụng 3 lần/ngày. Mỗi lần khoảng 10 cái.
3. Tập đai:
- Bài tập này nhìn cứ rợn rợn. Mẹ và bà cùng một cái đai được may bằng vải, thiết kế giống như một cái quai địu ngày xưa ấy, mảnh đai được quấn quanh người con, mỗi đầu có 3 dải vải kéo dài, mẹ và bà mỗi người luồn một cây gậy ngắn vào các dải đai đó, và lần lượt kéo thắt ngực con vào rồi lại thả ra theo nhịp thở. Với động tác này con cũng ngồi trên đệm để tập. Mỗi ngày 3 lần.
4. Trồng chuối:
- Bài tập này có hai dạng. Dạng thứ nhất là mẹ cầm hai chân dốc ngược con lên, cho con chống hai tay trên mặt sàn, mẹ cho con bò bằng hai tay, giống như người ta đẩy xe cút kít ấy ạ.
- Dạng thứ hai là con nằm sấp người trên một quả bóng gai to, mẹ cũng cầm hai chân con rồi đẩy người con về phía trước, quả bóng sẽ lăn đến khi hai tay con vươn ra qua đầu chạm xuống đất.

Mẹ đã cho con tập khá đều các bài tập vận động này trong suốt 4 tháng qua, chỉ hôm nào mẹ bận quá hoặc con ốm thì mới nghỉ một vài lượt. Hiệu quả thì khách quan mà nói mẹ cháu không thấy có gì rõ ràng cả. Con vẫn mất rất kém tập trung. Về ngôn ngữ và giao tiếp thì lúc mới đầu con tiến bộ khá nhanh. Khoảng 1-2 tháng gần đây thấy con chậm dần rồi chững lại, không có tiến bộ gì rõ rệt, nhưng cũng không có dấu hiệu bị thoái lui gì.
Các bác cho mẹ cháu hỏi, các bài tập vận động kia có được coi là phương pháp chính thống và an toàn cho trẻ tự kỷ không ạ? Đã có mẹ nào áp dụng các bài tập này cho con và thấy có hiệu quả hay chuyển biến rõ rệt nào không?

Mà bác Tường Anh ơi, biết là bác sợ chuyến về Việt Nam sắp tới. Nhưng chắc không chỉ có mẹ cháu mà còn rất nhiều phụ huynh khác đang mong được gặp bác. Em đã đăng ký tham dự hội thảo tập huấn sắp tới của bác tại Sài Gòn mà chưa nhận được thông tin gì về hội thảo cả. Chưa thấy có thư nữa. Đăng ký để bác thẩm định cho cháu chắc còn khó khăn hơn. Email của mẹ cháu là thuhuong1309@gmail.com
My Sun
 
Bài viết: 22
Ngày tham gia: T.Tư Tháng 2 29, 2012 6:51 pm

Re: Bé Tuấn Kiệt, 32 tháng, đang theo dõi nguy cơ Tự kỷ

Gửi bàigửi bởi phi » T.Ba Tháng 3 06, 2012 11:58 pm

Các bác cho mẹ cháu hỏi, các bài tập vận động kia có được coi là phương pháp chính thống và an toàn cho trẻ tự kỷ không ạ?


Câu trả lời vắn tắt là "không" tại Hoa Kỳ, tại các nơi khác thì tôi không biết. Tôi có tới các trung tâm can thiệp TK tại Ấn độ và Trung quốc, và họ nói cho biết thỉnh thoảng cũng có các phụ huynh hỏi họ như vậy. Trong 1 lần đi về Kerala, Ấn độ tôi có thấy họ cho trẻ TK trồng chuối . Hỏi tại sao thì họ nói bên Yoga dạy làm vậy để máu dồn xuống đầu, chữa lành các tổn thương trong não và tăng cường ôxy. Tôi quay qua nhìn anh bạn tôi là Pradeep Sriram thì thấy anh ta yên lặng không nói gì.

