Truyện Ehon giúp nuôi dưỡng tâm hồn trẻ thơ

Xin chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm, quan niệm của bạn để mọi người cùng học hỏi, khích lệ và đồng cảm với nhau.

Truyện Ehon giúp nuôi dưỡng tâm hồn trẻ thơ

Gửi bàigửi bởi Nguoimetot » CN Tháng 11 30, 2014 8:34 pm

TRUYỆN EHON- THỨC ĂN "NGON BỔ" CHO TÂM HỒN TRẺ

Có lẽ không có người Nhật nào lớn lên mà kí ức tuổi thơ không đầy ắp những kỉ niệm từ các cuốn truyện thiếu nhi, tiếng Nhật gọi là ehon. Những cuốn truyện thiếu nhi chính là người bạn đầu tiên gắn bó với trẻ từ lúc mới sinh ra, là sách giáo khoa đầu tiên nuôi dưỡng tâm hồn, nhân cách và trí tuệ cho trẻ.

Việc đọc cho con nghe những cuốn truyện có tranh minh họa sinh động đem lại những hiệu quả tuyệt vời trong việc nuôi dạy con cái, đã được kiểm chứng trên cả phương diện khoa học và thực tiễn.

☼ Đọc sách cùng con: tốt cho mẹ lẫn con

Một kết quả nghiên cứu của giáo sư Taira Masato ở trường đại học Y Nha Khoa Tokyo đã chứng mình rằng trong quá trình cha mẹ đọc truyện cho con nghe thì phần não trước của cha mẹ - nơi có chức năng điều khiển cảm xúc, năng lực giao tiếp, tư duy, sáng tạo - hoạt động rất tích cực.

Đối với trẻ, bộ phận “hệ viền” (hệ limbic -limbic system) cũng được kích hoạt mạnh mẽ. Đây là nơi điều khiển ký ức và tạo ra động lực, phát sinh những cảm xúc vui, buồn, hạnh phúc, đau khổ, hay nói cách khác nó chính là trái tim của não. Việc đọc cho trẻ nghe sẽ giúp bộ não được tiếp nhận nhiều kích thích phong phú dẫn đến khả năng biểu cảm của cảm xúc cũng phong phú, khả năng ngôn ngữ cũng phát triển. Nói cách khác, đọc truyện cho con nghe đem lại hiệu quả tích cực đến cả cha mẹ và con.

☼ Thức ăn “ngon bổ” cho tâm hồn trẻ

Bên cạnh những bằng chứng khoa học, còn có không ít bằng chứng về trái tim về hiệu quả của việc cha mẹ đọc sách cho con nghe.
Trẻ sẽ yêu cha mẹ hơn khi được cha mẹ đọc truyên cho nghe. Thời kỳ ấu thơ là giai đoạn quan trọng nuôi dưỡng trí tuệ và cảm xúc. Từ o đến 3 tuổi, bộ não của trẻ đang hình thành những bản đồ nhận thức, vì thế giọng nói của cha mẹ, cách trò chuyện của cha mẹ sẽ được trẻ lưu nhớ dần dần vào trong não, khi đã lí giải đầy đủ rồi trẻ sẽ biểu hiện nó ra ngoài. Càng được nghe giọng của cha mẹ nhiều, ấn tượng trong não trẻ càng lớn, sợ dây liên kết giữa cha mẹ và con cái càng bền chặt hơn. Con cũng “đọc” được tình yêu thương mà cha mẹ dành cho mình thông qua việc cha mẹ đọc sách cho con nghe.

☼ Ngoài ra, truyện thiếu nhi “ehon” chính là “thực phẩm của tâm hồn”.

Truyện dành cho trẻ em sử dụng những ngôn từ phong phú nhưng dễ hiểu vì có kèm theo tranh vẽ sinh động đầy hấp dẫn để diễn đạt những nội dung về đạo đức, tri thức, nên rất dễ đi vào lòng trẻ. Thông qua những bài học đó ehon cũng sẽ giúp nuôi dưỡng tâm hồn và trí tưởng tượng cho trẻ. Nếu càng cho trẻ tiếp xúc với nhiều nội dung phong phú thì trí tưởng tượng của trẻ sẽ càng bay cao.

