Đồng hồ và thời gian

Đồng hồ và thời gian

Gửi bàigửi bởi phi » T.Năm Tháng 1 11, 2018 3:04 pm

Các bạn học Vật lý chắc còn nhớ định luật về quả lắc: chúng đều lắc qua lắc lại với thời gian như nhau, cho dù có thể nặng nhẹ khác nhau. Một quả lắc nặng 100 kg hay 1 kg thì lắc với thời gian đong đưa (tần số) như nhau cả. Đó là tiền đề cho Galileo và Christiaan Huygens chế ra đồng hồ để đo thời gian.

Đồng hồ để đo thời gian có lẽ là một trong những phát minh quan trọng nhất của nhân loại... Trước khi có đồng hồ, dân xứ lạnh chắc nhìn 4 mùa, đoán được một cái gì đó đã trôi qua (mà sau này mới biết đặt tên nó là "một năm"). Dân xứ nóng không có 4 mùa thì sao nhỉ?

Cuối tháng 12/2017, trong một buổi sáng lạnh lẽo lái xe qua biên giới Đức & Đan Mạch, mình chợt thấy một ngôi nhà nhỏ bán đồ cũ. Đang rảnh mà, thế là tấp xe vào...

clock1.jpg
clock1.jpg (32.7 KiB) Đã xem 541 lần.


Đẩy cửa bước vào, mình thấy một cụ già đang ngủ gật gà trên ghế. "Hello" vài lần cụ cũng chẳng nghe, tới lay lay mới giật mình dạy. Cụ sổ một tràng tiếng Đan mạch (ko phải ĐM nhé), thấy mình không hiểu, cụ chuyển sang tiếng Đức, cũng không hiểu luôn. Thế là mình mới "Jeg taler engelsk" với ông cụ. May quá, cụ nói đc TA.

Ông cụ đẹp lão, ngồi quanh các đồ cổ như Bụt trong cổ tích của Hans Christian Andersen, người viết chuyện Chú linh chì, Cô bé và que diêm, Nàng tiên cá, Hoàng đế ở truồng, Con vịt con xấu xí... mà chúng ta từng một thời say mê trước khi Pokemon và Doremon ra đời. Tượng "Nàng tiên cá" sau này đã trở biểu tượng cho Đan Mạch ở Copenhagen.

https://en.wikipedia.org/wiki/Hans_Chri ... s2tYLwfcV7

https://en.wikipedia.org/wiki/The_Littl ... id_(statue)

Tên ông là Karl, người Đan Mạch, sống ngay vùng biên giới. Ông nhớ như in hồi Đức xâm chiếm ra sao, gây xáo trộn cuộc sống của anh thanh niên Karl đẹp trai như thế nào vào buối sáng ngày 9 tháng 4, 1940. À, "9 tháng 4" cũng là tên bộ phim truyền hình nhiều tập của Đan Mạch, các bạn tìm coi nhé.

Cụ Karl trầm lắng khi hồi tưởng về cái thời loạn lạc đó...

Karl.jpg
Karl.jpg (25.2 KiB) Đã xem 543 lần.


Karl gặp Phi, tám, và Karl bán cho Phi một cái đồng hồ của bạn ông. Người này mất rồi, và vợ nhờ mang ra bán giá ve chai là 60 Danish kroner, khoảng 300,000 VNĐ. Đây là đồng hồ lên giây cót, tiếng kêu êm ái như chuông nhà Thờ. Karl phải loay hoay 10 phút mới tìm ra cái lên giây đồng hồ mà ông bỏ trong một cái ly nào đó.



Đem đồng hồ về Mỹ, vấn đề đầu tiên gặp phải là kim chỉ 5 giờ nhưng đồng hồ đánh 9 tiếng. À, chắc ông cụ kia mở ra sửa gì đó, gắn kim sai vị trí thôi. Mình loay hoay 15 phút thì tìm ra cách tháo kim gắn lại cho đúng vị trí.

Chạy được một tuần thì hết cót. Mình mang ra lên cót thi cót bị tuột, không lên được. Mình cũng đang thắc mắc họ làm sao mà cái đồng hồ tiếng kêu thánh thót như vậy. Vậy thì tháo ra, vừa sửa vừa nghiên cứu vụ âm thanh luôn.

clock2.jpg
clock2.jpg (14.12 KiB) Đã xem 541 lần.


Hóa ra không có gì phức tạp, chỉ là một cái chốt lò xo bị văng ra khỏi vị trí ban đầu. Chịu khó quan sát, hiểu nguyên tắc hoạt động của bộ cót là sửa xong. Nhân tiện tìm hiểu xem đồng hồ do ai làm, thì biết được do ông Franz Hermele, sau này sáng lập ra công ty làm đồng hồ FHS của Đức vào năm 1922. Trải qua 2 cuộc thế chiến, gia đình ông vẫn duy trì được tay nghề, truyền lại cho 4 người con trai.

HermeleFactoryWorkers.jpg
HermeleFactoryWorkers.jpg (124.77 KiB) Đã xem 531 lần.


Giờ là khúc lý thú nhất, thử tìm xem tại sao tiếng kêu nó thánh thót như vậy... Bên trong đồng hồ là 3 gọng đồng, độ dài khác nhau (để tạo âm thanh khác nhau). Khi đồng hồ đánh tiếng "đính đoong" thì "đính" là đánh vào cây số 1, còn "đoong" là đánh vào 2 cây số 2 và 3 cùng một lúc.

clock3.jpg
clock3.jpg (16.95 KiB) Đã xem 536 lần.