Tôi mong được ai đó giải thích tại sao cho bé tập như vậy, tác dụng là gì ... để tôi còn có cơ hội phản biện và học hỏi.
Phi
Special Ed.
Hình đại diện của thành viên
phi
 
Bài viết: 5627
Ngày tham gia: CN Tháng 2 08, 2009 10:23 am

Re: Bé Tuấn Kiệt, 32 tháng, đang theo dõi nguy cơ Tự kỷ

Gửi bàigửi bởi mehailam » T.Năm Tháng 3 08, 2012 9:04 am

phi đã viết:
Các bác cho mẹ cháu hỏi, các bài tập vận động kia có được coi là phương pháp chính thống và an toàn cho trẻ tự kỷ không ạ?


Câu trả lời vắn tắt là "không" tại Hoa Kỳ, tại các nơi khác thì tôi không biết. Tôi có tới các trung tâm can thiệp TK tại Ấn độ và Trung quốc, và họ nói cho biết thỉnh thoảng cũng có các phụ huynh hỏi họ như vậy. Trong 1 lần đi về Kerala, Ấn độ tôi có thấy họ cho trẻ TK trồng chuối . Hỏi tại sao thì họ nói bên Yoga dạy làm vậy để máu dồn xuống đầu, chữa lành các tổn thương trong não và tăng cường ôxy. Tôi quay qua nhìn anh bạn tôi là Pradeep Sriram thì thấy anh ta yên lặng không nói gì.

Tôi mong được ai đó giải thích tại sao cho bé tập như vậy, tác dụng là gì ... để tôi còn có cơ hội phản biện và học hỏi.


Trong cuốn sách "Đưa con trở lại thiên đường" của tác giả Phương Nga (một PH của 1 tre tự kỷ) và trong chương trình có tên "Bé yêu bé giỏi" cũng của người này dùng để chữa bệnh cho con và sau đó là chữa cho các trẻ khác có những bài tập như thế này.
1. Tập chéo là dành cho những trẻ đi vung tay k đúng cách (bước chân phải thì cũng vung tay phải) để bé phối hợp đúng tay nọ chân kia.
2. Tập đai: Đai như My Sun nói là đai dành cho trẻ lớn, con trẻ nhỏ hơn là dùng bao ni lông chụp vào mũi trẻ, mục đích là để trẻ phải hít sâu, thở mạnh hơn, lượng ô xy sẽ lưu thông lên não nhiều hơn vì theo người đó, những trẻ tự kỷ, chậm phát triển đều luôn trong tình trạng thiếu ô xy não. Trồng chuối cũng sẽ giúp bé cảm thấy dễ chịu hơn.
3. Còn có những bài tập khác như: nóng, lạnh, bò, lăn trên thảm nhám dành cho những bé có vẫn đề về xúc giác.