Những kinh nghiệm trẻ gặp khi còn nhỏ khi được khám phá thế giới qua những câu chuyện kể sẽ có ảnh hưởng sâu sắc đến việc hình thành nhân cách của trẻ sau này, làm cho tâm hồn trẻ thêm phong phú để tưởng tượng về thế giới tương lai mà trẻ chưa được tiếp xúc.
Khi trẻ bày tỏ rằng mình muốn cha mẹ đọc cho nghe cái gì, cha mẹ có cơ hội để hiểu về những gì con mình đang có hứng thú, từ đó định hướng cho con.

Những câu chuyện ấy cũng giúp cha mẹ nhớ lại hồi tưởng lại tuổi thơ, làm dịu đi căng thẳng sau một ngày mệt mỏi.

Nguồn tham khảo: Dịch giả Nguyễn Thị Thu
Nguoimetot
 
Bài viết: 3
Ngày tham gia: CN Tháng 11 30, 2014 8:25 pm

"BÀN TAY KỲ DIỆU CỦA SACHI" MỘT CÂU CHUYỆN CẢM ĐỘNG

Gửi bàigửi bởi Nguoimetot » CN Tháng 11 30, 2014 8:35 pm

BÀN TAY KỲ DIỆU CỦA SACHI - TRUYỆN EHON NHẬT BẢN THẤM ĐẪM TÍNH NHÂN VĂN.

Bàn tay kì diệu của Sachi là cuốn Ehon Nhật Bản mà khi đọc xong nó, người lớn sẽ thấy có bao điều phải suy ngẫm, còn trẻ nhỏ sẽ học được rất nhiều điều. Gấp trang truyện cuối cùng lại hình ảnh in sâu vào tâm trí người đọc là cô bé Sachi trong sáng, hồn nhiên, nhưng cũng rất dễ xúc động, tổn thương.

Sachi rất thích chơi trò “Đồ hàng” và thích được đóng vai mẹ ở nhà trẻ. Làm mẹ để được nấu cơm cho mọi người, để được cho em bé uống sữa, để được nghiêm giọng mắng yêu “Kìa! Không được làm đổ cơm!”. Nhưng ước mong nhỏ nhoi ấy của em lại chẳng có cơ hội được thành sự thực, em chỉ được đóng vai em gái nhỏ hoặc em bé mà thôi. Sachi thèm được đóng vai “mẹ” lắm. Nhưng cô bạn Mari lại nói “Sachi không thể làm mẹ được! Mẹ mà không có tay thì lạ lắm!”. Có thật thế không? Nếu thật như vậy thì thế nào? Những câu hỏi ấy cứ bám lấy em suốt mấy ngày liền. Sachi cũng chẳng buồn đến lớp nữa, suốt mấy hôm em lủi thủi chơi với bạn gấu bông mà em yêu nhất ở ngoài vườn. Ai hỏi em cũng chỉ bảo “Cứ để mặc con”. Mẹ đã nói, bàn tay phải của em mãi mãi chỉ có vậy, các ngón tay đẹp xinh sẽ không bao giờ mọc lên được nữa, cho dù hiện tại hay mai sau. Sachi sợ nếu ngón tay không mọc lên, em sẽ không được làm mẹ.
Rồi, cũng đến ngày mẹ sinh em bé, trên đường về nhà sau khi cùng bố vào viện thăm mẹ và em Sachi đã dũng cảm hỏi bố về việc đó. Và thật bất ngờ, bố đã nói “Không những làm được, mà Sachi có thể trở thành một người mẹ tuyệt vời nữa. Một người mẹ không chịu thua bất cứ ai!”. Bố còn nói, bàn tay em là một bàn tay kì diệu, như có sức mạnh truyền sang bố khi hai bố con nắm tay nhau cùng đi. Và hàng loạt những niềm vui đã đến, Sachi đã vui vẻ và trở lại trường với các bạn thân yêu.