À, hóa ra ông Franz sứ dụng hợp âm gì đó. Mang cây guitar ra dò nốt thì biết được "đính" là nốt si, còn "đooong" là 2 nốt mi và son chơi cùng lúc. Đây là 3 nốt của hợp âm Mi thứ (Em). Mi thứ (Em) là hợp âm mang lại cảm giác nhẹ nhàng, còn Son thứ (Gm) mang lại cảm giác buồn nhẹ nhàng. Lý thuyết âm nhạc giải thích như vậy, và người phù thủy âm nhạc của Việt Nam, bác Phạm Duy, rành ba cái vụ này nhất...

Moonlight sonata của Beethoven viết ở gam Đô thăng thứ, nhưng khi chơi bản đó, mình luôn chơi ở gam Mi thứ. Thậm chí khi chơi bài "Tôi đưa em sang sông" của Y Vũ, mình cũng chôm, đưa phần dạo của Moonlight sonata vào. Hóa ra mình luôn thích hợp âm Mi thứ, hợp âm của bài guitar căn bản Spanish Romance mà thuở nhỏ, mình từng bị nhồi sọ rằng "Muốn có bạn gái thì phải biết móc guitar bài Romance."

Giờ thì mình đã hiểu chính mình hơn rồi. Mê gam Mi thứ, hèn gì thích tiếng đồng hồ này. John thì phán một câu: "Tao nhận ra rằng khi tao quên tao là ai, thì tao mới có nhu cầu tìm lại mình. Hôm nay mày hiểu được mày chút rồi đó". Bạn John luôn là người bạn, người anh đáng mến (http://ttnv.org/index.php/services/team ... n-mitchell).

Spanish Romance, viết cung Mi thứ, không ai biết chính xác tác giả là ai, có lẽ là bản nhạc guitar đc thanh niên VN năm "một ngàn chín trăm hồi đó" chơi nhiều nhất.



Lúc ráp lại đồng hồ, chợt nhận ra ông cụ lúc trước tháo ra, gắn vào thiếu một con ốc. Thôi, cứ để như vậy. Bảo tồn tác phẩm của thế hệ trước, dù là lỗi, là một cách tỏ lòng kính trọng, thay vì đi tìm một con ốc lạc loài cho vào, thay đổi lịch sử và sự thật.

Vậy thì giờ đã sửa xong đồng hồ, tìm được xuất xứ của nó, và hiểu được tại sao mình lại thích tiếng chuông Mi thứ của nó như vậy. Tình cờ hôm qua có một sinh viên khiếm thị xin vào thực tập, cô Nhâm, cô Lan phỏng vấn bạn, tìm cách hỗ trợ bạn hiểu về TK, và thuyết phục bạn nên đổi đề tài nghiên cứu ra trường (ĐH Khoa học xã hội Nhân Văn) từ "Trị liệu âm nhạc cho trẻ TK" thành "Làm sao để dạy nhạc cho một bạn TK có NN nói". Mình tin là đề tài đó khoa học, thực tế hơn đề tài ban đầu bạn chọn. Vậy là có một câu chuyện về âm nhạc để chia sẻ với bạn sinh viên đó rồi.

Còn các giáo viên học trò của Thầy ở Nhân Văn, vô tình đọc được bài này, thì xin nhớ rằng "óc tò mò của trẻ thơ + sự yêu thích kiến thức của người lớn + sự thực hành cẩn thận của người giá == tiến bộ trong bất cứ ngành nghề nào". Không phải vô tình mà cụm từ Doctor of Philosophy (tiến sĩ) có chữ "philosophy", tiếng Hy lạp cổ có nghĩa là "love for wisdom." Chứ tiến sĩ không phải là mảnh giấy hay các khóa học cần học cho xong.

Xong. Giờ là lúc pha một ly cafe, ngồi ngắm và lắng nghe tiếng tíc tắc, đợi tiếng đính đong. Chắc đây là cái thiên hạ gọi là mindfulness, ngưởi Đan mạch, một dân tộc hạnh phúc nhất thế giới, gọi là "hyggen"...

clock4.jpg
clock4.jpg (21.87 KiB) Đã xem 554 lần.


Tập sau: tìm hiểu xem cái tượng bà cụ đứng cạnh cái giếng ở hình trên đó là cái gì, ý nghĩa gì. Mua ở châu Âu tiệm đồ cũ nhưng hỏi dân châu Âu thì chưa ai biết. Hiện thời tạm sử dụng như cái đựng iphone. Hay là chạy dây, chế nó thành cái sạc iphone nhỉ?

Karl-and-Phi.jpg
Karl-and-Phi.jpg (19.82 KiB) Đã xem 539 lần.


Cụ Karl sẽ chẳng bao giờ đọc thấy bài này, ông cụ cũng không dùng email, mạng xã hội. Đôi khi có nhứng người bạn gặp và biết rằng chẳng bao giờ gặp lại nữa.

Chúc mừng muộn sinh nhật 25 tuổi của bạn X.
Phi
Special Ed.
Hình đại diện của thành viên
phi
 
Bài viết: 5627
Ngày tham gia: CN Tháng 2 08, 2009 10:23 am

Quay về Thư giãn

Đang trực tuyến

Đang xem chuyên mục này: Không có thành viên nào trực tuyến.3 khách.

cron