Trong cuốn sách này giải thích về tự kỉ rất cụ thể, dễ hiểu và có vẻ rất thuyết phục, còn đúng hay sai thì em chịu thôi :lol:
Trên đây là em viết về những gì em đọc được, em k có trình độ, chuyên môn để phán xét nó đúng hay k đúng. Em cũng chưa bao giờ tập cho con.
Trong chương trình can thiệp đó em thấy có những cái k đúng như: Trước tiên là dạy bé đọc, cho dù bé chưa được 2 tuổi, k dạy chữ cái, k dạy ghép vần, muốn dạy từ gì thì ghi nguyên chữ lên 1 tấm bìa, đưa lên trước mặt trẻ và đọc lên cho bé nghe (1 giây 1 chữ, dạy cái gì cũng vậy, cô giáo đối hình liên tục, đọc liên tục. Dạy số lượng cũng vậy, chấm những chấm tròn lên tấm bìa, đưa ra trước mắt trẻ trong 1 giây, đọc số chấm có trong bìa rồi chuyên qua bìa khác. Nếu là em, trong 1 giây chưa chắc em nhận ra trong tấm bìa có 7 hay 8 chấm, huống chi 1 đứa trẻ chậm. Người đó giải thích bé học theo cách chụp hình vào não nên chỉ cần 1 tích tắc là chụp xong rồi, bé k tập trung lâu được nên phải nhanh, hình ảnh thay đổi liên tục thì mới hấp dẫn được bé, giống như quảng cáo vậy.). Em cứ cảm thấy thế nào ấy.
Anh Phi thử tìm hiểu về 1 vị bác sĩ tên G. Doman xem, ông ta ở Mỹ mà, là thầy của cô này đấy. Nếu K thì khi nào về VN, anh đến nhà cô P.N và học lớp chuyển giao kinh nghiệm của cô ấy xem.
Có một PH từng muốn học lớp đó vì đứa con chậm phát triển của mình, chị ấy đã đi học miễn phí 1 buổi để quyết định xem có nên đóng tiền học tiếp hay k. Sau đó chị ấy hỏi ý kiến của 1 số người (PH đã từng học và đang can thiệp cho con, người có chuyên môn) thì được những câu trả lời khác nhau: người bảo học, người bảo đừng, người bảo có lợi, người bảo hại.
Hiện tại nhà riêng cô P. N cũng là 1 địa chỉ được nhiều người tìm đến. Điều mà ở đó làm được còn ở các BV thì k là một giáo án rất cụ thể, về nhà cứ thế áp dụng (giá cũng đắt lắm anh Phi, mấy nghìn đô, hic)
mehailam
 
Bài viết: 68
Ngày tham gia: T.Ba Tháng 10 04, 2011 8:13 am

Re: Bé Tuấn Kiệt, 32 tháng, đang theo dõi nguy cơ Tự kỷ

Gửi bàigửi bởi phi » T.Năm Tháng 3 08, 2012 10:36 pm

Câu hỏi của bạn rất hay vì nó dính tới nhiều lĩnh vực khác nhau. Vì vậy tôi sẽ trả lời dưới nhiều góc cạnh khác nhau để bạn thấy rõ quan điểm người trả lời nhé.

Đã có và sẽ có rất nhiều cách can thiệp khác nhau được đưa về Việt Nam. Tôi đã thấy điều này xảy ra tại Trung Quốc và Ấn Độ là 2 quốc gia tôi đi công tác thường xuyên. Các phụ huynh tại TQ và Ấn như người đang chìm, ai quẳng phao nào thì họ chụp thôi. Sẽ có phương pháp làm tôi mừng, sẽ có phương pháp làm chị Tường Anh nổi giận. Vậy thì CCM nên làm gì?

Cách CCM làm là nâng cao nhận thức cho phụ huynh, và để phụ huynh tự quyết định. CCM không đối thoại với từng phương pháp hay cá nhân nào, vì làm như vậy vừa mất thì giờ cho chúng tôi, vừa không tích cực, vừa không hợp văn hóa Việt Nam.

Bây giờ tôi đi vào trả lời cụ thể cho bạn. Tôi xin lỗi bạn trước nhé, tôi trả lời "cụ thể" có nghĩa là sẽ hơi thẳng thắn và cộc lốc đó . Và xin cảm ơn bạn rất nhiều đã hỏi các câu hỏi này .

Trong cuốn sách này giải thích về tự kỉ rất cụ thể, dễ hiểu và có vẻ rất thuyết phục, còn đúng hay sai thì em chịu thôi

Tôi cũng chưa đọc nên cũng chịu luôn, không bàn được / no comment.