Câu chuyện chỉ có vậy, nhưng những điều mà tác giả muốn gửi đến độc giả thì rất nhiều.

Đó là bài học giao tiếp giữa cha mẹ và con.

Cách mẹ nói thật, dù mẹ rất đau lòng và không nỡ, nhưng mẹ muốn Sachi nhìn thẳng vào sự thật và dũng cảm đối mặt với sự thật ấy. Chứ không phải cách nói dối “Không sao, nó sẽ mọc lại ngay thôi” hoặc “Các bạn hư, toàn nói sai hết, ngón tay sẽ mọc lại nếu con ngoan và không khóc nữa” như vô vàn mẹ đã làm trong các tình huống tương tự. Dù nói thật, nhưng mẹ không quên an ủi và nhắc để Sachi nhớ rằng - Dù bàn tay Sachi có thế nào thì mẹ vẫn luôn yêu thương Sachi. Tại sao mẹ lại không nói dối? Nói dối có thể khiến Sachi hết buồn ngay, nhưng lại khiến Sachi mất lòng tin vào mẹ, nếu một ngày nào đó em nhận ra. Và hơn hết, em sẽ không biết chấp nhận và trân trọng với những gì mình có. Đấy mới là điều mẹ muốn Sachi hiểu.

Cách bố đặt niềm tin mãnh liệt vào Sachi để em thấy bên em luôn có người thân hậu thuẫn. Chính bố đã giải tỏa mọi khúc mắc trong lòng em để em có niềm tin vào chính mình và vui vẻ đón nhận sự thật buồn thương ấy. Thực ra, bản thân Sachi không thấy tay phải không có ngón tay là một điều tồi tệ, nếu các bạn không nói, không thể làm mẹ, làm mẹ mà không có ngón tay thì kì lắm. Nếu chỉ vì vậy mà không thể làm mẹ mới là điều tồi tệ nhất với Sachi. Cho nên, bố đã rất khéo léo khi giúp Sachi có thêm động lực và lấy lại niềm tin vào chính bản thân mình, và hiểu được rằng: Dù có khiếm khuyết thì vẫn có thể làm tốt một vai trò làm mẹ!

Đó là bài học chung sống và sẻ chia với mọi người.

Mọi thứ phải công bằng, hôm qua đến lượt bạn làm mẹ, thì hôm nay phải đến lượt tớ, không thể có ngoại lệ, nếu không sẽ phá vỡ mọi thế cân bằng. Đồng thời, khi có chuyện xảy ra, thì hãy tôn trọng trẻ, hãy để trẻ có những phút giây lặng lẽ để cân bằng nội tâm. Chính việc mẹ và cô chỉ hỏi và để yên kệ Sachi một mình đã làm tâm hồn em êm dịu trở lại. Và chính nhờ tấm lòng chân thành của cô và các bạn, tình yêu của gia đình đã giúp Sachi tự tin vững bước.

Có thể mỗi bậc phụ huynh, mỗi em nhỏ khi đọc cuốn Ehon Nhật Bản này xong lại có một cảm nhận. Nhưng dù là cảm nhận gì thì đây thực sự là một cuốn truyện hay, thấm đẫm chất tình trong từng câu chữ, giúp tâm hồn trẻ biết cách chung sống và đồng cảm với nỗi đau của người khác; biết yêu và trân quý những gì thuộc về chính mình.
Nguoimetot
 
Bài viết: 3
Ngày tham gia: CN Tháng 11 30, 2014 8:25 pm


Quay về Chia sẻ kinh nghiệm dạy dỗ, điều trị cho bé...

Đang trực tuyến

Đang xem chuyên mục này: Không có thành viên nào trực tuyến.23 khách.

cron