Người đó giải thích bé học theo cách chụp hình vào não nên chỉ cần 1 tích tắc là chụp xong rồi, bé k tập trung lâu được nên phải nhanh, hình ảnh thay đổi liên tục


Tôi biết nguồn gốc phương pháp đó, nó bắt nguồn từ một nghiên cứu mấy chục năm về trước trong ngành quảng cáo, không liên quan tới giáo dục . Lúc đó, có 1 anh chàng tại Mỹ nói là:

"Tôi có 1 cách quảng cáo rất hữu hiệu, đó là liên tục chiếu các hình ảnh về Cocacola hay 1 sản phẩm nào đó, chiếu xen vào 1 cuốn phim với tốc độ thật nhanh. Nhanh tới độ mắt người thường không nhận ra, nhưng tiềm thức não bộ sẽ thấy . Khi xem cuốn phim được lồng quảng cáo kiểu cực nhanh đó, người xem không biết là mình đang coi quảng cáo . Và sau khi coi phim sau, họ bị tiềm thức họ thúc giục họ đi mua cocacola uống".

Thí nghiệm cho thấy nó hiệu quả, tại những rạp chiếu loại phim này, con số cocacola bán sau giờ tan phim tăng vot. Dĩ nhiên là sau đó người ta khám phá ra anh chàng này trả tiền cho khán giả đi mua cocacola, nói chung anh ta lừa cả đám . Lúc đổ bể ra thì anh ta cũng kịp ôm được 1 số tiền nhờ bán bản quyền "quảng cáo tiềm thức" cho các nhà sản xuất hàng hóa . Giờ nếu bạn hỏi tôi, "Anh Phi ơi, chuyện kỳ cục vậy mà giờ còn xảy ra hay sao", thì tôi sẽ trả lời bạn rằng: "Vâng, nhiều người vẫn còn tin, và website này là một ví dụ http://www.sublimebehavior.com/home.html)


Anh Phi thử tìm hiểu về 1 vị bác sĩ tên G. Doman xem,


Hà hà, ông xxx tuyên bố chữa hết Tự kỷ (coi link viewtopic.php?f=3&t=1121) nhà ở San Jose, gần nhà chị Tường Anh mà tôi còn chưa tới, thì ông G. Doman nào đó tôi sẽ khó có duyên được gặp lắm.

Admin removed this section due to forum protocol

Có một PH từng muốn học lớp đó vì đứa con chậm phát triển của mình, chị ấy đã đi học miễn phí 1 buổi để quyết định xem có nên đóng tiền học tiếp hay k. Sau đó chị ấy hỏi ý kiến của 1 số người (PH đã từng học và đang can thiệp cho con, người có chuyên môn) thì được những câu trả lời khác nhau: người bảo học, người bảo đừng, người bảo có lợi, người bảo hại.


Sao lại có hại? Tôi quan niệm là kiến thức là điều tốt, sàng lọc ra sao là do mình. Tôi có nghe 1 PH nói lại là cô PN đã làm 1 việc tốt, tức là đã làm cho mọi người chú ý tới TK, biết về nó, tranh luận về nó nhiều hơn. Đó là điều rất tốt đó chứ.

Còn mấy bài tập bạn hỏi, tôi cũng biết tại sao người ta làm vậy, xin nợ lúc khác trả lời . Còn tại sao tại VN chúng ta chú trọng nhiều về tập tâm vận động thì tôi vừa mới trả lời cho giáo viên ở Ban Mai cuối tuần rồi, giờ lười đánh lên quá, bạn cho tôi nợ nhé . Cứ mỗi lần có họp cuối tuần, chúng tôi bỏ ra khoảng 1 tiếng để nói chuyện về các đề tài tương tự như cái bạn mới hỏi, nói về tình hình TK tại Mỹ ... cho tất cả mọi người đều tham dự, từ giáo viên, tới quản lý, trợ lý quản lý, nhóm tạp vụ ... Có dịp tôi sẽ bỏ video hay nội dung các bài đó vào diễn đàn cho bạn tham khảo.

Cảm ơn bạn
Phi
Special Ed.
Hình đại diện của thành viên
phi
 
Bài viết: 5627
Ngày tham gia: CN Tháng 2 08, 2009 10:23 am

Trang kế tiếp

Quay về Giới thiệu Thành viên: bé được chữa trị thế nào...

Đang trực tuyến

Đang xem chuyên mục này: Không có thành viên nào trực tuyến.72 khách.

cron